Nghệ sĩ thế giới

Tin-ảnh: Toàn người quen – Nara, Katz, và Audubon 08. 03. 15 - 6:58 am

Hoàng Lan dịch

 

HONG KONG – Nghệ sĩ Nhật tiêu biểu Yoshimoto Nara vừa mở triển lãm riêng đầu tiên tại Hong Kong: Trung tâm Xã hội châu Á Hong Kong đang tổ chức triển lãm lớn cho nghệ sĩ này, từ 6.3 đến 26.7.2015. Với tên “Life is Only One!” (Cuộc đời chỉ có một), triển lãm của Yoshimoto Nara sẽ mở cửa miễn phí cho công chúng. Triển lãm trưng bày các tác phẩm mà Nara sáng tác trong hai thập kỷ vừa qua – kèm theo 3 tranh mới, 17 bức vẽ phác thảo và một số tượng điêu khắc chó con mà nghệ sĩ làm riêng cho triển lãm.

 

Tên triển lãm lấy từ tên của một bức tranh do Nara sáng tác, nó đồng thời cũng phản ánh cái chủ đề luôn tiềm ản trong các tác phẩm của ông. Khi thấy bé gái thơ ngây đứng cạnh chiếc sọ người trên canvas, chúng ta buộc phải suy ngẫm về bản chất phù du của cuộc sống. Nhưng chủ đề đầy kích động này có ý nghĩa gì với nghệ sĩ và chúng ta? Thông qua các tác phẩm đa dạng như tranh, bản vẽ phác thảo, ảnh, điêu khắc, đến các tác phẩm sắp đặt đa phương tiện, tác giả hé lộ cho người xem thấy cách lý giải vô biên về cuộc sống của ông. Trong hình là bức “Wounded” (bị thương) của Nara.

 

LONDON – Gallery Timothy Taylor đang tổ chức triển lãm tranh cho một cái tên quen thuộc nữa: họa sĩ Alex Katz. Ông từng có hơn 200 triển lãm riêng và có mặt trong 500 triển lãm nhóm trên khắp thế giới tính từ năm 1951. Vô số gallery đã đua nhau đã tổ chức vô số triển lãm tổng kết đời để vinh danh ông. Đây là triển lãm thứ bảy của ông tại Timothy Taylor. Ảnh: “Vincent”, Alex Katz, 2014.

 

Tranh của Katz vừa thuộc loại biểu hình lại vừa trừu tượng – các bức chân dung và phong cảnh khổ to hơn cả kích cỡ thật của ông thường sừng sững choán ngợp cả người xem. Tuy nhiên, trong các tác phẩm mới này, thay vì che lấp hết cả lòng tranh như thường lệ, các chủ thể lại dồn về phía mép với khoảng không đen phủ gần hết cả nền tranh. Trong ảnh: bức “Ada và Vivien” của Alex Katz, 2014

 

Điều nổi bật của những bức chân dung mới này là chiều sâu lẫn sự đa dạng của màu đen đối lập với những gương mặt như đang sáng rỡ vì đèn chiếu trong studio. Vẽ trên khổ tranh “màn ảnh rộng”, các nhân vật trở nên đậm chất điện ảnh lẫn sân khấu, tựa như các diễn viên đang say diễn bỗng phải dừng giữa chừng vì ánh đèn chói hắt vào. Nhưng ngay cả trong cách xử lý khung hình mới mẻ này, mỗi bức tranh vẫn giữ được tính đa cảm trầm lặng đặc trưng của Katz. Trong ảnh: bức “Samantha and Jessica” của Alex Katz, 2014. Sơn dầu trên vải linen, 152.4 x 213.4 cm.

 

NEW YORK– Hội Lịch sử New York vừa kết thúc loạt triển lãm ngàn năm có một, trưng bày các bức vẽ màu nước nguyên bản của cuốn “The Birds of America” (Các loài chim nước Mỹ) của họa sĩ huyền thoại John James Audubon. Triển lãm “Audubon’s Aviary: The Final Flight” (Chuồng chim của Aubudon: Chuyến bay cuối cùng) cho người xem cơ hội khám phá những tiến bộ đầy kinh ngạc mà Aubudon đạt được trong kỹ thuật vẽ tranh màu nước, do triển lãm chú ý sắp xếp để trưng bày tranh theo thứ tự Aubudon vẽ (sau đó các nhà xuất bản từ từ đem chúng đi khắc để in ra sách). Trong ảnh: bức “Chim bồ nông trắng Châu Mỹ”, khoảng 1831. Chất liệu: Màu nước, than chì, màu bột, mực đen, và màu phấn, bôi nhòa lẫn đánh bóng trên giấy, tranh đặt trên tấm lót bìa cứng.

 

Đặc biệt, triển lãm “Chuyến bay cuối cùng” cũng theo chân Aubudon trong những chuyến đi thu thập các giống chim mà ông đã cố lùng tìm từ rất lâu. Đồng thời ông cũng phát hiện lẫn vẽ các loài chim mới, cũng như phải vật lộn để sàng lọc các thông tin nóng về chim từ các chuyến thám hiểm miền viễn Tây. Không muốn mất độc giả, không muốn bị phá sản, nhưng cũng chẳng thích làm tổn hại sức khỏe của mình, Aubudon đã phải tăng tiến độ công việc lẫn vận dụng óc sáng tạo phi thường để hoàn tất “tác phẩm vĩ đại” của ông trong thời gian sớm nhất. Trong số tranh vẽ hơn 180 loài trưng bày tại triển lãm, có những loài chim hiện đã tuyệt chủng như chim Anca (Great Auk) và cả các loài đang bị đe dọa như kền kền cổ khoang California. Trong ảnh: bức “Vẹt Carolina”, khoảng 1825. Giống vẹt này hiện đã tuyệt chủng. Chất liệu: Màu nước, than chì, màu phấn, màu bột, và mực đen, bôi nhòa lẫn đánh bóng một số chỗ trên giấy, tranh đặt trên tấm lót bìa cứng; 75.6 x 54 cm

 

 

Vì Aubudon chưa bao giờ đi đến vùng bờ Tây sông Missouri, ông phải dựa vào nhiều mẫu vật do các nhà thám hiểm trước đó thu thập tại những địa điểm này, cũng như nương theo thông tin từ các nhà tự nhiên học… Aubudon mua một lượng da chim, mẫu vật, lẫn tổ chim từ nhà thực vật học Nuttall vào năm 1836. Sau đó ông đến Charleston, Nam Carolina để vẽ nhiều bức màu nước về các chủng loài chim của miền Tây. Ông tiếp tục công việc này tại London, vừa vẽ vừa tham khảo các mẫu vật của nhiều loài chim nước ngoài từ những bộ sưu tập cá nhân lẫn từ Hội động vật học London. Trong ảnh: “Chim giẻ cùi Florida”, 1829. Chất liệu: Màu nước, than chì, màu phấn, mực đen, tô điểm bằng màu bột và đánh bóng một số phần trên giấy, tranh đặt trên tấm lót bìa cứng; 74.6 x 53.2 cm

 

 

Aubudon cũng chọn kỹ xem bức màu nước nào ông muốn đưa đi khắc chứ không phải bức nào cũng đem khắc rồi in hết. Aubudon sắp xếp tranh và các bức khắc (do nghệ nhân khắc Robert Havell Jr làm từ tác phẩm ông vẽ) theo suy luận của chính ông, chứ không theo cách phân loại động vật truyền thống của các nhà điểu học. Ông tin rằng thứ tự mình chọn gần với tư nhiên hơn, và có thể nói độc giả cũng sẽ thấy sách thú vị hơn vì đa số các trang in theo nhóm 5 hình (thường là một lớn, một trung và ba hình nhỏ).  “Chuồng chim của Aubudon” sẽ cho người ta thấy những đấu tranh và quyết định mà tác giả phải đưa ra khi thực hiện “tác phẩm vĩ đại” của mình, để rồi sau đó sách rất thành công khi tung ra thị trường. Trong ảnh: “Cò trắng”, 1821. Chất liệu: Màu nước, than chì, màu phấn, màu bột, màu chì trắng, mực đen và phấn đen trên giấy đánh bóng, tranh đặt trên tấm lót bìa cứng; 95.1 x 64.9 cm

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả