Ở Đâu - Làm Gì

Đi xem RESTART (phần 2) 09. 10. 10 - 12:22 am

B&G

(tiếp theo phần 1)

 

Nằm tùm hum một góc phòng là tác phẩm Mong ngày ra viện của Nguyễn Hồng Sơn: vải xô trắng, lù lù trong màn, phủ đầy vải trắng là một cái máy in.

 

“Tôi đã có những ngày tháng chờ đợi, khi cái chết (máy in) cá nhân của mình phải nhập viện – xưởng cơ khí, bệnh viện phục chế và tạo dựng máy in. Giờ tôi đã qua những tháng thương tích, đang mong…!” Nguyễn Hồng Sơn viết về tác phẩm.

 

Thực sự là bất ngờ. Chiếc giường – bệnh viện làm căn phòng sinh động lên. Nhìn rất đã mắt với màu trắng toát kéo từ trần xuống. Cái máy trong màn cho cảm giác một vật sống đang “sống” trong đó. Chẳng phải chúng ta đều là những cái máy in sao? In những thứ được dạy, có những thứ thì hiểu, có những thứ không hiểu vẫn in như vẹt…

 

Ở một góc khác, mọi người chăm chú xem một tác phẩm, càng khó nhìn ra với mắt người lớn tuổi…

 

Xướng Hình của Nguyễn Hồng Phương bằng mica trong suốt… đẹp và vui vui, nhưng làm B&G nhớ đến triển lãm Ếch thủy tinh từng đăng trên SOI, cũng bằng mica nhưng dụng công hơn.

 

Cuối cùng là tác phẩm “Thay đổi” của Phạm Tuấn Tú : gồm 4 bức ảnh chụp lại từ hai tác phẩm sắp đặt. Hai ma-nơ-canh đen và trắng (trước ngày khai mạc) được treo lên, chụp ảnh lại. Rồi cũng trước giờ khai mạc tháo dỡ đi, chỉ còn ảnh treo lên.

 

Dưới một bức là dòng chữ: “Tác phẩm tháo dỡ mang tên ‘Chim khôn đã phải cầm lồng’, sự giam cầm không chỉ thể xác mà cả tinh thần, cũng coi như chết. Tôi nhờ những hình ảnh này ghi lại sự có mặt của tác phẩm sắp đặt. Cũng như tấm ảnh ghi lại sự hiện diện của nhiều thân phận từng sống trên cõi đời.”

 

Dưới một bức nữa là dòng chữ: “Tác phẩm được sắp đặt hoàn chỉnh trong không gian nhà triển lãm và được tháo dỡ trước giờ khai mạc. Thế vào đây là những di ảnh này.”

 

Và trong lòng B&G trào lên một cảm giác, muốn nói ra nhưng sợ bị đấm quá là nên chăng các nghệ sĩ ta ở giai đoạn sơ khai này hẵng tập trung nhiều hơn cho ý tưởng làm sao để đẹp đi (chứ không phải ý tưởng nhân sinh quan thế giới quan nhá), để cái đẹp nó áp đảo phần thị giác trước đã, cho cái não tắt luôn trước cái đẹp, cứ thấy đẹp là ngợp rồi… Chứ cứ phải gánh theo ý nghĩa, các tác phẩm như ông hai vợ gồng gánh quá nhiều trách nhiệm nên khó đẹp hết cỡ nổi, thực là phí quá.

 

Sau đó mọi người ra chè chén, không khí vui vẻ, thân mật. Một tối mùa thu của những người bạn. B&G cũng uống bia free, chuếnh choàng nhìn vào phòng triển lãm, mong rằng sẽ có nhiều người đến xem và có những tưởng tượng của riêng mình. Cảm ơn các tác giả!

 

*

Bài liên quan:

– Restart: Một rừng ý nghĩa
Đi xem RESTART (phần 1, có bổ sung)
– Đi xem RESTART (phần 2)

– Trở lại Restart, sau 3 ngày

Ý kiến - Thảo luận

2:01 Saturday,9.10.2010 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Không hiểu sao tớ rất hí hửng với triển lãm này, có lẽ là vì tác giả toàn bạn bè với tớ. Bây giờ xin bạn Nguyễn Hồng Phương cho đôi lời với bà con cô bác về tác phẩm Xướng Hình đi. Tác phẩm của bạn tớ thấy đẹp nhưng ngoài ra thì tớ không hiểu gì cả. Tớ có đọc thông cáo trong đó bạn Phương nói muốn đặt lại vấn đề về ngôn ngữ...
...xem tiếp
2:01 Saturday,9.10.2010 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Không hiểu sao tớ rất hí hửng với triển lãm này, có lẽ là vì tác giả toàn bạn bè với tớ. Bây giờ xin bạn Nguyễn Hồng Phương cho đôi lời với bà con cô bác về tác phẩm Xướng Hình đi. Tác phẩm của bạn tớ thấy đẹp nhưng ngoài ra thì tớ không hiểu gì cả. Tớ có đọc thông cáo trong đó bạn Phương nói muốn đặt lại vấn đề về ngôn ngữ... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả