Gẫm & Bình

Art talk Đồng Bào – đáng lẽ
nên tránh xa Chủ Nhật 03. 12. 10 - 8:38 am

Atesca

ĐỒNG BÀO

Triển lãm tranh của họa sĩ Phạm Huy Thông
Nói chuyện nghệ thuật: 15:00, chủ nhật 28. 11. 2010
Triển lãm: 28. 11. 2010 – 02. 01. 2011
Bùi Gallery

Sau buổi khai mạc chật nứt người xem, tôi háo hức đến dự art talk của Phạm Huy Thông với niềm tin tất thắng là sẽ có rất nhiều người tham dự, đặt nhiều câu hỏi hắc búa và nếu được thì cãi nhau to nữa càng hay.

Buổi nói chuyện bắt đầu lúc 3h chiều ngày Chủ Nhật, một ngày sau triển lãm, Thông dời giờ từ 4h chiều lên bảo là cho đỡ tắc đường. 3h chiều tôi đến, thấy khoảng hơn chục người trong phòng. Chờ đến 3h30, xuất hiện thêm khoảng 5 người nữa.

Huy Thông mở đầu bằng việc trình bày về quá trình 10 năm sáng tác của anh, từ những mày mò đầu tiên với sơn mài, đến các series Ghế, Hộ pháp, Cập nhật và cuối cùng là series Đồng Bào hôm nay.  Anh cũng tỏ ra thẳng thắn về những điểm yếu trong cách vẽ của mình (Ví dụ vẽ đàn ông nhiều quá nên giờ vẽ phụ nữ đâm ra … méo mó), và những đặc điểm khác trong tranh của anh (hay lồng chữ vào tranh, có nhiều lúc không phải lúc nào cũng có ý nghĩa mà có khi chỉ để … lấp một số chỗ trống trên toan).

Ngay sau phần trình bày của tác giả là phần hỏi –  trả lời khá dài giữa Thông và họa sĩ Bùi Hoài Mai. Tiếp nối từ ý của Thông là sau một khoảng thời gian (thường khoảng 2 năm) tập trung khai thác một đề tài nào đó, anh sẽ tìm một đề tài khác, một “dự án” khác để theo đuổi và theo anh đó là cách để tự làm mới mình, không lặp lại bản thân, Bùi Hoài Mai đặt câu hỏi thế nào là không lặp lại bản thân, phải chăng “làm mới” là nhảy từ đề tài này sang đề tài khác? Đây là một câu hỏi rất thú vị, bản thân người nghệ sĩ, mà ở đây là họa sĩ, có thể lấy cảm hứng từ ngoại cảnh (bằng việc đi đây đi đó, thu thập kinh nghiệm, vốn sống, tiếp thu và phản ánh những sự kiện xã hội như một dạng social commentator – nhà bình luận xã hội), hoặc từ nội tâm (như… Van Gogh).  Theo Bùi Hoài Mai thì những thay đổi trong đời người sẽ tác động lên tính cách của họ, và từ đó phản ảnh lên nghệ thuật của họ, đó mới là những thay đổi về tầm sâu. Còn Phạm Huy Thông quan điểm với anh, khi còn trẻ thì phải “chạy hết khấu hao”, vì có những điều mà về già muốn làm cũng không còn sức mà làm nữa.
 
Quan điểm của hai họa sĩ đều đúng đắn và dẫu có khác nhau chẳng qua là để thể hiện cách nghĩ, hướng đi khác nhau, lời khuyên của Bùi Hoài Mai dành cho Huy Thông là tiếp tục phát huy lối suy nghĩ và lối vẽ của mình, theo sát những sự kiện xã hội để mang đến cho người xem nhiều tác phẩm hơn.

Họa sĩ Bùi Hoài Mai

Một phần hỏi–đáp rất thú vị nữa liên quan đến sự ảnh hưởng của cái gọi là cách vẽ “pop Tàu” lên tranh của Huy Thông nói riêng và các họa sĩ trẻ Việt Nam nói chung. Có họa sĩ nói là “rất sợ khi bị nói vẽ giống pop Tàu”, Huy Thông thừa nhận sự ảnh hưởng của pop Tàu lên tranh của mình và thấy đấy là một điều bình thường, thậm chí là tất yếu vì thứ nhất, thế giới đã trở nên “phẳng toẹt” và sự ảnh hưởng lẫn nhau là không tránh khỏi, huống hồ Trung Quốc có một nền nghệ thuật đương đại đang phát triển rực rỡ. Bùi Hoài Mai có một kết luận theo tôi còn chính xác và bao quát hơn, đó là “cứ vẽ, chả sợ gì cả”, vì cái gọi là pop Tàu nó cũng là một cách vẽ, một cách suy nghĩ mà thôi, còn trong thời đại toàn cầu hóa này, không nên đặt nặng vấn đề biên giới và người nghệ sĩ càng nên tránh những tư tưởng so sánh, tị hiềm dân tộc, vì làm như vậy chỉ tự hạn chế bản thân, mà thói đời “cứ càng sợ cái gì thì lại càng dẫm phải cái ấy”.
 
Nhìn chung, buổi nói chuyện ít đề cập đến chủ thể trực tiếp là triển lãm Đồng Bào và các bức tranh trong series, có lẽ một phần vì đề tài và chủ ý của tác giả thể hiện trong tranh đã khá rõ ràng, mà đi vòng ngoài bàn luận về những vấn đề mang tầm “vĩ mô” hơn, như cách tiếp cận nghệ thuật, ảnh hưởng của văn hóa, chính trị lên môi trường nghệ thuật, v.v…

Riêng tôi, tôi thích sự cởi mở và tinh thần học hỏi lẫn nhau, trong khi vẫn bảo vệ chính kiến của mình trong buổi thảo luận. Tôi tìn rằng mỗi người tham gia buổi thảo luận đều đã “sáng” lên một vài điều. Chỉ có một điều phàn nàn duy nhất là một sinh hoạt văn hóa bổ ích như thế này mà ít người tham dự quá đi mất, có lẽ phần nhiều vì tổ chức tại một thời điểm hơi khó khăn: giữa chiều ngày Chủ Nhật. Ngày Chủ Nhật hoặc là… lười, hoặc là bận, mà nếu không thì cũng để nghỉ ngơi chuẩn bị cho một tuần mới. Theo tôi thì Thông và các nghệ sĩ nói chung có thể tổ chức buổi art talk ngay hôm khai mạc, sau khi để cho quan khách thời gian tiếng rưỡi, hai tiếng tha hồ chiêm ngưỡng tác phẩm. Có thể các họa sĩ muốn dành thời gian để khách xem tranh về ngẫm nghĩ cho “ngấm” tranh, nhưng thiết nghĩ những cảm xúc “ngay và luôn” trước nghệ thuật vẫn đáng quý hơn, chưa kể các câu hỏi dành cho nghệ sĩ cũng thường đến ngay khi khán giả ngồi giữa không gian nghệ thuật và sau khi nghe phần trình bày của tác giả.

Một vài dòng góp ý, hy vọng sẽ được tham dự những buổi art talk rôm rả hơn nữa, vì đây là một sự kiện “bổ” cho cả nghệ sĩ lẫn khán giả mà, cứ càng nhiều người tham gia càng tốt.

*

Bài liên quan:

 – Đồng bào nhớ đến xem “Đồng Bào”
– Lần này, tranh anh Thông giống tranh anh nào?
– Khai mạc Đồng Bào – đừng quên art talk!
 Cảm nghĩ khi xem tranh Thông ngày khai mạc
– Sao cho “thoát” Tàu?
– Art talk Đồng Bào – đáng lẽ nên tránh xa Chủ Nhật

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả