Khác

Tự Lập Young Talent: Ừ thì 27 tuổi, nhưng mà là 27 tuổi nào? 21. 06. 15 - 9:30 pm

Phạm Huy Thông

Sau vài ngày ra mắt, chương trình Tự Lập Young Talent đã nhận được một số góp ý và câu hỏi của các bạn. Vì một số câu hỏi và đóng góp có sự tương đồng nên tôi xin đăng lên đây những ý kiến chung nhất để chia sẻ cùng mọi người.

Vấn đề mọi người hỏi han nhiều nhất là ngưỡng 27 tuổi mà chương trình đặt ra cho các ứng viên. Tại sao lại 27 tuổi, và 27 tuổi tính theo tuổi kiểu Tây, kiểu Ta hay kiểu Lào?

Thực ra đây là một sai sót hơi ấu trĩ của tôi (họa sĩ Phạm Huy Thông) khi đặt ra điểm không rõ ràng trong thể lệ của chương trình. Chương trình chỉ nhận hồ sơ của các ứng viên không quá 27 tuổi. Nhưng thế nào là “không quá 27 tuổi”?

1. Liệu có phải một người khi đến ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 27 của mình là tròn 27 tuổi. Vậy thì sang ngày hôm sau, khi người đó 27 tuổi + một ngày là quá 27 tuổi rồi không?

2. Hay phải tính đến đến ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 28, khi người đó tròn 28 tuổi, không còn ở khoảng tuổi 27 nữa thì mới gọi là “quá 27 tuổi”.

Ký họa của Alisa Baldwin 

Thực ra để trả lời câu hỏi này một cách chính xác, chúng ta cần có kiến thức về toán học và luật pháp. Mà cả hai cái đó thì Phạm Huy Thông tôi đều không nghiên cứu sâu. Vậy nên sau khi tham khảo ý kiến với quỹ Asiarta, tôi xin đính chính lại quy định về “không quá 27 tuổi” bằng quy định:

“Chương trình Tự Lập Young Talent sẽ nhận hồ sơ của các ứng viên sinh trong hoặc sau ngày 1. 1. 1988″

như vậy đỡ đau đầu cho cả tôi và các bạn trẻ có quan tâm. Vậy tại sao chương trình lại tìm kiếm những bạn trẻ sinh trong hoặc sau 1988?

Chương trình Tự Lập Young Talent là chương trình hỗ trợ nhỏ, mong giúp đỡ được các nghệ sĩ trẻ để họ thêm tự tin (và cũng nghiêm khắc hơn) với con đường nghệ thuật của mình. Tôi nghĩ, lứa tuổi mà Chương trình có thể có những tác động tích cực nhất là lứa tuổi các bạn còn đang học trong trường nghệ thuật hoặc mới tốt nghiệp chừng một hai năm. Ở độ tuổi đó, các bạn vẫn đang đi tìm kiếm cái tôi cá nhân trong nghệ thuật.

Cơ hội được xem trực tiếp các tác phẩm của các nghệ sĩ từ các nền văn hóa khác, tìm hiểu mô hình và cách vận hành của các bảo tàng và gallery bên ngoài Việt Nam cũng như bước đầu cọ xát với giới chuyên môn ngoài nước có lẽ sẽ đem đến cho các bạn trẻ nhiều ước mơ cũng như nhiều cái tát lệch mặt. Mà theo quan điểm của tôi, cả mộng mơ và những cái tát, ở góc độ nào đó, đều có lợi cho các nghệ sĩ trẻ. Bởi vậy Chương trình Tự Lập Young Talent mới khoanh vùng các ứng viên vào một ngưỡng tuổi nhất định. Các nghệ sĩ tài năng ở tuổi lớn hơn có lẽ sẽ có những tự chủ khác nhau về sự nghiệp và kinh tế và không cần nhiều đến Tự Lập Young Talent nữa.

Hí họa từ Internet

*

Bên cạnh thắc mắc về độ tuổi, cũng có những ý kiến hỏi rằng: Tại sao Tự Lập Young Talent lại chọn đưa nghệ sĩ đến tham quan hội chợ thương mại nghệ thuật Art Stage Singapore thay vì đến các sự kiện được giám tuyển một cách tập trung như các Biennale, Trienale… nơi các tác phẩm nghệ thuật không dính líu tới nhu cầu của thị trường?…

Việc tôi lựa chọn đưa ứng viên được chọn đi hội chợ Art Stage Singapore thay vì các sự kiện khác bởi các lý do sau:

1. Hội chợ Art Stage Singapore không chỉ là một sự kiện đơn độc. Chính phủ Singapore rất ủng hộ hội chợ này nên bên cạnh Art Stage, luôn luôn có các sự kiện khác diễn ra như Signature Art Prize khai mạc ở SAM, đêm tiệc ở Gillman Barrack, đôi khi có Collector Stage là sự kiện tuy mang tiếng là “ăn theo” Art Stage nhưng chất lượng của tác phẩm và việc curator lại có phần vượt trội. Cùng thời gian với Art Stage, để tận dụng luôn lượng khách xem nghệ thuật tụ tập về, hàng chục Gallery hàng đầu ở Singapore khai mạc triển lãm, các bảo tàng, trường học khác cũng đều có khai mạc hay sự kiện trong dịp này… Xét về mặt kinh tế đơn thuần cũng thấy, đây là cơ hội rẻ nhất cho nghệ sĩ trẻ để đi xem được nhiều nhất. Xét về mặt chất lượng chuyên môn, tất nhiên vẫn có mùi tiền phảng phất đâu đó, nhưng công tác giám tuyển của Art Stage và các sự kiện vệ tinh cho thấy sự đa dạng trong phát triển nghệ thuật.

2. Việc lôi thêm một nghệ sĩ trẻ đi, tuy đây là lần đầu tiên nhưng tôi rất hy vọng sẽ giúp được người nghệ sĩ đó kết nối với nhiều đồng nghiệp, giới chuyên môn hơn. Tôi đã đi các dịp khác nhau và nhận ra rằng tôi gặp nhiều bạn bè, đồng nghiệp trong Art Stage nhiều hơn là các sự kiện khác. (Có thể là vùng bạn bè của tôi có vấn đề, nhưng việc đó thì tôi biết làm thế nào được, hì hì)

3. Giờ nói riêng đến Art Stage Singapore. Đây không phải là hội chợ cấp thấp, các gallery khi đăng ký vào Art Stage đều phải qua sàng lọc nhất định. Tất nhiên, dân đi lành nghề như chúng ta nhìn vào cũng thấy được là các tác phẩm bày trong này đa phần “với mục đích tối thượng là để bán”. Nhưng đó là một cơ hội tốt để nghệ sĩ trẻ có hình dung được rằng nếu họ dấn thân vào thị trường nghệ thuật thì họ phải vượt qua những thử thách nào. Chắc chắn sẽ không có chuyện nghệ sĩ trẻ mà tớ dẫn đi sẽ trở nên ảo tưởng này nọ đâu. Vào Art Stage, thấy chất lượng của các tác phẩm, họ sẽ biết họ nhỏ bé đến đâu, con đường của họ còn phải dài đến đâu (lần nào tôi đi Art Stage về cũng thấy mình là hạt cát bé tí teo).

Ký họa của Alisa Baldwin 

4. Thêm một ý nữa, mặc dù ý này hơi mang tính kỹ thuật: Art Stage Singapore và các sự kiện vệ tinh quanh nó được tổ chức trong một thời gian cố định hàng năm, nên việc sắp xếp lên lịch (và dành tiền) cho chương trình Tự Lập Young Talent sẽ ổn định hơn. Các bạn trẻ sẽ dần biết được khi nào thì open call, khi nào thì deadline, khi nào thì vác balo lên đường. Với lại, năm nào tôi cũng phải đi Art Stage (vì những lý do cá nhân, hị hị) nên tha lôi theo nghệ sĩ trẻ kia cũng tiện.

Chuyến đi ngắn tham quan học hỏi diễn ra đầu năm rồi tháng cư trú sáng tác ở Penang diễn ra lúc nào đó sau đấy thì nghe có vẻ thuận chiều hơn. Có bạn tớ nhận xét rằng đây là mô hình “tham quan học hỏi kết hợp thực hành”. Nghe cũng vui.

Xin cám ơn các bạn đã quan tâm tới chương trình

Thông

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao nên tài trợ cho nghệ thuật?

Robert Hewison - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả