Điện ảnh

“Mr Turner”: Đừng trách phim nói ít về nghệ thuật. Bạn đang bước vào thế giới của nghệ sĩ 18. 10. 15 - 5:52 am

Pha Lê

 

Poster phim “Mr. Turner”

 

Mr. Turner là tập hợp của sự cố gắng. Cố gắng của Mike Leigh để làm ra nó, cố gắng của Dick Pope để quay nó, cố gắng của những khán giả đã xem nó dù nó không phải là phim dễ nuốt, và xem rồi thì phải cố gắng hiểu nó.

Cảm giác khó chịu của một số nhà phê bình sau khi xem Mr. Turner là rất dễ thông cảm. Họ bước vào rạp, nghĩ rằng mình sẽ trải nghiệm cuộc đời của một nghệ sỹ vĩ đại. Một tài năng lỗi lạc nhưng chẳng được công chúng thời ấy công nhận, một người vì quá giỏi nên não không đủ chỗ để biết thế nào là tiếp xúc xã giao như kẻ bình thường.

Turner mà đơn giản thế thì nói làm gì.

Cốt truyện của tác phẩm này chẳng có gì để kể: nó là về cuộc đời người họa sỹ Turner, hay đúng hơn là về giai đoạn cuối của đời ông, cũng như mối quan hệ của ông với gia đình, đồng nghiệp, vợ con… Dù vậy Mike Leigh cũng hiểu rằng “Cuộc đời của Turner, bản thân nó chẳng có ý nghĩ gì cả. Phải cho người xem thấy ông là ai, ông là cái gì.” Và Mike đã cho chúng ta thấy thật.

Xuyên suốt bộ phim, người xem chứng kiến cảnh Turner ngồi cho bố cạo râu, Turner sàm sỡ bà quản gia, Turner xã giao với đồng nghiệp ở Viện Nghệ thuật Hoàng gia, Turner đến thành phố cảng vẽ cảnh tàu bè, Turner đến thăm tư dinh của nhà phê bình Rushkin, Turner đi tìm gái làng chơi… Xem một hồi là trong đầu rất dễ tặc lưỡi tự hỏi cái quái gì đang diễn ra trên màn ảnh thế này. Tại sao phim ít nói đến tranh của Turner thế? Tại sao cảnh Turner làm việc tại studio ít quá vậy? Tại sao lại phí thời giờ vào hành động suồng sã của Turner với bà quản gia? Tại sao phim không nhắc gì đến kỹ thuật tuyệt đỉnh của họa sỹ?

Turner và bà quản gia – người ông đối xử rất tệ, nhiều khi tệ đến mức… không muốn nhìn

 

Trong khi đó, ông lại rất tốt với bà tình nhân Sophia Booth.

 

Turner và các đồng nghiệp ở Hội Nghệ thuật Hoàng gia. Trái với hình ảnh người nghệ sỹ tài năng không bạn bè, Turner có xã giao với đồng nghiệp. Chính Mike cũng nói ông muốn làm phim về Turner vì Turner phức tạp, chứ đơn giản như hình ảnh người nghệ sĩ tài năng bị toàn xã hội ruồng bỏ hoặc không yêu nổi người phụ nữ nào thì nói làm gì.

Cái hay của phim nằm ở chỗ, giống với tranh của Turner, chúng ta phải thật tập trung và phá bỏ hết mọi định kiến thì mới nhìn ra được nó vĩ đại ở chỗ nào. Mike Leigh là một đạo diễn vô cùng nhân bản, ông yêu những con người không ai yêu được, và thấy điều tốt ở nơi ai cũng thấy cái xấu. Mike làm phim theo kiểu không viết kịch bản, ông chuyên tập hợp các diễn viên mình tin tưởng, giới thiệu nhân vật cho họ và để họ sống trong nhân vật đó chừng vài tháng. Các diễn viên phải nghĩ đến từng chi tiết nhỏ nhất, như hồi nhỏ nhân vật của họ ở trong căn phòng màu gì, thích ăn món gì, học mẫu giáo ở đâu, trung học ở đâu… cho tới khi họ thấm nhân vật đến nỗi họ có thể tự nghĩ ra lời thoại theo từng tình huống mà Mike đẩy họ vào. Bằng cách này, các nhân vật của Mike luôn có một sức sống vô cùng mãnh liệt. Cho dù ông làm phim về bà già hành nghề phá thai chui hay gia đình anh lái taxi vừa nghèo vừa vô học – tức những kẻ trên bề mặt chẳng có gì để chúng ta thương – ông vẫn quan tâm đến cuộc đời của họ, và cách làm phim của ông buộc khán giả phải quan tâm lây. Và vì ta cố gắng chú ý đến những con người này hơn là ta sẽ làm ngoài đời, chúng ta dần nhìn thấy cái tia sáng le lói bên trong những thứ tối tăm đáng ghét.

Trên tinh thần này, nhiều kẻ đã hoài nghi lúc Mike nói ông muốn làm phim về Turner. Dù muốn dù không thì đây vẫn là phim tiểu sử, về một họa sỹ của thế kỷ trước. Các diễn viên đâu thể tự nhiên chế lời thoại và Mike cũng chẳng thể tự vạch ra tình huống cho cuộc đời các nhân vật. Nhưng xem Mr Turner là sẽ thấy rằng đây vẫn là một phim đậm phong cách Mike Leigh và ngoài ông ra thì không ai có thể làm được nó.

Nam diễn viên thủ vai Turner là Timothy Spall – người luôn hợp tác với Mike bao lâu nay. Ngay cả nhân vật phụ của phim cũng do những nghệ sỹ tốt nghiệp từ “trường đào tạo Mike Leigh” đảm nhiệm. Thoắt cái bỗng thấy Ruth Sheen trong vai người yêu đầu tiên (lẫn mẹ của hai cô con gái) của Turner, nháy mắt chút là thấy Lesley Manville trong vai nhà học giả Mary Somerville. Tất cả những người này đã quá quen với cách làm việc của Mike lẫn hiểu ông muốn lột tả nhân vật của mình kỹ đến nhường nào. Cho dù họ đóng phim lịch sử chứ không được tự do nghĩ thoại, cho dù họ đóng vai chính hay vai phụ, hẳn họ đã phải nghiên cứu và sống với nhân vật của mình trong một thời gian dài như họ từng làm khi tham gia bao phim Mike Leigh khác. Chỉ cần vài ánh mắt, vài cử chỉ là khán giả hiểu người yêu cũ của Turner không ưa gì ông dù phép lịch sự của người Ăng-Lê không cho bà ghét thẳng mặt. Chỉ cần nghe giọng điệu là ta biết ngay Turner xem học giả Mary Somerville như bạn dù hai người không nói gì về tình bạn này. Mỗi khi Turner tiếp xúc với ai là khán giả thấy được cả một quá trình lịch sử của mối quan hệ mà ông có với người đấy, dù cảnh tiếp xúc chỉ diễn ra không quá vài phút.
 

Ruth Sheen (trái, ngoài cùng) trong vai Sarah Danby. Sarah sinh cho Turner 2 người con nhưng họ không có hôn thú, và bà luôn ghét việc ông ham vẽ quên gia đình. Thực ra không cần biết điều này thì xem phim cũng thấy Sarah giận Turner đến mức nào rồi, diễn viên của Mike luôn thể hiện được nhiều thứ dù họ nói ít, xuất hiện ít.

Tất nhiên, người cố gắng nhất trong số những tài tử đóng Mr. Turner chính là Timothy Spall. Ông bỏ mấy tháng đi học vẽ rồi khoe với báo chí rằng ông vẽ bằng Turner lúc Turner 9 tuổi, mà “Lúc 9 tuổi Turner vẽ đẹp lắm rồi đấy”. Timothy thấm nhân vật của mình đến nỗi sự vĩ đại của Turner hiện ra trong từng chi tiết rất nhỏ. Tại sao Mike không quay một lô lốc các tác phẩm đẹp nhất của Turner và quay thật nhiều cảnh nghệ sỹ vẽ quên mình để chúng ta thấy được ông tài năng như thế nào? Vì như thế phim sẽ chẳng khác gì phim tài liệu, Turner thì ai cũng biết là tài rồi, nhắc nữa nó nhàm. Trái lại, Mike lẫn Timothy cho ta thấy cảnh này: khi đồng nghiệp ngồi nghe hát, Turner vẽ cô ca sỹ. Lúc đi dạo, ông đem theo tập vẽ. Khi bố Turner mất, ông đi tìm gái làng chơi chỉ để khóc lóc kêu cô cởi đồ ra cho ông vẽ nuy. Ông du lịch tới thành phố cảng để vẽ, ông trói mình vào cột buồm để vẽ cảnh bão biển. Đang bệnh nhưng thấy xác cô gái chết vì tự tử, ông bò ra giường đòi vẽ.

Trong studio, Turner vẽ trên canvas lớn

 

Nhưng đi đâu ông cũng cầm theo tập giấy nho nhỏ để có thể vẽ mọi lúc mọi nơi. Người họa sỹ có thể để lại 350 bức sơn dầu, 2000 bức màu nước, và 30000 bức phác trên các tập giấy nho nhỏ này hẳn phải cuồng vẽ lắm. Nếu chỉ phô trương kỹ thuật với quay cảnh Turner vẽ tranh canvas lớn thì quả là không hiểu gì về Turner rồi

Đâu cần nhìn cảnh Turner vẽ màu trên canvas để biết ông vĩ đại? Chỉ cần một tập giấy nhỏ, một cây bút chì, là Turner vẽ mọi lúc mọi nơi. Ông vẽ ngay cả khi không ai, kể cả đồng nghiệp, buồn vẽ. Mike Leigh là người đạo diễn chuyên khắc họa những chi tiết nhỏ mà người khác bỏ qua, và chính sở trường này đã giúp khán giả thấy tài năng và lòng yêu nghề của một nhân vật như Turner luôn hiện ra trong từng ngóc ngách của cuộc sống người nghệ sỹ, chứ không chỉ trên những canvas to đùng treo ngoài gallery. Những cảnh Turner vẽ tuy ngắn nhưng rải rác xuyên suốt phim, minh chứng cho không chỉ tài năng mà còn tình yêu lẫn sự bền bỉ, và chính niềm đam mê này đã khiến mắt người xem cứ bị cuốn vào màn hình.

Cũng nhờ những chi tiết nhỏ mà Mr. Turner trở thành tác phẩm mô tả lại không khí nghệ thuật của nước Anh thời thế kỷ 19 một cách sống động nhất và… tiết kiệm phim nhất từ trước đến giờ. Khán giả không cần biết về nghệ thuật Anh thời này để thích Mr Turner, như họ chẳng cần đọc Shakespears để thích phim Shakespears đang yêu. Tuy vậy nếu biết thì thấy phim hay hơn. Cách đây mấy tuần tôi xem cái phim Effie Gray, kể về chuyện tình tay ba giữa nhà phê bình nghệ thuật Ruskin, cô vợ Effie, và họa sĩ John Millais. Đây là vụ xì-căng-đan ầm ỹ nhất hồi đó, Ruskin đã cưới Effie rồi nhưng nàng muốn ly dị chồng để đến với Millais. Thời này tòa án ít khi cho phép vợ chồng bỏ nhau, tuy nhiên Effie đã dứt khỏi cuộc hôn nhân sau khi chứng minh rằng sau 6 năm chung sống với Ruskin, nàng vẫn còn trinh vì bị chồng phụ bạc, ghẻ lạnh. Vụ việc hay thế mà phim Effie Gray cứ tà tà buồn buồn, toàn cảnh khóc lóc, xem như tra tấn.

Trong khi đó, vụ tình tay ba này diễn ra chưa đầy 2 phút lúc xem Mr Turner. Người họa sĩ Turner già bệnh và buồn, đang ăn tiệc tại tư dinh Ruskin, bỗng quay sang nàng Effie rầu rĩ vì bị chồng ruồng rẫy rồi động viên rằng ngày nào đó cô sẽ tìm thấy tình yêu. Cảnh sau, Turner đi xem tranh của Millais và cười nhếch mép. Nụ cười cũng như 2 phút này trong Mr Turner khiến khán giả rạo rực với chiến thắng nhỏ nhoi của nàng Effie hơn là ngồi xem cái phim Effie Gray dài gần 2 tiếng.
 

Ngoài Effie, “Mr. Turner” còn khắc họa cuộc đời ngắn ngủi của họa sỹ Benjamin Haydon (giữa ảnh). Thế giới nghệ thuật Anh thời thế kỷ 19 hiện lên vô cùng sống động và rất đỗi tự nhiên nữa. Nếu Mike giải thích dài dòng cho người xem biết Haydon là ai thì thật gượng ép, chỉ cần tập trung là khán giả sẽ hiểu Haydon là một ông họa sỹ tối ngày lâm vào nợ nần. Ai càm ràm rằng “Mr. Turner” nói về nghệ thuật ít quá nên xem kỹ lại, sẽ thấy phim nói về thế giới nghệ thuật rất nhiều.

Mike có thể kể chừng đó chuyện, nêu lên chừng đó ý, trong khoảng thời gian ngắn mà vẫn hấp dẫn người xem như vậy là nhờ vào công của nhà quay phim Dick Pope. Mike vốn thích cảnh dài, ít cắt xén, nên Dick Pope thường cố gắng lia máy thật lâu khi quay cho Mike. Tuy nhiên, Mike muốn Mr. Turner nom càng giống tranh càng tốt nên Dick Pope gần như chẳng lia máy nữa mà phải tìm ra những góc quay thật phù hợp để đặt yên cái máy ở đó. Cảnh trong Mr. Turner hầu như không dịch chuyển gì nhiều, một số còn đứng lặng như khung tranh. Có khi Pope cứ đặt máy ở một vị trí trong thời gian dài, ngay cả khi nhân vật đi ra khỏi màn ảnh, để người xem đắm chìm vào ánh sáng với bố cục của cảnh ấy. Trước khi cắt sang cảnh khác, bỗng một chú mèo chạy qua khung hình, khiến cảnh lặng của phim tự dưng sống động đến kỳ lạ.
 

Cảnh Turner đi bộ lên đồi, góc máy rộng, cuối cảnh còn có đàn ngựa hoang chạy qua, đẹp như tranh.

 

Cảnh Turner câu cá cũng thật tuyệt vời. Có ai xem nó rồi liên tưởng tới câu “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” chưa nhỉ?

Rồi cảnh Turner đi đến thành phố cảng, cảnh ông lên đồi vẽ tranh, ngắm tàu lửa… tất cả đều ít dịch chuyển và tràn ngập ánh sáng để người xem đắm mình trong đó như họ từng đắm mình trong tranh ông. Turner là họa sỹ của ánh sáng (painter of light) mà. Việc này quả không dễ vì mùa hè bên Anh nổi tiếng ngắn ngủn, Pope muốn thu ánh sáng tự nhiên thì ông phải gấp rút tranh thủ quay khi bắt được hôm đẹp trời. Và ánh sáng cần cuốn hút nữa vì cảnh phim có chuyển động mấy đâu, quay xấu nó lòi ra ngay. Kết quả là mỗi thước phim nom như một bức tranh, Turner sống trong đó, vẽ trong đó, và chúng ta thì sống cùng họa sỹ.

Và được sống cùng con người tài năng lẫn phức tạp như Turner, dù chỉ là thoáng chốc khi xem phim, thì còn gì sướng bằng.

*

Chú thích: Ai biết tiếng Anh và biết load torrent với gắn file phụ đề thì nên load bản HD mà xem, coi bản mờ căm nó phí công Mike với Dick Pope vất vả tìm ánh sáng để quay phim. Phụ đề anh ngữ thì ở đây .

Nếu chỉ xem được tiếng Việt thì đến 30 Trần Quang Khải đặt mua.

Ý kiến - Thảo luận

1:08 Saturday,24.10.2015 Đăng bởi:  Lê Hữu Hiếu
Mình xem ở Pubvn.net bản HD có phụ đề rất nét. Quả thật đây là một bộ phim quá xuất sắc về mọi mặt.
http://pubvn.net/bar/threads/24450-mr-turner-2014-HD-Online-Phu-De-Viet---Anh.html
Mình để link mọi người xem đỡ phải load HD (Tuy nhiên trang này thu phí nhé.)
...xem tiếp
1:08 Saturday,24.10.2015 Đăng bởi:  Lê Hữu Hiếu
Mình xem ở Pubvn.net bản HD có phụ đề rất nét. Quả thật đây là một bộ phim quá xuất sắc về mọi mặt.
http://pubvn.net/bar/threads/24450-mr-turner-2014-HD-Online-Phu-De-Viet---Anh.html
Mình để link mọi người xem đỡ phải load HD (Tuy nhiên trang này thu phí nhé.) 
16:36 Monday,19.10.2015 Đăng bởi:  phạm quốc hải
cảm ơn Pha Lê rất nhiều khi giới thiệu về film và về người họa sĩ mình mê mẩn nhất. Thật ấn tượng ...
...xem tiếp
16:36 Monday,19.10.2015 Đăng bởi:  phạm quốc hải
cảm ơn Pha Lê rất nhiều khi giới thiệu về film và về người họa sĩ mình mê mẩn nhất. Thật ấn tượng ... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả