|
|
|
|||||||||||||
Đi & ỞCacao trên đồi đá (kỳ 4): Làm sao để với ít phân mà cây vẫn tốt? 06. 06. 15 - 6:03 amPha Lê(Tiếp theo kỳ 3) Những bài trước động đến nào là trồng lại cây cho đồi đá, nào là tưới nhỏ giọt, nào là dùng kiến trị sâu bệnh. Thế thì bây giờ có sản phẩm từ cacao rồi chứ nhỉ? Còn gì nữa đâu? Vậy mà còn đấy. Làm thế nào để ổn định nguồn phân bón lâu dài cho vườn cacao rất quan trọng, vì cây không bón phân định kỳ chẳng thể ra trái tốt. Ban đầu, bác Phước ủ mùn cưa với vi sinh để đắp cho ngọn đồi, nhưng chuyện sử dụng các nguồn hữu cơ để phục hồi lớp đất màu trên bề mặt là bước đầu. Diện tích cần bao phủ thì lớn, mà sản lượng chất hữu cơ ngọn đồi có thì lại rất giới hạn. Sau khi biết nếu đem ủ mùn cưa sẽ làm phân bón được thì các xưởng cưa cũng lấy nó đi bán chứ không cho miễn phí nữa, mà người dân xung quanh đồi không có vốn để mua hoài. (Bác Phước cũng mong nạn chặt phá cây sẽ giảm nên không trông đợi vô việc lúc nào cũng dồi dào mùn cưa). Các bạn nông dân của đồi có phân dê nhưng không nhiều, với lại bác Phước nói rằng bón phân kiểu truyền thống không hiệu quả. Theo kỹ thuật bón phân bình thường thì người ta sẽ chôn phân tổng hợp hoặc hữu cơ xuống đất, khi gặp điều kiện bất lợi như nắng nóng hay mưa nhiều phân sẽ bắt đầu bốc hơi dần theo nắng hoặc bị rửa trôi theo mạch nước, mất đi các chất dinh dưỡng. Trong khi đó, tốc độ hấp thu phân, cũng như hấp thu nước của cây rất chậm. Vì vậy hiệu quả của việc bón phân truyền thống thực ra rất thấp. Mấu chốt là phải kiếm được cách lưu trữ phân bón dưới đất để cây có thể hấp thu từ từ. Câu trả lời cho sự nan giải này: than. Khi phóng to than dưới kính hiển vi, ta sẽ thấy nó có cấu trúc tổ ong, với những ngăn kệ và ngõ ngách. Khi trộn phân ủ với than, ta sẽ ém và bảo quản các chất dinh dưỡng của phân trong những ngăn ngách này. Cây sẽ lấy dần chất dinh dưỡng ở các ngóc ngách trong thời gian phát triển. Than cũng có thể trữ nước lẫn độ ẩm cho đất. Những ngăn nhỏ trong cấu trúc than cũng là nơi cư trú thích hợp cho các sinh vật có lợi mà ta chủ động cấy vào. Tất nhiên để dùng than thì bác Phước không đi mua than về, như vậy tốn kém cho các bạn nông dân lẫn không tốt cho môi trường. Bác áp dụng công nghệ làm biochar (than dư thừa từ thực vật) để tự sản xuất than. Biochar rất có lợi cho môi trường, đây là một kỹ thuật các nước tiên tiến ở châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản đã áp dụng từ lâu, nhưng vẫn còn khá mới ở Việt Nam. Giải thích đơn giản thế này: cây hấp thu carbon, nhả oxy. Cây dùng carbon để tạo ra sinh khối như thân, lá, rễ v.v… nên khi cây chết và phân hủy hoặc bị đem đốt, lượng khí carbon mà cây hấp thu sẽ… trở lại bầu khí quyển. Muốn giảm bớt carbon thải vào không khí, góp phần ngăn chặn hiệu ứng nhà kính, là ta phải tìm cách ghìm lượng carbon cây nhả ra sau khi chết hoặc khi đốt cây. Than biochar có thể khắc phục tình trạng này, do biochar phải trải qua quá trình đốt yếm khí, gọi nôm na là chưng khô. Khi chưng khô, ta chỉ sử dụng một lượng oxy nhỏ để khởi mồi lửa, sau đó tiếp tục đốt thật lâu trong tình trạng thiếu oxy. Khí bị yếm tới mức carbon trong lá, thân, rễ, trái… chỉ thoát đi một phần, phần còn biến thành than, lấy than này ủ với phân bón và chôn lại dưới đất thì ta sẽ giữ lượng carbon đó nằm im trong đất vĩnh viễn, ngăn không cho nó tỏa ngược lại lên bầu khí quyển. Vậy sản xuất than này thế nào? Bác Phước đào một cái lò ở lưng đồi, lò gồm một buồng chứa vật liệu đốt, gần như là kín mít trừ một lỗ thông hơi nhỏ. Sau khi mồi lửa cho lò, một lượng khí nhỏ sẽ chui vào từ lỗ thông hơi. Lửa bùng rồi thì bịt lỗ thông hơi này lại để lò kín hoàn toàn. Lò tiếp tục đốt âm ỉ như thế chừng 3 ngày 3 đêm – y như luyện tiên đơn. Khi mọi thứ thành than rồi bác Phước đập lò để lấy biochar ra. Ưu điểm của sản xuất than kiểu này là bất cứ sinh khối nào cũng có thể đốt thành biochar được, từ lá cây, thân tre già, trái thiu, củ hư, cành cây v.v… chứ không nhất thiết phải đốt gỗ cây lớn. Nhà có củ quả gì thừa đều tận dụng làm biochar được. Mùa mưa dê đủ cỏ ăn, không cần ăn vỏ cacao hay lá cacao thì lấy vỏ và lá thừa đem nung làm than để dùng lâu dài.
Tùy theo nguyên liệu đầu vào, than có kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Muốn bón cho cây thì phải xay than ra trộn với phân. Hơi cực nhưng sản xuất than kiểu này ít tốn kém, cấu trúc tổ ong của than lại giúp giữ phân hiệu quả trong đất, nên chỉ với ít phân dê mà các bạn nông dân trong vùng có thể bón cây lâu dài, không cần tốn tiền mua phân bón. Than còn chôn được khí carbon, giúp giảm thiểu khí thải.
Cây no nê, trái cacao mập ú căng tròn, sắp thu hoạch để làm ra sản phẩm rồi. Mọi người chờ kỳ sau nhé.
Ý kiến - Thảo luận
16:14
Wednesday,27.5.2020
Đăng bởi:
Long Hòa
16:14
Wednesday,27.5.2020
Đăng bởi:
Long Hòa
Cảm ơn Pha Lê. Loạt bài này hay quá!
17:45
Wednesday,3.8.2016
Đăng bởi:
phale
@Frederic Cacao: Mọi người trên đồi vẫn vui vẻ bạn à, cảm ơn bạn đã quan tâm. Dạo này có vẻ im hơi lặng tiếng do Lộc đang gấp rút hoàn thành mặt hàng sô-cô-la. Trái với các món như rượu hay xà phòng, sô-cô-la rất phức tạp nên mất thời gian lắm.
Mình sẽ viết thêm về sô-cô-la và cụ thể quá trình chế biến, nhưng chính mình còn đang phải ngâm một mớ tài li ...xem tiếp
17:45
Wednesday,3.8.2016
Đăng bởi:
phale
@Frederic Cacao: Mọi người trên đồi vẫn vui vẻ bạn à, cảm ơn bạn đã quan tâm. Dạo này có vẻ im hơi lặng tiếng do Lộc đang gấp rút hoàn thành mặt hàng sô-cô-la. Trái với các món như rượu hay xà phòng, sô-cô-la rất phức tạp nên mất thời gian lắm.
Mình sẽ viết thêm về sô-cô-la và cụ thể quá trình chế biến, nhưng chính mình còn đang phải ngâm một mớ tài liệu đây do quy trình sản xuất kỳ công lắm mà mình chẳng có chuyên ngành khoa học gì, chỉ là ham hố muốn học hỏi thôi nên khi nào mọi thứ hoàn chỉnh, mọi người sẽ có thể tìm hiểu thêm về sô-cô-la chính hiệu Việt Nam, không hại môi trường và không hóa chất bậy bạ :)
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp