Gẫm & Bình

Muốn biết bản sắc của một dân tộc… (bài 2): từ gà Mã Lai, đến gà Ả Rập, tới gà Việt Nam 07. 11. 15 - 7:03 am

Phó Đức Tùng

(Tiếp theo bài trước)

Malaysia

Thực ra, Indonesia và Malaysia từ trước vẫn được coi như một khối văn hóa. Bản thân Malaysia thì cũng là một dạng quốc gia đa văn hóa, đa dân tộc, trong đó chính người Malay không có thực lực nhiều. Malaysia cũng là một quốc gia không lớn, không có tài nguyên lớn, trừ thiên nhiên, cũng như không có tiến bộ công nghệ, văn hóa gì đặc biệt. Nhưng rõ ràng đất nước này trong vài chục năm qua đã tạo được chỗ đứng nhất định nhờ triệt để thực hiện phương châm đoàn kết. Khẩu hiệu của nước này là số 1, có nghĩa là tiến lên hàng đầu, cũng là chỉ có 1 Malaysia mà tất cả các sắc tộc, các thế lực phải đồng tâm hiệp lực mà xây dựng. Malaysia đã kết hợp được những luồng tư tưởng khác nhau, văn hóa khác nhau, thế lực khác nhau để cùng tạo nên những kỳ tích. Từ công trình tháp đôi, đến sân bay, đến khu trung tâm hành chính, trung tâm công nghệ cao v.v. họ đều đặt tiêu chí đứng đầu thế giới, và nhiều phần thực sự họ đã đạt được. Mặc dù đất nước này do 13 vị vua cùng trị vì, nhưng họ đã có thể thống nhất với nhau mỗi người lên nắm quyền chung một nhiệm kỳ, và chiến lược phát triển phải đồng bộ cả nước. Vì thế dù có dải bờ biển dài không kém gì nước ta, nhưng họ cùng nhau chỉ tập trung phát triển vài điểm cho ra trò, như Penang, Langkawuy, trong khi đó chúng ta tỉnh nào mạnh tỉnh đó, nát hết dải bờ biển mà không tạo được một trung tâm du lịch xứng tầm.

Hình từ trang này

Ứng với lịch sử đó, Malaysia cũng không có một giống gà truyền thống lâu đời như 3 nước trên, nhưng có một thành công trong mấy chục năm nay rất đáng quan tâm, đó là giống Malaysian Serama. Họ đã lai tạo giữa 3 dòng gà nổi tiếng là gà chọi Anh để lấy dáng đứng thẳng kiêu hãnh, gà Cochin lông tơ, biến thể mềm mại nhất trong các loại cochin, để lấy cá tính dịu dành, thuần thục, và gà Chabo của nhật để lấy bộ mào, bộ đuôi sắc sảo, ấn tượng. Cuối cùng họ đã đạt được một giống gà hợp nhất 3 tính cách của 3 đại cường quốc trong một con gà nhỏ nhất thế giới, cân nặng có thể chưa đầy 200gr. nhưng mang đủ 3 tính cách kia hợp lại: oai vệ tự tin, có cá tính như Nhật, kiêu hãnh, thẳng thớm, nhanh nhẹn như Anh, nhưng lại hòa nhã, thân thiện, gần gũi như Tầu. Hiện nay, gà Serama phát triển rất mạnh trên cả nước Malaysia và đã lan ra khắp thế giới. Phải nói, đây là một bài học đáng để kính phục.

Gà chọi Anh – Gà cochin lông tơ – Gà Chabo

Dòng Serama của malaysia- dòng gà nhỏ nhất thế giới. Hình từ trang này

 
Thế giới Ả Rập

Ở trên tôi đã giới thiệu một trong hai loại gà chọi ở châu Á là dòng gà cựa xuất phát từ Indo. Còn loại thứ hai là gà đòn, gọi là gà Asil, xuất phát từ các quốc gia Ả Rập, cũng từ rất nhiều ngàn năm nay. Ở đó, con gà chọi và việc chọi gà cũng là lễ vật tế thần. Nhưng để biểu dương tính thượng võ và sức mạnh chân chính, gà đá nhau chỉ dùng sức, không dùng vũ khí, tức là không dùng cựa nhọn. Cựa của gà thì có thể thoái hoá đi hoặc nếu có thì bị gọt bớt, hoặc buộc vải khi đá. Bản thân con gà như một bức tượng về cơ bắp rắn chắc, rất ít lông, dáng đứng thẳng, hiên ngang như những võ sỹ quyền anh hạng nặng.

Gà chọi Asil. Hình từ trang này

Như đã phân tích ở trên, những tộc người có tôn thờ gà chọi đều có những bản tính hiếu chiến tiềm ẩn. (La Mã cũng thờ gà chọi) Việc thờ gà chọi này còn có trước Hồi giáo nhiều, vì vậy tôi không nghĩ Hồi giáo hay bất kỳ tôn giáo nào có thể là nguyên nhân gây bạo động. Tính dụng võ phải nằm trong bản sắc, sau đó một tôn giáo thích hợp mới được lựa chọn hoặc biến cải cho hợp ý. Việc tôn thờ vẻ đẹp cơ bắp, hình khối điêu khắc của con gà rất phù hợp với bản sắc của văn minh A Rập, vốn cũng rất gần với văn minh châu Âu. Ngược lại, đối với chủng người thấp bé nhẹ cân như Indo thì rõ ràng sẽ không thiên về hướng body building mà thiên về hướng bay bướm tinh nhuệ, từ đó ra hai dòng gà rất khác nhau. 

Cũng như gà Sumatra, Gà Asil chinh phục châu Á mà không bị gặp phải cản trở nào. Gần như tất cả các quốc gia như Ấn độ, Trung Quốc, Việt Nam v.v. đều dùng gà này từ hàng ngàn năm này hầu như không thay đổi. Ở Việt Nam, dòng gà đòn phổ biến ở miền Bắc. Về cơ bản, con gà vẫn là con gà Asil ban đầu, chỉ có các chủ gà khác nhau có thể trang trí đôi chút bằng cách vặt lông đùi, lông cổ trông cho máu hơn thôi.

Gà đòn ở Việt Nam. Hình từ Internet

Thế nhưng, cũng như gà Sumatra, con Asil sang nước Nhật bị chỉnh đốn lại hoàn toàn để tạo thành hai dòng Ko GunKei và Ko Shamo. Vấn đề đặt ra ở đây không còn là năng lực chiến đấu cơ bắp hay là biểu dương cơ bắp nữa, mà là thuần tuý tư cách. Người Nhật không quan tâm thực sự đến vũ lực cơ bắp. Nếu có chuyện tỷ đấu cơ bắp thì chỉ là vấn đề nghi lễ. Vì vậy độ thiện chiến không quan trọng bằng tư thế và phong độ trước đối thủ và trong trận chiến. Bằng mọi giá phải đứng thẳng và ngửng cao đầu.

Gà Ko Gunkei. Hình từ trang này

Ko Shamo. Hình từ trang này

Thái Lan

Nếu so với các cường quốc nói trên, có lẽ Thái Lan vẫn còn là nhợt nhạt. Thái Lan cũng không có dòng gà riêng. Có điều gần đây Thái Lan đã tạo ra một dòng gà chọi tương đối nhẹ cân, kết hợp cả cựa lẫn đòn.

Gà này dáng gần giống gà Asil, nhưng tỷ lệ bộ khung lại mảnh dẻ, nhỏ nhẹ như gà Sumatra, lông nhiều hơn gà Asil mà ít hơn gà Sumatra, cựa phát triển tốt, vì thế gọi là đánh võ tổng hợp. Gà này đá rất đa dạng, vừa luồn vừa bay, nhanh nhẹn hoạt bát y như những võ sĩ Thái Lan vậy. Tất nhiên, đây chưa thể coi là một sáng tạo ngang tầm với những thứ chúng ta đã xem ở trên. Vì vậy gần như giống gà này cũng chưa được công nhận là một dòng thuần chủng. Tuy nhiên, vì độ tiện dụng của nó nên giống gà này trên thực tế đã được sử dụng rất nhiều ở châu Á, thậm chí có lẽ nhiều nhất.

Gà đá Thái Lan. Hình từ Internet

Qua đó cũng thấy được phần nào tính cách Thái Lan. Không cần cao siêu lắm, không cần dã tâm nhất thế giới hay hội tụ tinh hoa của những bậc hàng đầu. Chỉ cần sử dụng đa hệ nhiều loại võ, nhiều loại vũ khí, ít niêm luật, và thế là có đủ sức sống. Cũng chẳng cần rốt ráo thành dòng thành gíông gì ghê gớm, miễn là nhiều người dùng, mà vẫn biết là Thái Lan, thế là được. Đừng tưởng người Thái sống được nhờ hiền lành. Trong thế giới ngày nay, ít tộc người nào chỉ lành mà sống được. Người Thái có sức thực dụng và linh hoạt rất cao đấy, cứ nhìn vào con gà Thái mà xem, khó định nghĩa, nhưng mà rõ ràng.

Ấn Độ

Sau cùng, chúng ta đi du lịch sang nền văn minh Ấn Độ. Một nền văn minh lớn, nhưng chẳng thấy tên tuổi một loài gà bản địa nào. Tìm mãi thấy một loài gọi là gà chọi Ấn Độ. Thoạt nhìn là nhận thấy đúng là Ấn Độ, từ dáng dấp, màu sắc, thần thái. Những con gà thấp lùn, bè ngang tới dị dạng, có khả năng chịu đòn gần như vô tận và không có vẻ gì là có sự nhanh nhẹn của kẻ tấn công. Vui nhất là sau khi tìm hiểu thì dòng gà này là do người Anh tạo ra chứ không phải người Ấn Độ, cũng chẳng được nuôi ở Ấn Độ. Nhưng người Anh rõ ràng thuần dưỡng dòng gà này trong sự quan sát và kinh ngạc đối với văn minh Ấn Độ, và sản phẩm ra đúng bản chất Ấn Độ, vì thế không ai gọi là gà Anh mà ai cũng gọi là gà chọi Ấn Độ.

Gà chọi được cắt tỉa. Tranh khắc của J. Scott. Hình từ trang này

Thế mới biết vì sao Gandhi thành công với bất bạo động ở Ấn Độ, gần như không phải chiến tranh mà lấy lại được đất nước. Người Ấn Độ không cần tự định nghĩa bản sắc. Nếu người khác bỏ công tìm hiểu và định nghĩa nó thì sẽ tự phải coi đó là bản sắc Ấn Độ, vì cũng không thể tự nhận là của mình. Người Ấn Độ chẳng cần phát minh công nghệ, chẳng cần đi tắt đón đầu. Người khác mang công nghệ vào Ấn Độ, rồi cuối cùng đó là sản phẩm Ấn Độ. Nếu có thể nói cá tính người Nhật sáng chói như Mặt trời thì người Ấn Độ thâm dày như đất, bao nhiêu cũng chứa hết, bao nhiêu cũng tiếp hết, giản dị, bị động mà ghê gớm.

Tranh đá gà ở Ấn Độ, thế kỷ 17. Hinh từ trang này


Việt Nam

Ở Việt Nam, chúng ta chưa có những dòng gà tên tuổi toàn quốc. Chưa có những mẫu hình mà ai cũng thích nuôi. Về gà chọi, chúng ta sử dụng dòng Asil ở miền Bắc, Sumatra ở miền Nam, gần đây nhập khẩu gà Thái. Chúng ta chưa bao giờ đặt những câu hỏi lớn hơn cho con gà chọi giống như người Nhật đã làm. Về gà cảnh, chúng ta chưa hề có loại nào thuần túy làm cảnh.

Các dòng gà thịt của ta thì đa số chỉ dừng lại ở mức đa dạng sinh học địa phương, gần như không có chủ ý. Có lẽ chỉ có dòng gà Hồ, gà Đông Tảo là đã có những lịch sử thi gà, hiến tế gà đẹp, do đó có được sự chọn lọc tốt nhất. Hai dòng này nghe nói vốn cùng một gốc, chỉ có điều gà Đông Tảo thì đặc biệt hơn, cá tính rõ nét hơn. Nhưng mà ngoài việc kỳ kỳ là chân rất to, gọi là gà chân voi, thì giống gà này chưa có được cá tính thực sự xuất chúng nào để có thể được coi là danh kê đất Việt, đại diện cho tinh thần Việt Nam.

Gà Hồ (Bắc Ninh) có thể nặng tới 10kg/con khi trưởng thành. Hình từ trang này

 

Gà Đông Tảo có cặp chân to. Hình từ trang này

 

Gà Đông Tảo con mới bé tí chân đã to. Hình từ trang này

Tuy nhiên, càng nhìn kỹ, với lại thấy được trào lưu phát triển gà Hồ, gà Đông Tảo mạnh mẽ khắp nơi, đến nỗi bản thân tôi cũng mua nuôi thử vài chục gà con, mỗi cặp gà Đông Tảo trưởng thành bán tới 4-5 triệu, mình lại thấy có khi phải nghĩ lại, biết đâu ta tìm được ở đây bản sắc Việt Nam?

 

Ý kiến - Thảo luận

9:44 Sunday,8.11.2015 Đăng bởi:  mai mai
Ôi con gà con có gặp chân to trông yêu quá đi mất. Chắc chả đâu có giống gà chân ác chiến như vậy
...xem tiếp
9:44 Sunday,8.11.2015 Đăng bởi:  mai mai
Ôi con gà con có gặp chân to trông yêu quá đi mất. Chắc chả đâu có giống gà chân ác chiến như vậy 
15:46 Saturday,7.11.2015 Đăng bởi:  Candid
Bản sắc Việt Nam là con nào nuôi chả để thịt. Giống quý ở Việt Nam chắc chắn có mà không giữ gìn thì cũng thoái hoá đi. Như giống chó của người Mông ngày xưa, nhà em từng có một con khôn như quỷ, dữ như cọp mà chả phải dạy dỗ gì. Lúc có thì cũng chả để ý nó chết đi mới thấy tiếc.
...xem tiếp
15:46 Saturday,7.11.2015 Đăng bởi:  Candid
Bản sắc Việt Nam là con nào nuôi chả để thịt. Giống quý ở Việt Nam chắc chắn có mà không giữ gìn thì cũng thoái hoá đi. Như giống chó của người Mông ngày xưa, nhà em từng có một con khôn như quỷ, dữ như cọp mà chả phải dạy dỗ gì. Lúc có thì cũng chả để ý nó chết đi mới thấy tiếc. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả