Hồi 4 Đối Hoa Ỷ, nữ quan gãi ghẻ Đãi tiên sinh, có kẻ tham lam
Tết Nguyên Đán ào đến cũng những bận rộn và sảng khoái của tiết xuân, mưa bụi bay lẫn cảnh hoa đào phai cánh hoa mận trắng tinh… Cả kinh thành Trường An ngựa xe như nước, áo quần may thêm, giúp cho Hảo Ngọc vốn trên bờ vực vỡ nợ, lại sung sướng bán rào rào đủ loại áo tồn quần rộng, rủng rỉnh bèn tụ tập lũ bạn, mở kỳ cống xề thứ 16. Lần này do may đo cho nhiều nghệ sĩ, Hảo Ngọc mời một số danh ca danh cầm quen biết chơi solo, hát ô ổ giữa phố, cũng có vài nhạc công đệm đàn, chứ không bày cả dàn nhạc giao hưởng ra nữa.
“….Cả kinh thành ngựa xe như nước, áo quần may thêm …”. Tranh cổ Ấn Độ 1765-1770. Hình từ trang này
Sáng Chúa nhựt, chuông Bờ Hồ vừa dứt, thì quảng trường Luloa cũng đông kín những bàn cafe vây xung quanh một sân khấu chính. Bọn Thư-Ly, Hàng Anh và Hảo Ngọc ngồi khiêm tốn một bàn xa xa, mở chai sake ra nhấm với ít trứng cá tầm, thật ra là ngầm trông đợi Hoa Ỷ lão bản, ngài nhận lời mời đến dự công xe và hướng dẫn một bài thuyết trình về “Sự bí ấn của dòng tiền”.
Lúc này, ngoài sân khấu, nàng Phán Man Y đầu bù tổ chấy đang hành hạ một cây dương cầm, đang sầm sập chơi tuồng bỗng long lanh sô nát, đang bát ngát dòng Đa-nuyp xanh bỗng tanh bành vàng mã trong một khúc lên đồng, đám đông phê tít, đung đưa theo tiếng ngọc. Sẵn cơn hứng khởi, diva Tha La làm luôn một điệu hò kéo pháo, chị khào khào lên bổng lồng lộn xuống trầm, vật vã khản cổ gào thét, khán giả ù tai nhắm mắt, rất ít người biết đã vỡ mất hai ô cửa kính do âm thanh quá khủng. May thay vừa kịp đến chàng dịu dàng Tường Dung, hát gì như bài “từng đôi chim bay đi, tiếng ca trộn vàng…”. Chàng này điệu rớt, vận gilê thêu hoa ngoài cái áo the dài hồng phấn trong suốt, may thay trong cùng vẫn còn cái quần bò thủng be bét, thế là phá cách mà rất chuẩn mực. Tóc chàng còn mỗi cái chỏm như mào gà, còn xung quanh cạo tiệt, cử chỉ hoành tráng, tay vung mắt trợn má phồng, giọng hát da diêt, luyến láy, các em tre trẻ mê tít, chờ dứt lên tặng hoa hồng, làm cho cô Sông vợ ba của Tường Dung cứ lườm nguýt mãi…
“…Chàng này điệu rớt …” Tranh cổ Ấn Độ 1780. Hình từ trang này
Tiết mục cuối cùng là ca sỹ phương Nam, nghệ danh Ngan Ngát Giọng Yếu, nàng hát những ca khúc tự viết, theo lối đồng quê pha hippy, tóc nàng cạo trọc, mình hạc xương mai, ăn bận giản dị như một lãng khách, ôm đàn ghita hát thánh thót bằng chất giọng yêu yếu non nớt, lời ca đậm tình và nhiều triết lý, về “ngày nay ngày mai ngày sau”, không thiếu những câu kết giật gân như “có khi là em chết hơn trăm lần”, nhưng nghe nàng nhiều có thể nghiện, lạ thật!
“… mình hạc xương mai, ăn bận giản dị như một lãng khách”. Tranh cổ Trung Quốc thế kỷ thứ VIII
Hảo Ngọc nghe thì ít mà nghĩ thì nhiều, chàng thấy tuổi trẻ rong chơi đã chán chường, muốn tìm thầy học nghề buôn to bán lớn, chứ sự nghiệp gì nơi mấy món thời trang? Mấy đứa kia cũng thế, lòng đầy hoài bão mà chẳng có la bàn, lông bông mãi tài năng tiêu tốn, uống phí…
Lão bản Hoa Ỷ là hậu duệ chân truyền của Lan Ỷ nương nương trong cung, nên bà uy quyền và giật dây nhiều rường mối trụ cột lắm. Tuy làm kinh bang tế thế, nhưng lòng bao dung và tính phóng khoáng dành cho đám lãng nhân tài tử, thì nức tiếng gần xa. Nguyên Ly gần đây xin được cái sảnh của rạp Eden, bầy tranh tôn tượng, cũng muốn được chen chân vào chốn phồn hoa, nên ngồi nghe cống xề mà bồn chồn những mong gặp được lão bản, học hỏi thêm những tuyệt chiêu…
Hảo Ngọc cứ tưởng sake nhạt, uống liền hai chung ướp lạnh, bắt đầu say, thì Hoa Ỷ vừa tới. Bọn nhạc công và dân chúng cũng vừa tan, bàn tiệc chỉ còn lại Linh Thư, Hàng Anh, Hảo Ngọc chủ nhà với Nguyên Ly. Mọi người cung kính bày bàn trà mới, chọn 16 cái ấm để cuối cùng dùng một cái Thế Đức gan gà pha trà cúc mời bà dùng thử. Hoa Ỷ hạ cái cặp da nặng xuống, xắn cao tay áo sơ mi trắng ren rua, trải một cái khăn lĩnh thêu chỉ vàng lên bàn trước mặt, đón lấy cái chén men ngọc Nguyên Ly vừa rót, oai vệ thử một ngụm. Bà khen vị đúng cách, nhưng nước pha bị ba con kiến rửa chân vào, nên hơi xém vị hăng. Hảo Ngọc tràn ngập hân hạnh, vội hét a hoàn chạy ngay lên lầu mở két, lấy hũ nước tuyết mới đem ở Tây Tạng về, pha ấm mới. Hoa Ỷ bắt đầu bài nói chuyện, càng nói càng sung, bốn đứa kia im phăng phắc nghe như nuốt từng chữ. Bà đứng hắn lên, đẩy cái ghế xa ra, bàn tay hồng múp tuy ngắn nhưng dẻo cứ múa như thôi miên, chỉ thiên xiên địa, trình bầy lớp lang để mấy đứa trẻ hình dung được nghề kinh doanh khó nhọc thế nào. Đôi mắt tinh anh lòng đen óng ánh còn lòng trắng thì sáng rực, nhìn như thấu tâm can mọi đối tác. Bà có hàm răng to trắng bóng, hơi hô nhưng duyên, và đặc biệt tính bà hay dỗi, Hảo Ngọc biết thế nên đã dặn Linh Thư giữ mồm, nhưng ngứa ghẻ hờn ghen thế nào, nữ quan lại buông ra một câu: “Thời của bà chị thì ai chả phất, công trái cả triều đình một tay chị thu đổi…”.
“… Hoa Ỷ bắt đầu bài nói chuyện, càng nói càng sung, bốn đứa kia im phăng phắc nghe như nuốt từng chữ…” Tranh cổ Ấn Độ 1750, từ trang này
Thế là mây đen sầm sập kéo kín trời phủ Mễ, lão bản nằng nặc đòi đi bộ sang phủ Trường thiên, để xem mấy phòng tranh mới mở, báo hại Ly phải đi trước cho bà vịn vai, Hàng Anh che dù, Hảo Ngọc cắp cặp còn Thư thì bưng khay trà! Cả đoàn rồng rắn đi, một lúc nguội cơn dỗi, lại cười nói rôm rả. Đến đúng rạp Eden, Hoa Ỷ đòi vào xem tranh, Nguyên Ly sung sướng cúi rạp, giới thiệu nhiệt tình, lão bản mua luôn chục bức tranh và dăm ba món đồ chơi, sai gói chuyển về dinh ngay. Rồi bà lên Roll Roy, vào kinh ăn yến với sứ thần nước Mỹ, để bàn chuyện bán dầu mỏ cho các dân tộc thiểu số đang Ban Căng, quên béng chuyện phải trả tiền con bé khốn khổ…
Sau cái ngày trọng đại ấy, bốn đứa như được tra thêm một loại thuốc tiên hay thứ dầu bôi trơn đặc biệt, hùng hục hừng hực lo làm lo ăn, đêm suy ngày tính, thu vén từng đồng, nửa năm sau thì được hoàng thái hậu cấp vốn thành lập Hội doanh nhân trẻ chưa đẻ và bán hàng giá rẻ! Mà nào chúng đâu có bán gì rẻ, một bộ quần áo may đo của Hảo Ngọc một người đủ tiền ăn sáng hai năm, còn bộ xiêm y đính đá quý Thư may cho các tiểu thư, thì nhà giàu sẽ đủ tiền kem đánh răng trong cả thế kỷ! Ly bán tranh cũng thế, nhìn mặt đặt giá, tha hồ thách cao dao bầu, gặp chủ nhà băng nói 3 đồng, nhưng phải tay chạy đồ sành sỏi thì e ấp chỉ bán 8 hào, nét mặt bỗng có chất Thần điêu đại miêu, mỏ dài mép vểnh, mắt sắc như dao cau, nhiều anh chết ối anh bị thương nhưng nhìn khắp bốn phương nàng mãi vẫn chỉ một lòng yêu thương chồng, lạ thế đấy!
“…Sau cái ngày trọng đại ấy, bốn đứa như được tra thêm một loại thuốc tiên hay thứ dầu bôi trơn đặc biệt, hùng hục hừng hực lo làm lo ăn…” Tranh (giả) dân gian Ấn Độ, từ trang này
Hàng Anh thì nhờ gặp kiến trúc sư Cành Thì Đoan ( đang mở quán Tabetbe trong phủ Chín), nên mở thêm ngay cạnh đấy một quán Dã Chiến nữa. Chỗ phủ 9 này vốn là khu nhà kho bỏ hoang từ thời Xô Viết chưa biết Putin, do mama Trịnh Thị Lai cai quản, cho thuê giá rẻ, nhà rộng mênh mông nên nhiều văn nghệ sĩ tìm đến. Những nhân vật cộm cán có nhân sĩ Có Lúc Dùng và họa sĩ Qua Hoảng Liền, ở trên nóc tòa A, tầng 5. Tầng 4 có một tiệm chụp ảnh đám cưới, một cái căng tin kiểu bao cấp chuyên úp mỳ tôm bằng nước chưa sôi, và cái phòng tập hiphop của thằng cu Quang, vốn là nhà cung cấp dầu ăn cho các bếp toàn thành, nó béo tròn như hạt mít, tính vừa khôn vừa gian. Tầng 3 Hàng Anh chiếm chỗ to để ở, hắn trang trí như vườn địa đàng, hoa thơm cỏ lạ, ong bướm rập rờn, đi vào nhà hắn không cẩn thận rất dễ bị mấy chú vẹt ỉa vào người, còn trên giường thì đôi lúc có con trăn ngủ ườn ra…! Hoa Ỷ nghe tả cũng tò mò đến chơi, trèo hết hơi, đến nơi tý ngất, mà lúc về còn bị ngỗng nhà Hàng Anh cướp rồi nuốt mất điện thoại, kinh hoàng sang Luloa kể khổ với Hảo Ngọc. Thằng kia thì tiếc con ngỗng, khóc lóc xin rạch bụng chứ đừng giết bạn em, rồi tự tay móc từ bụng bạn ra cái mobil, trả cho lão bản. Con ngỗng may sao không chết, nhưng sau này cứ có tiếng chuông reo là nó lại lên cơn điên, sợ thật!
Chuyện về phủ 9 còn dài, từ từ sẽ kể…
“…Chỗ phủ 9 này vốn là khu nhà kho bỏ hoang…” Tranh cổ Ấn Độ, 1720. Hình trừ trang này
Quay lại vườn Hoàng Trưng, trong một ngày nắng đẹp, hoa hoàng lan tỏa hương dìu dịu, Nguyên Ly đang phơi chăn đệm, thì thấy mấy cỗ xe lớn chạy vào vườn. Huệ Thư ra đón một tiên sinh, giới thiệu ngài là Bạch Nhạn, mới chuyển từ dinh cũ mạn Văn Miếu về đây, là do chồng Huệ thư mời. Ngài này phong tư sang cảnh, giọng nói trầm ấm, chí lớn tài cao, đặc biệt có con mắt mỹ thuật giỏi, do có thời gian sống với hai bà vợ Pháp ở Hồng Kông, nên cách sống phóng khoáng kiểu Tây pha chất Đông phương, Nguyên Ly hâm mộ lắm, tìm cách cùng Huệ làm quen, học hỏi dần dần… Bạch Nhạn tiên sinh biết thưởng thức mọi ngón nghề ăn chơi, trà rượu cầm kỳ đều sành, xem tranh và bầy tranh cực giỏi, đúng là một người thầy về thẩm mỹ cho cô chủ phòng tranh Nguyên Ly. Mọi khúc mắc về kinh doanh tài chính, đã có Hoa Ỷ lão bản trợ thủ nữa, thật lạ là nghề chọn người, Ly không bỏ lỡ dịp may, học hành nghiêm cẩn, qua ba năm đã gây dựng được cơ đồ, chuyện về nàng hồi sau sẽ tiếp…
“… Ngài này phong tư sang cảnh, giọng nói trầm ấm, chí lớn tài cao, đặc biệt có con mắt mỹ thuật giỏi…”(Tranh cổ Ấn Độ 1730, hình từ trang này)
Rắc rối tiếc thay, lại xảy ra giữa hai thái cực: Huệ Thư và Bạch Nhạn. Chồng Huệ biết tiên sinh là nhân tài chưa đắc thế gặp thời, các sớ ngài tấu trình lên triều đình chưa được phê chuẩn, vì nó mới quá, siêu thực quá. Nên mới bảo Huệ mời tiên sinh về vườn ở, ngầm giúp đỡ. Nhưng Huệ hai mắt quá gần nhau, chỉ nhìn thấy cái lợi đong đếm được, sau vài tháng đã thấy khu nhà giao cho tiên sinh ở trước kia xấu xí bao nhiêu, thì nay cho thuê đáng giá biết bao, không hề hiểu rằng con người mới làm nên giá trị cho không gian, Bạch Nhan không chỉ đem về mấy xe đồ đạc quý giá, chim cảnh cá cảnh hay đám cây bonsai, mà còn đem về vườn Hoàng Trưng nhiều người khách quý cùng một phong cách sống văn hóa. Mụ cong môi bĩu mỏ, sai con Thu Tất tăng hóa đơn điện nước nhà ngài, cấm mụ Thám Xuân không được sang quét sân tưới cây, ra lệnh cho Rút Êm đi pha sinh tố cho mụ uống, khi thấy lão đang tắm cho con ngựa ô của tiên sinh… Ly vốn nhạy cảm, đành tìm lời phân giải, trong một bữa trà chiều. Huệ cắm mặt xuống bàn, còn tiên sinh thì cười sảng khoái, bảo: “Từ tháng tới tôi sẽ đóng tiền nhà chứ, đó là quyền được chi trả mà, có gì nữa không?” Huệ li nhi cám ơn, rồi về trước.
Ly uống nốt chén trà, ngước lên thì thấy Bạch Nhan đem ra một cái tráp nhỏ…
Đầu chuyện ẩn hiện hạo sĩ Qua Hoảng Liền, bụng đã bảo rốn bồn chồn chi vì vũ sĩ Cào Oanh Đánh thể nào cũng ló rạng thăng đồng .... ai dè, hẫng hụt :( buồn thúi ruột ! ...xem tiếp
20:23Wednesday,19.8.2015Đăng bởi: Bàn-Văn-Lùi
Đầu chuyện ẩn hiện hạo sĩ Qua Hoảng Liền, bụng đã bảo rốn bồn chồn chi vì vũ sĩ Cào Oanh Đánh thể nào cũng ló rạng thăng đồng .... ai dè, hẫng hụt :( buồn thúi ruột !
ai dè, hẫng hụt :(
buồn thúi ruột !
...xem tiếp