Trường phái

Ngắm Venus Figurines, nghĩ về thời hoàng kim “vú to mông nở”17. 05. 16 - 9:34 am

Phó Đức Tùng

 

“Venus of Dolní Věstonice”, món đồ gốm sớm nhất được phát hiện, có cách đây khoảng 29,000 – 25,000 năm. Ảnh của Petr Novák, Wikipedia

Chúng ta đã bàn tới các tranh hang động, kế là những bức tượng phụ nữ, thường được gọi là Venus figurines.

Những bức tượng này thường được làm bằng xương, ngà, đá, và có kích thước nhỏ, từ vài cm tới khoảng 20cm, thuộc loại đồ có thể mang theo (mobile art). Loại tượng nàyđược tìm thấy khắp vùng châu Âu, từ Địa Trung Hải cho tới Sibiry, với niên đại trải dài suốt thời thượng kỳ đồ đá cũ, nhưng lại có những nét cơ bản rất giống nhau, khiến người ta có thể coi là một loại tượng, một trường phái.

Xét về đặc điểm bề ngoài, những tượng này đa số là tượng nữ khỏa thân không trang sức, vú to mông nở, bụng phệ hoặc có thể chửa, dáng đứng thẳng, hai chân chụm. Thường không có bàn chân.Tay hoặc là không có, hoặc là rất nhỏ, đặt trên vú hoặc đỡ dưới vú. Đầu thì chỉ là khối tròn không có mặt, nhiều khi rất nhỏ.

Hình từ trang này

Bây giờ ta bàn về mấy khía cạnh: những tượng đó có thể là gì? và tại sao ta lại thấy chúng rất ấn tượng?

Một mẫu người nữ lý tưởng

Trước hết, ta cần phải tìm hiểu xem những bức tượng đó có mục đích gì, diễn đạt điều gì. Tất nhiên, mọi quan điểm đều cho rằng chúng có tính tín ngưỡng, và có tính phồn thực.Tuy nhiên, nói như vậy chưa đủ rõ. Ta có thể hình dung tín ngưỡng ở đây không phải thờ một nữ thần trừu tượng, chẳng hạn đất mẹ, bà mẹ thiên nhiên v.v. Tín ngưỡng thờ đất mẹ thường chỉ xuất hiện khi con người bắt đầu định canh định cư, sống bằng nông nghiệp. Chỉ khi đó, cái cảm giác về thần đất mẹ là người có thể quyết định cho hay không cho con người những mùa màng như mong muốn mới trở nên rõ ràng. Ngoài ra, nếu là thờ đất mẹ trừu tượng, người ta sẽ có thể có nhiều tưởng tượng là bà mẹ muôn loài này phải có hình dạng ra sao. Sự thống nhất về hình dáng các bức tượng ở khắp nơi, trong toàn bộ mấy chục ngàn năm, cho thấy cái mà nó muốn thể hiện là người phụ nữ.

.

Việc những bức tượng này không có các dáng vẻ khác nhau, tư thế khác nhau, cũng không có mặt mũi, cho phép ta phỏng đoán là nó không muốn tả thực người phụ nữ cụ thể ngoài đời, mà chỉ muốn thể hiện một chuẩn mực mang tính biểu tượng về sự phồn thực phụ nữ. Những bức tượng phụ nữ về sau này thường có nhiều tư thế, dáng vẻ sinh động, có mặt mũi biểu cảm, nhưng lại không toát ra được một vẻ uy nghiêm tâm linh như các bức tượng đồ đá cũ.

Theo tôi, có sự khác nhau rất cơ bản giữa hai loại tượng này. Những bức tượng thời đồ đá cũ có lẽ được làm ra trong một chế độ mẫu hệ, với quyền uy bất khả xâm phạm của người phụ nữ.Tượng làm ra là tượng nữ thần quyền uy. Trong khi đó, đa số các tượng sau này là tượng phụ nữ của một thể chế phụ hệ. Phụ nữ khi đó là đối tượng sở hữu, ham muốn của đàn ông. Họ được thể hiện ở mọi góc dáng gợi cảm, hấp dẫn mà người đàn ông có thể nhìn thấy. Nhưng ngay việc mô tả người phụ nữ thật đã khiến họ trở thành đối tượng, thành “object”, và do đó kém hẳn độ linh thiêng.

Venus Lespugue, 6.000 năm trước Công nguyên. Hình từ trang này

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những tượng venus đồ đá cũ là do người phụ nữ tự làm, dưới góc nhìn chính cơ thể mình từ trên xuống, không soi gương. Nếu như vậy thì đây vẫn sẽ là một dạng tả thực. Quả thật người ta đã quan sát thấy ngay ngày nay, vẫn còn những bộ lạc châu Phi mà người phụ nữ có cấu trúc vú to mông nở một cách kỳ lạ, đúng hệt như các bức tượng vệ nữ đó. Người ta cho rằng khả năng tích mỡ ở vú, mông, bụng, đùi này có vai trò sống còn để vượt qua những ngày đói kém. Giả thuyết này cũng logic. Nhưng thật khó mà tin là một giống người ưu việt như vậy, từng phân bố khắp nơi trên thế giới, mà nay lại chỉ còn ở một vài bộ lạc rất nhỏ.

“Venus of Willendorf”, có khoảng 24.000 – 22.000 năm trước.

Nói cách khác, bức tượng thể hiện một mẫu người lý tưởng mong muốn, chứ không phải tả thực một người cụ thể.Trong văn hóa của các bộ lạc còn đến ngày nay, gần như không có hiện tượng tả thực một nhân vật quyền lực để thờ cúng. Vì nếu nhân vật đó thực sự quyền lực, họ sẽ được tôn thờ trực tiếp và mọi hình thức thể hiện họ đều phải cách điệu, ám chỉ, chứ còn việc tả thực thường sẽ làm giảm quyền uy. Thông thường, một bức tượng như vậy sẽ thể hiện truyền thuyết về bà tổ của bộ lạc, và những người con sau này tự hào là mình được thừa hưởng một chút nào của bà tổ đó thôi.

“Venus of Willendorf” (nhìn nghiêng), có khoảng 24.000 – 22.000 năm trước.

Mẫu hệ hay phụ hệ?

Xét từ một góc độ khác nữa, cùng là tính phồn thực, nhưng cái phồn thực mẫu hệ rất khác phồn thực phụ hệ. Phồn thực mẫu hệ tập trung vào năng lực chửa đẻ của người phụ nữ.Những biểu tượng mẫu hệ đặc trưng nhất trong thiên nhiên là các loài mối, ong, kiến. Các con mối chúa, ong chúa được coi trọng đặc biệt, trong khi những con đực chỉ được coi là những “service” rất phụ. Phải nói là có sự tương đồng rất lớn giữa những bức tượng vệ nữ và hình ảnh con mối chúa.Trong khi đó, một chế độ phụ hệ sẽ nhấn mạnh vào hành động giao hợp, cho đó là mấu chốt của sự sinh tồn. Trong hành động giao hợp đó, sự cương cứng của dương vật và động tác phóng tinh rõ ràng có ấn tượng hơn hẳn sự tiếp thu thụ động của âm hộ. Nữ giới bị rút xuống vai trò “service”, thậm chí sex toys. Và cho dù âm hộ và bầu vú có được thể hiện đẹp đẽ, cách điệu thế nào đi nữa, như ở văn hóa Champa, thì chúng vẫn chỉ như bệ đỡ, hay như trang trí cho cái linga đầy ấn tượng mà thôi.

Bệ đỡ cho tượng linga bằng đá trắng

Về việc chế độ mẫu hệ ở thời kỳ đồ đá cũ, có nhiều tranh cãi.Khái niệm mẫu hệ ở đây không nên hiểu theo nghĩa hẹp là người phụ nữ nắm quyền điều hành, kinh tế hay tâm linh, vì thực ra không có lý do thuyết phục nào để cho thấy thời kỳ đồ đá cũ sẽ phải có chế độ này. Có thể hình dung tương tự như mô hình Sparta hay cộng hòa của Plato, xã hội này sản sinh ra những thành viên của cộng đồng, phục vụ cộng đồng, như đàn quân kiến hay ong. Những đứa trẻ không bao giờ nên biết cha mẹ chúng là ai. Không có sở hữu cá nhân, tất cả là vì tập thể, và nghe theo quyết định của những thể chế tập thể. Kể cả nam hay nữ đều có thể là những chiến binh, đều có thể tham gia săn bắn, hái lượm. Trong một công xã nguyên thủy như vậy, không ai, cho dù là nam hay nữ, có thể có được vị trí linh thiêng tối thượng. Cái duy nhất mà cả quần thể có thể tôn thờ, là một nguồn sinh ra tất cả, một con mối chúa nguyên thủy, tổ tiên sinh ra tất cả. Tất nhiên người ta luôn có thể có lựa chọn về cái ban đầu giữa một mẹ tổ sinh ra đàn con và một tia chớp sáng tạo thăng hoa nam tính. Nhưng nếu xét trong bối cảnh nguyên thủy, khi con người vất vả săn và bị săn, việc chửa đẻ, nuôi con cho tới lúc tự lập được là cả một sự khó khăn vô cùng, nguy hiểm tính mạng, và người ta khó có thể coi tất cả quá trình gian khổ đó không quý bằng một giây hào hứng xuất tinh.

Venus Hohle Fels, có khoảng 35.000-40.000 năm trước, thời của những người Cro-Magnon đầu tiên ở châu Âu

Tóm lại, ta có thể hình dung những bức tượng vệ nữ đồ đá cũ là những bà mẹ thủy tổ của các bộ tộc, là đối tượng, nguyên tắc mà cả bộ tộc tôn thờ. Có người cho rằng xã hội loài người đã thay đổi một cách cơ bản khi thay biểu tượng linh thiêng tối cao từ hình ảnh người phụ nữ chửa đẻ, cấu trúc chắc chắn sang người đàn ông hom hem chết vặt vẹo trên cây thánh giá, trong khi người phụ nữ trở thành nguyên nhân của tội tổ tông. Sự thắng thế tuyệt đối của cái lý trí phi tự nhiên này là biểu tượng của tất cả những thảm họa mà loài người đang và sẽ phải đối mặt.
Vậy thì vấn đề mà những bức tượng vệ nữ cổ đại gợi cho ta không chỉ là vú to mông nở, không chỉ là những tỷ lệ chắc chắn của hình thoi và các đường tròn nội tiếp, mà là câu hỏi cơ bản về hệ thống giá trị, về quyết định tối hậu giữa hai con đường. Gần chục ngàn năm nay, mà nhất là khoảng 2 ngàn năm cuối cùng, loài người đã thiên sang hướng thứ hai, và có vẻ đang đi tới bờ vực diệt vong. Mấy chục ngàn năm trước đó, loài người đã đi theo hướng thứ nhất, và có vẻ ổn định hơn nhiều.

Ý kiến - Thảo luận

10:33 Wednesday,25.5.2016 Đăng bởi:  họa sĩ Đức Hòa
Bài viết rất hay và hấp dẫn. Đây là vấn đề mà nghiên cứu cực kỳ khó vì thời gian đã quá xa xưa, thậm chí xưa nhất nên càng khó. Đã từng có người thắc mắc: trông xấu thế mà "dám" tên là Vệ nữ này, Vệ nữ kia ! Cảm ơn Phó Đức Tùng.
...xem tiếp
10:33 Wednesday,25.5.2016 Đăng bởi:  họa sĩ Đức Hòa
Bài viết rất hay và hấp dẫn. Đây là vấn đề mà nghiên cứu cực kỳ khó vì thời gian đã quá xa xưa, thậm chí xưa nhất nên càng khó. Đã từng có người thắc mắc: trông xấu thế mà "dám" tên là Vệ nữ này, Vệ nữ kia ! Cảm ơn Phó Đức Tùng. 
16:23 Wednesday,18.5.2016 Đăng bởi:  Thy Thương
Tôi không biết gì về các bộ môn nghệ thuật thị giác nhưng vẫn thấy bài viết này thú vị và sâu sắc, nhất là khi tác giả so sánh những khác biệt của chế độ phụ hệ và mẫu hệ thể hiện qua các tượng cổ.

Nhân đây, cho tôi mở rộng 1 chút không chỉ nói về lĩnh vực điêu khắc mà về quan điểm thẩm mỹ về phụ nữ nói chung. Đúng là trải qua hàng ngàn năm, qua
...xem tiếp
16:23 Wednesday,18.5.2016 Đăng bởi:  Thy Thương
Tôi không biết gì về các bộ môn nghệ thuật thị giác nhưng vẫn thấy bài viết này thú vị và sâu sắc, nhất là khi tác giả so sánh những khác biệt của chế độ phụ hệ và mẫu hệ thể hiện qua các tượng cổ.

Nhân đây, cho tôi mở rộng 1 chút không chỉ nói về lĩnh vực điêu khắc mà về quan điểm thẩm mỹ về phụ nữ nói chung. Đúng là trải qua hàng ngàn năm, quan điểm về vẻ đẹp hình thể của phụ nữ thay đổi khá nhiều, nhưng chung quy hầu hết vẫn dừng lại ở công thức ngực to mông mẩy – là vẻ đẹp mà đàn ông thời nào cũng thích (vì bản năng nó vậy). Nhưng thời gian gần đây, người nào quan tâm đến gym và các vấn đề sức khỏe thì sẽ thấy điều mà mọi người nhắc đến nhiều hơn là vẻ đẹp săn chắc (chứ không phải mảnh mai), ngực hông có thể không to nhưng mông phải mẩy, cơ bụng chắc lẳn và đẹp – đấy là những yếu tố có phần “phi giới tính”, nó không nhấn mạnh vào tính nữ mà chủ yếu nhấn mạnh vẻ đẹp của sự vận động và tập luyện. Thi thoảng tôi vẫn đọc thấy trên mạng về việc những cô gái có gương mặt búp bê nhưng thân hình đô con như lực sỹ. Không bình luận rằng như thế có đẹp hay không, tôi chủ yếu thấy rằng phái nữ bắt đầu có xu hướng hướng đến những vẻ đẹp mà chính họ mong muốn hơn là vẻ đẹp mà đàn ông thích và muốn họ phải có, không thu mình trong khuôn khổ mà xã hội bắt họ phải cam chịu mà hướng đến sự tự do trong suy nghĩ hành động, thậm chí thực hiện những việc vượt ra khỏi giới hạn của con người nói chung. Xu hướng này chưa phải là đông đảo nhưng tôi tin rằng nó ngày càng lớn lên. Cũng như tôi vẫn biết rằng xã hội này về cơ bản vẫn là xã hội phụ quyền, nhưng tiếng nói về nữ quyền thì đang càng ngày càng mạnh mẽ. Để ý trong mấy mảng điện ảnh, âm nhạc hiện đại tôi thấy vậy, cách đây 1, 2 năm nữ quyền được nhắc đến nhiều trong truyện, bài hát, phim ảnh cứ như một cái “mốt”. Vì vậy tôi không đến nỗi bi quan về sự tồn tại hay diệt vong của loài người như cái kết bài viết này:

“Vậy thì vấn đề mà những bức tượng vệ nữ cổ đại gợi cho ta không chỉ là vú to mông nở, không chỉ là những tỷ lệ chắc chắn của hình thoi và các đường tròn nội tiếp, mà là câu hỏi cơ bản về hệ thống giá trị, về quyết định tối hậu giữa hai con đường. Gần chục ngàn năm nay, mà nhất là khoảng 2 ngàn năm cuối cùng, loài người đã thiên sang hướng thứ hai, và có vẻ đang đi tới bờ vực diệt vong. Mấy chục ngàn năm trước đó, loài người đã đi theo hướng thứ nhất, và có vẻ ổn định hơn nhiều.”

Ngược lại, tôi tin rằng tiếng nói về nữ quyền sẽ càng ngày càng mạnh mẽ hơn, không phải để tìm kiếm một tương lai chế độ mẫu hệ quay trở lại, mà để ranh giới giữa cái gọi là nam quyền và nữ quyền sẽ được xóa nhòa, phụ nữ có thể làm những việc của đàn ông và ngược lại, miễn là họ muốn làm và hạnh phúc vì điều đó. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp