Gẫm & Bình

NGV (bài 3): Andy Warhol và Ai Weiwei triển lãm chung. Chắc là do cùng tên viết tắt 27. 01. 16 - 6:10 am

Đặng Thái

(Tiếp theo bài 1bài 2)

Những ngày cuối năm dương lịch hẳn các thành phố ở Việt Nam sẽ giăng đèn, kết hoa, đặc biệt là khẩu ngữ, băng rôn đỏ vàng treo rợp trời. Melbourne mùa nghỉ lễ này cũng tưng bừng cờ xí bay phấp phới nhưng là cờ in quảng cáo cho triển lãm của hai nghệ sĩ đình đám Andy Warhol và Ai Weiwei. Xuống sân bay là bắt đầu thấy quảng cáo, đầu xe tram, trạm xe bus cũng dán hình triển lãm, bất kì tờ rơi quảng cáo du lịch nào cũng nhắc đến sự kiện này, thậm chí vào hàng bán son phấn cũng thấy vì hãng mỹ phẩm tài trợ cho triển lãm. NGV kéo dài giờ mở cửa đến 8 giờ tối (trời vẫn còn sáng vì mùa hè) để khách du lịch có thêm thời gian nhìn ngắm. Qua đó để bạn đọc thấy rằng đây là một triển lãm cực kỳ công phu, hoành tráng, tốn kém và hẳn là đáng xem.

Sảnh chính được lấp kín bởi tác phẩm sắp đặt khổng lồ “Xe đạp Vĩnh Cửu” gồm 1500 khung xe đạp được lắp ráp với nhau, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Tác phẩm này như một cái cổng chào cho phép người xem đi xuyên qua, dùng tay quay vành xe đạp thoải mái.

Thương hiệu Vĩnh Cửu hẳn là quen thuộc với người Việt, nhất là ngoài Bắc, đã sống qua thời bao cấp. Cùng với xe đạp Phượng Hoàng, hai loại xe này rất bền, là niềm mơ ước của nhiều người Trung Quốc (và Việt Nam). Bắt đầu được sản xuất từ những năm 1940, xe đạp khi đó là một thứ xa xỉ phẩm, cậu bé Ai Weiwei (sinh năm 1957) cũng từng ao ước được sở hữu một cái như vậy. Ngày nay nhà máy Vĩnh Cửu sản xuất khoảng 10.000 xe một ngày.

Nhìn bằng mắt thì thấy bình thường nhưng hễ chụp lên ảnh là lại ảo diệu thế này dù có là trẻ con bấm máy.

Đó là tác phẩm demo, mời công chúng xem miễn phí. Còn muốn vào triển lãm phải mất tiền, vé người lớn là $26. Tiền là một chuyện, xếp hàng mua được vé lại là chuyện khác. Cô nhân viên ở quầy lễ tân giục: “Anh vào xếp hàng ngay vì phải đứng ít nhất là một tiếng đấy, lại còn mất ít nhất hai tiếng mới xem hết triển lãm, không nhanh là bảo tàng đóng cửa”. May mà mình có thẻ hội viên nên được đi hàng ưu tiên vào ngay, mấy người đứng xếp hàng nhìn mình như muốn ăn tươi nuốt sống! Các gian triển lãm đều rất to nhưng người cũng đông nghìn nghịt.

Gian đầu tiên của triển lãm nói về Biểu tượng: trên tường là sáu bức trong series Campbell’s Soup II 1969 của Andy Warhol, bên dưới là những bình cổ phủ sơn công nghiệp của Ai Weiwei. Mỗi phòng triển lãm sơn tường một màu khác nhau. Người xem đông, đi qua đi lại nhiều nên phải mượn tạm ảnh này của báo chí.

 

“Đánh rơi bình cổ đời Hán” nhưng là phiên bản ghép hoàn toàn bằng xếp hình lego. Nhìn qua từ xa sẽ tưởng là tranh in…

 

Chi tiết “Đánh rơi bình cổ đời Hán”. Trước khi triển lãm diễn ra đã có một sự kiện ầm ĩ đó là công ty LEGO từ chối bán xếp hình cho Ngải Vị Vị vì họ không muốn sản phẩm LEGO dùng để thể hiện những phát ngôn chính trị (thực ra là muốn làm ăn lâu dài ổn định tại Trung Quốc). Sau khi Ngải Vị Vị kêu gọi trên Twitter để mọi người ủng hộ đóng góp LEGO thì NGV đã trở thành điểm tiếp nhận LEGO đầu tiên trên thế giới.

Phòng thứ hai sơn tường đỏ rực, toàn bộ là ảnh chụp đen trắng nói về hai thành phố New York và Bắc Kinh – hai nơi đại diện đặc trưng nhất cho hai đất nước, hai nền văn hóa, hai nghệ sĩ và kể lại câu chuyện khi nghệ sĩ này đến thăm thành phố của nghệ sĩ kia. Ngải Vị Vị bắt đầu sống trong một căn hộ tồi tàn ở khu East Village, Mahattan sau khi thi trượt đầu vào Trường thiết kế Parsons năm 1983. (Sau này quay lại Trung Quốc ông đã cùng một số nghệ sĩ xây dựng Bắc Kinh đông thôn, một cộng đồng nghệ thuật tiên phong lấy cảm hứng từ East Village). Ngải đã bước vào một thế giới tràn ngập những điều mới lạ ngay giữa hang ổ của chủ nghĩa tư bản và mải miết chụp ảnh. Cũng bước đi trên những con phố đã làm nên Jean-Michel Basquiat và Keith Haring nhưng Ngải lúc này chỉ là một người Trung Quốc nhập cư thì làm gì có cơ hội tiếp xúc với giới nghệ sĩ. Chàng trai hăm mấy tuổi đầu bị ám ảnh bởi Marcel Duchamp và Andy Warhol nhưng thực tế họ chưa bao giờ gặp mặt dù chỉ sống cách nhau vài cây số. Đó là lí do tại sao Ngải coi triển lãm lần này tại NGV là một vinh hạnh cho mình.

Cột đâm xuyên bàn của Ngải Vị Vị. Năm 1982, Andy Warhol đi Hong Kong chơi và đã ghé qua Bắc Kinh thăm một khách hàng từng mua tranh của mình. Ông chụp một loạt ảnh về cảnh vật, xã hội ở Bắc Kinh sau mở cửa, từ áp phích phim ảnh, nhà cao tầng cho đến con sư tử đá.

 

Thượng Hải, Ngải Vị Vị, 1979, mực trên giấy. Kí họa thời kì đầu của Ngải khi đang học Trường điện ảnh Bắc Kinh. Ngải yêu thích và được dạy vẽ từ nhỏ, khi cả gia đình còn đang đi lao động cải tạo ở Tân Cương.

Sau khi đi qua một hành lang đầy bong bóng đỏ vàng bay tứ tung với tường dán giấy in hình những con quái vật camera bằng vàng là bước vào một gian phòng sơn vàng chóe nơi những ý tưởng lớn gặp nhau: Duchamp và readymade. Cả hai người đều sử dụng những vật dụng sẵn có, tác động thêm vào để tạo ra tác phẩm.

“You’re in”, Andy Warhol, 1967, sơn xịt, chai thủy tinh và thùng gỗ.

 

“Một tấn trà”, Ngải Vị Vị, 2006, Trà Phổ Nhĩ ép trên bục gỗ. Bên phải là hộp xà phòng Brillo của Andy Warhol.

Trà Phổ Nhĩ ép thành khối là một biểu tượng độc đáo của văn hóa Trung Hoa thể hiện song song cả tính cổ xưa và hiện đại. Trà Pu’er vốn là loại tiến vua từ đời Đường, ngày nay loại cao cấp nhất lên men hơn 30 năm là một thứ xa xỉ phẩm, một chén trà khoảng 30 triệu đồng, loại rẻ tiền nhất cũng có giá khoảng 1 triệu đồng/kg. Cái khối một tấn này tính theo giá vật chất thôi cũng đã bạc tỉ rồi. Còn về mặt mỹ thuật thì nó lại gợi lên những khối điêu khắc tối giản của Donald Judd.

Một túi sữa bột của Trung Quốc nằm khiêm nhường một góc. Tình trạng sữa kém chất lượng, trộn chất hóa học là một vấn nạn to lớn của xã hội Trung Quốc (và Việt Nam) hiện tại. Không chỉ dừng lại ở sữa, nó phản ánh sự lỏng lẻo về quản lý tiêu chuẩn hàng hóa của các nền kinh tế đang phát triển.

Hiện nay thị trường sữa bột trẻ em ở Úc đang náo loạn lên vì người Hoa thu gom hết sữa trong siêu thị để chuyển về Trung Quốc bán giá cao, các đại lý luôn luôn hết hàng, trẻ em Úc không đủ sữa uống nên các bà mẹ bức xúc phản ánh lên báo đài, cuối cùng các siêu thị phải hạn chế số lượng hộp sữa một người được mua nhưng tình hình vẫn rất căng thẳng. Báo chí tập trung chửi “Chinese” nên các mẹ Việt Nam (mặt mũi giống Chinese) đỡ bị lên án chứ thực ra các mẹ cũng vơ vét tích cực lắm, chứ không trong nước lấy đâu ra sữa xách tay nhiều thế.

“Tình dục an toàn”, Ngải Vị Vị, 1986, áo mưa, bao cao su và móc treo. Ngải Vị Vị làm ra tác phẩm này khi tiếp xúc với môi trường tình dục buông thả, tràn ngập bệnh AIDS của New York, một căn bệnh gần như không tồn tại ở các nước Xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ.

 

“Ba chai Coke”, Andy Warhol, 1962, mực in và than chì trên vải.

Ba chai Coke rỗng được đặt cạnh nhau, chai ở giữa cao hơn một chút thể hiện mô-típ Đức Mẹ và Chúa hài đồng cùng hai vị thánh hai bên theo phong cách thể kỷ 14, (xem ví dụ ở bài NGV2). Hàng chữ Coca Cola tạo thành một bệ thờ. Bức tranh thể hiện hiểu biết sâu rộng của Warhol về lịch sử nghệ thuật đồng thời nói lên quan điểm của ông: “Đức Mẹ” ở đây y hệt “hai thánh”, cùng kích thước, cùng hình dạng, liên kết giữa những hình tượng thiêng liêng và giễu nhại sự tôn thờ chủ nghĩa tiêu thụ của nước Mỹ.

Chú thích tranh cho trẻ em: Andy thích những thứ phổ biến mà mọi người đều nhận ra, ví dụ như phim ảnh, người nổi tiếng và thương hiệu Coke hay Campbell’s chẳng hạn. Những chai Coca-Cola xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm của ông. Ông thích thú với ý tưởng rằng mọi chai Coke đều có hương vị giống nhau bất kể người mua giàu hay nghèo, nổi tiếng hay vô danh. Vào những năm 1960, Coca-Cola trở thành thương hiệu được biết đến nhiều nhất ở Mỹ. Em có biết rằng vào những năm 1890, Coca-Cola được bán trong hiệu thuốc và người ta quảng cáo là nó có thể chữa được bệnh đau đầu đấy!

Những bông hoa trong văn hóa phương Tây biểu tượng cho tình yêu, cái chết, tình dục, giấc ngủ, sự quý phái và khoảnh khắc ngẵn ngủi thoảng qua. Trong khi đó văn hóa Trung Hoa quan niệm rằng hoa là biểu trưng cho cái đẹp, sự phồn vinh và đài các, sự suy tư và giác ngộ. Mục đích của triễn lãm nhằm tìm ra những điểm đối lập, giao thoa và song hành trong tư duy nghệ thuật của hai nghệ sĩ, với chủ đề hoa; mình cảm thấy đây là hai luồng tư duy song song, cùng nói về cái đẹp của hoa nhưng không bao giờ gặp nhau về ý tưởng.

“Những bó hoa”, Ngải Vị Vị, 2013-15, xe đạp, hoa, in kỹ thuật số trên giấy.

Tác phẩm này được thực hiện bắt đầu từ 11/2013 là lúc nghệ sĩ bị thu hộ chiếu. Ông “biểu tình” bằng một phương pháp rất thi vị là mỗi ngày đặt một bó hoa khác nhau vào giỏ xe đạp dựng trước cổng studio để “chiêu đãi” cái camera theo dõi lắp trước cổng, sau đó chụp ảnh đăng lên mạng xã hội đến khi nào ông được quyền tự do đi lại mới thôi. Ngày 22. 7. 2015 ông chính thức được trả lại hộ chiếu và dự án kết thúc một ngày sau đó.

“Đua nở”, Ngải Vị Vị, 2015, sứ.

Một tấm thảm hoa bắng sứ trắng rất lớn là sự hợp tác của nghệ sĩ và các nghệ nhân Cảnh Đức Trấn, từng bông hoa cực kỳ tinh xảo, nhất là những bông cúc cánh bé li ti. Tác giả coi đây là một tượng đài tưởng nhớ những người phải sống dưới điều kiện quản thúc vì đã chiến đấu cho tự do ngôn luận và nhân quyền. Thực ra tác giả bớt nhồi nhét chính trị vào thì mình còn cảm thấy tác phẩm đẹp hơn nhiều, vì cả một triển lãm to vật cứ nhan nhản việc bất đồng chính kiến khiến đôi lúc người xem thấy chán ngán.

“Hoa” (vẽ trực tiếp), Andy Warhol, 1974, mực in trên giấy. Những bức tranh này được tô màu bằng tay bởi họa sĩ Ronnie Cutrone, phụ tá của Andy Warhol. Series những bức tranh hoa này của Andy Warhol không hiểu đẹp ở chỗ nào?! (còn mấy bức thảm họa hơn nữa)

 

Và đây những bông hoa huyền thoại của Andy Warhol, khoảng 1970. Ông hỏi bạn bè thích màu gì thì cho in màu đấy. Một trong những bức đầu tiên in năm 1964 được Sotheby bán với giá 11,365,000 USD. Những phiên bản từ năm 1965 trở đi thì rẻ hơn nhiều.

Tiếp tục là những chân dung, đề tài mà Warhol áp đảo nhưng triển lãm lại có một sắp đặt cực lớn của Ngải, dùng ba triệu miếng xếp hình lấp kín sáu mặt của một căn phòng, thể hiện hình ảnh và trích dẫn lời nói của những người hoạt động nhân quyền và tự do ngôn luận ở Úc. Vì LEGO không bán xếp hình cho Ngải Vị Vị theo dự tính ban đầu nên cuối cùng ông phải mua xếp hình nhái LEGO do Trung Quốc sản xuất, càng hợp chủ đề sao chép và hàng nhái trong triển lãm.

Sàn nhà phủ kính, khi dẵm chân lên thì những miếng xếp hình cọ vào mặt kính kêu lạo xạo rất độc đáo, càng nhiều người đi lại âm thanh ấy càng lớn, giống như tiếng bánh xe nghiến vào mặt sỏi hay rất nhiều người đang xì xầm nói chuyện vậy.

Ngoài những chân dung quen thuộc của Andy, mình muốn giới thiệu nốt một nhân vật cuối cùng, rất có ý nghĩa với cả hai nghệ sĩ: ai ai cũng biết đến, hình ảnh rất phổ biến, có ảnh hưởng sâu rộng, chính là Mao Chủ tịch. Sự hâm mộ thần tượng showbiz ở Mỹ cũng tương tự và điên cuồng chẳng kém sự tôn thờ Mao ở Trung Quốc. Có một sự trái khoáy ở đây, chân dung Mao, người cố gắng quét sạch chủ nghĩa tiêu thụ khỏi Trung Quốc, lại được mua bởi những tay tư bản phương Tây.

“Mao”, Andy Warhol, 1972, sơn và mực in trên vải. Mao của Andy có da vàng như nghệ, môi đỏ như máu và tóc đen như gỗ mun. Tranh dựa trên bức ảnh nhỏ của Mao trong cuốn Hồng bảo thư (cuốn sách có số bản in lớn thứ hai trong lịch sử nhân loại, dưới Kinh Thánh và trên tự truyện Mein Kampf của Hitler). Andy vẽ bức này nhân dịp báo chí đưa tin Richard Nixon thăm Trung Quốc và bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

 

“Mao” (nhìn thẳng), Ai Weiwei, 1986, sơn dầu trên vải. Mao của Ngải Vị Vị được vẽ tả thực, dưới dạng hình ảnh nhìn thấy trên TV.

 

Giấy dán tường hình Mao, 1974 và mười bức chân dung Mao trong nhiều màu, 1972 của Andy Warhol. Công chúng Mỹ qua truyền hình chuyến thăm của Nixon nhìn thấy ảnh Mao treo mọi lúc mọi nơi ở Trung Quốc. Nhìn những bức này không hiểu sao lại liên tưởng đến một số nhân vật trong phim Tôn Ngộ Không.

Đến đây là hết phần tranh, triển lãm vẫn còn rất nhiều, một phòng Công dân và Tổ quốc chủ yếu là các tác phẩm điêu khắc, nhiếp ảnh thể hiện sự phản kháng của Ngải Vị Vị với chính quyền, sự quan tâm của Andy với Chủ nghĩa cộng sản, vẽ búa liềm, Lenin và ghế điện của Mỹ. Ngoài ra còn vô số video nữa. Mình đi mỏi chân quá, vừa đặt mông xuống định xem cái video của Ngải Vị Vị lại phải đứng dậy, lại nhìn xem nó dài bao nhiêu, ra là 9000 phút, bấm đốt ngón tay lẩm nhẩm thấy hơn sáu ngày bèn quay mông đi luôn.

Hai ba tiếng không là gì với triển lãm này cả vì nó quá rộng, nhất là xem kĩ thì phải mất cả ngày, còn muốn xem hết theo nghĩa đen thì mấy ngày cũng không đủ vì nhiều video quá. Chưa kể còn một khu nữa dành riêng cho trẻ con, vào cửa miễn phí, rất nhiều máy tính để ghép ảnh, phòng kéo rèm để chụp ảnh và một video nói về những con mèo của Ngải Vị Vị. Ông này cuồng mèo, nhà nuôi mấy chục con nên thành đề tài bọn trẻ con rất thích.

Bọn này chổng mông nằm xem cũng như mấy con mèo vậy. Trong phim, Ngải Vị Vị đang nói: “Bọn mèo cũng biết nhảy lên vặn tay nắm để mở cửa. Điểm khác biệt giữa người và mèo là sau khi đi ra, mèo không bao giờ biết đóng cửa lại.”

 

Cuối cùng là danh sách các bài hát được phát trong nhà vệ sinh. Đi mỏi gãy cả chân nhưng vào toilet thấy tương đối hài lòng. (Các bạn nhấn vào ảnh để xem bản to)

Triển lãm được chăm chút đến từng chi tiết, toàn bộ khu vực nhà hàng, quán cafe được trang trí lại theo chủ đề triển lãm, khắp nơi dán trích dẫn các câu nói của hai nghệ sĩ. Đặc biệt là cửa hàng lưu niệm bán những món quà làm riêng cho triển lãm, ví dụ bông hoa nhỏ xíu bằng gỗ sơn màu để đeo trước ngực, giống trong tranh Andy Warhol, mỗi bông $25 và vô số món độc đáo khác (với giá cắt cổ).

Để hiểu thêm về tác phẩm và quá trình sáng tác của Ngải Vị Vị, bài sau mình sẽ đưa một đoạn phỏng vấn ngắn tác giả của NGV.

Ý kiến - Thảo luận

17:18 Wednesday,27.1.2016 Đăng bởi:  cứ từ từ

Cụ Ai wei wei kể mà không có chút mếch lòng chính quyền Bắc Kinh thì giới đầu tư nghệ thuật phương tây chắc cũng không MẶN MÀ đến thế. Ngẫm câu " kẻ thù của kẻ thù là bạn"có vẻ đúng trong mọi lĩnh vực , kể cả nghệ thuật


...xem tiếp
17:18 Wednesday,27.1.2016 Đăng bởi:  cứ từ từ

Cụ Ai wei wei kể mà không có chút mếch lòng chính quyền Bắc Kinh thì giới đầu tư nghệ thuật phương tây chắc cũng không MẶN MÀ đến thế. Ngẫm câu " kẻ thù của kẻ thù là bạn"có vẻ đúng trong mọi lĩnh vực , kể cả nghệ thuật

 
7:46 Wednesday,27.1.2016 Đăng bởi:  Candid
Triển lãm hoành tráng quá. 26 đô cũng đáng.
...xem tiếp
7:46 Wednesday,27.1.2016 Đăng bởi:  Candid
Triển lãm hoành tráng quá. 26 đô cũng đáng. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nhuộm xanh-trắng-đỏ cùng nước Pháp

Phạm Tuấn Anh - Phần ảnh do Phạm Phong biên dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả