Gẫm & Bình

Về bức “Buổi họp mặt gia đình” của Frédéric Bazille 07. 10. 15 - 7:31 am

Karin H. Grimme - Thúy Anh dịch

Frédéric Bazille đến từ Montpellier, miền Nam nước Pháp. Gia đình muốn ông học y khoa nhưng từ 1864 ủng hộ quyết định theo nghiệp vẽ của ông. Sự nghiệp ngắn ngủi bởi ông hy sinh trong Chiến tranh Pháp-Phổ sáu năm sau đó. Do đó tác phẩm của ông đã không được bày tại các kỳ triển lãm Ấn tượng dù ý tưởng tổ chức các kỳ triển lãm độc lập – không dựa vào hội đồng tuyển chọn bảo thủ – là (ý tưởng) của ông.

Frederic Bazille, “Tự họa”, 1865-1866, sơn dầu trên toan

Tác phẩm Buổi họp mặt gia đình giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp của Bazille vì được vẽ vào giai đoạn giữa sự nghiệp và có kích thước to nhất trong số các tác phẩm hiện còn của ông.

Vào những năm 1860, Bazille kết giao thân thiết với Monet và Renoir, đặc biệt cộng tác chặt chẽ với Monet. Tác phẩm Bãi biển Sainte-AdresseCảnh biển Sainte-Adresse (1865, Atlanta, High Museum of Art) của họ minh chứng cho sự hợp tác này.

Frédéric Bazille, “Bãi biển Sainte-Adresse”, 1865, sơn dầu trên toan

 

Claude Monet, “Cảnh biển Sainte-Adresse”, 1867, sơn dầu trên toan

Hai họa sỹ trẻ này hứng thú mô tả người đặt trong cảnh vật. Họ cùng nhau vẽ ngoài trời. Bazille vẽ bức Buổi họp mặt gia đình hoàn toàn ngoài trời, còn Monet chỉ phác thảo bố cục bức Các thiếu nữ trong vườn (Paris, Musee d’Orsay) ngoài trời. Những gì Bazille làm trong xưởng sau đó chỉ là sửa các chi tiết nhỏ và tự vẽ thêm ông vào (bên trái ngoài cùng).

Claude Monet, “Các thiếu nữ trong vườn”, 1867, sơn dầu trên toan

 

Frédéric Bazille, “Buổi họp mặt gia đình”, 1867, sơn dầu trên toan

 

Chi tiết Fréderic Bazille trong tranh (áo xám)

Chủ đề tác phẩm là buổi họp mặt của cả gia đình dưới tán cây dẻ to trong sân hiên tại Meric hè 1867. Cha mẹ Bazille ngồi trên băng ghế bên trái. Câu, dì, anh chị em họ và người anh em ruột Marc cùng vợ anh thì tập họp lại quanh đấy có vẻ như mới đi đâu về. Các nhân vật nữ được vẽ mặc váy trắng chấm đen, giống với nhân vật trong bức Các thiếu nữ trong vườn của Monet, đây là trào lưu thời trang mùa hè năm 1867. Cũng cần nói thêm, vào thế kỷ 19, trang phục màu trắng được xem là biểu tượng của giai cấp tư sản.

Đối với các họa sỹ, hiệu ứng mà ánh sáng và sự chuyển màu tạo ra, và cái cách màu trắng tương tác với các màu xung quanh, mới thực sự là điều thú vị. Bức Lise và chiếc ô của Renoir là một ví dụ khác. Bazille đã đặt màu ngọc lam của chiếc váy của người chị em họ Therese – nhân vật phụ nữ trẻ ngồi ở bàn – làm trọng tâm bố cục. Đây mới là mục đích thực sự của tác phẩm: chủ đề không quan trọng mà quan trọng là chúng được vẽ thế nào.

Pierre Auguste Renoir, “Lise và chiếc ô”, 1867, sơn dầu trên toan

Bức Buổi họp mặt gia đình của Bazille đã được bày tại Salon năm 1868, không như bức Các thiếu nữ trong vườn của Monet bị từ chối bởi hội đồng thẩm định bảo thủ thời ấy. Emile Zola đã bình luận tác phẩm này của Bazille, ông nhấn mạnh ba đặc điểm:
– sự tinh tế của tác giả trong việc xử lý ánh sáng tự nhiên tại sân hiên;
– kiểu vẽ chính xác chân dung mười một nhân vật mà tư thế và điệu bộ khắc họa được tính cách của họ;
– và sự chú ý tỉ mỉ dành cho trang phục – điều mà Zola gọi là sự cống hiến cho cuộc sống hiện đại.

Chi tiết tranh

Tám trong số mười một nhân vật nhìn thẳng vào người xem nhưng không có sự tương tác nào giữa họ. Người xem tranh của thế kỷ 21 sẽ liên tưởng kiểu tạo dáng này là kiểu tạo dáng trong nhiếp ảnh, và thật vậy tác phẩm này thường được so sánh với hình chụp bởi hội họa và nhiếp ảnh cùng tồn tại vào nửa sau thế kỷ 19. Việc vẽ tranh giống nhiếp ảnh cho thấy Bazille đã nỗ lực kết hợp hội họa với yếu tố thời đại.

Chi tiết tranh

*

Bài tương tự:

- Về phong trào Biểu hiện (Expressionism) Đức, thế kỷ 20

- Trường phái Ấn tượng: Ngày ấy người ta dùng màu gì?

- Về bức “Buổi họp mặt gia đình” của Frédéric Bazille

- Về những bức tĩnh vật vẽ cá

- Về hai bức chân dung mẹ và con theo trường phái Ấn tượng

- Tranh phụ nữ trong nhà hát của Mary Cassatt

- Hội họa Ấn tượng: Van Gogh vẽ Père Tanguy

- “Hoàng hôn ở Ivry” của Guilaumin: Những gì vất vả thường bị lãng quên

- Tranh Kandinsky: Như nghe được âm nhạc trong màu sắc

- Tranh vẽ người uống rượu Áp-xanh

- Sống cùng thời đại: Monet vẽ xe lửa

- Vì sao Claude Monet không thích vẽ trong xưởng?

- “Cầu Pont Marie, Quai Sully”: Guillaumin vẽ cái thô tháp của cuộc sống

- Lý giải chuyện tình dục qua “Cơn ác mộng” của Henry Fuseli

- “No Woman, No Cry” của Chris Ofili

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả