|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ Việt NamPhạm Văn Trường nói về Phạm Văn Trường 15. 04. 10 - 4:50 pmPHẠM VĂN TRƯỜNG(SOI – Họa sĩ Phạm Văn Trường (Trường art) gửi đến SOI bài viết dài 9 trang; vì bài viết gồm hai phần có nội dung tương đối tách biệt nên chúng tôi chia làm hai: Phạm Văn Trường nói về Phạm Văn Trường và Phạm Văn Trường nói về BOM (nhan đề do SOI đặt). Chúng tôi hoan nghênh tinh thần đối thoại thẳng thắn của Phạm Văn Trường, cũng như rất trân trọng các cảm nghĩ của anh. Những gì họa sĩ Phạm Văn Trường gửi tới được đăng nguyên vẹn, ngoài một số chỉnh sửa về chính tả. SOI hoàn toàn tôn trọng quyền tự nói về mình của nghệ sĩ, nhưng đồng thời cũng tôn trọng quyền nhận xét về tác phẩm của nghệ sĩ, cũng như tôn trọng quyền được đẹp của những tấm gương, dù vỡ hay lành.) * Ngay từ khi còn học đại học năm thứ nhất, tôi đã nghĩ nếu làm nghệ thuật thì không thể nào tránh khỏi những nhận xét trái chiều. Một tác phẩm chỉ sống thực sự khi tác phẩm ấy có cả khen lẫn chê. Nó sẽ có quá trình phát triển của nó… Các bạn đã thẳng thắn trao đổi vậy tôi cũng xin chia sẻ những suy tư của mình… Những gì tôi viết lên đây chỉ mang tính chia sẻ. Thật ra chiến tranh đã qua đi, nhưng di chứng của chiến tranh vẫn còn dai dẳng và ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Vấn đề ở đây là nhiều người đã không hề hình dung hay không nghĩ về những điều đó. Họ cũng không quan tâm đến cuộc đời của chính họ chịu những chi phối gì trong cuộc sống. Tôi đã từng là học sinh, sinh viên và bây giờ đang là một người đứng trước cuộc sống. Trong cuộc sống của tôi hay của rất nhiều người trẻ khác đã không còn tiếng Bom, tuy nhiên những bài học lịch sử, những thước phim được công chiếu về quá trình chiến tranh đã tác động tương đối mạnh mẽ đến tâm thức của tôi, hay tôi vẫn thường nghe bố mẹ nói khi tôi xin tiền đi học thêm rằng: “Bây giờ học trên lớp chưa đủ còn phải đi học thêm. Các chị có ai cần đi học thêm đâu mà vẫn học giỏi. Ngày xưa bố mẹ cũng làm gì được đi học nhiều. Ăn còn chẳng có mà ăn, ông nội ông ngoại suốt ngày phải lên núi đào củ mài về ăn qua ngày đấy, lắm lúc còn phải ăn cám trộn, nạn đói năm 45 nhiều người còn chết la liệt”. Nó còn tác động mạnh mẽ hơn khi trong gia đình tôi, bà tôi – người đã chăm sóc 6 chị em tôi lớn khôn – đã bị bỏng nặng nề bởi Bom Napan, những vết phồng rộp trên da của bà, những phần sần sùi và trơn bóng đã làm cho tâm trí của một đứa trẻ mới 4, 5 tuổi như tôi tò mò. Tôi hỏi: bà bị làm sao? Bà kể lại rằng bà bị bỏng bởi Bom Napan, Bom như bữa ăn hàng ngày mà mỗi người dân phải đối mặt. Bà giống như nhiều người Việt Nam không may khác đã bị Bom dội trúng bỏng rát và bị cháy hết quần áo. Bà chỉ còn biết ôm mặt lăn lộn dưới đất cho đến khi mọi thứ trở nên nhòa nhoẹt, không còn biết gì. Bà nói rất ít, nhưng nước mắt của bà cứ chảy ra, rồi bà nhìn xa xăm. Cho đến khi lớn lên tôi đã học không biết bao nhiêu bài học lịch sử, xem các thước phim và tôi càng hình dung rõ hơn về những đau thương và mất mát của Bom đạn gây ra. Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung là một trong những vùng đất bị Bom đạn dội xuống nặng nề nhất thế giới, di chứng của nó còn lại là vô số các quả Bom chưa phát nổ vẫn còn nằm rất nhiều tại Bình Trị Thiên khói lửa, trên cơ thể của thương binh, người dân vô tội hay những em bé có hoàn cảnh và cơ thể không bình thường do Bom đạn gây ra. Tôi nhiều dịp đã đi qua nghe, nhìn vô số các câu chuyện thương tâm về những vụ nổ của Bom đạn sau chiến tranh. Tôi là một người có cái tâm tương đối nhạy cảm, ngay từ bé khi xem các thước phim chiến tranh trong tôi đã có không biết bao cảm xúc không thể nói lên lời… Ngày bé, bố mẹ đi làm cả ngày, bà luôn chăm lo trông nom tôi. Tôi và anh trai hơn tôi 4 tuổi hay đánh nhau và tôi luôn khóc, những lúc như thế bà luôn dỗ dành, cho những cái bánh, kẹo bà cất từ những dịp Tết hay dịp đặc biệt nào đó mà tôi không biết để tôi nín. Nhiều dần tôi không còn nín bởi các cái bánh, kẹo nữa, các chị thấy tôi không nín thì lấy giấy bút cho tôi vẽ, tôi thích thú với việc đó và thường nín nặng chơi trò chơi của mình… Lớn hơn một chút, khi tôi học khoảng lớp 7, bà tôi tuổi cao, sức khỏe không còn tốt, lúc này các di chứng của chiến tranh mới phát tác mạnh mẽ, bà không hiểu nguyên nhân do đâu cứ bị phù, cơ thể bà từ lúc quắt thắt, cứ phồng lên và bà không còn đi lại được. Các chị cũng đã lớn, gia đình tôi chăm sóc bà mấy năm trời cho đến khi bà mất. Tôi chính là người đem nước cho bà uống cuối cùng trước khi bà qua đời. Sau khi bà mất trong gia đình, tôi là người hay mơ về bà nhất. Bà về nhà luôn cười nói vui vẻ, thức giấc tôi luôn cảm thấy nhiều cảm xúc lạ và rất vui vì gặp được lại bà. Tôi kể cho cả gia đình nghe về điều đó. Bố mẹ tôi rất vui vì tôi mơ thấy bà rất vui vẻ… Lớn dần, tôi suy nghĩ nhiều về các vấn đề trong cuộc sống, tôi hay phải đối mặt với các cuộc đấu tranh tư tưởng nho nhỏ giữa việc đi chơi hay cố gắng ở nhà học bài. Bởi bản chất của những đứa trẻ rất ham chơi, tôi cũng ham chơi đến độ học hành không tốt lắm. Các chị trong gia đình tôi học rất giỏi. Tôi nhìn thấy các bạn cùng trang lứa luôn có hai nhóm bạn, một nhóm thì chơi bời và vui thú với điều đó. Nhóm còn lại học hành rất chăm chỉ và hăng say trong việc thi cử mơ mộng về trường này trường kia. Tôi cũng như bao cô cậu trẻ tuổi thích thú với các cuộc chơi, khám phá thế giới đầy những cám dỗ… Tôi cũng thích các cô gái đẹp, các cuộc vui nhưng mỗi lần nhớ lại và nhìn lại gia đình tôi lại phải đấu tranh là Học hay Đi Chơi… Đầu tôi thỉnh thoảng bị đau nhức do các cuộc đấu tranh đó gây ra. Dần dần nó cứ đau nhói hơn… Tôi cuối cùng đã tự tìm cách khắc phục được bằng cách đi chơi thể thao để giải tỏa, vẽ tranh ở nhà hoặc vẽ theo các quyển truyện để kìm chế việc ra đường đi chơi, tôi cũng bớt được các cuộc đấu tranh mà định hướng cho việc học tập và một trong những niềm say mê lớn nhất là vẽ… sau rất nhiều lỗ lực… mất một năm ôn thi vào đại học mỹ thuật với bao biến cố thăng trầm, tôi thi đỗ vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp… Sau vài năm học, sau nhiều vấn đề vấp phải trong xã hội mà tôi là một cá thể bé nhỏ, tôi đã phải vào viện tâm thần lần đầu tiên vào năm 2005. Một trong những nguyên nhân tôi vào viện tâm thần là do tôi luôn muốn tìm ra một con đường đi mới, một cách thức tiếp cận với nghệ thuật theo cách riêng của mình. Tôi đã nỗ lực hết mình tìm hiểu thế giới vốn đầy mâu thuẫn như ngày và đêm, đen và trắng, âm và dương… Tôi không ngừng cảm thấy mình cô độc trong thế giới sắp bùng nổ những con người và người những mối quan hệ chằng chéo, mà trái tim non nớt của tôi vào thời điểm đó cảm nhận toàn những nguy hiểm, hoang mang và đơn lẻ. Tôi cô đơn ngay cả khi bên cạnh tôi là một cô gái trẻ đẹp. Người tôi yêu, yêu tôi tha thiết… Một tình yêu đủ lớn để có thể bỏ ngoài tai tất cả mọi chuyện (áp lực gia đình, xã hôi…) mà vào Viện Tâm Thần chăm sóc tôi suốt gần 3 tuần. (Những ngày khác là mẹ tôi chăm sóc). Dù có người yêu, như người ta nói thế là có cả một thế giới bên mình nhưng quả thực cuộc sống còn muôn nghìn mảnh màu, thanh âm khác ghép lại mới có thể cấu thành. Tôi cô đơn khi đọc sách, khi vẽ… và cả khi ngồi ngay cạnh tôi là cô người yêu xinh đẹp. Tôi đắm chìm vào những suy tư, tôi mải miết tìm thứ mà tôi gọi là cái cần có của một con người – Nhưng cái đó là gì thì tôi thực sự mơ hồ… ( Mãi sau này tôi mới hiểu rằng điều tôi muốn làm là không muốn sống một cuộc sống giống như thế giới đầy người với người này. Mà phải sống sao cho con người phải nhìn thấy một tầm tư duy – Một tư tưởng trong một thân xác bình thường…) Quá nhiều bế tắc, quá nhiều mâu thuẫn trong bộ não non trẻ và nhỏ bé. Trước áp lực do chính mình tạo ra. Và do cả những phần khách quan trong xã hội tạo ra… Tôi được khai phá bởi một người mà sau này tôi gọi là Thầy – Khai phá thực sự như một sự tẩy não, một niềm tin vô hình len lỏi vào trong con người tôi. Tôi đã hành động không giống tôi – hoặc ngay lúc đấy mới là con người tôi – man dại, điền rồ như một con thú. Tôi gào thét trước cửa phòng đào tạo trường đại học mỹ thuật… Phát ngôn vô cùng khó hiểu, mặc dù tôi vẫn biết điều đó vào thời điểm này. Nhưng vào lúc đó tôi lại thản nhiên làm nhưng việc đó. Tôi đã bùng nổ – vỡ òa và tuôn chảy… Sau những màn quậy phá ở Hà Nội đầu năm 2005 tôi đi về nhà. Lúc này là Rằm tháng Giêng, Tôi được bố đưa ra ban thờ thờ cúng tổ tiên… (Vì anh trai tôi đã lầm đường lạc lối – anh đã mắc vào một cuộc chơi kinh hoàng, cuộc chơi có thể sẽ khiến cả gia đình, cả giòng họ tôi rơi vào vực thắm, Hoặc tan chảy dần như 1 viên nước đá – Anh đã say mê Nàng Tiên Trắng). Điều đó làm đau lòng gia đình, họ hàng và đặc biệt bố tôi. Ông đưa tôi ra ban thờ… (Như để nói với tổ tiên rằng ông đã chọn tôi làm người kế tục trong gia đình). Tôi nhỏ bé và vô tâm lơ đãng bước ra, cầm que hương mà không biết làm gì. Tôi nhìn lên ảnh của ông nội. Miệng ông khẽ khẽ động đậy như là ảo giác trong mắt tôi. Tôi cứ nhìn cứ nhìn, rồi ông nhắm mắt lại và bức ảnh ông lại trở về vô tri vô giác như một tờ giấy ảnh. Tôi lần lượt nhìn lên bà ngoại, bà nuôi, và ông bà ngoại. Tất cả mọi bức ảnh đều có những hiện tượng tương tự như ông nội tôi. (Tuy không nghe thấy gì nhưng tôi tin rằng mỗi người lại nhắn nhủ với tôi một điều gì đó!!!) Rồi tôi không ngủ nhiều ngày vì quá nhiều sự vật hiện tượng lạ lẫm xảy ra… Nó thành một ám tượng trong tôi khiến tôi suy nghĩ liên hồi không có cách nào dừng lại – lạ thay tôi không ốm mà vẫn bình thường tuy người không khỏe mạnh lắm… mắt tôi cứ đen lại… Rồi gia đình làm lễ cho tôi như là người đứng đầu trong gia đình…. và nhiều nhiều chuyện xảy ra. Tôi nghe thấy nhiều tiếng nói bên trong tai mình… Cuối cùng tôi vào Viện Tâm Thần… Tôi lại gặp rất nhiều linh hồn nhập vào những thể xác khác nhau… Những linh hồn mà tôi cho rằng có cả nghìn năm tuổi – Nhưng Linh Hồn khác thì toàn những nhà tư tưởng lớn, những tầm tư duy vượt lên thời đại khi họ sống… Tôi mơ hồ về tất cả những điều đó. Tôi chỉ có một diễm phúc duy nhất đó là được thấy cuộc sống rất bình dị của những LINH HỒN LỚN trong những thế xác bình thường ấy… Lúc đó tôi lại Ngộ ra rằng có lẽ lớn không nhất thiết cứ phải gào thét, không nhất thiết phải hiện hữu… Mà cái lớn đôi khi rất vô hình… Xuất phát từ việc không hiểu của những mơ hồ về thời gian, không gian… Tôi suy nghĩ miên man về việc các linh hồn – nguyên nhân tại sao những con người, những linh hồn sống trong hàng trăm, hàng ngìn năm mà vẫn có thể tri âm, có thể giao tiếp và truyền cho nhau nhưng suy tư vô hình mà sâu đậm. Tôi miên man mãi và cảm xúc khơi gợi về thời gian dần mạnh mẽ trong tôi… Trong Bệnh viện Tâm Thần, cả hai lần, tôi đã gặp rất nhiểu những linh hồn mang tầm tư tưởng lớn. Họ bằng cách mượn cơ thể của những người đang sống để truyền đạt cho tôi những thông điệp sống… Tôi biết được họ chính xác là ai. Vì vậy tôi tự tin hơn trong cuộc sống… Tôi suy nghĩ về những nỗ lực mà những nhà tư tưởng kia làm được, và cũng liên hệ với những việc với cá nhân tôi do nỗ lực hết sức đấu tranh tư tưởng trong chính con người mình mà tạo ra được vài tác phẩm khiến tôi tạm hài lòng, và việc nỗ lực của mình đã xóa nhòa danh giới giữa những linh hồn và những người đã mất. Tôi nghĩ thật ra thì chiến tranh là không bao giờ kết thúc, nó nằm ngay trong chính mỗi con người của chúng ta, đôi khi làm được những việc có ích cũng giống như một sự công phá và tôi lấy hình ảnh bom để so sánh với sức công phá đó!
** Bài liên quan: – Xem xong chỉ là ngán ngẩm Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|