Văn & Chữ

Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 5):
Quý vật tìm quý nhân 05. 02. 16 - 7:26 am

Nguyên tác: Rào Luống Cần. Biên dịch: Linh Sơn cao hổ cốt chân nhân

 (Tiếp theo hồi 4: Hoa Ỷ dỗi, Huệ Thư hồi chơi xấu)

                          Hồi 5

Quý vật hân hoan tìm bến đậu
Quý nhân gượng gạo chuốc thêm sầu

 

Từ tranh dân gian “Táo quân”

Lại kể về cái hộp gỗ bí ấn mà Bạch Nhạn đem ra, Ly ta nghển cổ dòm vào, thấy một hòn đá chỗ nhẵn chỗ sần, ngạc nhiên ơ lên một tiếng lạc loài, rồi hơi ngượng lại cụp mắt nhìn sang quyển sách to mà tiên sinh để trên bàn sau đó. Thấy sách đề “Mỹ thuật Maya”, nàng thầm đoán… một món đồ quý đây. Bạch Nhạn mỉm cười rạng rỡ, đặt cục đá lên bàn. Đúng là một pho tượng đá cổ, lối người tiền sử, mắt lồi vú dài, cánh tay đục sơ sài, đang quỳ với đôi bàn chân to bè choãi bên dưới. Trong ánh nắng chiều xiên từ ngoài hiên, qua khung cửa rọi vào, chất đá đỏ ửng và có chỗ trong chỗ đục, rất lạ.

Tiên sinh không để hỏi, nói chậm rãi: “Ta lâu nay theo đuổi hai việc lớn, có lẽ là nếu thành tựu thì lưu danh thiên cổ. Một việc con đã biết, là dự của dự, là án của án, đưa khu phố cổ trở thành Shangri La mới, cho văn nghệ có chỗ trưng trổ. Việc lớn này lấy nốt quỹ thì giờ còn lại của cuộc đời ta, cũng như toàn bộ tiền bạc trong 40 năm tuổi trẻ ta khó nhọc tích lũy…

“Việc phụ, cũng là thú chơi cho bản thân, chính là việc sưu tầm những tượng đá tối cổ, từ thời tiền sử, bằng đá quý. Đây là một trong số đó, con thấy đẹp không?”

Nguyên Ly gật xái hàm, nàng mù tịt về tất cả các thứ thuộc hàng cổ, trừ xuyến vòng và cổ cảnh gia cầm. Ly hỏi “Vậy tiên sinh mua có đắt không ạ? Mua từ đâu ạ?”

“Hồi ấy có một người thợ chuyên đào đường, y nhận đào hầm xuyên qua rừng, đã dần dần trong ba năm tìm được và đem đến cho ta, chỉ mình ta thôi.”

Ly ngất ngây như chính nàng vừa đào được của, thì thào mấy câu cảm thán, phục lăn sư phụ. Bạch Nhạn thì không vui, bần thần nghĩ ngợi, và sau rốt nói ra ý định nhờ Ly đem pho tượng trong tráp đi bán.

Vốn thảo lảo, nàng vừa thông cảm, vừa khâm phục tiên sinh đã quên mình vì nghiệp lớn, coi thường vật chất tầm thường, mà vẫn tế nhị khẳng khái… Tóm lại là đủ để phong thánh, nên Ly nhất nhất vâng nhời, về nhà tìm một vuông lụa, đem sang gói cái tráp lại, nhanh nhẹn đi ngay.

Từ tranh dân gian “Bịt mắt bắt dê”

Ngày thường nàng vẫn đi tắt qua ngõ Thông Phong sang rạp Eden cho gần. Nhưng hôm nay còn vướng món đồ, nên nàng ra cổng hỏi thuê của Rút Êm một cỗ xe ngựa với tên xà ích, rồi tìm trong tủ bộ váy dài nhung the mặc cho già và ác thêm, tiện đôi co giá cả! Đang vừa trèo lên xe, còn chỉnh lại mũ áo, thì nghe léo nhéo tiếng ai gọi mình.

Từ bên kia đường, Linh Thư chạy tới, tơi tả nào túi nào dù, quần soóc nhấp nhô mặc với áo may ô mà vẫn đi ủng Rô-béc-tô và mang găng tay da hiệu Chạp-pô. Chị ta ôm một cuộn gì ố vàng, hổn hển trèo lên xe ngồi cạnh Ly, sung sướng khoe “Chôm được bộ tranh cũ của ông bô, cứ để hôi rình trong thống, chị hết đạn rồi, cho chị đi nhờ, lên Hàng Gai bán đi! ” Ly ta gật ngay, bởi cũng chưa biết chỗ nào mà đi bán tượng, nên cỗ xe thế là có chung đích đến: tiền; làm thế nào để bán ra tiền!

Hai nàng gần đến Hàng Gai, thì nhờ chút ít thông minh gái phố mới thấy vấn đề nan giải: “Bán bao nhiêu đây?” Bèn bảo anh xe đi chậm lại để tính kế. Dừng ở sân nhà thờ Đức Bà, nhìn sang đầu phố Lý triều Quốc sư, thì may thay thấy tiệm đồ cổ của thầy Khôi Nguyên, mà mợ Tống Dương đã có lần dắt hai nàng vào chơi xem ngọc đào cổ mộ. Bèn vào thử…

Từ tranh Đông Hồ

Trong tiệm, do thầy Khôi đang đi xứ, chỉ thấy bà Loan là vợ bé mới cưới thêm, vừa cạo mạt chược với hai bà bạn, vừa hấp háy nghênh tiếp khách vô nhà. Thư đã nanh nọc mà Ly thì chả khác gì Hồ Nguyệt Cô cuốn lô, lại xa hoa sành điệu. Đầu tóc đứa thì búi cao cài trâm tua tủa, đứa lại xõa dài như Mai Siêu Phong, mùi nước hoa hòa mùi dầu rửa bát ngào ngạt, kênh kiệu mặt hất lên trần nhà, vừa vào đã mắt liếc ngang mi nhìn dọc, khá ra dáng nhà giầu đi shopping nên mụ Loan bỏ ngay đám bạn, cười phe phé chào mời nồng thắm.

Thấy bộ tứ bình tranh sứ bầy trong khung gỗ trắc, Thư hỏi giá, ý muốn mua, thì mụ thét độ trăm lạng. Ly khảo cái tượng đá bé tí cất kỹ trong tủ kính, tạc một con a hoàn bị trói vào gốc cây, biết giá ngoài 8 cân. Hai nàng tim đập thình thịch, tự nhủ phải rắn với quân địch, không được sơ hở mà bị hố!

Mấy người chơi mạt chược thấy chủ nhà có công có việc cũng đứng dậy cuốn gói. Mụ kia cười hì hì những mong đón ý, thì Thư hỏi độp “Tôi có bộ tranh lụa cổ, từ đời kỵ nội để lại, chị xem mua giùm nhé?” thì nét cười bỗng chuyển tông đanh ác, mặt mụ chẳng còn âu yếm, nghiêm trọng mở chỗ tranh ra xem. Ly nhìn qua vai bạn, thấy bức thì liên áp vẽ vịt với sen, bức lại đôi én với đào khai mận mãn, rồi cúc hoa mới nở nơi bụi cỏ rúc vào một chú gà béo nục… đúng bộ bốn mùa đây rồi, triện đóng chi chít, nét bút mảnh mai, có bài thơ tả tình chữ Nho, thật hàng tuyệt phẩm. Nhưng Loan thì không, mụ lạnh tanh cuốn trả vào tay Thư, nói “ố vàng cả rồi, treo vài bữa thì ròn rụng từng mảng, cô có lòng đến chơi, thôi cứ để lại tôi bán hộ, 12 lạng hết giá, mà tốt nhất cứ đem về, có ai hỏi tôi mách cho!” Mặt hai đứa nghệt ra, Ly tỉnh lại trước, nhẩm thấy lưng vốn mình còn kha khá mà tranh đẹp nên mua giữ lại, bèn bấm vào tay Thư, nhanh nhẹn đỡ lấy cuộn tranh, trả lời, “Vậy cám ơn chị nhé, làm phiền rồi!”

Hai bóng hồng bỏ đi, để lại một bộ mặt tức tối ra vẻ bất cần.

Ly dắt Thư lên xe, nói rõ ý định muốn mua bộ tranh, trả trước 35 lạng, còn đâu đến Tết sẽ đưa nốt. Thư bằng lòng, thầm cảm tạ con em dại!

Sẵn đó, cô bán tranh cũng nhờ Thư xem ai thích đồ đá ngọc, để đẩy giúp pho tượng của Bạch Nhạn. Nghĩ ngợi một hồi, nữ quan nhớ ra ngài Phẩm Can trên thượng ngàn, chuyên bói mai rùa và định tuổi đồ cổ, nên hứa sẽ đánh giây thép lên mời ngài về kinh xem cho, định giá xong sẽ tìm quan lại nào lắm tiền mà bán. Nguyên Ly yên tâm giao cho bạn cái tráp, đưa Thư về cửa Đông cung thái hậu, để nữ quan vào lo nốt xiêm y triều phục. Rồi nàng về rạp Eden, cất cuộn tranh đi…

Từ tranh Đông Hồ “Bịt mắt bắt dê”

*

Ba ngày sau, bộ bốn bức tranh gia bảo của nhà Linh Thư đã được lồng khung với lượt bo lụa bồi màu nâu đồng, điệp với những vết ngả màu thời gian, phẳng phiu tôn vinh vẻ sang quý sau lớp kính và sau nhiều thập kỷ nằm im đâu đó, có thể là qua cả hai cuộc chiến chinh và rất nhiều biến động. Chồng Ly quá ưng, đem về trưng phòng khách, sáng nào cũng múa thái cực quyền trước tranh, đẹp ý lắm…

Lúc này đã cuối xuân, nắng ngày càng nhiều và chói hơn, muốn lập hạ bằng đôi cơn mưa có sấm nho nhỏ. Sắp đến ngày phải trả tiền nhà cho Huệ thư, Nên cả hai thầy trò ngoài mặt ung dung trà đàm, nhưng trong dạ thật là bối rối. Nguyên Ly bắt đầu hơi hối hận, thà đưa Thư ít ngân lượng thôi, đủ qua cơn bĩ, còn đâu giúp tiên sinh cho rồi.

Thì vừa may Hàng Anh đến, khoe cái xe hơi hiệu Vốn Pha Ghèn cũ hắn vừa tậu, đón Ly sang Luloa ăn trưa, theo lệnh của Thư. Tới nơi đã thấy nữ quan ngồi với cái tráp, vẻ mặt thiếu tự nhiên, hôn chào Ly xong liền đeo kính mát che đi đôi mắt. Húp vội chén trà, Ly đá chân ý hỏi việc. Hảo Ngọc cũng vừa tới, trước đông người, Thư đành nói “Đồ quý nên chị không dám để trong cung, ngài Phẩm Can xem rồi, nói cứ hoàn trả chủ nhân, đôi hôm nữa sẽ giới thiệu người đến mua sau”.

Rồi cơn đói, tuổi trẻ và tình bạn cuốn cả đám sang chuyện khác. Xế chiều, Ly đi chợ Hôm mua ít giò chả, về nấu bữa rồi đem cái tráp cùng ít cơm tấm sang nhà Bạch Nhạn. Nàng năn nỉ tiên sinh nhận khoản 20 lạng, gọi là cho vay, vì quả thực nếu không có chỗ này, thì thật mất mặt với Huệ. Ngài nhận, nhưng buồn rũ rượi, như mất một thứ gì quý giá lắm, ôm mặt thở dài. Nguyên Ly ra về, nhưng thấy rất áy náy, liền đánh dây thép hẹn Linh Thư sáng hôm sau gặp nhau sớm ra quán Nhộng, hỏi thêm cho rõ…

Từ tranh dân gian “Tố nữ”

Sáng hôm sau, Thư quen dậy muộn, tợp mấy chén trà Thái Nguyên mới tỉnh hẳn, hồn không bay phấp phới tán loạn theo thân mình yểu điệu nữa, nàng tô lại mầu son tím lịm ưa dùng, châm một điếu bạc hà, mủm mỉm cười nhạo vẻ lo âu thỏ già của Ly. Nàng nói:

“Em à, việc em nhờ thẩm định pho tượng, dù thực hư có thế nào, thì chị cũng không nói với em, và em cũng nên gạt việc này ra khỏi đầu, kẻo vạ lây nhé? Giữa thói đời đen bạc này, chuyện nhầm lẫn thật giả thường xuyên va phải. Đồ càng cao cấp càng long đong Chúng mình chẳng vụ lợi gì, thì tốt nhất cứ tránh xa, kẻo người giận mà rồi cái quý nhất là tình bạn lại hỏng đi”.

Ly đã hiểu ra vài phần, vui vẻ nói sang chuyện khác.

Nhưng với bản tỉnh ưa khám phá, nàng quyết lên núi tìm Phẩm Can hỏi cho rõ. Dịp may là nửa tuần sau, mợ Huyền Thi chủ chợ Hàng Da mời Ly cùng thượng sơn để mở lò gốm mới nung, do trại chủ Hướng Miều tạo tác. Trại này chính là nơi Phẩm Can cư ngụ lâu nay, từ ngày rời Phật Tích đại tự.

Lên núi hai ngày, gặp nhiều văn nhân tài tử đang quây quần sáng tác trong trại, Nguyên Ly dốc hầu bao và dốc cả mấy năm kinh nghiệm ra, sưu tập được ít tranh và gốm nặn tay, may có cái xe to của Huyền hàng Da, chở về.

Xuống đến chân núi, tưởng là vô duyên, thì lại gặp ngài Phẩm đang ngồi câu cá. Như có ý đợi, ngài vẫy chú nhỏ theo hầu, bảo đem con chép vàng về cho Hướng Miều. Rồi khoác lên vai cái tay nải bạc sương gió, ngài đi nhờ xe Huyền về kinh thành.

Từ tranh Đông Hồ, “Cá chậu”

Hai con đàn bà được dịp gần quý nhân, hỏi bao nhiêu là chuyện, nghe khuyên bao nhiêu điều từ cao siêu tới thầm kín. Và không tránh được tồn nghi bức tượng của Bạch Nhạn, mà Ly canh cánh bên lòng…

Thì ra, tiên sinh đã lên núi, đem theo một số pho tượng này, hỏi kỹ ngài Phẩm rồi, độ nửa năm trước. Đã nhập thế lánh lên ngàn, thì một cao nhân nho y lý số như Phẩm Can không còn ngại gì miệng tiếng thiên hạ, nói thẳng : “Bảo tàng Cố Cung mà biết anh có những vật này, thì sao để anh phải túng thiếu lâu nay? Đây toàn là hàng mỹ nghệ giả cổ, bằng bột đá tô mầu, mà bọn Tầu bán rất rẻ mạn biên giới. Để trong nhà còn gây hại, vì nó dùng hóa chất, chứ không lành như ngọc tự nhiên.”

Bạch Nhạn chỉ lạnh lùng cảm ơn, nhanh chóng ra về. Ngài Phẩm cũng mau quên việc đó, cho đến khi nghe Linh Thư đánh dây thép lên gợi lại, có nhắc đến Nguyên Ly. Ngài đã bấm một quẻ Dịch, được một cỗ xe tam nhân đồng hành và chú hài đồng ôm cá chép, nên thực đã định trước cuộc trò chuyện này. Ngài khuyên Ly tránh xa một thời gian, để qua cơn sóng gió, thì tự thiên lương và bản ngã sẽ giúp Bạch Nhạn vượt hạn. Nàng tâm phục khẩu phục, càng chăm chỉ đèn sách, học thêm nghệ viết lách, mài dùi ngạch thẩm định, thầm vun xới cho vẻ đẹp của nghề buôn tranh.

(Còn tiếp)

*

Cùng một người viết:

- Vẫn mấy khuôn mặt cũ mèm nổi tiếng ấy…

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu
Kỳ 1: Lính mới

- Việc ấy không cần nhiều tiền,
chỉ cần nhiều công tâm và khát vọng

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu
Kỳ 2: Rơi vào tay hai nhà phê bình

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yếu Kiêu
Kỳ 3: Chìm, nổi, và lại chìm

- Thư gửi họa sỹ trẻ

- Về bác Phạm Lực – ôn cố mong tân

- Luận về ăn uống khi ốm, về khát vọng sống và chất nghệ qua ăn

- Hãy mua ngay khi cơ hội đến

- Người tháp tùng (phần 1)

- Người tháp tùng (phần 2)

- Bùi Thế Phương – Câu chuyện kể bằng thơ tự kỷ

- Một số ảnh Linh Cao chụp trước khi treo tranh

- Trường ca gia cầm

- Đã xem họa sỹ uống trà…

- Ăn chay nằm mộng lưng trời…

- Một bữa tiệc tối đáng nhớ, cần được viết ra…

- Từ một nhành thyme…

- Tiếng vọng từ thiên nhiên: các bạn trẻ nóng vội quá…

- Xem “Nhập nhằng”: làm sao đi bền một con đường độc đáo?

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 1): Tại Lu Loa Cống Xề

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 2):
Về Huệ Thư

- Xem gốm Bảo Toàn: Đập vỡ cây đàn

- Chuyện cô bán tranh: Nhớ thiên đàng nem chua

- Ba lý do khiến trò lười không muốn mở mang

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 3):
Ân oán Hàng Anh với Đirađivô

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 4):
Hoa Ỷ dỗi, Huệ Thư hồi chơi xấu

- Nhân thông tin một nhóm đại gia Việt vừa mua gần 50 bức tranh…

- Tết Art: sự trỗi dậy của cái mầm

- Nhận xét riêng về Tết Art: vẫn chưa thực sự hội chợ

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 5):
Quý vật tìm quý nhân

- Chợ hoa Hàng Lược – cái lúm đồng tiền duyên của phố cổ

- Món chè gấc số đỏ

- Về món mơ ngâm

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 6):
Kinh thành bỗng chốc thất thanh

- 5 đặc điểm để món ăn Việt đi mãi với người Việt

- Bún chả (bài 2): tuyệt phẩm nhà nghèo

- Mì vằn thắn: cảm thức biển trong một bát chứa chan

- “Măng mai măng nứa, cơm lam trà gừng…”

- Cốc chè của mùa hè

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 7):
Sau cơn mưa trời lại sáng

- Bàn tán về tranh nuy

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 8):
Thư-Kỳ lạc truyện

- Bé bỏng nghèo nàn trong lòng phố cổ

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Gia Phả: Sự hòa thuận phô diễn

Mai Chi (từ Hanoi Grapevine) - Ảnh: Larissa Gehrke

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả