Đi & Ở

NGV (bài 2):
Bên ngoài tường đá thô sơ
Bên trong cảnh vật nên thơ trữ tình 22. 01. 16 - 7:00 am

Đặng Thái

(Tiếp theo bài trước)

Bảo tàng mở cửa miễn phí cho công chúng, chỉ trừ triển lãm không thường xuyên là phải mua vé. Sảnh chính được dùng để trưng bày những tác phẩm điêu khắc, sắp đặt có kích thước lớn, chiêu đãi khách xem miễn phí và gây ấn tượng mạnh khi bước vào. Tầng 1 của hai “tòa nhà” mini xây từ hai cái sân cũ cũng dùng để trưng bày chuyên đề và triển lãm không thường xuyên. Khách tham quan từ từ theo hành lang đáy kính thoai thoải, đi dần lên cao.

Đu quay vàng lắp gương (Golden mirror carousel) đặt giữa Sảnh chính của nghệ sĩ Carsten Höller người Bỉ, quay được và ngồi lên được. (Ảnh từ trang này)

 

Những hành lang này chạy vòng quanh tòa nhà mới xây bên phải. Bên trái là vách bê tông cũ. Từng tấm bê tông được dàn phẳng bằng loại búa có gai nhọn ở đầu như búa dần thịt nên tạo ra bề mặt lấm chấm lỗ li ti (phải nhìn gần mới thấy) rồi ốp lên tường để giả đá.

Bắt đầu từ tầng hai là triển lãm thường xuyên của bảo tàng. Các phòng trưng bày được xếp theo thứ tự thời gian. Mình nhận ra là họ sắp xếp nửa phía Đông cho nghệ thuật phương Đông, có phòng Ai Cập, phòng Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đông Nam Á… Phía Tây là của phương Tây: Ý, Hà Lan, tiền Phục Hưng, Phục Hưng… Có những bức tĩnh vật khoảng thế kỉ 16, bảo tàng còn tìm những đồ cổ bát đĩa chai lọ giống hệt trong tranh để người xem dễ hình dung.

Đức Mẹ và Chúa hài đồng cùng các thánh, Agnolo Gaddi, tempera và vàng trên gỗ, 97.5 × 53.5 cm. Một bức tranh châu Âu có niên đại sớm nhất trong bảo tàng, khoảng cuối thế kỉ 14 với mô-típ Đức Mẹ ở chính giữa, vẽ to hơn các nhân vật xung quanh. (Các bạn nhấn vào hình để xem bản to)

Trong số các nhà tài trợ cho bảo tàng kể từ khi thành lập phải kể đến Alfred Felton là một triệu phú ở Melbourne. Ông chết năm 1904 mà không có người thừa kế. Theo di chúc, một nửa tài sản để làm từ thiện, nửa còn lại cho bảo tàng, trị giá khoảng 35 triệu đô Úc, chưa tính bộ sưu tập tranh cá nhân của ông. Bằng số tiền này bảo tàng đã mua thêm được 15.000 bức tranh (định giá ngày nay khoảng 2 tỉ đô) và từ chỗ vô danh đã tiến vào hàng ngũ những bảo tàng lớn nhất thế giới. Đặc biệt là phần tranh cổ điển, bảo tàng mua được rất nhiều sau khi cách mạng tháng Mười thành công ở Nga, chính quyền Xô Viết non trẻ không xu dính túi đã phải bán tranh ở Cung điện mùa Đông và bảo tàng Pushkin. Các nước châu Âu sau Thế chiến thứ nhất vừa hết tiền, vừa thù địch Liên Xô nên không mua, khiến NGV có cơ hội mua thêm những tác phẩm được cho rằng có giá trị nhất trong bộ sưu tập ngày nay. Đến nay bảo tàng vẫn mua các tác phẩm mới dựa vào nguồn tiền quyên góp của các nhà hảo tâm, quyên góp trên $2 là có thể hoàn thuế, có nhiều vị cho dăm ba triệu.

Đức Mẹ và Chúa hài đồng, chưa rõ tác giả, sơn dầu trên gỗ, 26.3 × 19.4 cm, Quỹ Felton mua năm 1922. Một bức tranh Hà Lan thời kỳ đầu, nhỏ nhưng rất đẹp, suốt mấy chục năm vẫn được cho là một tác phẩm quan trọng của Jan van Eyck, nhưng sau rất nhiều lần giám định thì kết luận tác giả là một học trò của ông, sao chép lại một bản gốc đã mất của Jan van Eyck; bởi lẽ hai nhân vật điển hình đã thoát khỏi không gian tôn giáo, ngồi trong một căn phòng bình thường và các chi tiết chưa đủ độ tỉ mỉ như van Eyck.

 

Phòng trưng bày thế kỉ 19 mô phỏng cách treo tranh dày đặc ở các Salon của Paris và London, thời đó tranh nào đẹp nhất và giá trị nhất được (bí mật) ưu tiên treo ngang tầm mắt người xem. Trên ghế ngồi cho khách ở giữa phòng, bảo tàng làm những bảng đánh số từng tranh để khách ngồi một chỗ mà vẫn biết hết tên tuổi các tác phẩm. Bức tượng màu trắng là của Rodin. Toàn bộ sàn bảo tàng lát gỗ sồi Úc.

 

Thác Schaffhausen, J.M.W Turner,1845, sơn dầu trên vải. Bức này có tên khác là Val d’Aosta do trước đây người ta vẫn cho rằng Turner vẽ hồ nước ở vùng Val d’Aosta dưới chân dãy An-pơ, giáp ranh giữa Pháp và Ý. Các chuyên gia Turner đã kết luận đây là thác trên sông Rhine ở vùng Schaffhausen, bắc Thụy Sĩ.

Phần thuyết minh của các tác phẩm luôn đi kèm lịch sử của nó và một số nhận xét, giải thích ngắn gọn (nhiều lúc không ngắn lắm) để người xem phổ thông có thể tự hiểu được cái hay, cái đẹp. Các bảo tàng của ta mới dừng lại ở việc ghi tên, thông tin chứ chưa có gì nhiều để đọc.

Bảo tàng này rất hay ở chỗ luôn quan tâm đến trẻ con. Ngoài rất nhiều sự kiện nghệ thuật hàng tháng, phòng chơi cho trẻ em thì ngay phần triển lãm cũng có nhiều bảng thuyết minh đặt dưới thấp, đề chữ For kids (dành cho trẻ em). Thông tin trên những biển này rất hay, cung cấp những kiến thức nghệ thuật cơ bản, dễ hiểu, mang tính gợi mở và nhiều khi còn thú vị hơn phần dành cho người lớn.

Ví dụ trong ảnh đang giới thiệu bức tượng “Người suy tưởng” của Rodin (phiên bản của bảo tàng là bản gốc bằng đồng sớm nhất): “Suỵt! Người suy tưởng đang tập trung. Anh ấy là người tạo ra các ý tưởng. Anh tin rằng những ý tưởng mới giúp tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Có những phiên bản lớn hơn của bức tượng này bên ngoài những tòa nhà nổi tiếng khắp nơi trên toàn cầu. Em có nghĩ ra ý tưởng nào để giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn hay không?”

 

“Người đàn bà khóc”, Pablo Picasso, sơn dầu trên vải, 55.2 × 46.2 cm. Bảo tàng mua bức này vào năm 1986 với giá cao nhất trong lịch sử Úc là 1,6 triệu đô Úc. Bức tranh sau đó bị trộm bởi một đám chuyên nghiệp vì để tháo được nó xuống khỏi tường phải cần một loại tô-vít đặc dụng. Sau đó một thời gian sở cảnh sát nhận được một cuộc gọi bí ẩn và rồi bức tranh được tìm thấy trong một tủ để đồ ở ga tàu hỏa. Vụ án bí ẩn này đến nay vẫn không có lời giải.

 

Ghế 41 của Alvar Aalto thiết kế. NGV đặc biệt trưng bày rất nhiều thiết kế ghế. Đúng như Ludwig Mies van der Rohe nói: “Thiết kế một tòa nhà chọc trời còn dễ hơn thiết kế một cái ghế”

 

Tầng trên cùng dành riêng cho nghệ thuật đương đại. Tác phẩm “Clinamen” (một khái niệm triết học cổ đại nói về sự di chuyển chệch khỏi quỹ đạo của nguyên tử tại một thời điểm và không gian bất kì) của nghệ sĩ Céleste Boursier-Mougenot. Mép hồ có một máy bơm nước nhỏ tạo ra dòng nước đẩy các bát sứ mỏng trôi tự do rồi va vào nhau, phát ra một chuỗi âm thanh leng keng giống như âm nhạc.

Vào mỗi mùa đông từ tháng 6 đến tháng 9, là những tháng mưa rét, ít khách du lịch, NGV mở một chuỗi triển lãm gọi là “Những kiệt tác của mùa đông Melbourne”, mỗi năm là một tác giả hoặc bộ sưu tập nổi tiếng, mượn tranh của các bảo tàng danh giá ở châu Âu để tạo điểm nhấn, thu hút khách tham quan. Ví dụ 2006 là Picasso, 2009 là Dalí, 2013 là Monet. Năm 2015 vừa qua là một phần bộ sưu tập của Nữ hoàng Nga Ekaterina lưu giữ tại bảo tàng Hermitage, Cung điện Mùa đông. Khi chính phủ Úc kí Hiệp định hợp tác song phương về văn hóa nghệ thuật với Nga đã thêm vào điều khoản sẽ được phía Nga cho mượn tranh để triển lãm, vậy mà vẫn phải mất đến mười năm đàm phán thì triển lãm này mới được diễn ra. Chính phủ Úc có riêng một Chương trình bảo hiểm triễn lãm quốc tế trị giá 8 triệu đô nhằm đứng ra mua bảo hiểm để các bảo tàng trong nước có thể mượn được tranh tượng và cổ vật của nước ngoài (bảo hiểm đầy đủ thế mà có cái triển lãm đồ ngự dụng và bộ sưu tập tranh tượng của vua Càn Long mấy anh Tàu vẫn cẩn thận không cho chụp ảnh nên lần ấy bực mình chẳng thèm đi xem).

Các bảo tàng mỹ thuật ở Úc đều liên kết với nhau. Chỉ cần đóng tiền làm thẻ hội viên của một bảo tàng lớn là sẽ được vào Phòng hội viên của tất cả các bảo tàng khác trên cả nước, được giảm giá xem triển lãm rẻ hơn cả giá sinh viên (rẻ hơn sinh viên $1!) và rất nhiều thứ giảm giá khác. Có điều phải công nhận chất tư bản của họ, lệ phí có mấy chục đồng nhưng họ hướng dẫn tận tình, có hẳn một buổi phổ biến kiến thức về quyền lợi của hội viên từ giảm giá đỗ xe trở đi. Mình còn nhớ bà già tình nguyện viên hào hứng nói: “Chúng tôi rất cảm ơn sự đóng góp của các anh chị, không chỉ là vật chất mà còn là tinh thần. Hàng chục nghìn người đăng ký hội viên đã chứng tỏ cho chính quyền thấy sự quan tâm của công chúng dành cho mỹ thuật, để họ không dám cắt giảm chi tiêu cho nghệ thuật, và nếu có cắt thì chúng tôi vẫn có thể sống khỏe!”

Đây là một góc phòng dành riêng cho hội viên của NGV, có trà, cà phê, bánh quy miễn phí. Các loại tạp chí và sách nghệ thuật chất đầy giá để đọc. Trong phòng có hàng chục kiểu bàn ghế thiết kế lạ mắt. Mấy kiểu ghế này thì hàng thanh lý cũng phải hai trăm đô một cái. Phòng hội viên của Bảo tàng trên Sydney thì to hơn hẳn, có cả quầy bar còn Bảo tàng mỹ thuật quốc gia Canberra thì không được thế này, nước chè cũng phải mua.

Bảo tàng còn rất rộng, đi cả ngày chưa chắc đã hết (chưa kể mỏi chân), không những thế thông tin lại nhiều nên muốn xem kĩ phải mất vài ngày. Các địa điểm văn hóa ở Úc luôn có tour miễn phí vào một số giờ cố định trong ngày, dù chỉ có một khách vẫn tiến hành, theo những tour này đi sẽ biết được thêm rất nhiều kiến thức và các bạn Tây sẽ nhìn mình với một ánh mắt hoàn toàn khác, biệt lập với các liền anh liền chị người Tàu đang chụp ảnh xoành xoạch. Đáng tiếc là các tour du lịch cho khách Việt Nam sang Úc không bao giờ có bảo tàng và ngay cả người Việt ở Úc cũng không bao giờ đi bảo tàng mặc dù hệ thống bảo tàng ở đây cực kì hiện đại, ưu ái trẻ em, nhân viên nhiệt tình, thông tin thú vị và hoàn toàn miễn phí. 

(còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

12:25 Saturday,23.1.2016 Đăng bởi:  Ếch ộp
Bên trong dĩ nhiên chẳng đơn sơ tí nào. Và còn chờ bọn nào đó phá sản bán tranh để nay giầu có hơn (dù bị gấu sùi bọt ghét). Muốn giữ gìn và bồi bổ đạo đức chắc vẫn phải có tiền "nuôi" văn hóa, nghệ thuật và ngâm cứu (phê biềng, rùi phát minh khoa học)... Kẻo có ngày phá sản cả về xìn lẫn đạo đức, phải bản thóc giống và tài sản quý hơn vàng (tranh quý
...xem tiếp
12:25 Saturday,23.1.2016 Đăng bởi:  Ếch ộp
Bên trong dĩ nhiên chẳng đơn sơ tí nào. Và còn chờ bọn nào đó phá sản bán tranh để nay giầu có hơn (dù bị gấu sùi bọt ghét). Muốn giữ gìn và bồi bổ đạo đức chắc vẫn phải có tiền "nuôi" văn hóa, nghệ thuật và ngâm cứu (phê biềng, rùi phát minh khoa học)... Kẻo có ngày phá sản cả về xìn lẫn đạo đức, phải bản thóc giống và tài sản quý hơn vàng (tranh quý, đồ kổ). Túm lại không kiếm ra xèng thì bị cách mịa nó mạng cả về thể chất lẫn tinh thần? cái vòng ối a đèn cù ớ ơ, 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả