Soi học

Sử-Địa dễ thuộc: Đoàn nữ binh Dahomey mang logo Lacoste 08. 02. 23 - 2:48 pm

Sáng Ánh

1.

Vương quốc Dahomey vào lúc lớn nhất với thủ đô Abomey, bên cạnh là Cotonou – một thành phố thuộc tiểu quốc Porto Novo dưới bảo hộ của Pháp. Năm 1889, Porto Novo đánh nhau với Dahomeym. Thái tử Porto Novo dẫn 5000 quân và chết trận. Hình ở trang này

Ngày 21 tháng 2 1889 tại Cotonou (Benin ở Tây Phi ngày nay) quân thuộc địa Pháp thổi kèn xung trận. Lực lượng viễn chinh này hôm đó gồm 359 người trong đó hơn nửa (299) là lính Phi châu đơn vị thuộc địa gọi là “Xạ thủ Sénégal” (Tirailleurs Sénégalais) của Pháp. Đối diện họ là quân của vương quốc độc lập Dahomey đang gây hấn với Porto Novo là tiểu quốc láng giềng đang được Pháp bảo hộ.

Trong lúc xáp lá cà, một lính Dahomey mất vũ khí và chỉ còn tay không nhảy đến chụp lấy cổ một binh sĩ châu Phi của Pháp mà cắn nhưng bị giết chết. Sau 4 giờ giao chiến quân Dahomey rút đi mang theo một số (lớn) xác không rõ. Số xác họ bỏ lại tại tuyến phòng thủ Pháp là 127 trong khi phía Pháp có 8 chết và 26 bị thương.

Dahomey là một vương quốc 300.000 dân và lực lượng quân đội lên đến 10.000-15.000 người. Họ chỉ có bộ binh vũ trang bằng mã tấu hay đoản đao và súng dài hỏa mai. Đây là loại súng nạp đạn đằng nòng bắn từng viên một và vì nòng nhẵn và không có xoáy nên không chính xác ở độ ngoài 100 mét. Súng này buôn của Âu châu nên vấn đề là đạn bi và thuốc nhồi nhập thất thường từ nguồn này nguồn nọ, chất lượng cũng kém hay không phù hợp (kiểu đạn nhỏ nhồi nòng lớn) nên sát hại ở mức 30 mét là hay rồi.

Việc huấn luyện tác xạ cũng quan trọng: nếu một xạ thủ Tây phương có thể nạp đạn mới trong 30 giây thì một xạ thủ Phi châu mất gấp 3 lần. Quân đội Tây phương thủa dùng súng này có thao tác kỹ lưỡng để tập trung hỏa lực. Các xạ thủ hàng đứng hàng quỳ; hàng đứng nhắm bắn, hàng quỳ nạp đạn. Hàng đứng bắn xong quỳ xuống nạp đạn, hàng quỳ đứng dậy bắn. Họ như vậy nổ súng tại chỗ hay tiến lui theo lệnh nhịp nhàng, mỗi lượt nổ súng là loạt 10 hay vài chục.

Quân châu Phi thì cầm súng ngang hông bắn cá nhân và không nhắm như là trong phim hành động Mỹ! Tại trận này quân Pháp lại mới được phát súng dài Lebel 1886 tức là súng bắn 8 viên đạn nạp sẵn chứ không phải đạn nhồi nòng từng viên. Lebel là nòng xoáy và độ chính xác là 800 mét, sức tàn phá mạnh hơn hỏa mai và xuyên qua chướng ngại hay cái khiên, cây chuối. Sốc khi trúng đạn cũng mạnh hơn và ngã ngửa bất tỉnh chứ không có gượng cười ôm bụng nhớ nốt người yêu như là khi trúng đạn hỏa mai.

Loại súng Lebel 1886, ảnh từ trang này 

2.

Quân Dahomey nổi tiếng là hung dữ và chiến thuật của họ là dàn hàng tiến thẳng, mày bắn gì kệ mày còn tao cứ xông lên. Pháp lại còn có 4 thần công bắn đạn chài cho nên các đợt tấn công như vậy bị đảy lui liên tiếp và tuy số quân nhiều nhưng Dahomey không tràn ngập được vị trí Pháp. Trong khi Dahomey bắn một viên đạn là hết và nhào đến được gần vung dao đánh nhầu túi bụi thì họ lại gặp một vũ khí mới và một chiến thuật mới là cận chiến lưỡi lê. Súng Lebel dài 1m30 có một lê lưỡi dài 50 cm gắn ở đầu tức là trở thành một cái giáo dài 1m 80. Quân Dahomey cầm mã tấu 50cm với không tới địch, mới hua tay không khí thì đã bị lê xiên dù anh dũng cách nào thì cũng chết! Mà anh dũng thì quân Dahomey có thật: người lính tay không dùng răng cắn cổ địch khi lật xác lên là một thiếu nữ Dahomey. Trong số 127 xác quân địch ở trên, kể cả cô này, thì có 7 xác là lính nữ.

Súng dài hỏa mai của của quân Dahomey. Nữ binh bên phải cầm súng dài còn hai cô bên trái cầm đoản đao. Hình từ trang này 

Tác giả Bayol (Công sứ Pháp tại Porto Novo) ướt át tả một nữ chiến binh bị giết trong trận này như sau : “Cô nằm ngửa, hai tay dang rộng. Cô đội một chiếc mũ lưỡi trai màu trắng, chiếc váy bó sát bên ngoài chiếc quần đùi đỏ tươi, và chiếc áo vét hoa hở một phần để lộ hình dáng chớm nở và chưa bị dày vò của một sử nữ Dahomey. Tay phải của cô ấy nắm chặt nòng súng trường cẩn vỏ sò, trong khi cổ tay trái của cô cầm một con dao phay có lưỡi cong được chạm khắc biểu tượng tôn giáo”.

Tranh minh hoạn có thể về sự cố vào năm 1889 khi một người da đen Pháp bị nữ binh Dahomey chặt đầu. Cô này sau chết trận và được công sứ Bayol nhận ra và tả xác cô ở trên. Phù hiệu cá sấu “Lacoste” ở đây thấy rõ. Đây chỉ nói đùa và tình cờ trùng hợp, nhà quần vợt Lacoste được quần chúng Pháp gán cho danh hiệu “cá sấu” vì trên sân ông không chịu nhả một trái banh nào.

Nữ quân nhân đây kia này nọ trong lịch sử thì cũng có, nhưng hiếm thấy là khi họ được tổ chức một cách qui mô. Đây là trường hợp duy nhất được ghi nhận ngoài huyền thoại các “Amazons” thời thượng cổ với một bên ngực phải cắt đi để dễ bắn cung (!) Mãi đến thế kỷ 21 tại Syria mới có nữ binh ở một mức độ qui mô như vậy với 40% là kháng chiến quân người Kurd. Khi đi sứ Dahomey năm 1864, Richard Burton (Anh quốc) đã đếm được 2.500 nữ binh thuộc 5 binh chủng khác nhau diễn hành, như “thợ săn voi” (đặc công trinh sát), “võ khí nặng” (thần công pháo hiệu), “cung thủ” … Trừ các em mang đạn và mang cờ quạt khoảng 1/3 v.v. thì còn 1.700 lính nữ tác chiến, được chỉ huy bởi các nữ sĩ quan (42 người) đeo phù hiệu “đại úy” và “đại tá”. Nhiều người viết khác cũng vào thời điểm đó, cho rằng con số đoàn nữ binh Dahomey lên đến 5.000 hay 6.000 quân nhân. Năm 1889 khi chiến tranh với Pháp, con số này có thể như vậy và chiếm 1/3 quân đội Dahomey. Có người viết còn bảo đó là số vợ của nhà vua cho nó giật gân độc giả Tây phương (“Trời, 2.000 vợ mà không cô nào trắng!”), tuy người địa phương gọi đạo nữ binh là quân “mẹ” (Mino).

Vua Behanzin năm 1892 theo một báo Pháp thời đó. Hình từ trang này 

3.

Dahomey là một tiểu quốc dân tộc Fon tuy có một thời gian dài lệ thuộc đế quốc Oyo nhưng rất hiếu chiến và rất thiện chiến nên được ví là “Thành Sparta (Hy lạp) đen”. Họ liên tục tìm cách bành trướng lãnh thổ và chiến tranh triền miên để bắt tù binh địch buôn thành nô lệ. Khi thiếu lính nam vào thế kỷ 17, vua Houegbadja bèn mộ lính nữ và sau đó con gái ông là nữ vương Hangbe là người xây dựng đội nữ binh ngự lâm của bà khoảng 600 người. Họ đồn trú trong hoàng thành và được tuyển từ khi còn bé 8 hay 10 tuổi để tập luyện. Sau này các thiếu nữ cứng đầu không nghe lời cha mẹ, các cô khó tánh hay gây sự trong làng hay các bà vợ đánh chồng bằng củi tạ đều được mộ để tập tành kỷ luật.

Đây là một đơn vị tinh binh chứ không phải dỏm, em đẹp nên em có quyền (cầm dao). Các nước Phi châu láng giềng đều biết tiếng nữ binh này. Có lúc họ được dùng là lực lượng đầu xung kích, khách Tây phương từng thấy họ tập trận vượt qua tường thành bảo vệ bằng gai nhọn nhanh chóng. Có lúc họ là lực lượng giữ tuyến cuối cùng để chốt các nam binh vỡ trận bỏ chạy. Nhưng phải đến chiến tranh với Pháp mới để lại những bản tường thuật quân sự chính xác của các lần đụng độ là 23 trận.

Năm 2015 nữ nghệ sĩ đường phố YZ tại Sénégal dùng các ảnh lớn để nhắc lại các nữ binh một thời này. Hình từ trang này

Cuối thế kỷ 19 Dahomey đã có nhiều thị trấn, với thủ đô (Abomey) 20.000 dân cư và một cảng lớn (Whydah) 10.000 người. Đây không phải là châu Phi như ta định kiến, lông lá cởi truồng tay cầm quả chuối vũ tập thể như ta hay tưởng tượng. Họ có áo có quần, và mỗi binh chủng, mỗi đạo quân đều có quân phục riêng biệt ngăn nắp cũng như cờ xí và huy hiệu. Chaudoin là nhân viên hãng buôn Fabre tại Whydah (1890) cẩn thận báo cho độc giả là người da đen kín đáo và còn che đậy e thẹn hơn người da trắng nhưng cái lãnh vực che giấu của họ nó bé hơn thôi (đây nói về phụ nữ, không nói về đàn ông Phi châu)! Ngực phụ nữ không thuộc vào lãnh vực phải che giấu đó. Phụ nữ ở Whydah khi gặp người trên thì hạ áo che ngực xuống để cho thấy vú như người Nhật cúi chào hay như người Tây ngả mũ ra vậy. Khi vào cơ quan công quyền hay các hiệu buôn Tây phương họ tự động hạ áo xuống! Ngực trần của phụ nữ trong văn hóa Dahomey là một cử chỉ lễ độ. Tại các nơi này họ kéo xuống để ngực trần, và ra tới ngoài đường mới kéo lên che lại. Nói cách khác, phụ nữ vào nơi công quyền hay vào cửa hiệu mà che ngực là nghênh ngang như Tây vào nhà mà không cởi nón hay Nhật vào nhà mà không cởi dép.

Nữ cũng như nam, binh Dahomey có áo trên, một thứ váy quấn ngoài cái quần ngắn đến ngang gối. Dưới quần ngắn này thì họ không mang quần lót “như các cô bà chúng ta ở Paris” mà là một tấm vải theo Chaudoin tả. Nam Dahomey đóng khố thế nào thì Chaudoin không tả nên ta không biết. Phần nữ thì khi lên 9 hay 10, các em gái Dahomey đều có có một cái dây lưng làm bằng vỏ sò, hay bi ve, hay ngọc trai, vàng bạc gì gì, tùy khả năng tài chánh. Số thắt lưng này có thể lên đến 8 vòng trên eo 56cm như của Ngọc Trinh. Nhưng dây lưng đó còn dùng để làm nội y : Phụ nữ dùng một miếng vải cột vào dây lưng và nối mặt trước với mặt sau như là quần tắm “thong” Brazil ngày nay!

4.

Sau khi ngưng bắn vào năm 1889, Pháp đổ quân sang 1892 để xâm chiếm Dahomey. Lần này họ có 2.164 lính Pháp (trong đó có 930 quân thuộc địa da đen châu Phi) cộng với 2.600 dân quân da đen địa phương của Porto Novo bảo hộ. Số còn lại là Thủy quân Lục chiến Pháp có tàu chiến yểm trợ và Lê Dương rầm rộ. Theo tất cả những người viết Pháp thuật lại, tức sĩ quan Pháp lâm trận và chứng kiến tận mắt, thì kỷ luật và dũng cảm nhất trong các đạo quân Dahomey là các đơn vị nữ binh. Họ bất chấp thiệt hại và đánh tới tấp dưới mưa đạn của địch, xếp hàng trước súng thần công bắn đạn chài để xung phong. Nhưng hỏa lực từ xa thì kém như đã nói, và khi cận chiến sát thương cao nhất là do chiến thuật lưỡi lê của Pháp gây nên.

Ngày 6 tháng 10 1892 tại trận Adegon, quân Pháp tử thương có 6 người. Dahomey để lại 80 xác lính nam và 417 xác lính nữ. Trên số 434 nữ binh Dahomey lâm trận chỉ có 17 người sống sót! Nếu là hiệp sĩ Phù tang thì đã có thơ là sakura hoa đào trước gió này kia rối mẹt cả lên. Nếu là kiếm sĩ nhà Yên thì đã có đàn hát “Hồ Nokoué nước lạnh hề, vén váy ra đi chẳng trở về”! Nếu nói chuyện anh hùng (hay anh thư) chủ nghĩa thì nữ binh Dahomey không thua ai hết.

Vào một bận khác, tướng Dodds tư lịnh quân Pháp bị vây tại ngay lều của ông trong doanh trại và được giải cứu kịp. Một số binh sĩ và sĩ quan da trắng Pháp có lẽ sống sót nhờ lịnh bắt sống họ chứ không giết để làm áp lực thương thuyết. Tướng Dodds, nói qua là người lai da đen ¼, và lúc trẻ từng phục vụ tại Nam kỳ cũng như Bắc kỳ của nước ta. Sau Dahomey ông trở về Việt Nam làm tư lịnh quân thuộc địa Đông Dương. Tại trận Poguessa Pháp thiệt hại 42 người và Dahomey để lại 200 xác nam và 30 xác nữ. Một lính Pháp bị một nữ binh Dahomey cắn đứt mũi trước khi cô bị giết. Thiếu tá Passaga (về sau trung tướng tư lịnh quân đoàn 32 Pháp năm 1917) được ghi nhận là đích thân tụt quần nhiều xác nữ địch, chí ít là 3 người, để kiểm tra giới tính. Các nữ binh Dahomey mặc áo bó ngực và trang phục như lính nam nên có khi khó phân biệt. Nhưng ở đời làm gì rồi ai cũng biết, và Passaga “tụt quần xác địch” còn để tên cho người đọc của Soi ở đây 130 năm về sau.

Ảnh chụp một nữ binh “thật” của thời đó. Hình từ trang này 

Đến 1894 thì vua Behanzin bỏ thủ đô và chỉ còn 1.500 quân tức là mất 9 còn 1 nên phải ra hàng. Ông bị Pháp đưa đi đày vùng Caríb nhưng cả gia đình ông không ai chịu nhận chức vương của Pháp phong cho khiến họ phải lôi đâu ra một bà con xa trước làm tham mưu trưởng quân đội. Vị này năm 1900 cũng bị đuổi nốt để Pháp trực tiếp cai trị Dahomey. Vương quốc cũ này được sát nhập vào khu vực bảo hộ trước của Pháp (Porto Novo). Vì thích sát nhập thì sát nhập thôi mà thích chia cắt thì chia cắt chẳng phải hỏi ý‎ kiến của ai hết, hay có chăng là hỏi ý kiến của Đức của Anh là những thế lực thuộc địa ở cạnh. Dahomey trở thành độc lập năm 1960, ngày nay gọi là Cộng hòa Benin.

Chủ đề nữ binh Dahomey rất đắt khách năm 1891 ngay trước chiến tranh Pháp-Dahomey và có người mộ cả một toán châu Phi sang Âu châu lưu diễn nhưng tuy châu Phi thật nhưng là nữ binh giả. Cô gái ở trung tâm hình đeo đai 3 bông là lon “đại úy” và trên nón của mọi người có phù hiệu cá sấu trước nhà Lacoste tuy không có ai mang logo Louis Vuitton. Ảnh từ trang này 

*

Bài tương tự:

- Địa lý dễ thuộc: Eo nào nhỏ bằng eo Bosphorus?

- Địa lý dễ thuộc: Bánh bao đến từ đâu, từ Ai Cập?

- Địa lý dễ thuộc: Dubai (vốn) là gì? Hejaz là ở đâu?

- Sử dễ thuộc: Từ cuộc cướp thành Constantinople 1204 tới lời xin lỗi 2004

- Sử-Địa dễ thuộc: Vua Musa cầm cục vàng soi lối

- Sử-Địa dễ thuộc: Nên tin lời em bé ngây thơ?

- Da đen và lịch sử Phi châu: thế Ai Cập da gì?

- Những trận vô danh trong quân sử: Song thành Nogales năm 1918

- Sử Địa dễ thuộc: Từ thánh Maurice đến chung cư St Moritz ở Sài Gòn

- Sử-Địa dễ thuộc: Biến cố “tiểu tiện” 1952 tại Macau

- Sử-Địa dễ thuộc: Đêm 31 tháng 12 năm 406, “chúng” đã đến Pháp xin tỵ nạn

- Sử-Địa dễ thuộc: Chiến dịch Kitona – 5 ngày, 5 năm, và 5 triệu

- Sử-Địa dễ thuộc: Những chuyện nho nhỏ của nước tí hon Équatorial Guinéa

- Sử-Địa dễ thuộc: Đoàn nữ binh Dahomey mang logo Lacoste

- Sử địa dễ thuộc: Ba phụ nữ và ba thành phố Ấn Độ (bài 1)

- Sử địa dễ thuộc: Ba phụ nữ và ba thành phố Ấn Độ (bài 2)

- Sử địa dễ thuộc: Hoàng tộc tí hon Sulu và vụ kiện (tí nữa thì) 15 tỉ

- Sử-Địa dễ thuộc: Người “Da đen” trắng Ba Lan trên đảo Haiti

- Sử-Địa dễ thuộc: Gabon – xứ sở trong tay một gia tộc lắm ái tình

- Sử-Địa dễ thuộc: Togo – bố anh bố tôi, rồi lại đến lượt anh và tôi

Ý kiến - Thảo luận

16:10 Monday,13.2.2023 Đăng bởi:  Minh
Tác giả nhận xét "Nữ quân nhân đây kia này nọ trong lịch sử thì cũng có, nhưng hiếm thấy là khi họ được tổ chức một cách qui mô" trừ nữ chiến binh Amazon cổ đại, nữ chiến binh Dahomey như bài nói và nữ chiến binh Kurd sau này. Tuy nhiên có lẽ tác giả quên là ngay VN gần nhất có các nữ chiến binh thời Tây Sơn dưới sự chỉ huy của nữ tướng Bùi Thị Xuân cũng có q
...xem tiếp
16:10 Monday,13.2.2023 Đăng bởi:  Minh
Tác giả nhận xét "Nữ quân nhân đây kia này nọ trong lịch sử thì cũng có, nhưng hiếm thấy là khi họ được tổ chức một cách qui mô" trừ nữ chiến binh Amazon cổ đại, nữ chiến binh Dahomey như bài nói và nữ chiến binh Kurd sau này. Tuy nhiên có lẽ tác giả quên là ngay VN gần nhất có các nữ chiến binh thời Tây Sơn dưới sự chỉ huy của nữ tướng Bùi Thị Xuân cũng có quy mô lớn (đến 4000-5000 người) và rất thiện chiến cùng tinh thần chiến đấu tuyệt vời. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vĩ thanh cùng Bolero

Người xem Sài Gòn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả