Gẫm & Bình

LIU YE: vẫn vẽ dù tranh
có rẻ hơn nhiều 12. 11. 10 - 12:34 pm

Lê Thanh Dũng dịch

  

Tôi ngồi với Liu trong thư viện yên tĩnh ở Sperone Westwater, nơi ông đang chuẩn bị tổ chức cuộc triển lãm cá nhân lần thứ 2 với gallery, có tên, “Hãy để tôi trong bóng tối”, được trưng bày tới tận 19. 12. 2009. Cuộc triển lãm này gồm khoảng hơn một chục bức vừa mới nhất, vừa tinh tế nhất mà Liu vẽ trong khoảng 2007 hoặc muộn hơn. Trên bàn là những bức chân dung khổ khỏ của Mozart, Chet Baker, và Teresa Teng, ngôi sao nhạc pop Trung Quốc từ bộ tranh mới nhất của Liu… 

Liu khá thoải mái, ông nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Anh, đôi lúc được người phiên dịch đỡ đần thêm, cho dù rõ ràng có khi “lực bất tòng tâm”, ông không diễn tả được thật rõ ràng như ông muốn. Những câu trả lời của ông rất dễ hiểu khi nghe trực tiếp, dưới đây là bản đã được biên tập lại để dễ đọc hơn. 

* 

Hãy nói về tác phẩm mới của ông. Chúng có gì khác so với những thứ ông làm trước kia?
Tôi chỉ tiếp tục vẽ và tôi không muốn giữ nguyên như trước nữa. Nhưng đồng thời tôi lại không muốn thay đổi ý nghĩa. Nếu có gì đó thay đổi thì việc thay đổi đó cũng phải diễn ra một cách tự nhiên. Bạn không thể cứ đứng ì một chỗ. Đời luôn luôn thay đổi mà.
  

Ông tìm cảm hứng từ đâu?
Ý tưởng có thể đến từ bất kỳ cái gì. Tôi đã vẽ ba chục năm nay – bắt đầu từ hồi đi nhà trẻ – và từ từ, từ từ, tôi đã dựng lên cả một hệ thống. Tựa như trong tiếng Anh, bạn có 26 chữ cái; bạn tổ hợp chúng lại với các ký tự khác nhau, và sẽ luôn luôn sinh ra một cái gì đó mới mẻ. Tôi cứ xây đắp từ từ và đến giờ tôi đã có 18 chữ cái. Có thể hôm nay vì ở New York cho nên tôi chọn từ chữ B đến chữ O, nhưng nếu ở Bắc Kinh tôi đã chọn A đến B. Ai mà biết được. Việc của tôi là tạo ra bảng chữ cái ngày càng nhiều chữ, một cách từ từ.
  

Ngày nào ông cũng vẽ?
Vâng, với tôi, vẽ cũng như ăn cơm. Ba bốn ngày trôi qua mà không làm việc tôi đã cảm thấy sốt ruột. Chỉ có một chuyện gì khủng khiếp lắm mới bắt được tôi ngừng làm việc.
 
 
Như bức Mozart này, ông vẽ mất bao lâu?
Hai tuần. Cũng không lâu lắm. Nhưng với một số bức khác, thí dụ như Chet Baker thì mất hơn một tháng, bởi vì tôi vẽ rồi lại không vừa ý, thế là vẽ bức khác 

 
  

Nếu vẽ rồi mà không ưng ý, ông có vứt đi không?
Thường xuyên. Trước khi đến New York, tôi có vẽ một bức dài ba mét, nhưng rồi tôi cứ cắt dần; bức tranh nhỏ dần, nhỏ dần, và bây giờ thì chẳng còn gì.
  

Trong thời gian ở New York, ông có xem một loại nghệ thuật nào khác không?
 Tôi xem tượng Twombly trưng bày ở Gagosian. Và tôi xem triển lãm của Vermeer ở Metropolitan. Tôi rất thích Vermeer. Ông là họa sĩ tôi mến mộ.
  

Sao vậy?
Tôi nghĩ tranh của ông ấy đẹp tuyệt vời. Mỗi họa sĩ mạnh một thứ. Picasso rất mạnh chẳng hạn; còn đối với thời hiện đại thì Mondrian – trừu tượng – lại là một cuộc cách mạng văn hóa. Nếu xem tranh Rembrandt, bạn sẽ thấy những con người mạnh mẽ. Nhưng Vermeer không chỉ giỏi về vẽ người hoặc tả chân. Mọi thứ trong tác phẩm của ông đều đẹp. Tôi thực sự không hiểu tại sao.
  

Ông cũng sưu tầm nghệ thuật chứ?
 Vâng, tôi có một bộ sưu tầm nho nhỏ: một số tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ Trung Quốc, một số của Nhật, của Đức, một số tranh in của Mỹ – cũng không đắt lắm. Không phải là bộ sưu tập lớn nhưng tôi sẽ xậy dựng từ từ. 


Ông mơ có được tác phẩm nào trong bộ sưu tập của mình?
Mấy năm trước, tôi mua những thứ không quá đắt nhưng tôi thích. Giờ tôi muốn lên kế hoạch đàng hoàng phải mua gì – thí dụ của Mondrian chẳng hạn – nếu đủ giàu. Tôi thích tác phẩm của ông. Tất nhiên bạn không bao giờ có cơ hội có được Vermeer! Nhưng một bức của Mondriran thì biết đâu đấy.
  

Mondrian và tôi – có giá 400.000USD vào 2010

Họa sĩ đương đại nào làm ông thực sự thấy hứng thú nhất ?
 Khó nói, nhưng tôi rất thích các họa sĩ theo trường phái tối giản. Với họa sĩ Mỹ, tôi thích Edward Hopper, tôi cũng rất thích Tom Sachs.
 

Tôi có thể hiều điều đó. Tác phẩm của Hopper phần nào giống ông ở chỗ chúng thật yên lặng.
Trước khi vẽ một bức tranh, không bao giờ tôi lên kế hoạch là phải vẽ một bức tranh yên lặng. Tôi thực sự không hiểu tại sao cuối cùng tranh tôi lại thành ra yên lặng thế. Thí dụ nhé, bức Mozart này. Ông là một thiên tài – ông không yên lặng. Nhưng bức tranh này lại cũng yên lặng. Có thể sau này tôi sẽ biết tại sao.
 

Ông có là một người yên lặng?
Vâng. Tôi thích ở nhà. Thực ra nếu có thể thì tôi sẽ sống cả đời trong xưởng vẽ. Tôi hy vọng trong tương lai mình có thể thật sự chỉ sống trong đó, với những cuốn sách, và vẽ. Nhưng không thể thế được. Thỉnh thoảng người ta cũng phải ra ngoài.
 

Tôi nghĩ cái thú vị trong tác phẩm của ông là tính hình học, nhưng vẫn có sự mềm mại sao đó.
 Tranh của tôi là tranh cấu trúc, Tôi chịu ảnh hưởng của Mondrian, từ tranh của ông ấy. Cấu trúc cơ bản trong tranh của tôi là cấu trúc thẳng đứng. Tất nhiên tôi không phải họa sĩ trừu tượng, nhưng chúng ta có thể nói thêm về Vermeer: Nếu bạn nhìn tranh của Vermeer, bạn cũng thấy sự yên lặng, Cấu trúc của các bức tranh của Vermeer giống như của Mondrian, hoặc tranh của Mondrian giống của ông. Nếu bạn không nhìn vào đường nét hoặc vào câu chuyện mà chỉ nhìn vào bố cục và các yếu tố trừu tượng thôi thì sẽ thấy chúng giống nhau.
  

Về cơ bản, tranh của tôi cũng vậy. Đôi lúc tôi cũng phải làm điều gì đó khác đi nhưng nói chung tôi rất thận trọng.
 Giống như bóng đá vậy, người ta phải chơi trong một ô vuông và theo các qui tắc. Nếu không phải là cái sân vuông vắn ấy thì chẳng còn gì thú vị. Với tôi, vẽ tranh cũng vậy. Bạn phải có qui tắc, có điều là chính bạn phải lập ra qui tắc đó. Dần dà, chầm chậm… Thế rồi bạn bắt đầu chơi. Chẳng có ai bảo bạn qui tắc là những gì; nó không giống như qui tắc chơi bóng. Mỗi một họa sĩ có ngôn ngữ, qui tắc của riêng mình. Thí dụ,  Donald Judd: Nhìn qui tắc của ông ấy, bạn có thể hiểu ông ấy muốn làm gì.
  

Con đường sáng – Được Sotheby’s bán với giá 2.5 triệu USD

Qui tắc của ông thay đổi như thế nào?
Bạn tìm ra qui tắc một cách chậm chạp. Bạn tự xây dựng lấy bộ quy tắc ấy. Nếu còn được làm việc thêm 30 năm nữa tôi còn vẽ nhiều nhiều tranh nữa, với những câu chuyện và hình ảnh khác nhau – phong cảnh, cuộc sống tĩnh lặng, chân dung. Bạn có thể làm bất kỳ thứ gì, nhưng các qui tắc sẽ càng ngày càng phải sáng sủa hơn.
Hai mươi năm trước, mọi thứ với tôi chưa rõ ràng. Lúc thì như thế này lúc thì lại như thế khác. Nhưng rồi dần dà tôi quyết định rằng có những thứ không được làm, có những thứ nhất quyết không được đụng đến. 

 

Ông học ở Đức từ 1990 đến 1994. Trước đó ông có xem nhiều nghệ thuật phương Tây không?
 Trước khi đi Đức, tôi học tại Viện Nghệ thuật Tạo hình Trung ương tại Bắc Kinh. Trước đó tôi học thiết kế công nghiệp. Điều thú vị là học thiết kế về cơ bản là dựa trên giáo trình của Bauhaus. Thầy giáo dạy các bài thiết kế cho chúng tôi, nhưng thực ra đó là nghệ thuật hiện đại. Bauhaus là nghệ thuật hiện đại: Kandinsky và Klimt và Klee. Vậy nên từ rất sớm, tôi đã tiếp xúc với nghệ thuật phương Tây, khi tôi 15 tuổi. 


Và rõ ràng việc đó có một ảnh hưởng lớn. Mối kết nối giữa ông với nghệ thuật Asian và phương Tây có khác nhau nhiều?
Không có khác biệt gì hết. Nghệ thuật phương Tây cũng là nghệ thuật của tôi. Thí dụ. Mondrian là Đức, nhưng điều đó không quan trọng. Tôi nghĩ ông đã thuộc về văn hóa nhân loại. Nhiều người cho rằng, nếu anh là nghệ sĩ Trung Quốc thì trước hết anh phải học nghệ thuật Trung Quốc. Với tôi, có thể Vermeer hay Mondrian còn quan trọng hơn các ông thầy người Trung Quốc. 


Có loại nghệ thuật nào mà ông không thích?
Tôi nghĩ 99 phần trăm nghệ thuật là tôi không thích! Tôi nghĩ thưởng thức nghệ thuật không có tính dân chủ. Khẩu vị của tôi ngày càng hẹp lại. Thực tình tôi không thể hiểu được một số loại nghệ thuật. 


Ông từng nói ông xây dựng một thế giới cho riêng mình trong tranh. Đó là thế giới gì vậy?
Có quá nhiều thứ tôi muốn vẽ – nhưng tôi làm việc chậm lắm! Điều tôi phải làm trước tiên là cảm nhận. Thí dụ, tôi muốn vẽ Mozart đã 10 năm rồi mà không biết bắt đầu từ đâu. Thế rồi bỗng một hôm tôi bảo, hôm nay có thể thử được đấy. Luôn luôn có đủ việc để làm.
Tựa như tôi nghe Tim Burton đang làm một phim mới, Alice trong xứ thần tiên. Tôi nói, ồ, đó là đề tài của mình! Khi còn rất nhỏ tôi đã đọc truyện này nhưng không hiểu. Lớn lên tôi đọc đi đọc lại và có những cảm nhận mới. Tôi muốn làm môt series về Alice trong xứ thần tiên, nhưng chưa chuẩn bị gì để làm. Có thể một ngày nào đó tôi sẽ sẵn sàng để bắt tay vào việc này.

Bài học ballet, 2009


Tôi hiểu rằng khi ông còn là một cậu bé, cha ông đã cấm đọc sách nước ngoài, nhiều cuốn trong số đó là những truyện thần thoại. Có đúng thế không?
 Nhà tôi chẳng có gì ngoài sách. Nhưng hồi đó là Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, và gần như không ai được phép đọc bất cứ thứ gì. Nhưng cha tôi là nhà văn viết sách cho thiếu nhi, ông có một bộ sưu tập sách châu Âu và Trung Quốc. Tôi đã đọc hết, có nhiều tranh minh họa đẹp lắm.
 

Sách nào thế?
 Thí dụ, tôi nhớ có những cuốn rất đẹp của Tolstoy: Chiến tranh và Hòa bình  và Anna Karenina. Đó là những bộ sách lớn, rất dày, tôi còn bé chưa đọc được. Nhưng tranh minh họa đẹp lắm, thế là tôi xé ra và làm hẳn một catalogue. Sau đó tôi bảo, những cuốn sách này rất dễ đọc! Cha tôi giận lắm! Những cuốn sách đó là sách cũ, sách quý mà.
Rồi trong cuốn Eugene Onegin của Puskin cũng có những bức tranh rất đẹp. Ở nước Nga thời đó nếu hai người đàn ông yêu một người đàn bà thì họ đi ra ngoài trời tuyết với khẩu súng trong tay. Phong cảnh thì đẹp thế vậy mà lại đi bắn nhau. Puskin cũng chết theo cách đó. Tôi đã từng vẽ tuyết, nhưng rồi từ từ, càng ngày tôi càng muốn thêm vào cảnh ấy, cảnh Puskin trên tuyết với khẩu súng và máu. Tôi nghĩ chắc sẽ rất đẹp. Nhưng làm thế nào để cho nó đẹp mà không thảm khốc hay rùng rợn đây?


Cha ông viết sách thiếu nhi nhưng sách lại không có tranh minh họa. Có bao giờ ông nghĩ chính mình sẽ vẽ minh họa cho những cuốn sách ấy không?
 Tôi đã vẽ một số ấy chứ, nhưng không nhiều. Hồi đó tôi còn nhỏ. Cha tôi bảo tôi vẽ được, nhưng nhà xuất bản bảo không đẹp! Họ có in trong một vào sách, có điều không đề tên tôi. Tôi còn bé quá, chắc khoảng 13 thôi.
 

Ngày nay người ta vẫn đọc sách của cha ông chứ?
 Không nhiều. Không đọc nữa. Phong cách của cha tôi đã cổ rồi, tôi nghĩ vậy. Ở Trung Quốc hiện nay có quá nhiều sách. Thậm chí chẳng còn đủ thời gian mà đọc cho hết truyện cổ Grimm hay Andersen. Nhưng cha tôi không phải nhà văn lớn. Giỏi, nhưng không lớn như Puskin. 

Cha ông vẫn còn sống?
Không, ông mất 20 năm nay rồi.
Buồn nhỉ, hai cha con lại không cùng nhau ra một cuốn sách…
Tôi biết. Thỉnh thoảng tôi vẫn buồn vì điều đó. Nếu bây giờ cha tôi còn sống, tôi có thể vẽ minh họa rất đẹp, ai cũng sẽ mua sách và tôi sẽ rất hạnh phúc.


   

 Có phải là việc ông vẽ nhiều tranh cho thiếu nhi là có liên quan đến việc cha ông viết sách cho thiếu nhi?
 Tôi không nghĩ vậy, bởi vì tất cả trẻ em đều thích đọc truyện thần thoại. Nhưng đôi lúc tôi thật sự sợ mình phải lớn lên. Với tôi cái thời đẹp nhất đã qua rồi, với gia đình, với cha, mẹ, với anh chị em; thời đó thật ấm áp. Tôi có chút sợ hãi phải trở thành người lớn, sợ phải nhập vào thế giới của người lớn. 


Có thể rồi ông sẽ vẽ Peter Pan. Cậu ta cũng không muốn lớn.
 Tôi biết – Michael Jackson thích Peter Pan! Nhưng tôi nghĩ cuộc sống dễ dàng với tôi hơn là với anh ấy rất nhiều.
  

Những tác phẩm mới này có vẻ rất khác nhau – Mozart, Chet Baker, còn người đàn bà này là ai?
Đó là Teresa Teng, từng là ca sĩ pop nổi tiếng nhất Trung Quốc, như Micheal Jackson ở Mỹ. Tôi lớn lên trong tiếng hát của cô cho nên tôi rất muốn vẽ một bức chân dung của cô. Ba bức này là để cho cuộc triển lãm nghệ thuật về âm nhạc. Tôi luôn luôn muốn vẽ chân dung Mozart. Và Chet Baker tôi cũng rất thích. Bach là nhạc sĩ tôi mến mộ, nhưng vẽ ông quá khó.

Chet Baker, tranh của Liu Ye


Khó hơn Mozart?
Khó hơn nhiều! Tôi đã vẽ một bức nhưng xé đi rồi. Bach là một ông giàkhông lãng mạn như Mozart. Tôi không biết vẽ ông như thế nào cho đẹp.


Tại sao ông trở thành nghệ sĩ?

Thực ra tôi không muốn trở thành một nghệ sĩ, tôi muốn là một họa sĩ; ở lớp mẫu giáo tôi thích vẽ nguệch ngoạc, Tất nhiên sau này tôi mới hiểu nghệ thuật đương đại là hoàn toàn khác. Nếu bạn không vẽ thì bạn vẫn là nghệ sĩ, nhưng tôi chỉ thích làm họa sĩ.
 

 Một số nghệ sĩ Trung Quốc vẽ rất tốt, nghệ thuật của họ mang tính chính trị cao. Tranh ông thì không có vẻ chính trị. Hay là có cái gì đó mà tôi chưa thấy.
Chính trị rất quan trọng đối với thế hệ chúng tôi. Nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ có Mao hoặc Coca Cola hoặc những thứ tương tự trong đó. Nếu nghệ sĩ thực sự muốn nói về những cái đó, OK. Nhưng những thứ ấy không quan trọng lắm với tôi. Tôi quan tâm đến ngôn ngữ trong tranh hơn. Và quan tâm đến nghệ thuật. Một ngàn năm trước đã từng có một hệ thống chính trị khủng khiếp nhưng vẫn có nền nghệ thuật tốt đẹp. Tất nhiên tôi có những quan niệm chính trị của tôi, nhưng đó không phải chính trị học; Nghệ thuật của tôi là nghệ thuật. Nghệ thuật không phải là vũ khí.
  

Ông sẽ làm gì tiếp theo?
 Tôi vẫn tiếp tục vẽ. Tôi không biết tiếp theo sẽ là cái gì; tôi có quá nhiều lựa chọn. Nhưng tôi luôn luôn muốn vẽ những gì ai cũng hiểu được. Vẽ, tựa như một bông hoa, lúc nào bạn cũng phải yêu hoa. 
Khó hơn nhiều! Tôi đã vẽ một bức nhưng xé đi rồi. Bach là một ông già, không lãng mạn như Mozart. Tôi không biết vẽ ông như thế nào cho đẹp.
 

Ông có ngạc nhiên khi các tranh của ông bắt đầu bán được nhiều tiền?? 
Rất ngạc nhiên. Tất nhiên không chỉ tôi mà còn nhiều người ngạc nhiên, nhưng tôi không biết tại sao bỗng dưng chúng đắt thế. Với tôi, điều đó không thật quan trọng. Tất nhiên đắt thì không tồi chút nào, nhưng tôi vẫn vẽ cho dù chúng có rẻ hơn nhiều.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tôi là một người may mắn!

Phạm Thái Bình. Ảnh: Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả