Tuần lộc xanh đỏ, 2010, làm bằng những bóng đèn đỏ và xanh lá cây, một thiết bị kiểm soát kỹ thuật số, những trụ đèn bằng plastic, dây kẽm, thép xây dựng, là tác phẩm mới của Carsten Holler đang triển lãm tại Ernst Schering Foundation. Tác phẩm nằm trong chuỗi dự án của Carsten khảo sát khái niệm phi-phenomenon (phi-effect) – một dự án mà ông đã bắt đầu từ rất lâu. Ảnh: DANIEL FLASCHAR.
Khái niệm phi-phenomenon được nhà tâm lý học Max Wertheimer mô tả lần đầu vào năm 1912, liên quan ảo giác, hay nói một cách cầu kỳ là “nhận thức về chuyển động không tồn tại”. Ảo giác này sinh ra do mắt đảo nhanh từ vùng giữa hai nguồn sáng đặt cạnh nhau. Người xem sẽ thấy một điểm thứ ba giữa hai điểm sáng cố định trên. Carsten Höller đã khảo sát hiện tượng này trong vô số tác phẩm, đầu tiên là trong Phi Phenomenon vào năm 1994, và gần đây nhất là Phi TV, 2007 (hình trên).
Carsten Höller theo đuổi khái niệm đánh lừa thị giác, làm cho ta thấy cái mà ta nhìn nhiều khi không đáng tin, không nên tin. Ông dùng nhiều vật liệu khác nhau, nhiều hình thức khác nhau để theo đuổi đề tài này. Vốn là một nhà khoa học (chuyên về sinh thái học tiến hóa và truyền thông khứu giác ở côn trùng), Carsten Höller có nhiều sắp đặt liên quan đến động thực vật. Nấm lộn ngược là một sắp đặt của ông, với những cây nấm khổng lồ xoay đầu trong một căn phòng.
Ông cũng khảo sát cảm giác nói chung của con người. Đặc biệt là tác phẩm đường ống xoắn tại Tate London (bạn nào đã đọc bài hạt hướng dương của Ai Weiwei thì sẽ nhớ).
Người xem chui vào, có trải nghiệm về một đường hầm tối, trong đường hầm lại có camera ghi lại phút giây người ta tụt trong ống – khi cảm giác phấn khích lên đến cùng cực.
Trong triển lãm lần này (từ tháng 10. 2010) tại tại Ernst Schering Foundation, Höller làm một con tuần lộc bằng những bóng đèn tròn xanh đỏ, lúc tắt lúc bật theo kiểu phi-phenomenon, tạo ảo giác đôi cho người xem: một con tuần lộc nhấp nháy đứng trong một căn phòng sơn những sọc chạy song song, nhưng nhìn một hồi có cảm giác những sọc này hội tụ, cắt đè lên thân tuần lộc. Người xem sẽ phải thắc mắc nhiều: vì sao lại có ảo giác nguồn sáng chạy qua chạy lại? Vì sao những sọc trên tường kia có vẻ như hội tụ?
Carsten Höller sống và làm việc tại Stockholm. Ông từng có nhiều triển lãm đơn tại bảo tàng Boijmans Van Beuningen, bảo tàng Kunsthaus Bregenz, Gallery Quốc gia Canada, Tate Modern, London, và cả MASS MoCA, North Adams, và từng tham dự nhiều biennial ở Venice, Lyon và Gwangju. Tác phẩm bằng bóng đèn này từng tham dự Biennale Sao Paulo lần thứ 25.
Và dĩ nhiên, bóng đèn (các loại) với số lượng nhiều, lặp đi lặp lại trong một tác phẩm là motif mà Carsten Holler có vẻ ưa thích nhất. Ánh sáng, xét cho cùng, là thứ cho ta thấy, nhưng cũng là thứ cho ta thấy sai!