Văn & Chữ

Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 3):
Ân oán Hàng Anh với Đirađivô 19. 06. 15 - 8:25 pm

Nguyên tác: Rào Luống Cần - Biên dịch: Linh Sơn Cao hổ cốt chân nhân

(Tiếp theo hồi 2: Về Huệ Thư)

                   Hồi 3
Nhờ Thư Ly, trai già được quán
Phải RaVô, thiếp trẻ lìa chồng

Lại nói về bọn Thư với Ly, hẹn với Hảo Ngọc sáng hôm sau trà lá. Làm chàng dậy rõ sớm, lử đử chạy đúng 13 vòng quanh hồ Kim Quy, đúng bài tập hòng có ngày giật giải Lực Sỹ Bắp Sắt toàn quốc (nhưng sau này thế quái nào lại lọt vào chung kết Bố ơi mình giang hồ thế? Chạy về dinh, Hảo Ngọc thay bộ y phục thể dục ướt sũng bồ hôi ra, diện áo vest Bà na Nồ và một cái sơ mi lụa mầu hoả đồng, quần tất nhiên là của hãng Cúc Chì, vận đôi giầy khâu tay của thầy Bảng hói, chánh hiệu hay ngồi chỗ vỉa hè đại sứ quán Pháp, nhưng ai không biết thì lóa mắt lại tưởng hàng thửa từ Ý Đại Lợi gửi về. Chàng nhã nhặn ra ngồi chỗ gốc cây sưa trước cửa quán Luloa, vừa đợi bạn vừa dao dĩa loáng thoáng ăn một cái đùi chim sẻ hun khói, uống ly rượu mận. Rồi mặt mũi buồn thiu vì đói, chàng vẫy mụ bán rong ngõ luộc vào, làm hơn chục bắp, gặm một hơi. Chán nản vì trời bắt đầu nóng, , việc nhà còn chưa giải quyết, bèn bảo tài xế về dinh đón các công tử vào kinh học thái sư kiêm họa sư Văn Dương Hành, môn đấu kiếm. Rồi chàng sang viện Thìn Đẹp uốn lại ria và gội đầu cho mát, mặc kệ sự đời…

Hình chỉ mang tính chất minh họa Hảo Ngọc. Tranh Nhật.

Thời tiết mới lập hạ mà nóng như thiêu, đúng chính ngọ Thư và Ly khăn quấn kín mít vì sợ rám da, thướt tha vào trà quán Loloa ăn sáng. Dậy muộn quá, dử mắt còn đọng long lanh trên mi, hai nàng lôi son phấn ra tô trát, rồi ăn súp yến nấu với hạt sen Tây Hồ, dùng thêm vài cái bánh bẻng nóng bồi mới lấy ở mạn Hàng Chai, rồi uống trà xanh mới ủ nước xanh ngắt, pha với mật ong bạc hà, cho lợi tiểu. Một hồi thì no, bắt đầu gật gờ buồn ngủ, nhưng vẫn giữ thể diện, giả vờ đắm chìm tâm trạng, Thư thì hút xì gà, nhả khói vào mặt Ly, cả đôi bắt đầu ho rũ rượi…

Thư với Ly. Hình chỉ mang tính minh họa. Tranh dân gian Nhật.

Vừa kịp lúc, Hàng Anh mò đến, nom hắn cũng rũ rượi chả kém, có con Thu Tất (xem hồi 2 sẽ rõ) mặt mũi nặng bị xị theo sau. Ngoài cửa có cỗ xe song mã, chắc Huệ Thư cho Hàng Anh mượn để đi lo việc. Nguyên Ly hiểu ý, gọi bồi đem mấy chai La Ve ra, đưa cho Thu Tất, đuổi nó ra ngoài xe uống với bọn theo hầu. Hàng Anh lúc ấy mới não nề kể lể: “Em cùng đường rồi, vốn liếng ít ỏi, may ra chỉ đủ đóng bàn ghế. Mở quán mới mà đến cái lồi đun lước cũng chưa có, con Thu Tất nó kê kích em suốt từ sáng tới giờ, em không dám nói ra…” . Linh, Thư trợn mắt, bảo “Việc gì phải đóng mới, đệ xài đồ cũ nhưng sơn sửa và thiết kế lại, trang hoàng như thời quá vãng, nhờ bọn hoạ sỹ bạn hữu giúp cho. Đừng để bọn chủ nhà dinh vào. Nghe chưa?” Thằng kia bừng tỉnh, đa tạ rối rít định nhổm đít đi ngay. Nguyên Ly kéo lại nói thêm “Anh nghĩ cả thực đơn và cung cách hầu khách cũng theo lối thời chiến chinh đi, cho độc đáo. Cứ lạ là sẽ đông người mê”. Hàng Anh nhẩy cẫng, ra cho con Thu Tất mấy xu để bắt tầu điện về. Còn hắn thì cùng bọn người hầu, đánh xe chạy thẳng về mạn Ô Cầu Dền, vào chợ Giời lục lọi , hân hoan chở về xe nhớn xe bé, mặt mũi sáng sủa trông nam tính hẳn lên, thành quả thế nào rồi từ từ sẽ biết…

Hàng Anh kể lể với Ly, Linh, Thư. Hình chỉ có tính minh họa. Tranh dân gian Nhật.

Lại kể về vườn Hoàng Trưng, ngày tháng trôi qua khá buồn tẻ, từ phương xa bỗng thấy đến chơi một cao nhân mặc khách, ngài là Đirađivô – vốn là cựu điệp viên hai mang. Do tuổi đã dừ, trí nhớ giảm sụt cứ lẫn lộn ta ta địch địch, tin tức đưa cho bên nào cũng nửa đúng nửa sai, bị truy sát mấy lần nhưng nhờ dẻo mỏ, ca một đoạn cải lương rất mùi, nên bọn hiệp sỹ mủi lòng, đưa tay lên chùi nước mắt, quay ra thì lão đã trốn rồi! Giờ Đirađivô đã rửa chân gác kiếm, chuyên tâm mở quán rượu lấy chốn nương thân. Quán trước lão mở là nhờ phu nhân Hương Sen và tiểu thư Bé Túy cho mượn dinh, lão hứa hẹn có lãi sẽ chia, nhưng cứ khất lần rồi cuốn gói chuồn đi.

Đirađivô. Hình chỉ có tính minh họa. Tranh từ trang này

Huệ Thư nghe trình bầy, hiểu ngay là lão muốn mượn đất mở quán rượu ở vườn Hoàng Trưng. Nhưng nghĩ kỹ lại thì đang chung vốn với Hàng Anh, cũng là mở quán, chi bằng kết giao song kiếm hợp bích, cho thêm một dãy nhà, để cả Hàng Anh và Đirađivô cùng thỏa sức mà trổ tài. Ngỏ ý ba mặt một nhời, ai nấy đều hài lòng đồng ý, vì hai nam nhân kia quăng quật đơn độc cũng nhiều, giờ được bà chủ đất dung nạp, vốn liếng cũng cạn kiệt, chẳng dựa vào nhau thì xoay sao hết việc?

Và thế là trung tuần tháng Tám, đúng tiết Trung Thu, trời mát trăng trong, vườn Hoàng trưng đông ngạt người đến khai trương quán Dã Chiến. Hàng Anh mặt nở ra từng múi, mặc nguyên cả bộ rằn ri lính đi càn cùng đôi ủng cứu hỏa vàng chói, đứng nói cười đón chào quan khách từ ngoài phố. Đirađivô giữ quầy bar và lo quán xuyến các yêu cầu của khách. Con Thu Tất và mụ Thám Xuân vừa thu tiền vừa nhớn nhác canh chừng. Rút Êm giữ xe buộc ngựa vành ngoài. Huệ Thư lăng xăng trong bếp, thái hộ thịt mà mỏng đến nỗi quạt thổi bay mất chục lát, ngượng quá lại chạy ra dọn bàn, vì bồi làm không xuể.

Hàng Anh ngày khai trương. Hình chỉ mang tính minh họa. Tranh từ trang này

Ngoài sân trong nhà, khách ngồi kín trên những cái ghế băng phòng chờ hỏa xa, ghế quan tòa xử án, ghế nha sỹ và ghế cắt tóc cứ chốc chốc lại ngả vật ra, có cả ghế nhựa bé ti có bô ở dưới của các cháu ấu nhi mẫu giáo… Tất cả đều được sơn tút lại sạch sẽ nhưng vẫn giữ vẻ cũ kỹ cho có chất. Bàn là những cái mâm gỗ để trên chum sành, những rương hòm của tầu viễn dương, hay một cái thùng rượu vang cũ; cái bàn to nhất là một gốc cây mà bộ rễ là chân, thì chục ngự lâm quân đã vây kín, ngồi trên những đệm ghế may bằng vỏ chăn con công hoặc vải dù màu cứt ngựa. Ca cốc đĩa bát đều bằng sắt tráng men cho gầm gừ, dao dĩa ăn đôi khi là một mũi tên hoặc cái xương cá to , còn tăm thì đương nhiên tự bẻ từ một cành tre gai cắm vào bi-đông treo trên vách…

Các công tử trẻ ranh thích lắm, chúng hèn và sến nên muốn mượn quán để thể hiện. Đôi ba chiến tướng già thì nhơm nhớm lệ hoen nhớ về một thời đánh đông dẹp bắc chưa xa. Bọn công nương và thiếu phụ xì xụp cắn hạt dưa, thi thoảng liếc về phía mấy anh lính trẻ. Đirađivô tỏ rõ bản lĩnh chuyên nghiệp, bắt tay khách này nhưng khều chân bạn nọ, mắt nháy với quý tộc này nhưng tay vẫn ghi hóa đơn không sai một xu cho thằng kiết xác kia. Lão niềm nổ và năng nở tiếp chuyện mọi người bằng một giọng nhừa nhựa mềm như bún, giới thiệu thực đơn vô cùng ấn tượng. Những món kham khổ như nước rau má hay nước gạo rang thì đắt kinh hoàng, món rẻ nhất là bánh bao lấy ở tiệm chắt bảy đời của Võ Nhị Nương, có đặt đại lý mạn cống Tô Lịch, bánh màu nâu chứ không trắng, nghe đồn là nhân không phải thịt chuột, ăn khá ngon. Các món trà đều có váng đậu và đương nhiên cafe đá phải thêm tí mắm tôm, thật nồng nàn khó phai! Rượu thì Hàng Anh đòi pha, mặc dù đó là nghề của Đirađivô, thành ra khách nào uống xong đi ra lưỡi cũng xanh lè, vì thằng chủ quán cho ít mực Cửu Long vào, thật là nhặng xị…

Trong quán. Hình chỉ có tính minh họa. Tranh dân gian Nhật.

Doanh thu đại thắng, lời lãi chia ba, bọn Thu Tất cũng sướng vui vì ngoài tiền thưởng còn tham nhũng được chút ít. Hàng Anh nghe giọng eo éo tưởng là thái giám, thế mà từ khi mở quán có tiền ối đám đánh tiếng gả con gái cho. Hắn lại lôi về một nữ lưu đã hai con với hai quý tộc khác nhau, yêu chiều lắm. Nàng này là kỹ nữ nổi danh, nên quán càng đông. Đirađivô biết thân biết phận, chăm sóc quán đâu vào đấy. Lão còn tự tay làm những đồ trang trí xinh xẻo, những ngọn đèn hình ngôi sao, đèn treo và đèn chân nến, quán Dã Chiến ngày càng đẹp hơn. Hàng Anh yên tâm, lại quen thói du hý, chơi nhởn với bọn Thư-Ly tối ngày bỏ nàng Minh Dương ở nhà, và lửa gần xăng chi đôi ba tháng, đã bùng lên! Vợ Hàng Anh đã yêu Đirađivô, bọn chúng trong trắng thương thầm nhớ vụng, chỉ nắm tay hôn tay đúng nghi thức, vì ở vườn Hoàng Trưng cũng nhiều tai mắt. Hàng Anh chẳng hay biết gì, tiền nong giao cả cho vợ…

Nàng Minh Dương. Hình chỉ mang tính minh họa. Tranh Nhật.

Rồi một ngày mùa đông lạnh giá, Hàng Anh từ bên Luloa về, thấy trong quán bọn hiệp sỹ đang uống rượu và hát khê kha, tay quản lý mới thuê béo mập đang ngủ gục sau quầy. Còn Minh Dương và lão già đã cuốn gói trốn đi, để lại phong thư xin tha thứ cùng mấy xâu tiền lẻ, để đổi trả lại cho khách khi cần! Quá đau khổ, Hàng Anh ốm gục. Huệ Thư phải trông nom toàn bộ, quán thưa khách hẳn, nhưng cũng vẫn tồn tại. Mụ Thám Xuân đưa thêm vài người trong họ lên trông nom, đuổi bớt bọn bồi và mấy a hoàn xinh tươi, đàn em của Minh Dương. Quán bắt đầu mất đi phong cách của những ngày hoàng kim.

Nhưng chỗ này suy, thì chỗ khác lại thịnh. Hai đứa kia đã mở liền một chuỗi quán mới, và thương hiệu quán Nhộng đã dậy lên cơn sốt mở quán và ngồi quán, trong kinh thành. Ngày nào người ta cũng ra ngồi quán, không khát nước cũng ngồi, đọc sách ngâm thơ cũng ngồi, cao đàm khoái luận cũng ngồi, mà chờ lĩnh lương cũng ra quán…

Chờ lĩnh lương cũng ra quán. Hình chỉ mang tính minh họa. Tranh dân gian Nhật.

Tính ra toàn thành đã tiêu phí hàng trăm vạn khắc đồng hồ và nhiều ngàn lạng bạc vào các cao lâu tửu quán trà quán, làm thâm thủng ngân khố triều đình. Việc này rốt cuộc đã đến tai quan Thượng thư bộ Lao động xã hội, ngài sức giấy sang tám Vụ Viện khác để nghị sự điều nghiên. Nhưng trải qua ba năm sau thì phong trào ngồi quán cũng tự tan, nên bao nhiêu công văn đành bán giấy vụn, và câu chuyện các quý độc giả đang đọc đây, được in vào mặt sau một tờ công văn ấy, trong phong trào thực hành tiết kiệm do các chủ quán đứng ra hô hào; nhưng kỳ lạ thay, yếu nhân thành lập ra “Hiệp hội các chủ quán ưu tú” ấy lại không phải là ai trong các nhân vật đã xuất hiện từ đầu câu chuyện của chúng ta. Ngài ấy sẽ đến trong tương lai…

*

Còn tiếp nhưng không biết khi nào…

*

Cùng một người viết:

- Vẫn mấy khuôn mặt cũ mèm nổi tiếng ấy…

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu
Kỳ 1: Lính mới

- Việc ấy không cần nhiều tiền,
chỉ cần nhiều công tâm và khát vọng

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu
Kỳ 2: Rơi vào tay hai nhà phê bình

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yếu Kiêu
Kỳ 3: Chìm, nổi, và lại chìm

- Thư gửi họa sỹ trẻ

- Về bác Phạm Lực – ôn cố mong tân

- Luận về ăn uống khi ốm, về khát vọng sống và chất nghệ qua ăn

- Hãy mua ngay khi cơ hội đến

- Người tháp tùng (phần 1)

- Người tháp tùng (phần 2)

- Bùi Thế Phương – Câu chuyện kể bằng thơ tự kỷ

- Một số ảnh Linh Cao chụp trước khi treo tranh

- Trường ca gia cầm

- Đã xem họa sỹ uống trà…

- Ăn chay nằm mộng lưng trời…

- Một bữa tiệc tối đáng nhớ, cần được viết ra…

- Từ một nhành thyme…

- Tiếng vọng từ thiên nhiên: các bạn trẻ nóng vội quá…

- Xem “Nhập nhằng”: làm sao đi bền một con đường độc đáo?

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 1): Tại Lu Loa Cống Xề

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 2):
Về Huệ Thư

- Xem gốm Bảo Toàn: Đập vỡ cây đàn

- Chuyện cô bán tranh: Nhớ thiên đàng nem chua

- Ba lý do khiến trò lười không muốn mở mang

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 3):
Ân oán Hàng Anh với Đirađivô

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 4):
Hoa Ỷ dỗi, Huệ Thư hồi chơi xấu

- Nhân thông tin một nhóm đại gia Việt vừa mua gần 50 bức tranh…

- Tết Art: sự trỗi dậy của cái mầm

- Nhận xét riêng về Tết Art: vẫn chưa thực sự hội chợ

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 5):
Quý vật tìm quý nhân

- Chợ hoa Hàng Lược – cái lúm đồng tiền duyên của phố cổ

- Món chè gấc số đỏ

- Về món mơ ngâm

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 6):
Kinh thành bỗng chốc thất thanh

- 5 đặc điểm để món ăn Việt đi mãi với người Việt

- Bún chả (bài 2): tuyệt phẩm nhà nghèo

- Mì vằn thắn: cảm thức biển trong một bát chứa chan

- “Măng mai măng nứa, cơm lam trà gừng…”

- Cốc chè của mùa hè

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 7):
Sau cơn mưa trời lại sáng

- Bàn tán về tranh nuy

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 8):
Thư-Kỳ lạc truyện

- Bé bỏng nghèo nàn trong lòng phố cổ

Ý kiến - Thảo luận

8:30 Wednesday,24.6.2015 Đăng bởi:  Lông bông xã ba la huyện
Chắc cũng thuộc diện văn học ám chỉ. Thời trước In tơ lét (thời trì trệ) có cái lày đọc cũng được (nhưng không bõ thù dâm - câu bình này dịch từ tiếng Niên Sô)
...xem tiếp
8:30 Wednesday,24.6.2015 Đăng bởi:  Lông bông xã ba la huyện
Chắc cũng thuộc diện văn học ám chỉ. Thời trước In tơ lét (thời trì trệ) có cái lày đọc cũng được (nhưng không bõ thù dâm - câu bình này dịch từ tiếng Niên Sô) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả