Gẫm & Bình

“IONAH” – Đối mặt với câu hỏi “truyền thống” về tính truyền thống 10. 09. 15 - 7:25 am

Bài bình luận của Phạm Huy Thông, trong bài có sử dụng một số ảnh chụp do Nhà hát Star Galaxy cung cấp.

.

.

Vậy là sau nhiều tháng được thai nghén, “em gái” IONAH đã ra mắt khán giả Hà Nội vào cuối tháng 8 tại một nhà hát mới ở số 87 Láng Hạ. Được dàn dựng kỹ càng và quảng bá bài bản, sự ra mắt của “em” IONAH được nhiều người yêu nghệ thuật tò mò ngóng đợi. Chương trình về “em” là dạng biểu diễn nghệ thuật tổng hợp, hòa trộn giữa xiếc, kịch, múa đương đại, hip hop, ảo thuật… và các công nghệ kỹ thuật sân khấu, phục trang tiên tiến. Loại hình này trong tiếng Anh được gọi là “variety shows”, đã xuất hiện từ lâu ở những nước có nền công nghiệp giải trí phát triển. Khi một thể loại đơn thuần như hòa nhạc, kịch, múa, xiếc, ảo thuật… không còn nhiều khả năng để đơn phương thu hút khán giả và khi kỹ năng, tiềm lực tài chính và trí tưởng tượng của các nhà sản xuất, đạo diễn đã được nâng nên những tầm mới thì sự ra đời của variety shows là tất yếu. Ở Việt Nam, chưa có một danh từ thích hợp để gọi variety shows, đơn vị mang nặng đẻ đau ra IONAH là Nhà hát Star Galaxy thì dịch “variety shows” thành một cụm từ dài đến mức không ai muốn nhớ. Còn nếu dịch theo cách đơn giản của từ điển là “Chương trình Tạp kỹ” thì nghe có vẻ không hợp thời lắm, bởi chữ “tạp” giờ đây không còn là từ được sính trong tiếng Việt.
 

Một chú hề xiếc quen thuộc xuất hiện đầu chương trình nhắc nhở mọi người tắt điện thoại, không hút thuốc và không quay phim chụp ảnh. Ảnh chụp IONAH trong bài viết này do ban tổ chức cung cấp.

Với variety shows, không có một công thức chung nào về tỉ lệ để hòa trộn các loại hình nghệ thuật vào trong một chương trình. Sự lựa chọn nằm hoàn toàn trong mục đích và khả năng của đạo diễn, nhà sản xuất. Khi nói đến IONAH, có hai chương trình nghệ thuật nên nhắc đến là “Làng Tôi”“À Ố”. Hai chương trình này cũng do người Việt dàn dựng. Những người tạo ra đã xếp loại hai chương trình trên vào dạng “kịch xiếc mới”. Nền tảng của hai chương trình trên vẫn là các kỹ năng xiếc, nhưng những tiết mục đã được xắp xếp vào một tuần tự định trước với những sự kiện mang tính diễn tiến. Tạo hình và bối cảnh của “Làng Tôi”“À Ố” đều lấy cảm hứng từ làng quê truyền thống của Việt Nam. Các cảnh lao động và sinh hoạt văn hóa nông thôn tạo hứng cho các nhà thiết kế phục trang và đạo cụ. “Kịch bản” trong “Làng Tôi” và “À Ố” không hẳn là một câu chuyện theo tiêu chuẩn của sân khấu kịch, nhưng nó cũng đủ để trở thành một sợi dây có tính cảm xúc kết nối các màn diễn. Những nỗ lực kết hợp các loại hình độc lập với nhau cộng với những cách tân trong thiết kế sân khấu, trang phục, đạo cụ đã làm mới hình dung về xiếc trong quan niệm của người xem nội địa. Và vì thế, “Làng Tôi” và “À Ố” đã đạt được những thành công hơn hẳn các chương trình xiếc hay những vở kịch đơn thuần. Tất nhiên, thành công về mặt kinh tế của “Làng Tôi” và “À Ố” cũng đến từ chính việc khai thác chất liệu dân gian để “bán show theo xâu” (bán vé sỉ cho các đoàn du lịch). Vì yếu tố dân gian, truyền thống là thứ rất thích hợp để tiếp cận với nguồn khách ngoại quốc hoặc mang ra trình diễn ở nước ngoài. “Kinh doanh” tài nguyên văn hóa sẵn có là việc làm chính đáng, góp phần thúc đẩy du lịch và đảm bảo nguồn lợi kinh tế cho nhà sản xuất chương trình.
 

Cảnh trong vở “Làng Tôi” (ảnh tìm trên internet)

IONAH là “em” gái sinh sau đẻ muộn hơn “Làng Tôi”“À Ố”. Lợi thế của người đi sau là có thể đúc rút bài học từ những người tiên phong, không phải dò dẫm những bước đầu tiên của thăm dò thị trường, tìm hiểu thị hiếu hay tìm kiếm các giải pháp cơ chế… Nhưng cái khó của người đi sau là phải tìm hướng đi khác biệt, vượt qua được những thành công mà người khác đã gặt hái. Nếu như “À Ố” tiếp nối mô típ của “Làng Tôi”, khai thác đề tài truyền thống thì IONAH lấy cho mình bối cảnh đời sống hiện đại, một không gian Hà Nội trong thời kỳ hội nhập với những con người trẻ tuổi mang trong mình những ảnh hưởng đa văn hóa. Và không ngoài dự đoán, khi “em” vừa ra mắt, đã có những ý kiến hỏi “em” đâu rồi hương đồng gió nội! Ở Việt Nam, với bất cứ tác phẩm mới ra mắt, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hay điện ảnh, dường như luôn có một bộ phận người xem đứng ra cân đong đo đếm các giá trị dân tộc, truyền thống, bản sắc… Có cảm giác rằng, nếu tác phẩm không chứa đựng đủ bấy nhiêu giá trị thì sẽ không còn được coi là tác phẩm của Việt Nam nữa, dẫu rằng tác phẩm đó do người Việt Nam sáng tạo ra. Để bàn sâu về chuyện này, có lẽ chúng ta nên vòng lại lướt qua nội dung của “em” để xem cái hồn cốt của IONAH đang hòa nhập hay hòa tan.

Các vũ công múa bụng trong chương trình IONAH

 

Màn múa ba lê chào mừng khách, có lẽ sẽ chỉ có trong ngày khai trương nhà hát. Các vũ công tiến ra từ nhiều hướng và bắt đầu múa từ trong đám đông.

“Ionah”, nhân vật chính của chương trình, là một cô gái sống ở thủ đô. Bản thân cái tên của em (có lẽ là nickname trên mạng, chứ bố mẹ ngoài đời ai lại đặt tên con như thế) là cách chơi chữ, nghịch đảo của “Hà Nội”. Sáng tạo nhỏ bé này trước tiên thể hiện tâm huyết của những người sản xuất chương trình muốn cống hiến tác phẩm cho Hà Nội. Điều thứ hai cũng gợi luôn trong trong tên gọi của em, là sức trẻ, sự phá cách hướng ngoại của nhân vật trong kịch bản. Và điều thứ ba thể hiện tính toán của nhà sản xuất khi tìm được một tên gọi mới nhưng vẫn dễ nhớ với mọi nhóm khán giả (nội địa hay ngoại quốc), nhất là khi tên gọi đó “lấy cớ” từ tên một thành phố có từ lâu đời. Tên gọi này đương nhiên là mới mẻ hơn Miss Nguyễn hay Miss Trần… và dễ nhớ hơn Tú Quyên, Hà Thu, Mai Hương… Một ý đồ nữa gửi gắm trong tên gọi của Ionah mà tôi chỉ nhận ra khi đến cuối chương trình, ý đồ đó mang tính ẩn dụ nghệ thuật và gắn với nội dung của toàn bộ chương trình.
 

.

Ionah là em gái trẻ. Như mọi em gái trẻ khác, Ionah cũng cuồng nhiệt yêu đương, nhõng nhẽo giận hờn. Trong một lần chàng người yêu đến muộn cuộc hẹn hò, em nghi ngờ chàng. Lửa hờn ghen bốc lên trong đầu khiến em vung tay tát cậu trai. Chính trong khoảnh khắc ấy, Ionah rơi vào một thế giới siêu thực nhiều u ám trong nội tâm của chính em. Và em gái phải bắt đầu một hành trình băng qua những điều tăm tối và để cuối cùng tìm đến được với người yêu của mình ở mảnh đất tốt lành nhiều hoa nở. Các phân cảnh trong quá trình Ionah vượt các khổ nạn tìm đến miền sáng tươi chính là nơi mà các nghệ sĩ hàng đầu như Quốc Trung (nhạc), Công Trí (thiết kế trang phục), Trần Ly Ly (biên đạo múa) và Tống Toàn Thắng (xiếc) trổ hết tài năng và phô diễn trí tưởng tượng. Một bữa tiệc cảm nhận được bày ra trước mắt, bên tai khán giả.
 

Tạo hình con nhện trong trang phục của Công Trí, do diễn viên uốn dẻo người Mông Cổ thể hiện.

Kỹ thuật chủ đạo của các phần trình diễn trong những phân cảnh này vẫn là xiếc. Nhưng kỹ thuật xiếc ở đây đã được hòa trộn nhuần nhuyễn với múa đương đại nên mọi động tác đều toát lên vẻ đẹp hình thể của diễn viên và mang nhiều tính biểu tượng nghệ thuật. Ấn tượng nhất với tôi là trang phục cho các nhân vật. Nhân vật nhện do các diễn viên uốn dẻo người Mông Cổ thể hiện, họ tiến ra sân khấu trong tư thế bò ngửa, các chân giả gắn bên hông khiến họ như những con nhện thực sự đang bước đi, rất quái dị nhưng vẫn rất đẹp. Với cảnh em Ionah rơi vào hang ổ loài dơi, nhà thiết kết Công Trí đã phát huy mạnh những hiểu biết của anh về chất liệu. Trang phục dơi rất bắt mắt, phong cách nửa cổ trang, nửa viễn tưởng nhưng vẫn rất tiện lợi cho họ thực hiện mọi chuyển động vũ đạo. Bộ đồ của Dơi Chúa rất kỳ lạ. Cánh Dơi Chúa có lẽ được tạo từ vải mềm, Dơi Chúa khi múa vẫn tung tẩy được, nhưng ở một số động tác cụ thể thì các đường gân trong cánh lại giúp toàn bộ cánh khum tròn lại, ôm lấy thân dơi, giống như là có cơ cấu đặc biệt ở trong cánh.

Bầy dơi gớm ghiếc nhẩy múa bên em ionah đang ngất lịm. Trang phục của Dơi Chúa khơi dậy trong tôi sự tò mò. Cánh Dơi Chúa khi mềm khi cứng. Lúc thì tung tẩy mềm mại, lúc lại có thể khum tròn ôm lấy thân dơi.

Giai đoạn chuyển đổi từ tăm tối sang tươi sáng, em Ionah chết lịm được một ông lão cứu lại bằng pháp thuật và khả năng đặc biệt của con trăn ông mang theo. Tất nhiên, đảm nhiệm vai này không ai khác là nghệ sĩ Tống Toàn Thắng, người đã quen thuộc với khán giả với hình ảnh Thạch Sanh vác Trăn tinh. Ông lão đưa cô đi trên con sông Vong Xuyên quên lãng, để cô quên đi tất cả những góc tăm tối trong tâm hồn mình. Chuyển sang cảnh tiếp, các diễn viên mặc những trang phục tương đồng để tạo cảm giác về một tấm gương, Ionah khi soi lại mình trong gương, em nhận ra những lầm lỗi, xấu xa và ích kỷ của bản thân, em quyết định đập vỡ nó để xóa bỏ một nửa xấu xa và giải thoát chính mình. Yếu tố chiếc gương vô hình là một chìa khóa mang tính biểu tượng. Tôi chợt giật mình nhớ về cái tên của em, Ionah không chỉ là sự đảo ngược về thứ tự chữ cái của tên gọi Hà nội mà ở một cách viết nào đó, còn là sự đảo ngược thị giác nữa. Thành phố giống như con người, con người giống như thành phố, có góc tối góc sáng và luôn cần tự rũ mình để tiến lên.
 

Người viết bài đứng trước sảnh tiếp đón của Nhà hát 87 Láng Hạ.

Rồi hành trình của Ionah đi qua một số phân cảnh vui tươi, tràn ngập mầu sắc trong đó Ionah tìm được người yêu khi chàng cũng đang trên đường đi tìm kiếm em. Tạo hình nhân vật trong những phân cảnh này làm khán giả nhớ đến những lễ hội Carnavan Cả hai đưa nhau trở lại với không gian quen thuộc của Hà Nội đời thường. Cảnh cuối cùng và cũng không kém mang tính quyết định, ionah và chàng trai múa cùng nhau, diễn lại động tác giống như khi trước ionah giang tay tát chàng, nhưng cái tát đã không giáng tới mà dừng lại thành một cái vuốt má trìu mến. Đây là thủ pháp đôi khi thấy trong điện ảnh, với những hình ảnh lặp lại ở đoạn đầu và đoạn cuối để chuyển tất cả những tình tiết giữa chúng thành một khoảnh khắc mơ hồ. Dường như cả buổi diễn, kể từ khi ionah và chàng trai vượt qua bao trở ngại tăm tối đến khi tìm thấy nhau trong tươi sáng, đã chợt biết thành một khoảnh khắc, thành một sát-na tranh đấu nội tâm và ionah chợt nhận ra giá trị của tình yêu, em đã đổi ý không ghen tuông, giữ lấy chàng trai của mình.
 

Cảnh ionah thấy ảo ảnh của mình trong gương do hai diễn viên Mông Cổ thực hiện. Hai cô gái này không chỉ giống nhau về trang phục mà khuôn mặt cũng giống nhau như hai chị em sinh đôi.

Trong trường hợp của IONAH, những người đặt câu hỏi về tính truyền thống cũng có hai nhóm. Nhóm thứ nhất là hỏi theo thói quen, như đã nói ở trên, luôn luôn cứng nhắc đặt ra những trách nhiệm nhất định mà mỗi tác phẩm phải gánh vác. Nhóm thứ hai là lo lắng cho tương lai kinh tế của IONAH khi “em” ra với đời. Nhìn các buổi biểu diễn nghệ thuật ở Hà Nội luôn đông đúc khi phát vé mời và thường vắng teo khi chào vé bán thì cũng biết là “em” khó lòng chỉ bấu víu vào khách nội địa. Còn với khách ngoại quốc đi theo tour, thì liệu em có hút hàng không, khi em trưng ra những cái đẹp đẽ mang tính toàn cầu chứ không phải là chất hồn hậu địa phương mà họ đang tìm kiếm.
 

.

Trên quan điểm của một người thưởng thức nghệ thuật, tôi thấy kết cấu kịch bản của chương trình IONAH tuy đơn giản nhưng xuyên suốt. Chính kịch bản này đã kết nối các phân cảnh với nhau một cách êm xuôi và giúp IONAH vượt trên (nhưng vẫn làm tốt) vai trò của một chương trình giải trí mãn nhãn sướng tai. Những người làm IONAH đã tạo ra những thông điệp nghệ thuật có giá trị nhân văn. Nhân vật chính trẻ tuổi và hiện đại, lại sống giữa Hà Nội, một thành phố đang hội nhập, vậy nên thế giới nội tâm tưởng tượng của em không thể chứa đơn thuần những hình ảnh truyền thống và dân dã. Phản ánh Hà Nội trong quá khứ, trong hiện tại hay trong tưởng tượng đều có giá trị tốt như nhau nếu như sự phản ánh đó được thực hiện hiệu quả. Tôi tin rằng, với những người đến với Hà Nội và cả với những người yêu nghệ thuật sống tại thủ đô, một tác phẩm nghệ thuật phản ánh được hơi thở của Hà Nội đương đại cũng sẽ là điều họ tìm kiếm và muốn thưởng thức.
 

.

Tất nhiên, những bình luận trong bài viết này chỉ đặt trên trên góc độ thưởng thức của một người không hề biết kinh doanh. Để một chương trình biểu diễn có thể tồn tại bền vững, cần có sự nỗ lực từ nhiều người. Vậy nên, dù em IONAH không khai thác tài nguyên dân gian để đem bán, thì tôi tin rằng đã có đủ các lý do chính đáng cho sự ra đời của em. Rất mong em gặt hái được nhiều thành công như (và thậm chí hơn) những chương trình đi trước, để thỉnh thoảng đi qua 87 Láng Hạ, tôi còn được nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng em đang múa.

Tái bút: Nếu em Ionah lăn ra với đời mà sống vui sống khỏe, có khi lại xuất hiện một anh Nogias ra khiêu vũ cùng em. Tôi kiểm tra thử, thấy có tên miền ionah.vn là địa chỉ trang web chính thức của chương trình IONAH, nhưng tên miền Nogias.vn thì vẫn chưa bị ai chiếm. Ai ơi nhanh tay lên nào!

.

Ý kiến - Thảo luận

13:31 Friday,11.9.2015 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Hôm nay đọc lại bài mình viết mới phát hiện một chỗ viết nhầm tên NTK Công Trí (Viết nhầm thành Công Chí). Phiền Soi sửa giùm nhé. Trong đoạn này:
.."Với cảnh em Ionah rơi vào hang ổ loài dơi, nhà thiết kết Công Trí đã phát huy mạnh những hiểu biết của anh về chất liệu. Trang phục dơi rất bắt mắt, phong cách nửa cổ trang, nửa viễn tưởng nhưng vẫn rất tiện l
...xem tiếp
13:31 Friday,11.9.2015 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Hôm nay đọc lại bài mình viết mới phát hiện một chỗ viết nhầm tên NTK Công Trí (Viết nhầm thành Công Chí). Phiền Soi sửa giùm nhé. Trong đoạn này:
.."Với cảnh em Ionah rơi vào hang ổ loài dơi, nhà thiết kết Công Trí đã phát huy mạnh những hiểu biết của anh về chất liệu. Trang phục dơi rất bắt mắt, phong cách nửa cổ trang, nửa viễn tưởng nhưng vẫn rất tiện lợi cho họ thực hiện mọi chuyển động"..
Cám ơn Soi nhiều. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

"Xà bần" gửi Ngô Lực

Nguyễn Ngọc (tức Xà bần)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả