Điện ảnh

Spotlight đã giật giải Oscar từ tay The Revenant như thế nào? 01. 03. 16 - 7:38 am

Pha Lê dịch và bình

Bộ phim chính kịch về tổ phóng sự Spotlight của Tom McCarthy đã thách đố những kẻ chuyên cá cược – cùng các nhà phê bình – khi ẵm giải Oscar phim hay nhất, khi mà chiến thắng có vẻ đã nằm chắc trong tầm với của phim The Revenant. Bí quyết phỗng tay trên gì thế này?

Đoàn phim “Spotlight” lên bục nhận chiến thắng vẻ vang nhất tại Oscar 2016.

Kịch tính đúng kiểu Hollywood, Oscars 2016 để dành tình tiết bất ngờ vào những phút chót. The Revenant đang hân hoan với ba giải Oscar lớn nhất đêm – một cho nam diễn viên chính, hai cho quay phim, ba cho đạo diễn xuất sắc nhất – và ai xem truyền hình trực tiếp lễ trao giải cũng nghĩ rằng các nhà sản xuất của The Revenant đang hắng giọng, chuẩn bị sẵn bài phát biểu để lên nhận tượng cho phim hay nhất. Nhưng cái tên Spotlight lại được xướng lên, ôm gọn ông Oscar này về nhà.

Khi anh Leo lên ôm tượng vàng cho “Revenant”, Internet đã bùng nổ vì vui mừng. Cùng với giải đạo diễn, ai mà không nghĩ “Revenant” sẽ thắng tiếp giải phim hay!

Vậy Spotlight đã làm gì đúng, còn The Revenant trật chân ở chỗ mô?

Trước hết, Spotlight từ đầu vẫn nắm cơ hội giành giải; nó là một đối thủ thực sự của The Revenant ngay khi vừa ra mắt. Từ khi công chiếu tại liên hoan phim Venice vào tháng 11. 2015, Spotlight đã thu hút sự chú ý đáng kể. Nó tìm thấy chỗ đứng nhờ thắng một lô các giải thưởng quan trọng – mặc dù đa số giải là dành cho đội ngũ diễn viên với kịch bản, và không thắng nhiều giải then chốt như “phim hay nhất” ở các liên hoan phim nhỏ. Tuy nhiên, ngẫm lại thì Mỹ đang trải qua một chiến dịch tranh cử đầy rẫy các cáo buộc hầm bà lằng từ đủ phe, gây hoang mang cho đời sống nhiều người, trong khi đó thông điệp của Spotlight lại có sách có chứng, gọn gàng dễ hiểu đâu vào đấy, nên những người trong hội đồng bỏ phiếu có thể ưu ái sự minh bạch nghiêm túc của phim này hơn chăng?

“Spotlight” thắng giải Screen Actor Guild – một giải của hội diễn viên Mỹ. Nhìn chung đây cũng là một tác phẩm có tiếng có miếng, và tùy sở thích cá nhân mà họ có thể yêu phim này hơn các phim khác, dù so với sự rầm rộ của các đối thủ năm nay, “Spotlight” xem chừng có lép vế hơn chút đỉnh. May quá phim thắng giải, tôi cũng mừng quá trời, sẽ làm bài về “Spotlight” trong thời gian sớm nhất.

Hơn nữa, cũng nên lưu ý là hội đồng Oscar không suy nghĩ như các nhà phê bình phim. Hồi năm ngoái, Boyhood được các nhà phê bình ưu ái – âu cũng là một lợi thế lớn. Nhưng cuối cùng Boyhood lại thua Birdman – một phim hài về ngành kinh doanh giải trí, vì nó nói lên những cảm nhận thầm kín của những người làm trong ngành công nghiệp điện ảnh, nói lên suy nghĩ của chính họ về loại phim siêu anh hùng đang nhan nhản ngoài rạp. Năm nay, đạo diễn của Birdman – ông Alejandro González Iñárritu – có thể tiếp tục tự tin với bộ phim The Revenant rất chi là mãn nhãn mà mình phôi thai nên; tác phẩm đem đến cho ông giải đạo diễn xuất sắc (và giải quay phim xuất sắc, cho anh bạn đồng hương Emmanuel Lubezki, rồi giải cho anh Leo) nhưng mấy thứ này chẳng ăn nhằm gì khi xét đến giải phim hay nhất.

Nhà quay phim Emmanuel Lubezki tự hào với chiến thắng của mình.

Nói cụ thể hơn, cách cả hai phim vận động quảng bá trước công chúng đã góp phần vào kết quả giải thưởng. Đánh nặng vào chàng diễn viên chính có tiếng lẫn tài, The Revenant tập trung mọi nỗ lực vô Leonardo Dicaprio, và nhiều lời khen cũng dành cho chàng diễn viên vì anh đã thực sự đặt tâm huyết vào thể hiện nhân vật, và tất nhiên phim thu về kết quả cho Leo. Dù vậy, khi nhìn lại quá trình tranh đua, rõ ràng rằng lời lùm xùm về việc “đây là năm của DiCaprio” đã hút quá nhiều năng lượng khỏi cuộc vận động cho giải phim hay nhất của The Revenant, và những người nắm phiếu bầu lại nhìn giải lớn nhất Oscar theo con mắt khác, chứ không… nhìn Leo. Nói cho cùng, họ bầu cho bộ phim họ thấy rằng dễ cảm thông nhất, và chủ đề lặp đi lặp lại với những cảnh quay máu me khốc liệt của The Revenant càng củng cố cái cảm giác rằng nó là một bộ phim ghê rợn, khó gần, khó đồng cảm.

Công nhận “Revenant” hơi man rợ, mẹ tôi cũng mê Leo nhưng xem xong vẫn phải lè lưỡi bảo gớm, xem không quen.

Mặt khác, Spotlight chẳng phải lo chuyện tranh đua diễn viên chính với chả phụ (biết kiểu gì cũng khó ăn), nên họ chủ yếu dành hết nỗ lực vận động cho thông điệp của phim, thuyết phục những người có tầm ảnh hưởng xem phim, và dám đứng lên phản đối nạn lạm dụng trẻ em trong Giáo hội – yếu tố làm nên thành công cho tác phẩm ngay từ những buổi chiếu đầu. Spotlight hiện thân thành một bộ phim người xem hoàn toàn có thể thông cảm và đặt mình vào đấy được: những người nắm phiếu Oscar có thể chưa từng trải nghiêm cá nhân gì với nạn lạm dụng trẻ em trong nhà thờ, nhưng đây lại là vấn đề họ dễ dàng quan tâm sâu sắc.

Mỗi lần xuất hiện để quảng bá “Spotlight”, chàng diễn viên chính Mark Ruffalo và đạo diễn Tom McCarthy luôn nhắn nhủ về thông điệp phim, kêu gọi giáo hội chỉnh đốn tác phong, xử phạt những linh mục vi phạm đạo đức.

 

Bản thân Mark và Tom đều là những người nhiều lý tưởng, thích làm từ thiện và đi vận động vì lẽ phải chứ không chỉ kêu gọi với mục đích giành Oscar bao giờ. Mark ủng hộ ông Bernie Sanders nhiệt tình, nổi tiếng chuyên tâm đi vận động nhằm nâng cao ý thức về biến đổi khí hậu, đứng về phái đẹp trước các tệ nạn như cưỡng bức, và thường xuyên lên án các công ty vì lợi nhuận mà phá hoại môi trường lẫn cuộc sống con người như Monsanto.

Kết quả là, sau khi Boyhood thất thế năm ngoài, và Carol chẳng vớt vát được gì năm nay, thực tế cho thấy những phim có tiếng tăm, được giới phê bình yêu thích không nhất thiết sẽ là phim Oscar ưu ái. Nhưng thôi giải gì cũng chấm giống nhau hết thì nó mất xừ hồi hộp, sao còn vui nữa?

 

Ý kiến - Thảo luận

23:18 Sunday,6.3.2016 Đăng bởi:  Thy Thương
Với mình, Spotlight thắng đơn giản vì nó quá hay. Mình thấy lúng túng khi nói về phim này, vì nó không gợi ra cảm giác giống bất kỳ phim nào trước đây mình từng xem, mà cảm giác đó lại khó diễn tả nữa. Nhưng theo mình, Spotlight chiến thắng không phải vì thông điệp của phim (dù nó rất tuyệt) mà ở cách dựng phim độc đáo. Phim tập hợp một dàn diễn viên được đánh
...xem tiếp
23:18 Sunday,6.3.2016 Đăng bởi:  Thy Thương
Với mình, Spotlight thắng đơn giản vì nó quá hay. Mình thấy lúng túng khi nói về phim này, vì nó không gợi ra cảm giác giống bất kỳ phim nào trước đây mình từng xem, mà cảm giác đó lại khó diễn tả nữa. Nhưng theo mình, Spotlight chiến thắng không phải vì thông điệp của phim (dù nó rất tuyệt) mà ở cách dựng phim độc đáo. Phim tập hợp một dàn diễn viên được đánh giá cao về thực lực nhưng không có cá nhân nào trội lên, các nhân vật dường như đều tự làm cho mình chìm đi, bởi cái phim hướng đến chẳng phải là lý tưởng của một cá nhân nào mà là công sức của tập thể. Người ta biết kết cục ngay từ khi phim mới bắt đầu, nhưng không hình dung được làm cách nào mà có thể dẫn đến kết cục đó. Phim có nhiều tình tiết căng thẳng nhưng không có điểm nào là nút thắt, một mâu thuẫn nảy sinh, được tháo gỡ dở dang, rồi lại nảy sinh mâu thuẫn khác, nhưng cho đến kết thúc vẫn không có đoạn nào được gọi là cao trào. Lắm mâu thuẫn, nhiều sự vụ phát sinh như vậy bởi vì đây là phim về nghề báo. Những chi tiết mà nó mô tả, nếu tách ra đơn lẻ thì dường như có thể xảy ra ở bất kỳ tòa soạn nào: việc đau đầu chọn đề tài cho mảng tin tiêu điểm, việc bám sát theo từng nhân vật để viết bài, việc lăn lộn ở đủ mọi môi trường tác nghiệp với trăm phương nghìn kế bày ra để moi tin, việc xao lãng bỏ qua những thông tin khẩn, kể cả việc đang theo một chuỗi phóng sự dở dang mà phải gác lại để theo vụ khác… Nhưng những chi tiết đơn giản đó, kết hợp với tính chất nghiêm trọng của sự việc mà nhóm phóng viên trong phim đang phanh phui, lại nói lên rất nhiều điều về nghĩa vụ tìm ra sự thật và nói lên sự thật của báo chí, cũng như quá trình thực hiện nghĩa vụ đó khó khăn biết nhường nào. Phim nói về quá trình điều tra của một nhóm nhà báo về vấn đề lạm dụng trẻ em ở nhà thờ công giáo, và bản thân bộ phim cũng được xây dựng như một phóng sự về nghề báo: chân thực, không tô vẽ, không cố tình nêu ra triết lý giáo điều nào nhưng lại khiến ta suy ngẫm nhiều về vai trò thật sự của báo chí hơn rất nhiều những tuyên ngôn sáo rỗng vẫn nhan nhản hàng ngày trên mạng. 
13:36 Tuesday,1.3.2016 Đăng bởi:  vân
Mình nghĩ thêm một nguyên nhân nữa là năm trước Birdman đại thắng rồi nên năm nay Alejandro khó ăn giải best picture.
...xem tiếp
13:36 Tuesday,1.3.2016 Đăng bởi:  vân
Mình nghĩ thêm một nguyên nhân nữa là năm trước Birdman đại thắng rồi nên năm nay Alejandro khó ăn giải best picture. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả