|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnhNếu “Cha và con” về tay không… 16. 02. 15 - 4:37 pmLê Hồng LâmBài review ngắn (và vội) của Lê Hồng Lâm, Trưởng ban biên tập tạp chí Thể Thao Văn Hóa Đàn Ông sau buổi công chiếu Cha, Con và… tại Berlinale Ở bộ phim thứ hai này, Phan Đăng Di một lần nữa quyết liệt từ chối cách kể một bộ phim theo cách truyền thống. Như Trần Anh Hùng từng nói, đại loại, câu chuyện chỉ là rác, bất cứ một đứa trẻ nào cũng có thể kể một câu chuyện có đầu có cuối. Vậy thì với những đạo diễn đã chán ngấy cách kể chuyện có đầu có cuối truyền thống, Di chắc chắn là một trong những đại diện tiêu biểu nhất. Không chỉ câu chuyện, Di cũng khước từ cách xây dựng nhân vật truyền thống. Những nhân vật của Di như những cá thể trôi dạt vô định trong thế giới của họ, rất khó nắm bắt được những hành động – đa phần là bột phát và hoàn toàn theo trực giác của họ. Nhân vật của Di vì thế rất khó để gây ấn tượng mạnh với người xem, nhưng cũng vì thế mà cũng thoát khỏi tất cả các khuôn mẫu mà người xem có thể hình dung trước. Cha và con, và… tiếp tục chủ đề về thế giới của những người đàn ông sau Bi, đừng sợ. Nếu Bi là thế giới rệu rã và thoái hóa của những gã đàn ông trưởng thành thì Cha và con, và… là thế giới bản năng và vô minh của những thằng đàn ông mới lớn. Một thế giới của những con đực hành động theo bản năng và bị cuốn trôi trong dòng chảy vô định của Sài Gòn những năm 90-2000. Thế giới của Cha và con, và… là thế giới của vỉa hè, của đường phố, của một vùng làng quê biệt lập trên sông nước. Những thằng con trai không nghề nghiệp ổn định, những đứa trẻ khạc lửa nuốt rắn bán vé số dạo ở những quán nhậu… Bối cảnh xã hội của một thời chưa xa ấy là cái nền cho những cuộc sống bấp bênh vô định và những hành động bột phát u minh của các nhân vật. Một thằng con trai làm công nhân mới ngoài 20 tuổi khai man mình 25 tuổi và đã có 2 con để thắt ống dẫn tinh theo chính sách kế hoạch hóa gia đình để kiếm vài trăm bạc cộng thêm tiền dành dụm để mua chiếc điện thoại Nokia cũ tặng bạn gái để lấy le với chúng bạn, bù lại mỗi tối nó cho phang vài phát. Một chi tiết có thật được lấy chất liệu từ báo chí là một minh chứng rõ nhất cho sự vô minh của những thằng con trai mới lớn được tái hiện rất khéo trong phim như mở đầu cho một chuỗi những hành động vô minh của các nhân vật khác. (Nhân vật này cũng phần nào gợi nhớ đến truyện ngắn Làng quê thì mênh mông của Ngô Phan Lưu, trong đó có một thằng con trai cầu tự cũng khai man thắt ống dẫn tinh để kiếm 200 ngàn cho một độ nhậu.) Trong thế giới vô minh của những thằng con trai mới lớn, của những độ nhậu triền miên, của những cảnh bạo lực băng đảng đường phố, của ma túy, gái nhảy và cả mãi dâm nam, Vũ (Lê Công Hoàng), cậu sinh viên mới lớn đang học để ước muốn trở thành nhiếp ảnh gia như là hiện thân của những gì trong sáng nhất. Nhân vật mà Di từng chia sẻ trong bài viết giới thiệu về Lê Công Hoàng là được anh lấy cảm hứng từ nhân vật Alilosa trong Anh em nhà Karamazov của Dostoievsky – một nhân vật thánh thiện “còn sót lại trong thời đại chúng ta” như Dos từng nói. Vũ ở cùng nhà với Thăng (Trương Thế Vinh) – một tay buôn ma túy lẻ, sống hoàn toàn bản năng với dáng vẻ của một tay đàn anh đẹp mã. Thăng giới thiệu Vũ với Vân ( Đỗ Thị Hải Yến), một cô diễn viên múa ballet hành thêm nghề gái nhảy ở bar vào buổi tối và thi thoảng đi khách nước ngoài. Mối quan hệ tình cảm giữa ba bọn họ khá mơ hồ. Vũ có tình cảm với Thăng nhưng không dám thể hiện. Cậu ta chỉ dám hành động theo bản năng và dục vọng mỗi khi say rượu, và sau đó tỉnh dậy thì “thấy coi khinh bản thân mình khủng khiếp” như cách Vũ chia sẻ với Vân. Nhưng rồi cuối cùng liệu Vũ có thoát ra khỏi được thế giới u minh bao vây lấy cậu? Trong một trận thanh trừng băng nhóm đường phố ở Sài Gòn, Vũ dắt cả đám bạn dạt về quê, một cái nhà nổi trên thuyền ở một vùng sông nước miền Tây. Và ở đây, cha của Vũ phát hiện ra bí mật giới tính của cậu con trai và nhờ một cô gái làng chuốc rượu say và “biến nó thành đàn ông”. Cách xử lý những cảnh quay này ở một khu rừng đước ngập mặn có lẽ là những thước phim điện ảnh đẹp nhất mà mình từng xem. Những cảnh toàn về rừng đước và con thuyền nhỏ chồng chềnh trôi vô định trong đêm đem đến những cảm giác hoang dã và bí ẩn nhưng cũng đầy chất thơ. Những hành xử của nhân vật trong một chuỗi các hành động bản năng của họ cũng đem đến những ấn tượng khác biệt. Ở những cảnh phim này, Di đã đem đến những hình ảnh mà như Trần Anh Hùng từng nói “tạo ra được những tiếng vang và vọng” về mặt hình ảnh. Người xem có thể thích hoặc không thích bộ phim này, nhưng mình tin rằng có những hình ảnh trong bộ phim sẽ nằm lại rất lâu trong trí nhớ, như cảnh hai cá thể vật lộn làm tình trong đống bùn nhão nhoét; như những thằng con trai mới lớn cởi trần nằm ngồi ngổn ngang trên thuyền… Đó là những hình ảnh gợi sự liên tưởng đến bản năng nguyên thủy và giàu chất thơ nhất về thế giới của những gã đàn ông mới lớn… Chỉ còn một tiếng nữa (*) sẽ diễn ra lễ trao giải Gấu vàng. Nếu Ban giám khảo năm nay đề cao ngôn ngữ điện ảnh và tôn vinh những tìm tòi mới về nghệ thuật kể chuyện, mình tin Cha và con, và… sẽ có giải. Và có lẽ giải đẹp nhất là Giải đặc biệt của Ban giám khảo hoặc giải về Quay phim chẳng hạn. Nhưng cũng sẽ không bất ngờ nếu bộ phim ra về tay không. Sự có mặt của Cha và con, và… tại Berlinale lần này đã là một niềm vinh dự lớn của điện ảnh Việt Nam. * (*): Bài viết được viết vào ngày 13. 2. 2015 Ý kiến - Thảo luận
15:52
Thursday,26.2.2015
Đăng bởi:
admin
15:52
Thursday,26.2.2015
Đăng bởi:
admin
Chưa Trung ạ.
14:49
Thursday,26.2.2015
Đăng bởi:
Trung
Thế film này đã chiếu chưa thế soi ơi?
...xem tiếp
14:49
Thursday,26.2.2015
Đăng bởi:
Trung
Thế film này đã chiếu chưa thế soi ơi?
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp