Gẫm & Bình

Tranh tường ở đâu cũng thế: càng có tổ chức càng đờ đẫn? 18. 04. 15 - 8:47 am

Phó Đức Tùng

(Tiếp theo các bài trước, về Philadelphia, về trục đại lộ Parkways. về ấn tượng khi vào Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia)

.

Philadelphia 09. 4. 2015

Được sự nhắc nhở của bạn Phương và Micheal, hôm nay mình có lượn qua xem và đọc về dự án tranh tường của Philadelphia, một dự án có đôi chút tương đồng với con đường gốm sứ ở Việt Nam.

Trước hết, giới thiệu qua về dự án để mọi người hình dung. Đây là một dự án lớn, toàn diện và dài hơi, bắt đầu từ những sáng kiến năm 1984 của Jane Golden. Khởi điểm là vấn đề Philadelphia có tình trạng mất dân, xuống cấp đô thị. Nhiều công trình bị phá dỡ mà không được xây lại. Do thành phố này gồm toàn nhà liền kề, nên khi một nhà bị phá sẽ lộ ra những bức tường không được hoàn thiện của các nhà bên cạnh, những lỗ trống hoang hóa, những mảng tường xấu xí… Khi đó, tệ nạn graffiti hoành hành, như giậu đổ bìm leo, khiến cho những mảng tường đã xấu xí trông lại càng bẩn thỉu, bệ rạc.

”Amplify”, 2014, của Ben Volta và các thành viên Restorative Justice Guild. Tác phẩm thuộc Philadelphia Mural Arts Program. Ảnh: Steve Weinik

Dự án của Jane Golden nằm trong chính sách chống graffiti (anti-graffiti mural program), nhưng không chỉ có thế, nó tiếp cận cùng một lúc nhiều phía:

– Thu gom bọn vẽ graffiti lại, hướng họ vào làm tranh tường, để năng lượng, vật lực của họ được hướng vào việc làm đẹp thành phố, thay vì phá hủy thêm nó.

– Nhân việc này mà có hướng dẫn, quản lý, đào tạo, để nâng tầm nghệ thuật đường phố, nghệ thuật đương đại lên một tầm cao mới.

– Khi bức tường đã đẹp, nó sẽ có tác dụng cùng với cộng đồng cải tạo lỗ trống xung quanh thành những sân chơi cộng đồng, làm tăng giá trị cảnh quan, văn hóa xã hội và góp phần hồi phục khu phố.

– Nhân một số dự án tiên phong, mở rộng câu chuyện ra khắp vùng Philadelphia, lôi cuốn hàng ngàn sáng kiến, tham gia cộng đồng, tạo ra một mảng đời sống văn hóa xã hội riêng, bền vững.

– Kết nối tất cả các mảnh dự án khắp thành phố, quảng bá, giới thiệu, tổ chức sự kiện v.v. để trở thành một bản sắc văn hóa, thành giá trị du lịch, tới mức Philadelphia được gọi là thành phố tranh tường.

Như vậy, ta đã thấy cách đặt vấn đề và quy mô dự án khác hẳn với con đường gốm sứ Hà Nội, từ đó cũng dẫn tới thành tựu khác hẳn về cả lượng cũng như chất.

“Philly Painting”, 2012, của Haas&Hahn. Tác phẩm thuộc Philadelphia Mural Arts Program. Ảnh: Steve Weinik

 

Tranh tường của Katharina Grosse, thuộc Philadelphia Mural Arts Program. Ảnh từ trang này

 

Tranh tường của Katharina Grosse, thuộc Philadelphia Mural Arts Program. Ảnh từ trang này

 

Tuy nhiên, khi đi xem thực tế một số điểm, tôi vẫn thấy có gì đó không ổn, như cảm nhận ngày đầu tiên khi tôi lướt qua những khu vực tranh tường này. Thử tìm cách lý giải xem sao:

– Mỗi bức tranh tường rất to, choán cả bức tường lớn. Tất nhiên mỗi tranh một vẻ, và nói chung đều khá đẹp, không thể so bì với những sản phẩm ngô nghê của con đường gốm sứ. Tuy nhiên, vẫn cảm giác chúng chưa đủ sức sống, chưa đủ tầm.

“Personal Melody”,2012. Tác phẩm thuộc Philadelphia Mural Arts Program. Ảnh: Steve Weinik

Nhớ lại ở Berlin, tôi từng quen với những thanh niên graffiti. Họ là những người rất đô thị, rất sống động. Họ hý hoáy thiết kế suốt ngày trên giấy, trên đất, tìm ra những bố cục đường nét, màu sắc sáng tạo, hấp dẫn. Họ so tài với nhau, và rất biết đánh giá những sự hơn kém nho nhỏ, như khi những cậu bé nhảy đường phố so tài với nhau. Tôi từng rất ngạc nhiên trước những sản phẩm sáng tạo của họ. Và đêm đến, hoặc lừa những lúc vắng người, họ tìm cách xịt những tác phẩm của mình lên những bức tường, những góc khuất của thành phố. Sự khâm phục hay chê bai của đồng bọn, sự tức giận của quần chúng, công an v.v. làm nên độ hấp dẫn của công việc. Công việc này là phạm pháp, nên cần làm nhanh, gọn, chuẩn xác. Tất nhiên không phải ai cũng có tài, và trong hàng đống tác phẩm, chỉ có một vài cái là xuất sắc. Nhưng ta có thể nói cái hay của họ là những phát kiến rất nhỏ, rất sống động, và đối đáp hàng ngày, khi địch thủ đưa ra những chiêu mới. Nay bắt họ làm một tác phẩm to bằng cả tòa nhà, bố cục nghệ thuật chặt chẽ, ý nghĩa to lớn, đứng vĩnh cửu thành điểm nhấn thành phố thì đến đại nghệ sỹ còn chưa chắc làm được nữa là những đứa trẻ tinh nghịch này. Như thế khác gì bắt một ông hát xẩm tài năng sáng tác giao hưởng tầm cỡ số 9 Beethoven. Vì thế các tác phẩm vẫn có sự đờ đẫn, thiếu sức sống, do cái năng lượng sáng tạo của nó chỉ bé tí mà bị thổi phồng thành một thứ khổng lồ.

“Morning Glory”, 2011 của Paul Santoleri & Alexander “Psyckoze” Stolypine. Tác phẩm thuộc Philadelphia Mural Arts Program. Ảnh: Steve Weinik

– Tuy dự án đã rất dài hơi, và thành phố Philadelphia rộng lớn cung cấp rất nhiều mảng tường cho việc phát triển những tác phẩm mới, nhưng tại mỗi điểm, sự sáng tạo đã dừng lại sau khi nó hoàn thành. Graffiti là sự hiển thị của những mạch đập sáng tạo hàng ngày, rất vi tế, rất năng động, như sự sống trong từng mao mạch, như những câu hát đối trong một lễ hội. Sự sống đó đã bị bóp chết, đập bẹt ra dán lên một bức tường vĩnh cửu như một tiêu bản hóa thạch phóng to. Chính vì thế, ngày đầu tiên đi qua những khu vực tranh tường này, tôi đã có cảm giác không ngửi thấy mùi sự sống sáng tạo, cảm thấy có một khoảng cách lớn giữa mạch đập sáng tạo thực tế còn sống và những tác phẩm tranh tường khổng lồ kia.

“Philadelphia Muses”, 1999, của Meg Saligman. Tác phẩm thuộc Philadelphia Mural Arts Program. Ảnh: Steve Weinik

– Những ô phố trống, những mảng tường xấu xí thực ra là những vết lở loét, những vết thương của một cơ thể già yếu, lụi tàn. Nếu ở Hà Nội, có một chỗ bị giải tỏa, phá hủy, hay tai nạn, hỏa hoạn, chỉ vài ngày sau, bạn sẽ thấy lỗ đó bị lấp, bằng một công trình mới, màu sơn mới. Hình dung giống như một tổ mối, nếu bạn đập vỡ một mảnh, chỉ một loáng, chỗ đó sẽ được hàn gắn, mới hơn, chắc hơn. Đó là sức sống đô thị, đó là cách hàn gắn của một cơ thể đang tràn đầy sinh lực. Khi một cơ thể già yếu lụi tàn, nó sẽ rữa nát, tan rã, nhưng từ đó sẽ mọc ra những sự sống hoàn toàn khác. Đó là quy luật tự nhiên. Những vết graffiti, hay cây hoang cỏ dại um tùm, có thể coi như vết tích tàn hại của giòi bọ, vi khuẩn, xấu xí nhưng sống động.

Trong khi đó những bức tranh tường hoành tráng giống như sơn son lên vết thương sau khi đã ướp xác. Nó đẹp đấy, nhưng làm cho vết thương lộ liễu hơn, nhức nhối hơn, và ngăn cho cái cơ thể già nua không thể siêu thoát, luân hồi. Những sân chơi, công viên nho nhỏ được chăm chút, sơn xanh sơn đỏ xung quanh các bức tường cũng không tạo ra cảm giác sống động thực sự. Vấn đề là mật độ quá thấp, những mảnh sân công cộng hiu hắt này không thực sự giá trị. Nếu nó thực sự cần thiết, thì trước đây đã được sử dụng, không để hoang hóa cỏ dại um tùm. Nếu tôi là trẻ con sống gần đấy, có lẽ tôi sẽ thích một khu rừng bí mật, um tùm tự nhiên, hơi nguy hiểm một tí, có thể có nhím, chồn, thỏ, thậm chí rắn hơn là mấy cái đu quay đờ đẫn chẳng ai dùng này.

“Evolving Face of Nursing”, 2010, của Meg Saligman. Trên phố Broad & Vine. Tác phẩm thuộc Philadelphia Mural Arts Program. Ảnh: Steve Weinik

Dự án càng lan rộng, càng có hàng chục ngàn tác phẩm, ta càng cảm thấy nó không phải cách đúng để cứu vãn tình thế, để làm trẻ hóa, hồi phục một cơ thể lỗ chỗ những vết thương.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả