Soi học

Bài học Chủ nhật: Con bò của Zeus – từ bò thành nữ hoàng Ai Cập 11. 03. 12 - 4:15 am

Pha Lê

 

.

 

Nghĩ đi nghĩ lại, không tích nào hấp dẫn bằng mấy trò hiếp dâm của ông Zeus. Ông léng phéng hơi bị nhiều, gia đình của ông trên Olympia chắc hẳn phải đem mấy trò tòm tèm này ra làm chuyện hài để cười chơi. Nhưng duy nhất một người sẽ chẳng bao giờ cười được: bà vợ Hera. Bà thần tối ngày bận bịu canh me và hành hạ các tình nhân nữ (lẫn tình nhân nam) của chồng. Hôm nay xin kể tiếp một tích hiếp dâm nổi tiếng của Zeus, liên quan đến nàng Io.

Tích này cũng có nhiều bản, nhưng mỗi bản thường chỉ nhắc tới vài dòng, tập hợp lại mà ghi chú thì hết hơi, nên xin phép kể bản đầy đủ nhất, do nhà thơ Ovid sáng tác.

Io là con gái vua Inachus của xứ Argolis. Giống bao cô công chúa thời đó, nếu không lấy chồng thì chỉ còn đường đi làm nữ tu, nên Io (chắc do chẳng khoái lấy ai) đồng ý làm nữ tu trong điện thờ Hera. Tòm tèm với dân thường đã khó, tòm tèm với nữ tu của vợ thì còn khó hơn, nhưng hình như Zeus thích bỏ một chút “mạo hiểm” vào trò lăng nhăng để chuyện mây mưa thêm giật gân, nên ông quyết định sẽ hiếp Io.

Zeus bay xuống trần thế, gạ gẫm nữ tu của vợ mình. Io thấy Zeus thì sợ quá, vắt chân chạy trốn, nhưng Zeus cứ thế dí theo. Hình như Io chạy rất nhanh, nên rượt được một lúc thì Zeus đâm bực, ra lệnh cho màn đêm phủ kín cả một vùng. Vì trời tối nên Io không thấy đường mà chạy tiếp được (thời đó chưa phát minh ra đèn pin) nên nàng bị Zeus đè ra hiếp.

Trước khi mời mọi người xem tranh Zeus cưỡng bức Io, phải đính chính chút xíu cho các họa sĩ. Tích vốn có lắm bản chọi nhau, mà ngay cả bản của Ovid không phải lúc nào cũng được dịch đúng. Thậm chí hồi đấy ai muốn đọc tích thì phải học ngôn ngữ La-tinh để mà đọc, thành ra vụ Zeus ra lệnh cho màn đêm phủ kín để hiếp Io hay bị hiểu lầm là “Zeus biến thành màn đêm để hiếp Io”. Nên một số họa sĩ hay vẽ nàng Io bị một… đám mây đen ngòm cưỡng bức.

Tác phẩm “Io và Jupiter”, Antonio Allegri Correggio, 1532. Antonio chắc hiểu lộn hay dịch lộn sách nên vẽ Io bị một đám mây đen hiếp. Các họa sĩ sau này cũng vẽ sai như thế cả, giống như kiểu “dính chấu một chùm”.


Tác phẩm “Jupiter và Io”, John Hoppner, 1785. Ông họa sĩ này cũng vẽ đám mây đen, và chắc tại ông nghĩ rằng nhìn thế này là biết tích rồi nên không thèm vẽ thêm biểu tượng (đại bàng, tia sét…) chi cả. Io trong tranh nhìn hơi già, không giống trinh nữ tẹo nào.

 

Nhưng hiếp thì hiếp, Zeus không thuộc loại liều mạng chỉ để hưởng cảm giác mạnh, ông vừa “hành sự” vừa đưa mắt canh Hera, khi thấy vợ liếc tới chỗ mình đang vui vẻ, Zeus nhanh tay biến Io thành một con bò.

Khổ nỗi, Hera đâu có ngu, bà biết tỏng ông chồng mình lại đi ăn vụng. Bà hỏi nhẹ nhàng “Anh có ngủ với con nữ tu tên Io không?” Zeus trả lời rằng mình chẳng biết cô đó là cô nào hết. Hera vui vẻ chỉ vào con bò đang đứng cạnh Zeus, khen rằng con bò xinh quá, Zeus cho Hera để bà đem tế nó vào mùa lễ hội nhé? Zeus lúng túng, nhưng chống chế sao được bây giờ, bò vốn là biểu tượng kiêm vật tế của Hera mà. Zeus ngậm ngùi đưa Io trong lốt bò cho vợ. Bà Hera cũng chẳng vừa, cột Io vào cây ô-liu rồi ra lệnh con quái vật Argus canh giữ tình nhân của chồng.

Tác phẩm “Hera phát hiện thấy Zeus và Io”, Pieter Lastman, 1618. Ông này thì thấy vẽ cả màn đêm lẫn Zeus chứ không vẽ Zeus biến thành mây. Hera đang ngồi trên mây thì mục kích thấy chồng ăn vụng, dưới chân bà thần là hai con công biểu tượng. Zeus (bên phải) nhanh trí biến Io thành con bò, đứng cạnh ông là Cupid – chẳng biết cậu đứng đấy làm gì? Chắc để chứng minh hai người đang yêu nhau? Còn chàng trai trẻ đứng gần Hera thì không biết là chàng nào? Argus chăng?

 

Tả Argus một chút: con quái vật này mang hình người, nhưng có tới trăm mắt, mắt này nhắm ngủ thì mắt kia thức, nên Io chẳng có đường nào thoát. Động lòng thương người tình một đêm, Zeus ra lệnh cho con trai Hermes xuống hạ giới để cứu nhân tình. Hermes tiến tới Argus, và bắt đầu kể chuyện cho Argus nghe. Chàng kể mãi, kể mãi, hết chuyện này đến chuyện khác, khiến Argus phát chán. Dần dà con quái vật chán quá nên lăn ra ngủ, nhưng một vài con mắt vẫn mở, Hermes cứ thế kể chuyện tiếp, khiến cả trăm con mắt từ từ nhắm tịt. (Theo bản của Apollodorus thì Hermes kể chuyện mãi mà Argus không ngủ hẳn, nên cậu giết con quái vật).

Tác phẩm “Hermes và Argus”, do Nikolaus Knupfer vẽ chung với Jan Both, 1650. Sau khi kể chuyện cho Argus lăn ra ngủ, Hermes (chân có cánh) mon men tới chỗ Io đang gặm cỏ. Hình như Io không bị cột vào cây ô-liu? Argus thì có mỗi hai mắt, chắc tại họa sĩ không biết vẽ trăm mắt.


Tác phẩm “Mercury và Argus”, Rubens, 1635. Argus này cũng chỉ có hai mắt, nhưng Io thì đứng gần cây, có điều cây này không giống ô-liu. Ô-liu có thân to nhưng thấp lùn, với tán và lá rậm rạp. Với lại nàng có bị cột không ta? Chẳng thấy dây nhợ gì! Nhìn kỹ nữa sẽ thấy một bóng người đang cưỡi mây dòm xuống, Hera chăng? Hay Zeus?


Chiếc bình cổ này có niên đại khoảng vài thế kỷ trước công nguyên, hiện nằm tại bảo tàng Kunsthistorisches ở Áo. Trên bình vẽ cảnh Hermes giết Argus (theo bản của Apollodorus). Argus này có trăm mắt ở khắp nơi trên cơ thể, nhìn thoáng qua thì trông Argus như đang bị bệnh trái rạ.


Tác phẩm “Mercury và Argus”, Abraham Danielsz Hondius, không rõ năm. Argus lại cũng chỉ có hai mắt, đúng là tìm tranh vẽ quái vật khó ghê. Io này cũng nhởn nhơ gặm cỏ mà chẳng bị ai cột vào cây ô-liu. Hermes thì thổi sáo cho Argus ngủ thay vì kể chuyện, trên đầu Hermes lại có hai đôi cánh nhỏ? Đâu ra thế này? Đúng thì chỉ có chân là có cánh thôi, còn đầu thì đôi lúc đội mũ có cánh. Chứ tự nhiên cánh mọc ra từ hai bên, giống tai heo dễ sợ.


Tác phẩm “Hermes và Argus”, Rubens, 1637. Argus (vẫn hai mắt) đã lăn ra ngủ rồi, nên Hermes cầm gươm chém ai thế kia? Nếu theo bản của Apollodorus thì Argus phải còn thức chứ? Chàng định cắt dây cột Io chăng? Nhưng có thấy họa sĩ vẽ dây gì đâu? Rõ khổ!

 

Hermes thả Io ra, nhưng “mẫu hậu” của Olympia chẳng phải tay vừa, bà hạ lệnh cho con quái vật Brize bay đi giết tình địch (Brize thuộc loại nửa ruồi nửa ong, có cây kim độc dài bằng một mũi tên). Trong lốt bò, Io chạy trốn con Brize, chạy sang đến tận Ai Cập. Lúc này, phép thuật của Zeus biến mất nên Io trở lại thành người. Nàng sinh một bé trai và đặt tên Epaphus cho con. Hera cũng toan mưu sát Io thêm vài lần nữa, nhưng Zeus đứng ra bảo vệ cho người tình nên cuối cùng Hera cảm thấy dí theo Io mãi cũng mệt, bà quyết định tha cho nàng nữ tu. Sau này, Io lấy vua Ai Cập, và người dân ở đấy tôn nàng thành nữ thần, rồi gọi nàng bằng cái tên Isis (một số bản nói rằng Io dựng tượng thờ thần mùa màng Demeter (chắc ngán thờ Hera rồi, và dân Ai Cập gọi Demeter là Isis).

Tác phẩm “Argus và Io”, Jean Beraud, không rõ năm. Hera ngồi trên mây, sai con Brize đi giết Io, nhưng con Brize này giống một củ khoai có cánh chứ chả giống con ruồi lai ong mà truyện tả. Con bò thì là Io, người đang ôm bò là Argus? Vậy bé Cupid ôm chân Argus làm gì thế kia? Hai người còn lại trong tranh là ai thế? Hermes? Còn bà kia là bà nào? Loạn hết cả tích.

 

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

– Bài học Chủ nhật: Vòng nguyệt quế của Apollo – Tại ghét đàn ông hay tại “thằng” Cupid?
– Bài học Chủ nhật: Chín nàng thơ – Biểu tượng của văn minh, nghệ thuật, nhưng hay bị vẽ sai

– Bài học Chủ nhật: Hestia – Trinh nữ xịn thì hay ở trong nhà

– Bài học Chủ nhật: Ariadne – Vớ được chồng tốt nhờ bị bồ bỏ

– Bài học Chủ nhật: Hades – Cai quản địa ngục, nhưng quậy phá mặt đất

– Bài học Chủ nhật: Dionysus – Bợm nhậu chính hiệu

– Bài học Chủ nhật: Demeter cứu con gái khỏi địa ngục – hay sự tích xuân hạ thu đông

– Bài học thứ Tư: Đám con lai các thần giết nhau, để cậu con nhà trần kết thúc

– Bài học thứ Tư: Odysseus – Kẻ có lắm mẹo vặt chết người

– Bài học Chủ nhật: Orpheus – chết vì đa nghi

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – Thần tình yêu thua chân dài (kỳ 1)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – tàng hình trong đêm động phòng (kỳ 2)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – giặc bên Ngô không bằng hai cô chị vợ (kỳ 3)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – làm dâu Venus cũng nhục vô cùng (kỳ 4)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – khổ rồi cuối cùng cũng sướng (kỳ 5)

– Bài học Chủ nhật: Hermes – Thần của ngoại giao, nhưng lại hay nói dối

– Bài học thứ Tư: “Con ngựa gỗ thành Troy” hay cả thành bang tiêu tùng vì một tên lính quèn

– Bài học Chủ nhật: Hyacinth và tình dục ở xã hội Hy Lạp cổ

– Bài học thứ Tư: Athena giận khiến một rừng đàn ông khốn khổ

– Bài học Chủ nhật: Adonis và Venus – Chết vì… chỗ nhạy cảm của đàn bà

– Bài học thứ Tư: Gặp người khổng lồ một mắt, não Odysseus bỗng nhiên teo lại

– Bài học Chủ nhật: Con bò của Zeus – từ bò thành nữ hoàng Ai Cập

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả