Ăn uống

Ăn gì cho không độc hại (phần 7): Bệnh tật, một lịch sử 05. 03. 16 - 7:20 am

Pha Lê

(Tiếp theo phần trước)

Quá trình chuyển từ săn bắt hái lượm sang trồng trọt chăn nuôi là một quá trình gây nhiều đau khổ lên sức khỏe của loài người, và là một quá trình hy vọng rằng chúng ta sẽ không phải lặp lại – dù quả thật tương lai là thứ không biết đường nào mà lần. Nếu săn bắt hái lượm nằm trong thời Đồ đá cũ, thì làm nông nằm trải dài từ thời Đồ đá mới, thời Đồ đồng, Đồ sắt… cho tới ngày hôm nay.

Tranh biếm họa của Monte Wolverton, vẽ cảnh các công ty thực phẩm lớn đang bóp chết trái đất. Cho tới tận bây giờ, nông nghiệp vẫn còn là để tài gây lắm tranh cãi.

Loài người chính ra không phải loài đi làm nông, và làm nông không hề tự nhiên, vì trái đất cũng từng trải qua mấy chục triệu năm với bao nhiêu loài động vật, chẳng loài nào trong thời gian cực dài ấy lại đi trồng với chăn. Nhưng đến khi hết cách, bắt buộc phải chuyển đổi lối sống, chuyện gì đã xảy ra?

Bất di cư bất thiện

Chúng ta, về bản chất hoặc ít nhất về mặt sức khỏe, là loài nên sống du mục, sống kiểu “chạy theo bữa cơm”. Thời Đồ đá cũ, chưa bao giờ chúng ta ở hoài một chỗ. Trái lại ta di chuyển liên tục, dù ta có thể dựng lều trại ở tạm nơi nào đó, nhưng một thời gian sau cũng sẽ đi – nếu không nhằm mục đích tìm nguồn thức ăn mới thì cũng để tránh thời tiết lúc nó chuyển xấu. Từ châu Phi, loài Homo Sapiens tủa đến châu Á, châu Âu, châu Úc, châu Mỹ. Sức đi của con người thật kinh khủng.

Bản đồ miêu tả sự di cư của loài Homo Sapiens. Từ châu Phi chúng ta tủa đến Tây Á, toàn châu Á, châu Úc, châu Âu, và Bắc Nam châu Mỹ.

Nhưng trồng trọt chăn nuôi tức là phải khai khẩn, cải tạo, xới đất làm ruộng. Không thể nào làm mấy chuyện nhọc công đó chỉ để trồng trọt một vụ mùa rồi… bỏ sang nơi khác. Loài người thế là bắt đầu tập trung lại một chỗ, dựng nhà dựng bản làng nhằm dễ bề nuôi cấy. Rắc rối vì thế ập đến.

Từ ăn đủ thứ thành chỉ ăn vài thứ địa phương

Lúc mới chập chững chuyển sang làm nông, không thể nào đùng một cái ông bà tổ tiên chúng ta có sẵn đủ loại rau, đủ loại gia súc gia cầm đã thuần chủng nằm đó chờ họ nhặt về gieo cấy. Như đã nhắc đến trong phần thuần thú nhỏthuần gia cầm với rau, 10.000 năm trước Công Nguyên (TCN) thì Trung Đông mới bắt đầu thuần được cừu dê, 8.000 năm TCN mới có lúa mì, 7.000 năm TCN Trung Quốc mới bắt đầu trồng được lúa gạo – mà đấy là chỉ Trung Quốc thôi, để lúa gạo lan sang các nước khác và để công nghệ làm nồi phát triển đủ nhằm nấu cơm hiệu quả thì phải chờ mãi tận 3.000 năm TCN. Châu Mỹ có bắp, ớt, khoai tây khoai lang ngọt, nhưng đến tận thế kỷ mười lăm thì người Tây Ban Nha với Bồ Đào Nha mới tìm ra châu Mỹ, trước đó các châu khác không có ớt hay khoai Tây.

Ớt đủ màu xanh đỏ tím vàng ở châu Mỹ. Bây giờ nếu tưởng tượng lại cái thời châu Á chưa có ớt thì cũng đủ hiểu món ăn dễ hư, kém đa dạng, và nhạt nhẽo tới mức nào.

 

Khoai Tây cũng có nhiều giống đa dạng, đủ màu xanh đỏ tím vàng như ớt. Không có khoai Tây đồng nghĩa với việc mất hết bao nhiêu món ngon.

Làm nông là một khoảng thời gian dài đi khám phá, tìm hạt giống, thuần ra giống phù hợp, thuần con nọ con kia… Từ là loài ăn đủ thứ, chúng ta chỉ có thể ăn vài thứ ta cải tạo được để trồng và nuôi. Ăn tạp như chúng ta mà không có nguồn thực phẩm đa dạng nên chúng ta bắt đầu bệnh.

Và khi quây lại sống chết một chỗ, chúng ta bắt buộc phải nuôi trồng theo thổ nhưỡng nơi mình ở. Tất nhiên loài người thông minh luôn tìm cách lai tạo giống để nuôi trồng được thực phẩm đến từ phương khác, nhưng đấy là quá trình dài và không phải lúc nào cũng làm được dù cố đến mấy. Như vùng núi non hồ sông gập nghềnh sẽ tiện nuôi dê, chăn vịt chứ không thể nuôi được bò. Vùng thảo nguyên đồi cỏ lại nuôi bò nuôi cừu tốt, nơi giáp biển lại tiện bắt cá.

Loài ăn tạp lúc mới làm nông bị động do chưa thuần được nhiều loại thực phẩm đã chớ, lại còn bị động hơn vì không phải thực phẩm nào đất nước mình cũng trồng cũng nuôi tốt được.

Hai mẹ con dê leo núi. Ở vùng đồ đá hiểm trở thì moi đâu ra cá với bò? Nuôi dê tiện hơn cả do chúng có thể leo trèo tự tìm thức ăn được.

Ngập ngụa xú uế của chính ta

Thời lang bạt không ở nơi nào quá lâu, chất thải của loài người chưa bao giờ có cơ hội… ùn thành đống. Đến lúc túm năm tụm ba lại làm nông, dân số tập trung ở một chỗ ngày càng nhiều lên mà khi ấy loài người chưa biết đào cống đào rãnh, xử lý rác thải lẫn các kiểu chất thải cơ thể làm ra. Trong một thời gian dài, chúng ta sống ngập trong rác cũng như xú uế của chính mình, vô tình ủ nên lắm mầm bệnh mà thời săn bắt hái lượm không có. Các kiểu dịch như cúm, sởi, đậu mùa bắt đầu nhen nhóm; chúng còn dễ lây lan và gây chết người nhiều hơn nữa vì giờ đây chúng ta chen nhau sống sát sạt ở một chỗ. Trái với thời săn bắt sống du mục, lỡ một nhúm người có bị bệnh gì thì cũng khó mà lây cho nhóm người ở nơi xa lắc khác.

Hình minh họa mô tả lại cuộc sống quây quần bắt đầu từ thời Đồ đá mới. Loài người tập hợp ở một chỗ – dân số có khi lên đến cả ngàn, so với thời săn bắt hái lượm thì một tộc một nhóm chừng trăm mạng đã là nhiều. Chúng ta dựng nhà, ăn uống cạnh thú vật và đồng ruộng, đã vậy còn thuộc da, làm bình làm gốm, thậm chí còn… chôn xác chết gần nơi ta ở.

 

Hình vẽ tái hiện lại ngôi làng Catal Huyuk – một trong những khu dân cư đông người ở nhất và còn để lại dấu tích rõ ràng nhất trong thời Đồ đá mới – của Dan Lewandowski. Catal Huyuk nằm ở Anatolia – tức Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Khu dân cư này… không có đường xá, người dân sống chi chít lúc nhúc như tổ ong, nhà này sang nhà kia bằng cách trèo lên mái mà đi. Rác thải bỏ ngay trong nhà mình và nhà hàng xóm.

 

Ảnh chụp vết tích của làng Catal Huyuk

Tuy nhiên, điều đáng tiếc nhất là cho dù sau này ta biết xử lý chất thải đi nữa, đại đa số nguồn nước gần nơi chúng ta sống đã bị nhiễm bẩn. Đi xa tít mù để uống nước suối trong rừng là điều không khả thi do làng mạc lại xa mấy chỗ ấy, loài người chẳng còn cách nào khác ngoài đun nước lên, giết chết vi khuẩn rồi để nguội uống cho an toàn. Nhưng khổ nỗi thứ nước này lại thiếu khoáng chất hơn hẳn so với thời săn bắt hái lượm khi tổ tiên ta uống nước trực tiếp từ sông suối sạch.

Ngập ngụa trong xú uế của động vật

Ngoài đối phó với chất thải của chính con người, chúng ta còn phải đối phó với chất thải của động vật. Thuần heo bò gà để lấy thịt sữa trứng cũng đồng nghĩa với việc sống cạnh chúng nó và xú uế của chúng nó, phải mất một thời gian thì ta mới biết ủ chất thải của chúng để làm phân bón trồng cây lương thực. Quá trình mày mò tìm ra cách ủ phân, làm chuồng trại để cách ly gia súc gia cầm không lâu, nhưng cũng đủ dài để các mầm bệnh đáng lý chỉ ảnh hưởng đến bò đến gà biết cách tiến hóa, trở thành bệnh ảnh hưởng tới người, sau đó thành bệnh lây từ người qua người luôn cho tiện.

Tranh vẽ tường tả lại cảnh chăn nuôi bò dê để lấy thịt, vắt sữa của người ai Cập cổ đại.

Hậu quả lên sức khỏe khi chuyển sang làm nông

Loài người bệnh nhiều hơn, và trong thời gian dài chưa thuần được nhiều loại gia súc gia cầm với cây cỏ, không đa dạng hóa được nguồn thực phẩm, chúng ta bắt đầu thiếu dinh dưỡng. Cơ thể loài người bắt đầu teo tóp, nếu ở thời Đồ đá cũ một người cao cỡ mét bảy mét tám là bình thường, thì loài người từ thời Đồ đá mới lùn hẳn đi. Phải tới tận hôm nay chúng ta mới lấy lại được vóc dáng hồi xưa – nhưng cũng gọi là với số lượng tương đối thôi do lắm nơi lùn vẫn hoàn lùn.

Biểu đồ tính chiều cao trung bình (gọi là trung bình nên thực sự là còn cao nữa) của dân châu Âu từ đầu thời Đồ đá cũ đến lúc chuyển sang làm nông nghiệp. Thời “Hoàng kim” thì một mét bảy chín còn gọi là… trung bình. Đến cuối thời Đồ đá cũ và khi cách mạng nông nghiệp nổ ra, con người teo lại còn một mẩu. Mà đó là châu Âu, châu Á còn lùn nữa.

Xương người thời Đồ đá cũ vừa cứng vừa đặc, tốt từ trong ra ngoài. Sau đó thì sao? Các nhà khoa học phát hiện ra rằng xương người từ thời làm nông trở đi chán theo mọi mặt, vừa loãng vừa thiếu từ canxi đến khoáng chất đến các kiểu vitamin.

Vì mật độ sống dày và sống chung với các loài gia súc gia cầm, con người hiện nay “chia sẻ” khoảng năm mươi mầm bệnh với trâu bò, bốn mươi sáu mầm bệnh với cừu dê, bốn mươi hai với heo, hai mươi sáu với gia cầm. Trong tình hình lâu lâu lại một cúm heo, thi thoảng một cúm gà thì con số này chắc còn tăng nữa.

Con virus rinderpest – tiếng việt kêu là con virus gây bệnh dịch tả trâu bò. Ban đầu con virus này chỉ lây cho trâu cho bò.

 

Nhưng dần dà “nhờ” sống lâu cạnh người mà rinderpest tiến hóa thành virus bệnh sởi, với mức độ lây nhiễm nghiêm trọng từ người sang người. Sởi xuất hiện khoảng năm thứ 500 Công Nguyên, và thành dịch vào thời thế kỷ thứ nhất. Hình: minh họa bệnh sởi trong cuốn sách “Thuốc trị bệnh cho mỗi gia đình” xuất bản năm 1769 tại Anh.

Các vấn nạn này nhân lên gấp mấy lần khi chúng ta sinh sôi nhiều hơn. Thời du mục sống lang bạt chúng ta không có nhiều con cái, thực chất các loài cùng nằm trong nhóm linh trưởng với Homo Sapiens chẳng sinh lắm con bao giờ. Liên tục di chuyển nơi ở đồng nghĩa với ghét lích kích, không thể tay xách nách mang nào đồ đạc nào một lô con nhỏ. Đến lúc ở một chỗ để làm nông, ít phiêu bạt hơn, chúng ta lại nhân đôi nhân ba quân số, một nhà có chục đứa bé là bình thường. Chuyện này ảnh hưởng đến môi trường là điều không cần nói làm gì, nhưng ở thời mới chập chững cày bừa với nguồn thực phẩm hạn chế, chúng ta vô tình tạo ra một thế hệ đông đúc nhưng lại không đủ thực phẩm đa dạng để nuôi thế hệ ấy khỏe mạnh.

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả