Sử-Triết

Xã hội Hàn Quốc (bài 6): Giặc Oa hai lần đại phá Cảnh Phúc Cung 23. 07. 15 - 6:33 am

Đặng Thái

Lời mở đầu:Hàn Quốc nằm ở trung tâm khu vực Đông Á với hàng nghìn năm phải chống chọi và dung hòa trước hai cường quốc Trung Hoa và Nhật Bản. Xin dành hai bài tiếp theo để nói về mối quan hệ đặc biệt Hàn Quốc–Nhật Bản. Hai dân tộc đã làm nên những điều phi thường, có cùng nguồn gốc tổ tiên, với hai chủ nghĩa dân tộc cực kỳ mãnh liệt, hai ngôn ngữ hoàn toàn cô lập với phần còn lại của thế giới, chia sẻ cùng nhau một lịch sử lâu dài và đẫm máu, cuối cùng lại là hai đồng minh thân cận của Hoa Kỳ thời hiện đại, tuy rằng mối quan hệ này lại chưa bao giờ yên ả.

Chúng ta thường nhìn nhận Hàn Quốc như một bản sao nhỏ hơn của Nhật Bản, nhưng đừng bao giờ dại dột nói ra điều ấy. Tuy có rất nhiều điểm giống nhau về mô hình phát triển kinh tế và sự phát triển thần kỳ sau chiến tranh, tính kỷ luật của con người, phương pháp giáo dục…, nhưng về bản chất dân tộc cũng như đặc điểm văn hóa lại có rất nhiều khác biệt. Không người Nhật hay người Hàn nào muốn nghe người ta nói nước mình giống nước kia. Đó cũng là do những bất đồng sâu sắc và hiềm khích lâu dài trong lịch sử giữa hai nước.

Quân đội nhà Triều Tiên với sự trợ giúp của quân Minh tấn công quân Nhật đang cố thủ ở thành Ulsan trong cuộc chiến tranh mà lịch sử Hàn Quốc gọi là Oa Loạn Nhâm Thìn (1592 – 1598). Cuộc chiến này chưa bao giờ được các sử gia trung đại Triều Tiên ghi lại trong chính sử mà chỉ gọi là “loạn” vì Triều Tiên không coi Nhật Bản là một nước có vị thế ngang hàng. Trong khi đó quân Nhật đã chiếm đượcvà tàn phá nặng nề toàn bộ Triều Tiên khiến vua tôi Triều Tiên phải cầu viện nhà Minh.

Lịch sử Nhật Bản-Hàn Quốc (tạm coi là đại diện cho cả dân tộc Triều Tiên) là vấn đề chưa bao giờ có lời giải đáp và sẽ không bao giờ có kết thúc cho những cuộc tranh luận liên miên giữa hai bên. Biện pháp hiện nay được cả hai nước áp dụng là viết lại lịch sử theo quan điểm của mình để giảng dạy cho con em mình những sự thật có lợi cho nước mình. Các học giả phương Tây cũng bó tay trước những lí lẽ và bằng chứng thuyết phục mà cả hai bên đưa ra vì ngày nay cả hai nước đều đã giàu có, đều không chịu kém cạnh trong việc chi tiền để “đi tìm sự thật lịch sử”. Vì vậy chúng ta chỉ có thể tìm hiểu một cách khách quan, qua những điều hiển nhiên là đúng do bên thứ ba ghi lại mà thôi.

Đến Seoul, chắc chắn không khách du lịch nào là không (phải) đi thăm Gyeongbokgung (Cảnh Phúc Cung). Giống như ở Bắc Kinh, tour guide thường dẫn đoàn từ phía cuối Hoàng thành, đi vào “Hậu Môn”, theo trục Bắc-Nam qua hết các cung điện mà ra đến cổng chính, kết thúc ở một quảng trường rất lớn phía trước. Với mỗi một đất nước, cung điện hoàng gia luôn có một vị trí quan trọng trong lịch sử và những gì trong đó luôn gây tò mò cho đa số thường dân. Câu chuyện của chúng ta có lẽ cũng nên bắt đầu từ đây.
 

Gwanghwamun (Quang Hóa Môn) cổng chính vào Hoàng Cung nhà Triều Tiên, vị trí và vai trò tương tự như Thiên An Môn và Ngọ Môn.

Không giống với nước ta, luôn luôn phải đề phòng và chiến đấu nhiều lần với các triều đình Trung Hoa, người Triều Tiên có một mối quan hệ rất tốt đẹp với người Trung Quốc (trừ cuộc xâm lược của quân Nguyên-Mông). Cụ Lê Quý Đôn đã viết: “Triều Tiên trong suốt lịch sử lâu dài của họ chỉ có hai triều đại Cao Ly và Triều Tiên, điều này không chỉ nước ta mà Trung Quốc cũng nên học tập”. Đó cũng là nhờ sự ngoan ngoãn, thuần phục của tất cả các đời vua Cao Ly( 918–1392) và Triều Tiên (1392–1897). Họ luôn luôn chỉ xưng Vương, chịu làm chư hầu của Trung Quốc. Chắc cũng do số phận đất nước Triều Tiên dường như không hợp mệnh Đế, đến tận đầu thế kỉ 20, khi Triều Tiên Cao Tông lần đầu tiên xưng đế trong lịch sử thì chỉ vài năm sau Đại Hàn Đế Quốc chính thức trở thành thuộc địa của Đế Quốc Nhật Bản.

Nhìn trên diềm mái của cái cổng này, ta sẽ thấy chỉ có 7 linh vật được gắn lên (chấm đen trên nền trời xanh), mái ngói lợp bằng loại thanh lưu ly (màu xanh) thể hiện rõ ràng rằng vua Triều Tiên kém thiên tử Trung Hoa một bậc. Còn “bọn nghịch tặc An Nam” thì sao? Đời đời xưng Đế, mái nhà thì lợp ngói hoàng lưu ly (màu vàng), rồng phượng ngoằn ngoèo, toàn gắn 9 linh vật đầy mái cung điện. Thế nên Thiên Triều luôn luôn mượn cái cớ Việt Nam ta “tiếm xưng Hoàng Đế” để thỉnh thoảng lại phải choảng cho một trận.

Triều đình Triều Tiên quan hệ rất hữu hảo với Trung Quốc nhưng với Nhật Bản thì lại trái ngược hoàn toàn. Cảnh Phúc Cung hoành tráng mà chúng ta đang tham quan đây, tất cả đều là đồ giả, toàn bộ được xây mới bằng bê tông cốt thép. Mình cứ thắc mắc tại sao cung điện to thế mà không được UNESCO công nhận là di sản văn hóa. Lúc mới nhìn đã ngờ ngợ, đến sờ thì càng nghi ngờ, về nhà tra cứu thì đúng thật. Các hướng dẫn viên du lịch Hàn Quốc, vì lòng tự tôn dân tộc đều cố ý giấu đi một sự thật: Cảnh Phúc Cung đã bị phá hủy gần hết, bỏ hoang hai thế kỉ, xây lại và lại bị phá tiếp, hai lần đều do… người Nhật!
 

Nhìn cảnh bất giác nghĩ đến câu thơ “Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”, xong lại chột dạ bởi lẽ nó thích hợp hơn với những nền gạch còn sót lại của cung điện khi xưa chứ khó có thể khớp với những đền đài miếu mạo mới toanh, xây bằng đá granite mài nhẵn thín, ngói men bóng lộn, đá hộc lát nền kín mít. Dù người ta đã rất cố gắng làm cho giả cổ nhưng vẫn không giấu được sự thô thiển và khiên cưỡng của những công trình mới được xây xong. Tòa tháp cao bên phải là Bảo tàng Cố cung và Dân tộc học Hàn Quốc, thường bị nhầm lẫn với Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc đã chuyển đi từ 2005.

Cung điện xấu số này được khởi công năm 1394 dưới thời Triều Tiên Thái Tổ là cung điện lớn nhất trong Ngũ Cung ở Seoul, “là biểu tượng huy hoàng cho lịch sử dân tộc, niềm tự hào của nhân dân Hàn Quốc” (trích lời hướng dẫn viên du lịch). Năm 1553 cung bị cháy phần lớn nhưng được vua Minh Tông cho sửa chữa. Nhật Bản xâm lược Triều Tiên vào cuối thế kỷ 16 đã phá hủy hoàn toàn cung điện. Triều đình Triều Tiên phải dùng Xương Đức Cung (sẽ kể tiếp ở một bài khác) trong suốt 270 năm cho đến khi Cảnh Phúc Cung được xây lại vào năm 1868.

Ngày 8. 10. 1895, Hoàng hậu Minh Thành chủ trương chống Nhật bị ronin Nhật ám sát ngay tại Cảnh Phúc Cung; Triều Tiên Cao Tông cùng hoàng gia phải bỏ cung mà trốn vào lãnh sự quán Nga và không bao giờ còn cơ hội trở lại đó nữa. Triều Tiên nhanh chóng bị Nhật Bản đô hộ, dẹp bỏ triều đình và một lần nữa đập tan Hoàng Cung.

Phủ Toàn Quyền Nhật Bản được xây trên nền Điện Cần Chính đã bị phá hủy, phía trước là Quang Hóa Môn. Vị thế đồ sộ và hoành tráng bậc nhất Hàn Quốc của tòa nhà này được duy trì cho tới tận những năm 1960. Tổng thống Kim Young Sam đã bất chấp các ý kiến phản đối, quyết định cho đập bỏ tòa nhà vào ngày Quốc khánh Hàn Quốc năm 1995 và dựng lại cung điện theo kiến trúc truyền thống. Ảnh từ trang này.

Một triệu năm về trước, phần lớn người Nhật tiền sử di cư từ Mông Cổ đến đất Nhật Bản qua lãnh thổ Triều Tiên, những người Mông Cổ ở lại bán đảo này trở thành tổ tiên của người Hàn Quốc bây giờ. Khi ấy lãnh thổ Nhật Bản vẫn còn gắn liền với Triều Tiên và Trung Quốc Đại Lục, rồi dần dần sau nhiều biến đổi địa chất mới tách ra thành quần đảo Nhật Bản như hiện tại. Quần đảo này vẫn đang từ từ dịch chuyển sang phía đông, nghĩa là một ngày nào đó  (khoảng vài… chục triệu năm) nó có thể trôi đến tận… đất Mỹ ,tức Hawaii.

Thời trung đại, Nhật Bản được coi là nước lạc hậu nhất trong vòng văn hóa Đông Á. Nhân đây tiện nói thêm về cái chữ “Phù Tang”, giống như cái trò ngớ ngẩn “xứ sở Kim Chi”, cụm từ “xứ sở Phù Tang” cũng được nhai đi nhai lại quanh năm trên truyền hình khi nói về Nhật Bản. Đã có bài giải thích Phù Tang là gì và tại sao không nên dùng chữ Phù Tang tùy tiện nhưng dường như không mấy ai quan tâm.

Sự liên kết giữa bán đảo Nhật Bản với lục địa châu Á khoảng 3.5 – 2 triệu năm về trước và đường vẽ lãnh thổ quần đảo Nhật Bản hiện tại. Người tiền sử di cư đến Nhật và Hàn vào thời đồ đá cũ có cùng một nguồn gốc. Cả những nghiên cứu về AND và nhìn bằng mắt thường ta đều thấy sự giống nhau giữa người Nhật với người Hàn.

Trung Quốc và Triều Tiên thường dùng Oa Quốc (倭国) để chỉ nước Nhật, còn người Nhật thì gọi là Oa nhân. Chữ Oa có nghĩa là lùn. Ngày xưa dân Nhật nghèo đói, người được một mẩu mà chuyên hành nghề hải tặc, đi thuyền chài sang Triều Tiên và Trung Quốc để cướp bóc nên gọi là Oa khấu (Giặc lùn). Ngày nay, Oa khấuOa nhân vẫn được dùng ở Trung Quốc, Hàn Quốc hiện đại để gọi miệt thị người Nhật, giống như ta gọi bọn Nhật lùn hay Tàu khựa vậy. Người Hàn Quốc thời xưa cho rằng mình giàu có hơn, lại ở gần nơi văn hiến (Trung Quốc) nên văn minh và lịch sự hơn nhiều lần bọn mọi rợ Oa nhân ở ngoài hải đảo.

Mà quả đúng như người Triều Tiên khi xưa nghĩ, từ những điều cơ bản như phương thức canh tác lúa hay các phương pháp chế biến thức ăn, cho đến những thứ cao cấp hơn như chữ Hán và đạo Phật đều du nhập vào Nhật qua đường Triều Tiên.Trung Quốc là nguồn sáng văn minh duy nhất cho Nhật Bản vì bên kia bờ đông nước Nhật là đại dương mênh mông. Nghĩa là hầu như những “văn minh” người Nhật cổ học được từ Trung Quốc đều là sau khi người Triều Tiên đã biết. Khi đạo Khổng được tuyệt đối tôn thờ ở Triều Tiên, các nhà sư phải bỏ trốn sang Nhật rất nhiều và mang theo nghệ thuật hội họa, điêu khắc, gốm sứ cũng như triết lý Phật giáo vào Nhật.
 

Đại Phật Tượng (Daibutsu) của Đông Đại Tự (Todai-ji) tại thành phố Nara là tượng đồng Đại Nhật Như Lai lớn nhất thế giới – minh chứng cho thời kì Phật giáo phát triển rực rỡ tại Nhật. Tượng được đúc theo phong cách Cao Ly, với sự giám sát của các điêu khắc gia Cao Ly và thực hiện bởi thợ thủ công Cao Ly.

Nhà Nguyên chiếm Triều Tiên, bắt dân Triều đóng thuyền đánh Nhật. Người Nhật hai lần may mắn thoát khỏi sự tấn công của quân Nguyên Mông đều nhờ gió bão đánh đắm hết tàu bè, nhưng họ vẫn sợ đến mức có câu nói còn truyền đến ngày nay để dọa trẻ con kiểu ông Ba Bị: “Mukuri, kokuri, oni ga kuru” (Bọn quỷ Mông Cổ, Triều Tiên đến (bắt) bây giờ). Giống như ở ta cũng vẫn còn nói “Đông như quân Nguyên” đấy thôi. Dĩ nhiên là người Nhật chối bỏ hoàn toàn sự ảnh hưởng của văn hóa Triều Tiên lên văn hóa Nhật và luôn chứng minh rằng văn hóa của họ độc đáo và khác biệt do vị trí địa lý cô lập.

Người Hàn cho rằng người Nhật là giống lạc hậu, không có văn hóa, nên mới mang thiết kế cái thớt truyền thống của Hàn Quốc (Doma –도마)về Nhật Bản để dùng làm guốc đi (Geta -下駄). (Nói thì buồn cườinhưng mà đúng là nhìn cũng thấy giống thật các bác ạ! Còn nhiều loại quần áo, khăn khố của Nhật được người Hàn cho là lấy kiểu từ thảm chùi chân với chăn chiếu nhưng mà em không nhớ hết).

Sự lạc hậu của Nhật cuối cùng cũng kết thúc khi một nguồn văn minh mới xuất hiện: người phương Tây đến! Trước khi biết đến văn minh phương Tây, người Nhật chỉ dám dùng thảo khấu đánh cướp ven bờ Trung Quốc và Triều Tiên để quấy phá và kiếm ăn chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến tấn công vào đại lục. Nhớ hồi trước, hai bố con mình ngồi xem phim Thần Y Hơ-Jun, bố nói: “Bọn này làm phim bốc phét, Nhật lúc đấy làm gì có súng mà bắn!”. Nhưng thật ra người Nhật đã học được cách chế tạo súng hỏa mai từ người Bồ Đào Nha vào khoảng năm 1543. Toyotomi Hideyoshi thống nhất nước Nhật vào năm 1582 rồi tham vọng tấn công cả Trung Quốc qua đường Triều Tiên. Nhật muốn mượn đường Triều Tiên để đánh Trung Quốc nhưng bị từ chối nên đã chiếm trọn Triều Tiên chỉ trong ba tháng vào năm 1592. Nhà Minh đưa quân sang chi viện khiến chiến tranh kéo dài đến tận năm 1598 cho đến khi Toyotomi Hideyoshi ra lệnh rút quân trước khi băng hà.

Người anh hùng kế thừa nước Nhật là Tokugawa Ieyasu kí hòa ước với Triều Tiên vào năm 1609 và rồi Mạc phủ đóng cửa nước Nhật cho đến tận Minh Trị Duy Tân mà chúng ta ai cũng biết. Dẫn giải nhiều như vậy cốt để nói lên rằng, cứ mỗi khi Nhật Bản hùng mạnh thì Triều Tiên bị chèn ép và ngược lại. Triều Tiên luôn là mục tiêu của Nhật mỗi khi họ vươn mình trỗi dậy.
 

Tượng đài đặt tại Quảng trường Quang Hóa Môn trung tâm chính trị của Seoul, vinh danh Đô Đốc Thủy Quân Lý Thuấn Thần, anh hùng dân tộc của Triều Tiên. Trong kháng chiến chống Nhật (1592-1598) với việc phát minh ra tàu con rùa (tượng nhỏ ở dưới), ông đã đánh thắng thủy quân Nhật 23 trận liên tiếp, bất bại đến tận lúc hi sinh. Là biểu tượng cho tinh thần dân tộc nên đến cái kiếm gỗ đồ chơi ngoài chợ trời cũng có khắc tên ông, xem lại bài 2 bạn sẽ thấy có quyển sách nói về ông này trên giá sách cho thiếu nhi.

Người Triều Tiên nào chiến đấu chống Nhật đều được coi là anh hùng, cái này có phần giống ta, ai đánh Tàu cũng đều là anh hùng dân tộc, được tôn kính, thờ phụng và làm hình mẫu giáo dục thế hệ trẻ. Thủ tướng đầu tiên của Nhật Itō Hirobumi, đồng thời là Toàn quyền Nhật Bản tại Triều Tiên bị ám sát năm 1909 bởi một người tên là An Jung-geun. An Jung-geun được tôn vinh hết mức bởi cả Hàn Quốc và Trung Quốc hiện đại, thời đó Tôn Trung Sơn, Lương Khải Siêu, Viên Thế Khải đều viết thơ ca ngợi anh. Trong bộ Du Ký Việt Nam (Nhà xuất bản Trẻ) có bài của một người Việt kể chuyện sang Nhật chơi vào thời gian này bị cảnh sát Nhật bắt lại vì nghi ngờ là người Triều Tiên, thế mới biết các tiền bối phượt nhà ta cũng liều lĩnh biết nhường nào!

Sự hiềm khích giữa Hàn Quốc và Nhật Bản hiện đại càng được đẩy lên đến tột cùng bởi 35 năm Triều Tiên là thuộc địa của Đế Quốc Nhật. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tiếp vấn đề phức tạp và nhạy cảm này ở bài sau.

*

Xã hội Hàn Quốc:

- Xã hội Hàn Quốc (bài 1): Ngắm Hangang, nghĩ về kỳ tích sông Hán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 2): Chuyện ở bác vật quán và thư quán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 3): Đừng chết ở hagwon

- Đồ uống Hàn Quốc: Su là thủy, bul là hỏa, su cộng bul bằng sul là tửu

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 2): Em ơi đừng tin nó lừa đấy, nó bảo là không có bột ngọt!

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 1): Ăn cơm bát không được bưng, uống rượu nhớ đừng tự rót

- Xã hội Hàn Quốc (bài 4): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn ông thì biểu tình…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 5): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn bà thì trang điểm…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 6): Giặc Oa hai lần đại phá Cảnh Phúc Cung

- Xã hội Hàn Quốc (bài 7): Ủy An Phụ và Quang Phục Tiết

- Xã hội Hàn Quốc (bài 8): Kiều bào hay đồng bào?

- Xã hội Hàn Quốc (bài 9): Nỗi buồn được giải quyết ra sao?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 1): Thối quá nhưng mà chặt hay không chặt?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 2):
Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị
Tiện giang sơn hướng bối chi nghi

- Đặc biệt thị Seoul (bài 3):
Quyền lực nằm ở đâu?
Cung, Phủ hay Đài, Đường?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 4): Cổ thì ít còn kính thì nhiều

Ý kiến - Thảo luận

12:50 Tuesday,29.1.2019 Đăng bởi:  Trinh Nguyen
Cảm ơn tác giả đã chia sẻ để mọi người mở rộng thế giới quan.
...xem tiếp
12:50 Tuesday,29.1.2019 Đăng bởi:  Trinh Nguyen
Cảm ơn tác giả đã chia sẻ để mọi người mở rộng thế giới quan. 
20:16 Saturday,1.8.2015 Đăng bởi:  Đặng Thái
Rất cảm ơn Cuadedanh đã quan tâm đến những bài viết của mình. Tiếc là mình không có blog, nguồn online thì chỉ có trên Soi thôi. Bạn chịu khó sử dụng công cụ tìm kiếm của Soi để đọc bài vậy nhé :)
...xem tiếp
20:16 Saturday,1.8.2015 Đăng bởi:  Đặng Thái
Rất cảm ơn Cuadedanh đã quan tâm đến những bài viết của mình. Tiếc là mình không có blog, nguồn online thì chỉ có trên Soi thôi. Bạn chịu khó sử dụng công cụ tìm kiếm của Soi để đọc bài vậy nhé :) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả