|
|
|
|||||||||||||
Kiến trúcĐại học Chicago: 100 năm và độc lập như cổ tích 25. 05. 15 - 7:15 amPhó Đức Tùng(Các bạn xem danh sách các bài trong loạt này ở cuối bài nhé.) * Chicago, 19. 04. 2015 Nghe danh đại học Chicago đã lâu, với những trường phái kinh tế, xã hội học, nhân học, tâm lý học v.v. hàng đầu thế giới. Hôm nay mới được qua xem tận nơi. Rất tiếc là trời hơi mưa, không đi bộ được, nên chỉ ngồi trên xe lượn quanh một vòng. Trường không có ranh giới, không thấy biển báo, cổng chào gì cả. Nếu không có GS. Ngô Bảo Châu dẫn, thì đúng là chẳng biết đường nào mà đi. Đầu tiên là đi qua những phố xá yên tĩnh, với những biệt thự cổ kính, chủ yếu xây gạch đỏ, mái dốc, trông như những vùng đô thị ngoài trung tâm ở nước Anh thế kỷ trước. Châu bảo đây chủ yếu là nhà của giáo sư, giảng viên, nhân viên của trường, cũng có thể coi như khu trường rồi. Đi một lúc, thấy hai bên đường có những tòa nhà lớn, trang nghiêm, toàn kiểu tu viện cổ hay nhà thờ gô tích, màu tường trầm tối, cây leo bám đầy. Những tòa nhà này đều là giảng đường, hoặc là các khoa khác nhau của trường, và cũng chẳng ở đâu thấy biển đề cả. Ta có thể hoàn toàn hình dung ra quang cảnh giống như được miêu tả trong trường phù thủy Hogward hay một khu tu viện Trung cổ. Gần như không có dấu hiệu gì của cuộc sống thế kỷ 20 trong khu vực trường. Trời âm u, mưa phùn, gió lạnh, không có bóng người nào ra đường, càng giống mô tả về thế giới phù thủy không hiển thị cho con mắt người trần. Biết đâu đằng sau tu viện vắng lặng này lại là những đường phố phù thủy đang đầy nhộn nhịp. Toàn bộ khu trường đẹp kinh khủng, nhà nào cũng đẹp, lại đồng bộ với cảnh quan, vườn tược, cây cối, như ở một xứ sở thần tiên. Ký túc xá sinh viên cũng như lâu đài cổ, rêu phong cũ kỹ, cây bám kín tường. Có một tòa biệt thự đẹp như một lâu đài cổ tích nhỏ, là nhà công vụ của hiệu trưởng, nhưng thấy Châu bảo ông chỉ tiếp khách ở đây, còn ở chỗ khác nữa. Đẹp ghê gớm là tòa nhà thư viện Mansueto của trường, bằng những khối bê tông chắc nặng như quả núi, tương phản với phòng đọc lớn là một vòm kính khổng lồ giữa sân.
Đi loanh quanh các phố, mãi mới thấy có một tòa nhà trông có vẻ đơn giản, bình thường. GS. Châu bảo đây là tòa nhà xấu nhất trường. Phòng hiệu trưởng trên tầng cao của tòa nhà này. Hiệu trưởng đại học Chicago thừa danh giá, khó gì việc tỏ ra khiêm tốn. Nói chung, ấn tượng về trường là rất đẹp, nhưng như từ thế kỷ nào, một xứ sở, thời gian hoàn toàn khác, không liên quan gì đến thành phố, đến những khu nhà chọc trời trong trung tâm Chicago. Sau về đọc thêm về đại học Chicago được biết là trường mới có lịch sử hơn 100 năm, nhưng xuất phát điểm vốn là một trường dòng tư thục, được làm theo mô hình những trường lớn lâu đời ở Anh, nên kiến trúc cổ kính và giống tu viện như vậy. Trường này do hai nhà tỷ phú là Rockefeller và Marshall Field tài trợ, chả trách kinh tế và xã hội học là hai lĩnh vực được chú trọng nhất. Ngay từ đầu, trường đã có định hướng nghiên cứu cơ bản, đi đầu về lý luận, không đặt nặng vào kỹ thuật, ứng dụng, là những lối tư duy rất phổ biến tại Mỹ thời đó. Sau này, trường còn có những chủ trương như giảm phần thể thao, cơ bắp, tập trung vào trí não, độc lập với chính trị, thị trường. (Mặc dù trung tâm thể thao mới của trường rất đẹp, nhưng trông ngoài thì không thấy không khí thể thao lắm). Tất cả những chiến lược này đều rất đồng điệu để tạo ra một thế giới độc lập, tách biệt với bên ngoài, mặc dù tuyệt đối không có một bức tường, một cái cổng nào cả. Một chi tiết mang tính chiến lược, đó là việc đầu tiên, trước khi làm cả khu đại học, người ta đặt một bảo tàng khoa học kỹ thuật quy mô rất lớn. Sau đó, trường được hình thành dần dần gần khu bảo tàng này. Bắt đầu bằng thu thập tinh hoa, liên tiếp tích lũy, có như thế mới mong đứng trên vai người khổng lồ được. Lại nghe nói trường này bỏ nhiều tiền mời GS Châu từ Pháp sang, chỉ cần ngồi đó, không cần làm bất kỳ một cái gì, không phải báo cáo, nộp bài, không phải lên lớp. Mọi sự do GS hoàn toàn tùy ý, thích làm gì thì làm. Điều này cho thấy tính sáng suốt của trường. Đã là học giả, tự họ có nhu cầu nghiên cứu, truyền bá, chẳng cần ai bắt. Mà có bắt thì cũng chẳng ra được cái gì. Trong khi đó ở Việt Nam, nếu có may mắn vớ được ông nào giỏi giỏi, thì lập tức ụp cho một đống “trọng trách”, và nhất là bắt đi họp. Thế mới càng rõ, cái hệ thống đại học của ta, đầu tiên không coi trọng tri thức, nên không có bảo tàng, sau đó không biết thế nào là làm ra tri thức, nên không biết dưỡng trí giả, thì làm sao gọi là đại học được. Ngay cả nếu bỏ qua khâu tri thức và tạo ra tri thức, mà chỉ xét đến chuyển giao công nghệ, hay nói như Comenius là đào tạo hiện đại ví như công nghiệp in người thì hệ thống của ta là một cỗ máy in tồi, thay vì in công nghiệp thì dùng hàng nghìn cái mồm truyền khẩu, tam sao thất bản như thời hồng hoang. Ý kiến - Thảo luận
9:16
Tuesday,26.5.2015
Đăng bởi:
trung
9:16
Tuesday,26.5.2015
Đăng bởi:
trung
@ong Bắp : trường dạy lí thuyết, ít thực tế thì không thể dạy nghề được
9:14
Tuesday,26.5.2015
Đăng bởi:
Dung Hoang
Bác ong Bắp bình luận là trường nghề cũng không chuẩn lắm, tại vì phần lớn sinh viên ra trường cần được công ty trực tiếp đào tạo mới có khả năng làm việc. Còn giáo dục kiểu đó gọi là gì thì tôi nghĩ chưa ra, nghiên cứu hàn lâm thì cũng không đúng mà đào tạo có tính ứng dụng thì cũng không phải, việc này cần phải được quan tâm sâu sắc bởi Đảng, Nhà nư
...xem tiếp
9:14
Tuesday,26.5.2015
Đăng bởi:
Dung Hoang
Bác ong Bắp bình luận là trường nghề cũng không chuẩn lắm, tại vì phần lớn sinh viên ra trường cần được công ty trực tiếp đào tạo mới có khả năng làm việc. Còn giáo dục kiểu đó gọi là gì thì tôi nghĩ chưa ra, nghiên cứu hàn lâm thì cũng không đúng mà đào tạo có tính ứng dụng thì cũng không phải, việc này cần phải được quan tâm sâu sắc bởi Đảng, Nhà nước và ban ngành, đoàn thể khác.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp