|
|
|
|||||||||||||
Bàn luậnLần này, tranh anh Thông giống tranh anh nào? 27. 11. 10 - 9:18 pmPhạm Huy Thông Viết cho ai?
Viết để làm gì? Cái gọi là bản ngã của cá nhân, hay bản sắc của dân tộc chỉ là những khoảng khái niệm võ đoán. Bản ngã hình thành từ sự giáo dục, hoặc không giáo dục của người khác. Bản sắc văn hóa thì luôn có sự giao lưu, pha trộn giữa các khu vực. Chẳng hạn như văn hóa người Việt xưa kia vốn thuộc không gian văn hóa Đông Nam Á với tục ăn trầu, đàn ông đóng khố và săm mình. Sau 1000 năm Bắc Thuộc, ai mà chẳng thấy văn hóa ta chịu ảnh hưởng nặng nề văn hóa Hán. Hay văn hóa người Việt thời Lý – Trần, do ưu thế về sức mạnh, đã có những áp đặt lên văn hóa Chăm. Nhưng ngược lại, mỹ thuật thời này lại chịu ảnh hưởng lớn từ mỹ thuật điêu khắc rực rỡ phương Nam. V.v… Ngày nay, thế giới phẳng choẹt, sự giao lưu, ảnh hưởng không chỉ đến từ những không gian lân cận, mà có thể đến từ phía bên kia của bán cầu. Văn hóa toàn cầu trở thành một nồi mì hỗn độn. Trong mỗi người có thập cẩm nhiều mẩu văn hóa Đông Tây khác nhau. Để gọi tên được bản ngã, cá tính một người, phong cách một nghệ sĩ không thể đơn giản nhìn ở vẻ bề ngoài, hay phiến diện một góc. Ai cũng ăn mì trộn, nhưng ăn khác nhau thế nào, nhìn vào có nhận ra ngay cá tính của người ăn không, theo tôi đó là chuyện nên bàn ở thời đại này. Bài viết này chủ yếu muốn nói rõ với công chúng rằng tranh của tôi (cụ thể là loạt tranh Đồng Bào 2009-2010) chịu ảnh hưởng của trào lưu nghệ thuật gì, đứng trên vai những người khổng lồ nào. Tôi thiết nghĩ, khi họa sĩ hoàn thành một bức tranh, một chuỗi tác phẩm, thì việc nên làm là thẳng thắn tự nhìn nhận (cũng như phát ngôn ra trước công chúng) rằng mình có sự liên hệ đến những ai trước đó, có thế mới phát triển được. Ở ta, việc làm này không được coi trọng đúng mức nếu không muốn nói rằng bị sợ sệt và lảng tránh. Nếu họa sĩ chủ động trước, nói rõ mình lấy tư liệu từ đâu, cảm hứng như thế nào, từng học tập ai ở điểm nào, khác họ ở điểm nào… thì sẽ không có những sự việc lùm xùm đáng tiếc như vụ “Quỷ – Delvoye” hay gần đây là vụ “Phạm Tuấn Tú – ảnh thời trang Hạnh Vũ”… Một họa sĩ bày triển lãm tranh là chấp nhận cảnh làm dâu trăm họ, bao con mắt nhìn vào, bao lời bình phẩm. Mà kiến thức của một con người thì luôn hữu hạn. Bởi vậy sau bài viết này, nếu ai phát hiện tranh của tôi giống tranh ai nữa nữa, cũng xin mạnh dạn nói thẳng ra. Để tôi được mở rộng hiểu biết và được… xin lỗi, nếu không vì tội “vẽ giống” thì cũng vì tội làm họa sĩ mà dốt, “không hiểu biết”.
Giống ai, khác ai Nhớ khi xưa Victor Tacdieur truyền bá hội họa Tây Âu vào Việt Nam, có một lớp thanh niên trẻ tuổi, bất chấp sự dè bỉu của đám đồ nho, đã hăng hái học tập, khai thác tính ưu việt của phương pháp, kỹ thuật thể hiện hội họa mới. Mỹ thuật Việt Nam thay đổi về cơ bản. Từ những tiếp thu của những họa sĩ thế hệ đầu tiên, hội họa Việt Nam lần mò tìm tiếng nói riêng. Và rồi vóc dáng tâm hồn Việt Nam rốt cuộc đã được trộn vào trong những vệt sơn dầu, những mảng sơn mài và trong những thớ lụa. Thời gian trôi đi, những cái ưu việt dần trở thành lạc hậu và gánh nặng. Giáo trình Tây mới ngày xưa trở thành giáo trình Tây cũ rích bây giờ. Nghệ thuật Việt Nam chờ đón những làn sóng ảnh hưởng mới. Là người tốt nghiệp đồ họa (quảng cáo) và ra trường kiếm tiền bằng vẽ minh họa sách báo, áp phích. Bởi vậy khi chuyển làn sang làm hội họa, tôi vẫn thích cách thể hiện ý tưởng trực diện, sử dụng những hình ảnh mang tính biểu tượng (đôi khi còn sử dụng cả kỹ năng kẻ vẽ chữ rất cây nhà lá vườn)… Túm lại là tranh tôi vẫn có âm hưởng của một áp phích hay của một minh họa cỡ lớn. Tôi thấy điều này không có gì sai trái, nghệ thuật đang không ngừng mở rộng biên giới, chấp nhận nhiều hình thức thể hiện, một minh họa hay một áp phích vẫn có thể bước chân lên giá vẽ. Tuy nhiên điều tiết tính minh họa, đặc trưng áp phích đến đâu cũng là một chuyện đáng bàn, để nghệ thuật của mình có thể sống lâu, không chết yểu như mấy bác vẽ tranh minh họa cúng cụ, về già chỉ luẩn quẩn ở mấy triển lãm của Hội. Lối đưa suy nghĩ vào tranh, thể hiện trực tiếp những bình luận về xã hội đã khiến tranh của tôi giống với trào lưu Pop Art bên Tàu. … với Nhạc Mẫn Quần (Yue Min Jun) Tôi thấy Nhạc Mẫn Quần có 2 điểm mà mình cần học hỏi: 1. Là một họa sĩ sống có quan điểm riêng, có chính kiến và dám thể hiện những suy nghĩ của mình lên mặt tranh. Thành công của Nhạc Mẫn Quần cho thấy người họa sĩ không chỉ cần có kỹ năng thể hiện mà còn phải có cái đầu để tư duy, đầy đủ hiểu biết không kém gì một nhà văn. 2. Nhạc Mẫn Quần xây dựng được thương hiệu nghệ thuật cho riêng mình. Hình ảnh những bộ mặt cười toe toét, cười đến mức quái dị, đến đau khổ đã chiếm lĩnh tâm trí người xem, trở thành tín hiệu nhận biết riêng của Nhạc Mẫn Quần. Hình ảnh những con người đang cười như vui đùa mà lại không vui đùa thể hiện lối tư duy sâu sắc, khéo léo của tác giả để trêu ghẹo cuộc đời. … với HR Giger Giger có vẽ một bộ tranh trong đó những đứa trẻ hình như được nhân bản bằng máy móc, xếp cạnh nhau nhầy nhụa như cá trong hộp đồ ăn. Trông rất ám ảnh. HR Giger đi sâu vào thế giới tưởng tượng của riêng mình, không nói nhiều tới xã hội mà ông đang sống mà vẽ những cảnh vật ở một không gian tưởng tượng xa vời nào đó. … với Lê Quảng Hà 1. Tranh Lê Quảng Hà có cá tính mạnh mẽ, anh lên án thói người, thói đời… Thành công của anh cho tôi thấy, họa sĩ muốn làm việc lâu dài, phải sống có quan điểm, có thái độ với xã hội và với nghệ thuật. 2. Lê Quảng Hà có quá trình phát triển ổn định, tranh của anh luôn có sự đổi mới. Khác với các họa sĩ Hà Nội đồng niên đã vội vã chạy theo đồng tiền, vẽ tranh lặp đi lặp lại, tranh của Lê Quảng Hà luôn thể hiện khả năng sáng tạo, sự diễn tiến. Bởi vậy tên tuổi và giá tranh của Lê Quảng Hà cứ tằng tằng mà đi lên. …với Tang Zhigang Ở bộ Đồng Bào, tôi biến các nhân vật của mình trở lại thành bào thai, dây rốn nối liền với nhau trong tử cung để nhắc nhớ tới sự tích người Việt là anh em cùng một mẹ Âu Cơ sinh ra, đề cao mối đoàn kết dân tộc, và ngược lại, phê phán chiến tranh và những hành vi gây chia rẽ. Việc tôi kể ra sự tích Đồng Bào – Con Rồng cháu Tiên, của người Việt chẳng liên quan gì tới Mỹ thuật đương đại Tàu. Bộ tranh Đồng Bào có nhiều tác phẩm là sự “tiếp đoạt” (từ của Như Huy) các bức ảnh nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam. “Nghệ thuật tiếp đoạt” đã được thực hành từ lâu, ở đó, họa sĩ lấy chất liệu từ những tác phẩm của những người đi trước (tranh, ảnh) để dựng lên tác phẩm của mình, tạo ra một tác phẩm mới với ý nghĩa mới. Tác phẩm Hành quyết của Yue Min Jun phía trên là một ví dụ. Đây không phải là lần đầu tiên tôi thực hành nghệ thuật tiếp đoạt. Bộ tranh Cập Nhật trước đó cũng là sự tiếp đoạt, giễu nhại lại tranh dân gian Đông Hồ. Lần này, nhiều phần của bộ tranh Đồng Bào dựa trên các bức ảnh nổi tiếng về Việt Nam trong quá khứ. Nhưng các bức tranh của tôi nói nhiều tới hiện tại, đến cuộc chiến kinh tế khốc liệt ngày nay hay đến tương lai cộng đồng người Việt. Trong catalô của bộ tranh Đồng Bào, tôi cũng đã có cơ hội nhắc đến các bức ảnh lịch sử mà tôi “tiếp đoạt” để làm thành tranh của mình (qua bài viết của Joyce Fan). Ý muốn ban đầu của tôi là in lại những bức ảnh này bên cạnh các bức tranh của tôi, nhưng chợt nhận ra tôi không có bản quyền sử dụng các hình ảnh này trong catalô của mình dù rằng catalô của tôi không dùng để bán, không phục vụ mục đích lợi nhuận (tiền in do Quỹ CDEF Đan Mạch tài trợ). Thật tiếc bởi nếu không các bạn xem tranh cũng sẽ có thêm nhiều thông tin cho câu chuyện trong mỗi bức tranh. Nhân đây, cũng xin gửi lời cám ơn chân thành của tôi đến các tác giả ảnh. “… một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày, gia tài của mẹ – một đồng xương khô, gia tài của mẹ – một núi đầy mồ… mẹ mong con lũ con đường xa , ôi lũ con cùng cha quên hận thù…” (Gia tài của mẹ) “… Mẹ Việt nằm hai mươi năm, xương da mềm đời giơ sông núi thiêng, một màu vàng trên da thơm…” (Ngày dài trên quê hương) Xin cám ơn cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
… với Ai Ai Nua Với việc “tiếp đoạt” ảnh chụp, phải có những chủ động kiểu khác. Phương pháp của tôi chủ yếu lấy lại bố cục và cố gắng giữ được tinh thần của ảnh, để người xem cùng một lúc nhận diện được cả ảnh và đọc được cả tranh. Sức thuyết phục sẵn có của những bức ảnh nổi tiếng sẽ làm cho tranh nhanh tạo ấn tượng với người xem hơn, làm giàu hơn nội dung của tranh. Đó chính xác là đứng trên vai người khổng lồ. Trên đây, tôi đã kể ra những nghệ sĩ mà tôi được biết, những nghệ sĩ mà tôi yêu thích, chịu ảnh hưởng và những nghệ sĩ có tác phẩm trùng lặp với bộ tranh Đồng Bào của tôi. Nhưng, như đã nói ở trên, kiến thức của một con người luôn có hạn so với kiến thức của đám đông. Bởi vậy nếu các bạn có phát hiện ra tác phẩm của tôi có giống (về ý tưởng, hình ảnh) với tác phẩm của Ai Ai Nua (tức là ai ai nữa) thì cũng xin lên tiếng để tôi có cơ hội mở rộng hiểu biết của mình. Xin cám ơn các bạn đã bỏ công đọc bài viết dài lê thê này. *
Triển lãm tranh của họa sĩ Phạm Huy Thông * Bài liên quan đến Phạm Huy Thông: – Tranh anh Thông có giống tranh anh Thắng? Ý kiến - Thảo luận
6:59
Wednesday,1.2.2017
Đăng bởi:
Triệu Hoa Ngọc
6:59
Wednesday,1.2.2017
Đăng bởi:
Triệu Hoa Ngọc
Tranh bác này mới xem tưởng là rắn, nhưng ngấm rồi mới biết là rồng!
21:33
Monday,6.5.2013
Đăng bởi:
Phạm Huy Thông
Cám ơn lời động viên của bạn Lê Hiếu. Tớ vẫn đang vẽ như điên, hy vọng sẽ sớm có thứ mới bày cho cả làng ném đá. :)
...xem tiếp
21:33
Monday,6.5.2013
Đăng bởi:
Phạm Huy Thông
Cám ơn lời động viên của bạn Lê Hiếu. Tớ vẫn đang vẽ như điên, hy vọng sẽ sớm có thứ mới bày cho cả làng ném đá. :)
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp