Ở Đâu - Làm Gì

Art Stage Singapore: Vừa xem tranh vừa buôn chuyện 19. 01. 11 - 11:15 pm

Phạm Huy Thông

 

.

Tôi đã có một tuần ở Singapore, xem nghệ thuật đến rã rời tay chân. Riêng chỉ xem xong phần hội chợ đã ngốn mất hai ngày. Vâng, Art Stage rất lớn. Lớn hơn nhiều so với SingArt vẫn tổ chức hàng năm. Theo lời của các nhà sưu tập chăm chỉ, Art Stage Singapore thậm chí lớn hơn cả Shanghai Contemporary. Bên lề Art Stage còn có Collector Stage là triển lãm bày các tác phẩm đại diện cho bộ sưu tập của các sưu tập gia nổi tiếng (bày ở Bảo tàng Nghệ thuật Singapore SAM và một trung tâm nghệ thuật gần khu cảng), ngoài ra rất nhiều gallery ở Singapore cũng tranh thủ tổ chức khai mạc triển lãm. Art Stage Singapore trở thành một sự kiện trung tâm của nghệ thuật Châu Á, chỉ sau HongKong Art FairAbu Dhabi Art Fair.

 

Khai trương Gallery Richard Koh ở Singapore, tranh thủ không khí của Art Stage. Có lẽ vì thế mà buổi khai mạc gallery nhỏ này có sự xuất hiện của các họa sĩ, curator và chủ gallery từ khắp các nước đến dự.

Nói về quy mô của Art Stage, trước tiên phải nói đến vai trò của người đứng ra tổ chức Art Stage – Lorenzo Rudolf – cựu giám đốc của Art Basel và đồng sáng lập SH Contemporary. Thế giới nghệ thuật vẫn hoạt động theo dạng mạng nhện (networking) bởi vậy người có thể đứng ra hô hào tụ tập đám đông phải là người có uy tín và quan hệ rộng khắp. Sử dụng các mối quan hệ cũ của mình nên Lorenzo đã lôi kéo được các gallery từ khắp năm châu bốn biển về Singapore. Các gallery ở Phương Tây mang đến Picasso, Joan Miro, Botero… siêu sao marketing Damien Hirst, nhiếp ảnh gia chơi trội David LaChalpelle, và tay quỷ quái Wim Delvoye. Các gallery Châu Á mang đến Takasi Murakami, Nara và bà điên Yayoi Kusama (Nhật Bản)… Li Chen, Cai GouQiang, Zeng Fanzhi, Yue Min Jun, Fan Li Jun (Trung Quốc), Ronald Ventura (Philippines), I Nyoman Masriadi (Indonesia), Vasan Sithiket, Natee Utarit (Thái lan) cùng đủ loại sao lớn sao bé trên bầu trời nghệ thuật.

.

Nhưng có lẽ trung tâm của sự chú ý vẫn là tác phẩm sắp đặt của Ai Wei Wei không chỉ về sự đồ sộ, sức nặng của tác phẩm mà còn về những câu chuyện về số phận của họa sĩ cứng đầu này. Hiện ông đang bị chính quyền Trung Quốc giam lỏng do những tác phẩm mang tính xã hội của ông đã vạch lưng những bê bối của chế độ.

 

Tác phẩm sắp đặt của Ai Wei Wei. Ông này không bao giờ thèm xài đồ giả cổ.

Tôi thấy các chủ gallery ở các nước Đông Nam Á (có vài chủ gallery Việt Nam) cũng lượn lờ từ ngày đầu đến ngày cuối. Không phải họ xem chưa đã mắt mà họ ở lại đến cuối để nghe ngóng tình hình bán chác để năm sau còn tính chuyện tham gia. Giá thuê quầy ở đây đương nhiên là đắt (nghe nói một quầy tử tế cũng phải 32 ngàn đô, chưa kể chi phí lắp đặt, vận chuyển tranh, nuôi họa sĩ… ), nếu bán không tốt thì họa sĩ và chủ gallery chỉ biết ôm nhau khóc. Về phần bán chác, tôi nhận thấy các họa sĩ Châu Á gặt hái nhiều trong khi các gallery phương Tây vẫn thưa thớt người dạm hỏi. Có thể là do các tác phẩm của các sao phương Tây đã quá đắt, trong khi đó tâm lý của các nhà sưu tập vẫn là đến Châu Á thì tìm mua đặc sản Châu Á. Tác phẩm khổ lớn của họa sĩ Thái Lan Natee Utarit (khoảng 4m x 9m) đã bán được cho bảo tàng Singapore với giá sấp xỉ 300 ngàn đô, gallery và họa sĩ cười phớ lớ, mỗi người đút túi hơn trăm ngàn, chắc là không phải “lại quả” như ở Việt Nam.

 

Hai khách xem đang xăm soi tác phẩm của Nara bày trong quầy của một gallery Nhật Bản

 

Tác giả tạo khối cho nhân vật rồi dán ảnh chụp cơ thể của nguyên mẫu lên khối đó. Ý tưởng ai đó trong chúng ta đã từng nghĩ đến, vấn đề là ai chịu làm trước mà thôi.

 

Tác phẩm của sinh viên bày trong trường Đại học Nghệ thuật Đương đại Singapore LASSALLE nhân dịp Art Stage. Trường này có kiến trúc rất hiện đại và đặc biệt.

 

Mẫu tượng của sinh viên dựng trước khi chuyển thành phim hoạt hình 3D bày trong triển lãm của LASSALLE. Sinh viên ở đây có vẻ không học chay tí nào.

 

Tác phẩm của Banksy to đùng

 

Tôi phải đi đến ngày thứ 3 có thể coi là xem kỹ càng được toàn bộ Art Stage.

 

Tác phẩm của tay quỷ quái Wim Delvoye. Toàn bộ bằng thép được cắt bằng lazer rất tinh xảo rồi hàn lại với nhau.

 

Chắc các bạn phải đến tận nơi mà xem thôi. Chứ xem qua ảnh không thấy được toàn vẹn chi tiết.

 

Tác giả này nghĩ ra chất liệu rất độc đáo. Gắn bút chì thành một khối nguyên rồi sau đó mới đục đẽo. Nói về tay nghề tạo khối, các điêu khắc gia trẻ ở Việt Nam thừa sức làm các bức tượng đẹp hơn, nhưng không ai chịu tìm kiếm chất liệu và cách thể hiện mới nhỉ?

 

.

 

Tivi gốm sứ

 

Một bức tượng rỗng mà bề mặt được ghép bằng thư pháp

 

Vâng lại là điêu khắc và thư pháp, mỗi người một kiểu

 

Họa sĩ duy nhất có dính dáng đến Việt Nam là Christine Nguyen. Bên trái của ảnh là tác phẩm của cô trước khi được chụp lại và xử lý bằng kỹ thuật số.

 

Một quầy bỏ không ư? Chưa kịp treo tác phẩm? Sao phí thế nhỉ? Không. Đó là một tác phẩm sắp đặt mà tất cả đồ vật đều là tác phẩm điêu khắc composite, từ cái ghế đến cái túi ni lông vứt ở dưới sàn.

 

Một dự án đầy lãng mạn. Nghệ sĩ đan áo len cho hươu cao cổ vì thương chúng không quen được thời tiết trong các vườn thú ôn đới. Có một mô hình nhỏ ở phía dưới, nhưng làm sao mặc cho hươu đây.

 

Tác phẩm của sư tử. Và video ghi lại quá trình “sáng tác”. Tôi chợt nhớ lại một thập kỷ trước, có một vài tác phẩm của voi vẽ bán được hàng chục ngàn đô. Các vườn thú khác thấy bở, đua nhau dạy voi và cá heo vẽ tạo nên “khủng hoảng thừa”. Bây giờ những bức như thế hình như chỉ 5 đô, bán làm quà lưu niệm.

 

Tôi không thích bức này lắm, nhưng cũng xin đăng lên vi đây có lẽ là bức tranh khổ to nhất Art Stage 2011

 

Quầy của các bậc thầy Châu Âu vắng teo

 

Trong khi đó các họa sĩ đương đại Châu Á luôn hút khách. Trong ảnh là người xem đang vô tư chụp ảnh trong quầy bày tranh Châu Á. Tác giả bức tranh kia chắc không có tiền mua sơn dầu nên lấy quần bò cũ, khâu lại thành tranh, từ đó tạo phong cách riêng. Xà bần đâu phải lúc nào cũng phải xấu và bẩn.

 

Tôi đã xem tác giả này 3 năm trước ở Thượng Hải. Lúc đó “bút pháp” chưa nhuyễn lắm, nhưng bây giờ đã tạo ấn tượng rất tốt cho người xem.

 

Điêu khắc cực thực. Sơn dầu trên resin.

 

Tác giả này tôi rất thích, xuất hiện trên thị trường hơn một năm nay và tay nghề lên rất nhanh. Ông ta vẽ trên tấm inox bóng loáng, cạo rãnh, bôi màu, lại cạo rãnh bôi màu tạo ra hiệu quả rất đặc biệt. Tiếc là máy ảnh không mô tả nổi. Có những tác phẩm được mua từ ngày đầu tiên.

 

Các tác phẩm gây sốc, nhưng không bán được dù tay nghề thể hiện rất cao. Có lẽ ý tưởng và quan điểm của nghệ sĩ chưa được truyền đạt một cách rõ ràng trên tranh. Không ai mua một chai bia rỗng cả.

 

Tác phẩm sắp đặt trong một quầy rất rộng. Nhiều gallery dũng cảm chỉ đầu tư vào một tác phẩm.

 

Hội chợ năm nay đã ít đi chân dung Mao và những tượng Tàu phủ sơn bóng loáng. Trào lưu đó đã qua rồi.

 

Vasan Sithiket của Thái Lan vẫn gây hấn như xưa.

 

Tác phẩm của bà điên Yayoi Kusama nhìn ngoài thật tạo ảo giác rất mạnh lên thị giác và thần kinh.

 

Lại một tác phẩm chó bóng (sơn mờ) trêu ghẹo Jeff Koon chăng?

Đi kèm với hội chợ Art Stage là  Collector Stage, với các tác phẩm là đã được sưu tập bởi các “đại sưu tập gia”, nay họ cho mượn để bày ở Bảo tàng Nghệ Thuật Singapore và Hellutran Art Space. Không gian của SAM thì chật thôi, nhưng không gian của Hellutran thì thực sự lớn. Lưu ý rằng Hellutran không phải là nhà tổ chức nghệ thuật mà chỉ là công ty vận chuyển nghệ phẩm, nhưng kho chứa của họ luôn là nơi trưng bày các tác phẩm khổ lớn cũng như preview cho các cuộc đấu giá.

 

Art Stage năm nay thành công do có sự góp mặt rất đa dạng của nghệ thuật thế giới. Có thể nói là đáng đồng tiền bát gạo để họa sĩ ta đi xem. Tôi ở Singapore 7 ngày, tiêu hết khoảng 350USD không kể tiền vé máy bay (ở nhà trọ, ăn cơm bình dân, đi tàu điện ngầm). Chi phí như thế sẽ là rất rẻ nếu so với đi xem HK Art Fair hay Miami Beach Art Basel.

Sau năm đầu thăm dò, sẽ có gallery đầu tư thêm và có gallery bỏ cuộc. Chỉ đến năm thứ hai mới khẳng định được quy mô ổn định và vai trò của Art Stage trong “sân khấu” nghệ thuật của khu vực. Hẹn gặp lại.

*

Bài liên quan:

– Art Stage Singapore: Vừa xem tranh vừa buôn chuyện
– Tin ngắn từ Art Stage

Ý kiến - Thảo luận

14:29 Saturday,29.1.2011 Đăng bởi:  ngan digan
Còn nữa. Em thấy thích cái bức khâu quần bò. Hi mà tiếc là ở đây không xem được hết. Hix.
...xem tiếp
14:29 Saturday,29.1.2011 Đăng bởi:  ngan digan
Còn nữa. Em thấy thích cái bức khâu quần bò. Hi mà tiếc là ở đây không xem được hết. Hix. 
14:20 Saturday,29.1.2011 Đăng bởi:  ngan digan
Dạo này gọi cho anh Thông thấy tò tí te. Hóa ra là anh đang đi ngao du ở Singapore. Cảm ơn anh về bài viết. Em đã được lướt qua trường mỹ thuật ở bên đó. Quả thật là đã mắt. Nếu em không mắc cái tranh tường ở Hà Giang chắc em cũng phải qua đó. Thật sự đáng đồng tiền bát gạo. Anh Thông cũng là tấm gương về sự học hỏi, tận tâm với nghề đấy.
...xem tiếp
14:20 Saturday,29.1.2011 Đăng bởi:  ngan digan
Dạo này gọi cho anh Thông thấy tò tí te. Hóa ra là anh đang đi ngao du ở Singapore. Cảm ơn anh về bài viết. Em đã được lướt qua trường mỹ thuật ở bên đó. Quả thật là đã mắt. Nếu em không mắc cái tranh tường ở Hà Giang chắc em cũng phải qua đó. Thật sự đáng đồng tiền bát gạo. Anh Thông cũng là tấm gương về sự học hỏi, tận tâm với nghề đấy. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả