Gẫm & Bình

Nefertiti: một cái đầu xinh khiến ngàn anh tranh cãi 08. 01. 16 - 7:18 am

Anh Nguyễn biên soạn

Ngày xửa ngày xưa Helen – nổi tiếng là “nhan sắc huy động thiên binh vạn mã” (the face that launched a thousand ships) – đã gây ra cuộc chiến thành Troy khiến bao anh hùng máu chảy đầu rơi. Những tưởng hồng nhan họa thủy như thế chỉ là truyện thần thoại, ai ngờ thời nay cũng có một người đẹp như vậy. Chỉ khác ở chỗ, ai cũng có thể chiêm ngưỡng nàng nếu may mắn đặt chân đến Berlin và có 14 Euros trong tay (giá vé của Neues Museum). Còn cuộc chiến nàng gây ra, tuy cũng khốc liệt nhưng chỉ diễn ra trên mặt trận văn hóa – làm người ta tốn giấy mực chứ chưa tới mức tổn hại nhân mạng.

Nơi Nefertiti đang ngự trị, thu hút chừng nửa triệu du khách mỗi năm tới đây chỉ để chiêm ngưỡng hoàng hậu. Nefertiti trong tiếng Ai Cập có nghĩa là: mỹ nhân đã tới (the beautiful one has come).

Lần đầu tiên tượng Nefertiti được hé lộ đã gây một cơn bão. Ai nấy đều bị hớp hồn bởi vẻ đẹp phi thời gian của bà: đôi mắt hình hạnh nhân, cái cổ dài duyên dáng, nụ cười bí hiểm cao sang. Các sao Hollywood thời đó thì đua nhau copy kiểu trang điểm viền mắt thật đậm bằng phấn kohl của hoàng hậu. Hình ảnh Nefertiti mau chóng trở thành đại biểu rực rỡ của cổ vật Ai Cập, nổi tiếng ngang với mặt nạ vàng của đức vua Tutankhamun (con rể bà). Và kể từ ấy, Ai Cập-Đức bắt đầu một cuộc tranh giành đến giờ vẫn chưa thấy hồi kết.

Tượng Nefertiti. Tác giả: Thutmose thành Amarna. Niên đại: 1345 trước Công nguyên. Chất liệu: đá vôi và vữa stucco, mắt bằng thạch anh sơn đen. Chiều cao: 48 cm.

Câu chuyện về việc khai quật và tranh giành Nefertiti đến nay đã kéo dài được… hơn một thế kỷ rồi, từ năm 1912 lận. Để gỡ rối mớ bòng bong này, thử cùng nhau lần lại các sự kiện theo trình tự thời gian:

-1912: Ai Cập khi đó đang nằm dưới quyền cai quản của Anh. Một ngày tháng Mười hai đẹp trời, giáo sư Ludwig Borchardt tìm thấy bức tượng tuyệt mỹ cùng một số hiện vật khác tại xưởng điêu khắc của Thutmose tại Amarna. Lúc đấy ông Borchardt chưa biết mình đang đứng trước khám phá quan trọng nhất đời mình, nhưng đã bị choáng ngợp vì vẻ đẹp của bức tượng. Trong cuốn nhật ký (sau trở thành bằng chứng quan trọng trong việc phân xử) ông đã viết: “Bất chợt chúng tôi được có trong tay một tác phẩm Ai Cập sống động chưa từng thấy. Không bút nào tả xiết được, bắt buộc phải nhìn tận mắt mới cảm được.”

Chân dung nhà khảo cổ Borchardt – tội đồ của Ai Cập và anh hùng dân tộc của người Đức

– 1913: Chỉ vài ngày sau khi tìm ra bức tượng vô danh, Borchardt tìm thấy một bức vẽ bằng phấn vẽ vua Akhenaten và vợ là hoàng hậu Nefertiti, mà gương mặt của bà hoàng trong bức vẽ rất giống với bức tượng! Lúc đấy Borchardt đã nhận ra mình đang nắm một tác phẩm có giá trị lịch sử và nghệ thuật vô giá.

Một bức phù điêu gia đình hoàng gia Akhenaten, Nefertiti và các con

Thời đó tất cả các cổ vật muốn rời khỏi Ai Cập phải qua sự xét duyệt của một hội đồng thẩm định. Hội đồng có quyền giữ một nửa số hiện vật, và được chọn những tác phẩm “xịn” nhất. Để che giấu lai lịch bức tượng, giáo sư Borchardt khai rằng đây là một bức tượng thạch cao của một công chúa Ai Cập nào đó. Kế hoạch thành công trót lọt, Nefertiti lên đường trở về Berlin. Ông Simon – người tài trợ cho chuyến khảo cổ đem bức tượng cho bảo tàng Berlin mượn vô thời hạn.

– 1914 – 1918: Tất cả các cổ vật Borchardt khai quật đều được mang ra triển lãm, ngoại trừ Nefertiti. Tới thời điểm này, ông vẫn giấu nhẹm bức việc tìm ra tác phẩm quan trọng này vì sợ phản ứng của phía Ai Cập. Đây được coi là một trong những phi vụ tuồn cổ vật ra nước ngoài táo bạo nhất lịch sử. Ông Borchardt vẫn một mực chối rằng mình đã cố tình lừa chính quyền Ai Cập, nhưng người Đức thì hỉ hả:”Borchardt muốn giữ tượng quý cho Tổ quốc.” So với các chiến công lẫy lừng của Indiana Jones thì việc Borchardt đem Nefertiti về Đức còn danh giá hơn nhiều.

– 1920: Nefertiti được tặng hẳn cho bảo tàng Berlin.

Jeanne Crain đóng vai Nefertiti trong film Nữ hoàng sông Nile (1961)

– 1924: Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra. Sợ bị phía Ai Cập bắt quả tang thì thật xấu mặt, Borchardt tự động giới thiệu tỉ mỉ về Nefertiti trong tác phẩm “Portrats der Konigin Nofret-ete.” Ai Cập sốc và tức điên khi biết cả hội đồng đã bị một tay người Đức qua mặt hơn chục năm trước. Đương nhiên, Ai Cập đòi Đức trao trả Nefertiti ngay lập tức. Sau khi làm việc với Borchardt, phía Ai Cập dứt khoát cho rằng Borchardt đã phạm luật. Borchardt cãi rằng việc các chuyên gia Ai Cập… trình còi không nhận ra giá trị Nefertiti không phải lỗi của ông.

– 1925: Ai Cập đòi nhờ một bên trung gian xét xử, Đức từ chối. Từ đó Borchardt và các nhà khảo cổ Đức khác bị cấm đào bới ở Ai Cập trong nhiều năm trời.

– 1926: Ai Cập đổi chiến thuật khác, không cao giọng mắng nhiếc nữa mà hạ giọng năn nỉ Đức hãy nghĩ lại. Không ăn thua.

– 1929: Nói ngọt không xi nhê gì, Ai Cập đề nghị đem nhiều tác phẩm khác đánh đổi lấy Nefertiti, Đức vẫn dứt khoát lắc đầu. Thực ra trong nội bộ nước Đức cũng có nhiều người muốn đổi, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là không.

– 1933: Hermann Goring, tay chân thân tín của Hitler định đem tượng Nefertiti trao trả lại cho Ai Cập để thiết lập mối quan hệ ngoại giao hữu nghị. Nếu không nhờ… độc tài Hitler can thiệp thì kế hoạch đó ắt đã thành công trót lọt và Nefertiti đã một đi không trở lại. Hitler thẳng thừng tuyên bố sẽ xây dựng nguyên một bảo tàng mới thật lộng lẫy làm nơi ở cho Nefertiti, và rằng thì là mà “đừng hòng ta trao trả cái đầu của nữ hoàng.”

Hitler và Goring. Cùng với Himmler và Goebbel, Goring là một trong những người thân cận nhất với Quốc trưởng.

– 1945: Ngay trước khi Berlin bị quân Soviet chiếm đóng, Hitler ra lệnh chuyển Nefertiti và hàng ngàn cổ vật khác về Thurigia. Sau đó quân đội Mỹ lại rước “nàng” về Frankfurt.

– 1946: Ai Cập đòi Mỹ can thiệp để trao trả những di sản văn hoá của Ai Cập về lại quê hương, trong đó có Nefertiti. Mỹ khoát tay lắc đầu, bảo Ai Cập đi mà làm việc với chính quyền mới của Đức nhé.

– 1952 – 1955: Ai Cập liên tiếp yêu cầu phía Đức cân nhắc yêu cầu hoàn trả Nefertiti. Đức giả câm giả điếc.

– 1955: Ai Cập chính thức trở thành nhà nước độc lập. Cùng năm đó, Nefertiti được mang về Berlin.

– 1959: Ai Cập lại đòi mang cây gậy của thống chế Erwin Rommel để đổi lấy Nefertiti. Kết quả thì … không nói cũng biết.

Thống chế Erwin Rommel với biệt danh Cáo Sa Mạc – một trong những nhà tư lệnh xuất chúng nhất lịch sử. Tuy phục vụ quân đội Đức, ông được cả kẻ thù là quân đội Mỹ khâm phục vì ý chí, lòng quả cảm, và tinh thần nhân đạo. Ông không dính dáng tới Đức Quốc xã và bí mật chống đối Hitler. Khi bị Hitler phát hiện, hắn bắt ông tự sát.

 

Bản sao cây ba-toong nổi tiếng của Cáo Sa Mạc.

– 1965 – 1975: Nefertiti trở thành biểu tượng và niềm tự hào của cả Đông Đức và Tây Đức. Hai bên tranh nhau kịch liệt. Ai Cập bực bội nhảy vào phán đừng có lằng nhằng lôi thôi, Nefertiti là của tớ, không phải của các cậu mà tranh nhau.

– 1984: Cuốn sách “Nefetiti wants to go home” (Nefertiti muốn về quê) được xuất bản, trong đó hai tác giả, một giám đốc bảo tàng và một nhà báo, thảo luận về việc châu Âu lưu giữ quá nhiều kho báu của các nước thứ ba.

– 1989: tổng thống Mubarak tận mắt thăm Nefertiti ở Berlin và gọi đây là “đại sứ tuyệt vời nhất của Ai Cập” tại Đức. Cùng năm đó, Nefertiti xuất hiện trên con tem 70 pfennig của Đức.

.

– 2003: tượng Nefertiti bị hai nghệ sĩ Đức dùng trong một triển lãm sắp đặt hơi… điên điên tí thôi (đặt đầu tượng lên một thân thể trần trụi rồi chụp ảnh), nhưng phía Ai Cập thì lồng lộn mắng người Đức dám bôi bác hoàng hậu. Wildung (giám đốc bảo tàng Berlin) và vợ (giám đốc bảo tàng Munich) bị cấm khai quật ở Ai Cập kể từ đó. Phía Ai Cập gửi một bức thư cấp thiết đòi Unesco vào cuộc để giải cứu Nefertiti vì “nàng không được an toàn ở Berlin”.

Đến đây thì phải giới thiệu một nhân vật quan trọng, ngài Zahi Hawass, tiến sĩ Ai Cập học, cưu tổng thư kí Hội đồng cổ vật tối cao của Ai Cập và nguyên bộ trưởng Bộ Cổ Vật (do Mubarak chỉ định. Bộ này cũng do ông Mubarak mới lập ra từ 2011.) Ông này rất giỏi, quan hệ rất rộng, và rất… đầu gấu. Từ khi làm tổng thư kí, ông đã liên tục kêu ca đòi trả lại các tác phẩm của Ai Cập bị thất lạc ở nước ngoài. Điển hình là mấy tác phẩm sau:
– Rosetta Stone, nằm ở British Museum tại London.
– Dendera Zodiac, nằm ở Louvre, Paris
– Tượng hoàng tử Ankhhaf (người coi việc xây dựng Kim Tự Tháp và Nhân Sư), nằm ở Boston.
– Nefertiti tại Berlin, đương nhiên rồi.

Zahi Hawass dẫn Obama đi thăm quan Kim Tự Tháp, năm 2009

– 2003: Ông Zahi Hawass đặc biệt tập trung vào việc bắt Đức trả lại Nefertiti, thậm chí còn lật lại hồ sơ từ năm 1913 để chứng minh tính phi pháp trong việc làm của Borchardt. Wildung phớt tỉnh bảo đừng bàn chuyện này nữa.

– 2004: Giám đốc bảo tàng Ai Cập tại Cairo, Wafaa El-Saddik xin phía Đức cho mượn Nefertiti hai tháng để triển lãm, nhưng trước đấy bà này đã lên tiếng đòi trả lại Nefertiti, thế nên Đức… lắc đầu, sợ nàng một đi không trở lại.

– 2005: Zahi Hawass chính thức đệ đơn lên Unesco, nhưng phía Đức từ chối tham gia đàm phán.

– 2006: Bà Wafaa El-Saddik đề nghị tổ chức một buổi triển lãm chung giữa hai bên Cairo-Berlin, hứa hẹn là sẽ trả lại Nefertiti khi hết hạn. Hawass cũng gợi ý trao đổi một cổ vật bên Ai Cập để mượn Nefertiti một thời gian. Phía Đức bảo là tượng đã 3000 năm tuổi rồi, mong manh dễ vỡ lắm, nên không đi xa được. Báo chí khảo cổ khi đó nháo nhào lên về vụ này. Ông Hawass bèn tổ chức một buổi gặp gỡ với các nhà khảo cổ từ Trung Quốc, Lebanon, Mexico, Hy Lạp, Ý, Syria, nhằm mục đích hợp tác “đánh hội đồng” những nước cứ khư khư giữ cổ vật không chịu trả.

Khách tham quan tới chiêm ngưỡng Nefertiti, hay phải dùng từ “bái kiến” mới đúng?

 – 2007 là một năm bận rộn của Zahi Hawass. Mới đầu, ông dọa cấm không cho phía Đức tổ chức triển lãm các cổ vật Ai Cập, nhưng chẳng khác nào con kiến… doạ củ khoai. Sau đó ông tẩy chay Đức, xúi giục các nước khác đừng chơi với Đức (cho Đức mượn cổ vật) nữa. Rồi ông lại mềm nắn rắn buông, xin Đức cho mượn Nefertiti cho lễ khánh thành bảo tàng Ai Cập cạnh Kim Tự Tháp ở Giza. Ngay ở Đức, cũng có một chiến dịch mang tên “Nefertiti Travels” đòi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đức Neumann cho phép Nefertiti về thăm quê, để người dân Ai Cập thoả lòng mong nhớ. Neumann từ chối, viện lý do cũ rích: đi xa thế nguy hiểm, không tốt cho ngọc thể của hoàng hậu.

.

Liệu có nên trách phía Đức quá đa nghi không? Nhưng quả thật Zahi Hawass rất đáng gờm. Ông đã từng doạ cấm bảo tàng Louvre thực hiện khai quật ở Saqqara, và ngừng cộng tác với Louvre nếu Louvre không trả cho Ai Cập mấy bức bích hoạ lấy từ một ngôi mộ 3200 năm tuổi gần Luxor. Nếu Nefertiti rời Đức, khả năng Zahi Hawass nhất định không trả Nefertiti là dễ lắm. Mà hoàng hậu Ai Cập giờ đã thành biểu tượng của Berlin rồi, mất thì… có mà chết. Đến đây tự dưng nhớ đến Tiếu Ngạo Giang Hồ, trong truyện có Nhật Nguyệt Thần Giáo ăn trộm Chân Võ Kiếm, bảo vật trấn sơn của núi Võ Đương. Tám chục năm trời mỗi đợt chưởng môn lúc lâm chung đều dặn dò phải cố mà đoạt về. Berlin giữ chặt Nefertiti thế này, họa chăng có siêu trộm trong phim Hollywood mới ăn trộm về được cho Ai Cập. Với tình hình này, liệu có ngày nào Nefertifi “châu về hợp phố” hay không? 

Ý kiến - Thảo luận

9:27 Monday,20.6.2016 Đăng bởi:  www
Chị Anh Nguyễn ơi, theo như em đọc thì Nefertiti không những là mẹ vợ mà còn là mẹ kế của Tutankhamun nữa, vì Tutankhamen là con trai của Akhenaten.
Cảm ơn chị về bài viết rất chi tiết với nhiều nhân vật liên quan nữa
...xem tiếp
9:27 Monday,20.6.2016 Đăng bởi:  www
Chị Anh Nguyễn ơi, theo như em đọc thì Nefertiti không những là mẹ vợ mà còn là mẹ kế của Tutankhamun nữa, vì Tutankhamen là con trai của Akhenaten.
Cảm ơn chị về bài viết rất chi tiết với nhiều nhân vật liên quan nữa 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả