Văn & Chữ

Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 6):
Kinh thành bỗng chốc thất thanh 05. 05. 16 - 8:37 am

Nguyên tác: Rào Luống Cần. Biên dịch: Linh Sơn cao hổ cốt chân nhân

(Tiếp theo hồi 5: Quý vật tìm quý nhân)

Hồi 6
Khi chén rượu, lúc cuộc cờ
Người hầu mình thánh, kẻ chờ ra đê

“Hạ” (thuộc tứ bình tranh Hàng Trống)

Mùa hạ nóng bỏng và quyến rũ sắp ào đến. Nằm nghe tiếng sấm gọi hè ùng ục lăn trên mái ngói thâm nâu phố cổ, Hảo Ngọc rộn ràng niềm phấn khích thầm lặng. Chàng sắp du ngoạn Âu châu một quắn, ngõ hầu dò la tìm bạn kết bè tranh thủ lôi về ít vốn. Mấy người bạn ở bển cậy chàng làm gián điệp tìm nhân tài hội hoạ, để chọn tranh in vào một quyển kinh lớn, cho thế gian thêm rất nhiều tư liệu lịch sử và thủy hử bớt đi đám chí sĩ vô danh…

Việc này mới đầu Hảo Ngọc định nhờ đội chủ phòng tranh như Nguyên Ly chọn họa sĩ giúp. Nhưng vòng qua dăm ba cuộc phỏng vấn, chàng chợt nhận ra bông hoa đẹp nhất trong vườn thì không ai dại dâng ngay cho kẻ khác. Chàng bèn đăng bố cáo để tự các xưởng họa biết mà tiến cử bản thân, âu cũng là một lần kén phò mã cho rất nhiều công chúa cóc…!

Chuyện này diễn biến thế nào thì chắc chắn phải sát sao và dần dần sẽ phao tin trong các hồi tiếp vậy…

Xã hội thành Trường An lúc này nổi lên phong trào hồi cổ và phục hưng nghệ thuật. Khắp nơi nơi, ngoài vỉa hè thì hát xẩm, trong sa lông lại hát ca trù mà ở quán xá thì trộn hai thứ lại thành ả đào mù, đeo kính mát the thé hát inh ỏi mong móc hầu bao du khách hiếu kỳ cộng với số đông đang học đòi sành điệu. Ngôi sao quyết mọc trong phong trào này là đạo diễn Diệc Chú, cậu còn trẻ nhưng cũng thí nghiệm đủ kiểu rồi. Từ nhạc nhẹ đến nhạc nặng đều đã đạo đến nơi đến chốn, nhưng diễn thường không mấy được lâu. Lần này cậu được mấy đại phu nhân đam mê lên đồng rót vốn, trang trọng cho ra mắt một sô chầu văn theo lối sân khấu mới. Hầu ở các phủ thường dài hơn bốn canh giờ, tiền tung bốc rời phấp phới, là sinh hoạt đồng bóng đền phủ. Nhưng hầu của Diệc Chú chỉ trong một canh, là vẻ đẹp của ca nhạc với kịch hình thể trên sân khấu, âm thanh màu sắc mùi hương….tất cả ngồn ngộn ngạt ngào ngây ngất, hay không bút nào tả xiết. Và vô cùng vắng khách xem sô!

“Tứ phủ”, tranh Hàng Trống

Cứu tinh lúc này ló rạng. Bà cùng là nữ sinh Trưng Vương, bạn học với Hoa Ỷ lão bản. Cả hai bà đều là con nhà ngoại giao đoàn nhưng Chanh Sâu nương nương thì theo nghiệp tổ phụ chứ không rẽ sang đi buôn như lão bản. Vốn rất cổ vũ cho văn nghệ cổ truyền, Chanh Sâu bèn nhận lời, đứng ra mời giúp Diệc Chú một buổi mít tinh, nhân dịp 108 năm kháng chiến chống tham nhũng của cộng đồng nói tiếng Miên tại Lào, thì xôn xao mời các vip đến xem hầu đồng. Và tất nhiên đã mời thì đông nghẹt! Còn mua vé xem mất tiền thì hay mấy cũng thôi, đó thật là nét thanh lịch pha đậm thói cần kiệm vô liêm sỉ, và số đông hoan hỷ xem xong là chê như bố đời!

Đêm hôm ấy, ở sảnh lớn của U Mê plaza, đèn nến nhập nhoạng tối như xẩm sờ. Mấy lư trầm khói xông mù mịt, quan khách đóng bộ tề chỉnh nườm nượp kéo vào, kín đáo nắm chặt tay bạn đi cùng, phần sợ lạc nhau, phần sợ ma vồ. Nhà đài bày voi ngựa hàng mã con nào con nấy to khổng lồ, trang kim lấp lánh, lễ tân mặc áo tứ thân, cô nào cũng béo tốt phương phi lắm. Các ngài tham tán, rồi quan án quan đốc, thầy ký thầy cò cho đến đôi anh chị vằn vện bảo kê và rất dễ nhận ra là mấy chị sạp vải chợ Hôm xen lẫn bác xe ôm chợ Gạo, giọng khào khào bà măng miến hàng Bè cạnh to phè bác hàng phở Bắc Hải…

Hoa Ỷ cũng đến dắt theo phu quân, nhưng xa xa thấy thấp thoáng mấy lính cẩm y vệ là bồ nhí bà nuôi lâu nay, gặp các quan anh, bà đứng giữa đám đông nói cười ha hả, sảng khoái lắm… Âu cũng là sinh hoạt giải trí thôi mà. Chanh Sâu thì cười đủ băm sáu điệu, vì cứ người trước hô hô thì kẻ sau lại phải hơ hơ. Bà mặc áo vest lụa bóng lộn và quấn váy xà rông, múi nào múi nấy nom vượng khí chả kém mấy vị đại sứ Lào.

Diệc Chú diện nguyên bộ smoking đen đuôi tôm, vóc dáng hóm hỉnh may chỉ có vua hề Sạc Lô là bì kịp, ngực cậu cài hoa đỏ điệu nghệ, chào hỏi dạ vâng tê cả cơ môi. Màn phát biểu dài dòng đúng mốt, cám ơn cám huệ đề huề, rồi một ngài hói bóng lên nói tiếng Miên cho mấy đại biểu hiểu. Hiểu rồi vỗ tay, quân ta thở phù may quá diễn rồi.

“Ông Hoàng cưỡi cá”, tranh Hàng Trống

Màn nhung kéo lên, hai cung văn hát dẫn nhập cùng ban nhạc đầy đủ sáo tranh trống nguyệt, thanh âm thánh thót phiêu bồng. Một hồi thì nữ thanh đồng khăn áo rực rỡ đi ra từ bóng tối, hai chú hầu dâng nối gót mặc áo cánh mầu hoa lý, môi son má phấn tận tình mặc cho cô đồng bộ xiêm y và khăn mũ màu xanh lục, trâm cài lược dắt mỹ ký lóng lánh. Khán giả im phắc chăm chú xem, lần lần sang đến giá ông hoàng Mười rồi cuối cùng đến cô Bé thượng ngàn, thì đồng nhẩy tưng rồi bưng mâm lộc chạy xuống tung ban cho tất cả khán phòng, cùng lúc cơn mưa cánh hoa hồng nhung từ trên lầu rơi xuống đầu mọi người, thật như lạc vào tiên cảnh…

“Bà chúa thượng ngàn”, tranh Hàng Trống

Ai nấy hoan hỷ vừa chen vai thích cánh ào ra ngoài sảnh vừa nói to cười lớn để hồn ta nhập lại vào xác mình, không lả lướt thăng giáng đâu đây nữa. Thổi một mỹ cảm tâm linh vào sô diễn, Diệc Chú quả có thực tâm muốn phục hưng nếp văn hoá cổ. Ngày xưa các cụ đi hầu đồng có khác nào đi lựa cây cảnh hay may thêm áo dài đâu, cũng thường xuyên và thưởng thức như vậy. Chẳng qua là đến thời buổi rối loạn niềm tin, rã rời chân lý, nên bám vào truyền thống mong tìm cảm hứng cho một thú vui ru ngủ thôi…

Hảo Ngọc được mời xem từ hôm tổng duyệt, chàng rất sốt ruột với những hết thay lại cởi quần áo cho thanh đồng. Nhưng vốn tính nhã nhặn, chỉ thì thào với Nguyên Ly: Anh chả hiểu gì, hay tại anh quen nghe giao hưởng?

Hàng Anh thì thích mê tơi, trong máu hắn đã sẵn có cái chất đồng cốt hâm hấp ấy. Hôm đi theo nhóm mấy cấm vệ tháp tùng Hoa Ỷ, hắn cũng nhai trầu đỏ loe bỏm bẻm, rồi phê phà bá vai bá cổ đong đưa theo tiếng hát văn. Mấy hôm sau, cậy đang thừa tiền do mấy quán Dã Chiến mở ra rất ăn khách, hắn lôi kéo thêm mấy mợ tám vía xăng pha nhớt, lập hội đi hầu đồng khắp các đền phủ. Mama Linh Thư cũng hùa vào, may tặng bộ khăn chầu áo ngự thêu hoa đắp gấm, nhưng xé gấu te tua cho đủ chất đương đại. Hảo Ngọc thì ái ngại, khuyên trước khi vào lễ nên ngậm cục sâm Cao Ly cho đỡ mê mệt, rồi với lòng tốt vô bờ bến, chàng kiếm đâu được một hộp sâm cho Hàng Anh thật…

Chuyện đến đây tưởng đã là vui vẻ, ai dè ở đâu bỗng thấy bang hội Vịn Vương đến thu mua đất đai nội thành. Hội này vàng bạc ngân lượng nhiều như quân Nguyên, nên cùng một lúc hung tin lan ra: cả vườn Hoàng Trưng cùng Lu Loa trà quán đều đã bị Vịn Vương thâu tóm, sắp thu lấy đất để xây phủ mới.

“Hổ”, trích tranh Ngũ Hổ, Hàng Trống

Cư dân trong vườn náo động, Ly đành lòng mai mốt dọn về nhà Thư ở nhờ, Bạch Nhạn thì viết thư sang Pháp quốc cầu cứu hãng Sotherby mở đấu giá bán toàn bộ tài sản đồ cổ tranh tượng. Còn Huệ Thư tức tưởi chết lặng, thị chót chơi họ bị lừa và còn mua cả chứng khoán, đặt hết khế ước đất với phẩm hàm của chồng, nên giờ trong tay chỉ còn ít bạc vụn giắt lưng với mớ xoong chảo quần áo, đã hẹn ngày phải cuốn gói ra đi…

Hảo Ngọc là người bình tĩnh nhất. Chàng cho rằng trên đời không có gì không thể thương thuyết trong diễn biến hòa bình. Nên vào một ngày mưa dông dữ dội, Hảo ta ăn bận nghiêm nghị, thắt nơ đen cổ cồn, thuê một con Limousine trắng muốt, chạy ra bãi giữa sông Hồng, mượn cơn gió có mùi phù sa mà đàm phán với Vịn Vương.

(Còn tiếp)

*

Cùng một người viết:

- Vẫn mấy khuôn mặt cũ mèm nổi tiếng ấy…

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu
Kỳ 1: Lính mới

- Việc ấy không cần nhiều tiền,
chỉ cần nhiều công tâm và khát vọng

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu
Kỳ 2: Rơi vào tay hai nhà phê bình

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yếu Kiêu
Kỳ 3: Chìm, nổi, và lại chìm

- Thư gửi họa sỹ trẻ

- Về bác Phạm Lực – ôn cố mong tân

- Luận về ăn uống khi ốm, về khát vọng sống và chất nghệ qua ăn

- Hãy mua ngay khi cơ hội đến

- Người tháp tùng (phần 1)

- Người tháp tùng (phần 2)

- Bùi Thế Phương – Câu chuyện kể bằng thơ tự kỷ

- Một số ảnh Linh Cao chụp trước khi treo tranh

- Trường ca gia cầm

- Đã xem họa sỹ uống trà…

- Ăn chay nằm mộng lưng trời…

- Một bữa tiệc tối đáng nhớ, cần được viết ra…

- Từ một nhành thyme…

- Tiếng vọng từ thiên nhiên: các bạn trẻ nóng vội quá…

- Xem “Nhập nhằng”: làm sao đi bền một con đường độc đáo?

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 1): Tại Lu Loa Cống Xề

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 2):
Về Huệ Thư

- Xem gốm Bảo Toàn: Đập vỡ cây đàn

- Chuyện cô bán tranh: Nhớ thiên đàng nem chua

- Ba lý do khiến trò lười không muốn mở mang

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 3):
Ân oán Hàng Anh với Đirađivô

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 4):
Hoa Ỷ dỗi, Huệ Thư hồi chơi xấu

- Nhân thông tin một nhóm đại gia Việt vừa mua gần 50 bức tranh…

- Tết Art: sự trỗi dậy của cái mầm

- Nhận xét riêng về Tết Art: vẫn chưa thực sự hội chợ

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 5):
Quý vật tìm quý nhân

- Chợ hoa Hàng Lược – cái lúm đồng tiền duyên của phố cổ

- Món chè gấc số đỏ

- Về món mơ ngâm

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 6):
Kinh thành bỗng chốc thất thanh

- 5 đặc điểm để món ăn Việt đi mãi với người Việt

- Bún chả (bài 2): tuyệt phẩm nhà nghèo

- Mì vằn thắn: cảm thức biển trong một bát chứa chan

- “Măng mai măng nứa, cơm lam trà gừng…”

- Cốc chè của mùa hè

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 7):
Sau cơn mưa trời lại sáng

- Bàn tán về tranh nuy

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 8):
Thư-Kỳ lạc truyện

- Bé bỏng nghèo nàn trong lòng phố cổ

Ý kiến - Thảo luận

22:54 Tuesday,10.5.2016 Đăng bởi:  rieng&chung
Đọc mà cảm giác như xem xiếc, cuốn hút, hồi hộp và căng thẳng. Các nghệ sĩ xiếc chữ nghĩa nhào lộn chóng cả mặt dưới bàn tay điều khiển điêu luyện của cụ Cao hổ cốt chân nhân... Phải nói là giống xem xiếc Tàu hoặc xiếc Nga, hơn hẳn xiếc nhà.
Công lực này dường như chỉ có các họa sĩ luyện nổi.
...xem tiếp
22:54 Tuesday,10.5.2016 Đăng bởi:  rieng&chung
Đọc mà cảm giác như xem xiếc, cuốn hút, hồi hộp và căng thẳng. Các nghệ sĩ xiếc chữ nghĩa nhào lộn chóng cả mặt dưới bàn tay điều khiển điêu luyện của cụ Cao hổ cốt chân nhân... Phải nói là giống xem xiếc Tàu hoặc xiếc Nga, hơn hẳn xiếc nhà.
Công lực này dường như chỉ có các họa sĩ luyện nổi. 
8:15 Saturday,7.5.2016 Đăng bởi:  Em bé

Người chép sử và nhà phê bình nghệ thuật cùng được cất giữ một viên ngọc quí. Ngày ngày họ mang ra lau chùi nên viên ngọc sáng như gương, phản chiếu sự thật không tô vẽ. Ông bà nào không có viên ngọc đó là chọn sai nghề. Nhân rân cần lao hay gatô, những người đợi việc và các nhà nghiên cứu sâu rất mê mẩn viên ngọc này còn kẻ độc tài, kẻ xu thời, người
...xem tiếp

8:15 Saturday,7.5.2016 Đăng bởi:  Em bé

Người chép sử và nhà phê bình nghệ thuật cùng được cất giữ một viên ngọc quí. Ngày ngày họ mang ra lau chùi nên viên ngọc sáng như gương, phản chiếu sự thật không tô vẽ. Ông bà nào không có viên ngọc đó là chọn sai nghề. Nhân rân cần lao hay gatô, những người đợi việc và các nhà nghiên cứu sâu rất mê mẩn viên ngọc này còn kẻ độc tài, kẻ xu thời, người ưa nịnh thì ghét cay ghét đắng. Hiện thời viên ngọc đã bị thất lạc các chuyên gia đang nỗ lực tìm kiếm.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nhuộm xanh-trắng-đỏ cùng nước Pháp

Phạm Tuấn Anh - Phần ảnh do Phạm Phong biên dịch

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả