Đi & Ở

Cacao trên đồi đá (kỳ 1): Làm sao cho cây mọc lại trên một đồi toàn đá? 07. 04. 15 - 7:37 am

Pha Lê

Hồi mới uống rượu cacao của Lộc, tôi đã rất hứng thú với vườn cacao trên ngọn đồi mà bố của Lộc cải tạo để trồng. Thế nhưng muốn tới thăm là việc không thể do Lộc gãi đầu nói rằng chỗ đó chưa “tiện nghi”. Qua Tết năm nay, Lộc mới rủ rê cả hội lên thăm trại cacao, tôi gật gù nghĩ rằng chắc nơi này đã “tiện nghi” rồi.

Sau 4 tiếng ngồi xe, tôi phát hiện ra rằng tiện nghi của Lộc là một căn “phòng” xây gần cuối chân núi và một cái toilet. Bên trong là bố mẹ của Lộc, hai con mèo và hai con cún. Bố Lộc – tiến sĩ nông nghiệp Phạm Hồng Đức Phước – kể cho chúng tôi nghe về quá trình tái tạo đồi và trồng cacao của bác ấy. Tôi nghe Lộc kể về bố mình đã lâu, và biết rằng bác là người đam mê cây giống, và khoái sưu tầm các hạt giống lạ. Lâu lâu Lộc cứ hay tạt sang nhà tôi để cho toàn những loại rau trái tôi chưa từng thấy bao giờ, cu cậu luôn hí hửng khoe nào là giống dâu này có mỗi trang trại của cô Lộc có, nào là giống chanh dây này cả Việt Nam có nhà nội Lộc trồng thôi.

Trái Sweet granadilla, cùng họ với chanh dây, rất giống chanh dây nhưng ăn… không chua mà ngọt dịu, hạt bùi bùi giòn giòn, bổ đôi ra lấy muỗng múc ăn như chè. Bố Lộc sưu tầm giống trái này, loay hoay nghiên cứu trồng một hồi cây mới đơm hoa, hiện giờ mỗi cây Sweet granadilla ở vườn nhà bà nội Lộc là ra trái thành công.

Nghe rất ghê gớm nên tôi chẳng biết bố Lộc là người thế nào, cuối cùng rất vui khi thấy bác Phước hiền lành, nhã nhặn, thích làm nông, thích… xem phim hoạt hình. Bác tường tận kể về quá trình tái tạo ngọn đồi, lời nói của bác mạch lạc, dễ hiểu ngay cả đối với đứa dốt chẳng biết gì về khoa học nông nghiệp như tôi.

Các đây 4 năm, Đại học Nông Lâm và Quỹ Cacao Quốc tế  (World Cocoa Foundation) – một tổ chức NGO của Mỹ – muốn nghiên cứu thêm về giống lẫn cách trồng cacao. Đôi bên làm việc với bác Phước, đúng lúc bác đang muốn tái tạo rừng và nghiên cứu cách trồng cacao trên đất dốc. Trước đây nông dân Việt trồng cacao khá dễ trên đất đồng bằng màu mỡ, nhưng đất đồi dốc thì sao?
 

Giống cây cacao do Mỹ đem đến Việt Nam vào năm 1960, trồng ở Bến Tre (hình trong bài: bác Phước và Pha Lê)

 

Trái cacao, rất to và nhiều màu, màu sắc khác nhau tùy theo giống

Dự án của Quỹ Ca cao Quốc tế muốn khảo sát sự phát triển giống ca cao ở Miền Đông Nam Bộ, xây dựng mô hình canh tác bền vững trên đất dốc, chia sẻ các tiến bộ kỹ thuật về nông nghiệp với người dân địa phương

Đất này thuộc quản lý của lâm trường 600. Trước đây đã có người nhận đất từ lâm trường để quản lý và khai thác nhưng không thành công (lượng nước không đủ nếu tưới theo phương pháp truyền thống). Đất quá xấu cây không lớn và chết nhiều. Điều kiện sinh hoạt khó khăn nên không kiếm được lao động làm việc dài hạn và ổn định (không điện, không sóng điện thoại, không có nước sạch).

Lúc bác Phước mới nhận ngọn đồi từ người quản lý cũ, ôi thôi nó… xấu vô cùng. Thực chất ban đầu ngọn đồi này đẹp – ý là nghe kể thế – nhưng sau đó người dân nghèo trong vùng chẳng biết làm gì nên cứ lên đồi núi chặt hết cây để bán. Họ đốn cây cổ thụ, bắt cả thú rừng, và thậm chí đào luôn đá nham thạch lâu năm hòng kiếm tiền, hô biến ngọn đồi xinh đẹp vào cõi vô định như trong phim Spirited Away của Miyazaki. Đồi trọc lóc đã đành, nhưng mất cây là mất luôn hệ thống rễ, khi mưa xuống thì đất chẳng có gì giữ nước lại, dẫn đến hiện tượng xói mòn; đất tốt theo mưa trôi đi hết sạch, đến nỗi phần đá núi bắt đầu nhô ra. Cách đây 4 năm thì sự xói mòn khiến khu đồi này trơ trọi toàn đá là đá.
 

Một màu xám xịt, nhìn thấy rất thương khu rừng, ảnh chụp ngọn đồi cách đây 4 năm.

 

“View” toàn cảnh khu đồi trơ trụi

Người dân xung quanh đã nghèo lại càng nghèo hơn nữa do đất đá như thế không giúp họ trồng được thứ gì cả, mất cây cũng đồng nghĩa mất luôn các mạch nước ngầm dự trữ, nguồn nước suối trên đồi cạn gần hết, mà thiếu nước thì chẳng trồng trọt nổi.

Việc đầu tiên bác Phước cần làm là trồng lại rừng, bồi bổ và tái tạo đất. Bác để ý thấy ở đây mùn cưa nhiều, nạn đốn cây phát triển dẫn đến vùng có… lắm trại cưa hoạt động; cây gỗ tập trung về trại  để cưa xẻ. Mùn cưa khiến mọi thứ bụi mù cả lên mà họ chẳng biết đổ đi đâu. Bác Phước thấy thế bèn đi xin về, chủ trại cưa khoái quá bảo bác thích thì lấy bao nhiêu cũng cho miễn phí. Thế là bác liên tục chở mùn cưa lên đồi, trộn vào mật rĩ (loại dùng để nuôi men cái hoặc các vi sinh vật khác), vôi, phân chuồng… chất thành từng lớp, ủ trong 2 tháng. Hỗn hợp sẽ trờ thành một loại phân bón giàu dinh dưỡng lẫn lâu dài. Phân bón thông thường rất dễ trôi đi khi tưới tiêu, vừa tốn kém vừa phí phạm. Với phương pháp ủ phân này, phân bón vô cơ sẽ kết lại trong chất hữu cơ của mùn cưa, rất khó trôi đi sau khi đã bón vào đất nên rất hiệu quả để dùng nuôi cây trong hàng tháng trời.
 

Mùn cưa bác Phước ủ.

Nông dân địa phương từng thử dùng mùn cưa để bón cây nhưng không thành. Vấn đề ở chỗ họ không biết rằng mùn cưa chứa quá nhiều chất xơ, khi bón mỗi mùn cưa nó sẽ mục ruỗng dần, tạo ra lượng nhiệt lớn và tiêu hao nhiều ni-tơ, từ đó chỉ làm tổn hại cây trồng. Mùn cưa ủ trong vài tháng mới an toàn để bón cây. Bác Phước dùng mùn cưa ủ để bồi cho đất đá, dần dà đất xấu của ngọn đồi trơ trọi này tốt trở lại.

Bác Phước cười và kể rằng, lúc đắp mùn cưa ủ hiệu quả xong xuôi, bác kêu dân bản xứ lên cho họ thấy tác dụng của nó và chỉ họ cách ủ. Ban đầu người dân còn lưỡng lự, không muốn làm, bác thuyết phục mãi họ mới chịu thử. Thấy mùn cưa ủ bón cây tốt thật, chủ trại cưa đóng gói và bán một bao mùn cưa thô với giá 6 ngàn, không cho miễn phí nữa.

Để tránh hiện tượng xói mòn, bác Phước cất công đi đào từng cái mương trữ nước. Bằng cách đào các rãnh ngang sườn núi, bác Phước làm chậm dòng chảy rồi  dẫn nước vào hàng loạt rãnh chứa nhân tạo nho nhỏ. Bác gia cố rãnh bằng cỏ Vetiver, để rồi chỉ sau một mùa mưa, cỏ cây bắt đầu đâm chồi lại, ngọn đồi tích tụ được một lớp chất hữu cơ mỏng trên mặt đất. Thế là mỗi mùa khô, bác hối hả đào thêm mương rạch dọc sườn đồi. Bao nhiêu mùa mưa qua đi là bác thu về bấy nhiêu chất hữu cơ từ lá cây, chúng phân hủy rồi tạo thêm đất cho đồi đá.

Đây chỉ là bước đầu tiên trong công cuộc cải tạo đất. Không đơn giản vì lúc bác Phước mới bắt tay vào tái tạo rừng đồi, trên đó không đủ đất để đào mương rãnh (nước mưa làm xói mòn đi hết). Có những chỗ đất quá mỏng, đào chỉ đụng đá thì bác phải khoan cắt đá tạo rãnh hòng dẫn nước. Cứ dần dần qua năm tháng ngọn đồi mới có đủ đất như hôm nay, nhưng vẫn còn cần nhiều năm nữa để mương rãnh tích tụ đủ chất hữu cơ, khôi phục lại đất rừng
 

Mương trữ nước bác Phước đào cách đây 4 năm, lúc đồi còn trơ trụi

 

Dấu tích của cái mương 4 năm trước, cây cối mọc xanh trở lại, nhìn thấy cảm động quá

 

Một phần khu đồi cũng bắt đầu xanh tốt

 

Và cả ngọn đồi dần dần khôi phục lại, so với mấy bức ảnh xám xịt chụp 4 năm về trước thì đây quả là một trời một vực.

Thời gian gây rừng để có thể gọi là trồng được cacao mất tới gần 2 năm, trong 2 năm ròng đó bác Phước cùng với một cậu học trò (vốn là kỹ sư của Đại học Nông Lâm) thuê thêm công nhân địa phương để giúp tái tạo rừng đồi. Họ ươm và gieo từng cây rừng bằng tay, tất cả cùng sống trong căn chòi không điện, không nước máy chảy ro ro, và kinh nhất là không toilet. Thấy khó khăn quá, bác Phước cố đào một cái hố nhỏ, dẫn nước suối vô và đặt một tua-bin tự chế ở đấy làm thủy điện, lấy đủ năng lượng để tối thắp cái bóng đèn cho căn chòi.

“Nhà máy thủy điện” với tua-bin tự chế từ nồi lẩu mà bác Phước làm để lấy chút điện

Theo lời mẹ của Lộc, lúc đó bác Phước “sống như người rừng”. Bác gái và bạn Lộc cũng máu, từng vác ba-lô đi du lịch bụi tại Ấn Độ, cả hai mò đến những vùng quê nghèo không toilet không cơ sở hạ tầng gì, nhưng mẹ con Lộc cũng phải chịu thua khi thử lên đồi ở chung với bác Phước trong thời gian bác gây rừng. Mẹ Lộc chẳng hiểu sao “ổng ở trên đó được”, nhưng nhờ công bác mà khu đồi xanh trở lại, dù rằng nó cần chục năm nữa để hồi phục tốt hết mức có thể.

Dù xanh tươi nhưng do xói mòn lâu năm mà vài chỗ vẫn còn nhấp nhô đá, chẳng biết có khôi phục nổi không nữa. Lộc nói nếu đã lỡ phá mất hệ sinh thái thì một số thứ sẽ chẳng bao giờ lấy lại được.

 

Tuy nhiên thật vui khi thấy cây xanh trở lại với đồi. Bác Phước trồng rừng tre ở một phần đồi và đùa rằng đóng phim kiếm hiệp ở chỗ này thì rất hợp.

Đất bắt đầu trồng trọt được rồi, vậy quá trình bác Phước trồng cacao như thế nào? Mọi người chờ kỳ sau nhé

 

Ý kiến - Thảo luận

16:29 Sunday,26.1.2020 Đăng bởi:  Hoàng Thiên Nga
Đọc thấy cả gia đình bác Phước ai cũng rất thiện, rất yêu quý môi trường sinh thái. Không yêu kiểu phong trào, lý thuyết suông, mà bằng khối tri thức đáng nể và hành động miệt mài đáng trân trọng.
Đất nước mình khi nào có thật nhiều gia đình như bác Phước, thì rừng mới trở lại quý như vàng, đồi đá mới trở lại thành những view xanh ngút ngàn, đẹp mê ly đ
...xem tiếp
16:29 Sunday,26.1.2020 Đăng bởi:  Hoàng Thiên Nga
Đọc thấy cả gia đình bác Phước ai cũng rất thiện, rất yêu quý môi trường sinh thái. Không yêu kiểu phong trào, lý thuyết suông, mà bằng khối tri thức đáng nể và hành động miệt mài đáng trân trọng.
Đất nước mình khi nào có thật nhiều gia đình như bác Phước, thì rừng mới trở lại quý như vàng, đồi đá mới trở lại thành những view xanh ngút ngàn, đẹp mê ly được :) 
9:04 Wednesday,3.8.2016 Đăng bởi:  Ivan Tung

Bạn Vĩnh Hiệp có thể làm rãnh để chống xói mòn giống bác Phước làm trong bài.
Còn phân vi sinh, tiện nhất là mua của Sông Gianh, giá có 3,500đ-5,000đ/kg.
Nếu không thì bạn mua phân bò ủ hoai mục. Nếu ở các vùng Tây Nguyên thì có phân vi sinh ủ từ vỏ cà phê, các đồi núi phía Bắc hay trồng cây keo lấy gỗ, thì có phân vi sinh ủ bằng vỏ cây. Nói chung tùy thu
...xem tiếp

9:04 Wednesday,3.8.2016 Đăng bởi:  Ivan Tung

Bạn Vĩnh Hiệp có thể làm rãnh để chống xói mòn giống bác Phước làm trong bài.
Còn phân vi sinh, tiện nhất là mua của Sông Gianh, giá có 3,500đ-5,000đ/kg.
Nếu không thì bạn mua phân bò ủ hoai mục. Nếu ở các vùng Tây Nguyên thì có phân vi sinh ủ từ vỏ cà phê, các đồi núi phía Bắc hay trồng cây keo lấy gỗ, thì có phân vi sinh ủ bằng vỏ cây. Nói chung tùy thuộc điều kiện của vùng sẽ có nhà ủ phân vi sinh phù hợp.

Còn nếu bạn tự ủ, thì cần 2-3 tháng, đào hố hoặc xây gạch, mua chế phẩm vi sinh EM về để tự ủ. Công thức, cách ủ thì trên mạng và người bán vi sinh sẽ tư vấn cho bạn rất kỹ. Chỉ sợ ủ còn chưa chín, mà bạn không ở trên đồi, thì sẽ có người dân đến xúc phân lấy mất của bạn thôi.

Với 100 cây mít và quýt đường của bạn, thì bạn xem cây của bạn đang ở độ tuổi nào nữa? Bạn có thể gieo đỗ tương, lạc, đậu bắp xung quanh, được 2 tháng thì cày lấp cho những cây đó vùi lại xuống đất, vừa bổ sung đạm và giải độc đất, cũng thêm hữu cơ cho đất khỏi bạc màu nữa.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Phê bình: siêu nghệ thuật?

John Ryan Recabar – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả