|
|
|
|||||||||||||
Nhiếp ảnh“Phủ Đậy/ Phục Hồi” – một góc nhìn lịch sử mới 24. 06. 16 - 11:10 amThông tin từ BTCPHỦ ĐẬY/PHỤC HỒI – một góc nhìn lịch sử mới Lần đầu tiên nghê sĩ Phan Quang sẽ giới thiệu một loạt các tác phẩm nhiếp ảnh đương đại với hình thức phối trộn giữa tư liệu và hư cấu, giữa lịch sử và tự sự cá nhân, giữa địa phương và toàn cầu. Triển lãm lần này trưng bày phần 1 của dự án “Phủ Đậy/Phục Hồi” gồm 9 tác phẩm nhiếp ảnh đương đại cùng 1 video khoảng 21 phút được thực hiện tại một vùng quê ở phía Bắc Việt Nam, dự kiến dự án sẽ được tiếp tục thực hiện ở tại 5 đến 6 nước Châu Á khác. Khái quát về dự án này, tiến sĩ Mỹ học và Nhật Bản học, Chủ nhiệm câu lạc bộ Tinh hoa Nhật Bản, Nguyễn Lương Hải Khôi viết: “Tác phẩm của nghệ sỹ Phan Quang là cách tiếp cận quá khứ quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản từ góc độ “vi lịch sử” – lịch sử không phải được nhìn qua những “nhân vật lớn” mà qua những con người nhỏ bé. Xuất phát từ hình ảnh của những con người bình thường, “Re/Cover” đưa chúng ta đi đến bản thể sâu nhất của tồn tại người. Bằng cách phủ lên nhân vật một tấm lụa, người nghệ sỹ giúp ta nhìn thực tại bằng một con mắt khác. Con mắt ấy không bị vướng bận vào các hình thức của tồn tại, những màu sắc, đường nét, hình ảnh, thanh âm…, tức những yếu tố tạo nên các đường biên giới trong tâm trí, mà vượt qua hình thức để nhìn thấy một thực tại tối hậu, vốn không bị phân chia bởi các đường biên trong tâm trí thường nhật của chúng ta. Bất luận những nhân vật trong ảnh là ai, là nông dân, công nhân, Việt Nam hay Nhật Bản hay bất kỳ ‘ai’ khác, mọi khán giả dù là bình thường nhất cũng sẽ dễ dàng vượt qua các khía cạnh hình thức của họ để chiêm nghiệm đến phần bản thể người, điểm cuối của hành trình trí tuệ mà Phan Quang muốn đưa chúng ta đi đến”. Người xem có thể sẽ cảm thấy khó hiểu với kiểu sắp đặt thể hiện trong tác phẩm, ở đó là hình ảnh những con người ở vùng nông thôn Bắc Bộ Việt Nam, được bao phủ trong một tấm lụa trắng rất lớn, những tấm lụa cổ mà nghệ sĩ Phan Quang mua ở vùng Kyoto, Nhật Bản. Những nhân vật được chụp đơn lẻ một mình trong không gian sống thân thuộc của chính họ với khung ảnh hay kỷ vật của người chồng Nhật đã xa, những bức ảnh chụp đại gia đình, các thế hệ sau của mối lương duyên Nhật Việt, họ cùng ngồi với nhau, trước ống kính, cũng trong bối cảnh quen thuộc, nơi tất thảy họ đều trải qua những biến cố lịch sử, không biết tỏ cùng ai. Những tác phẩm này vừa rất thân thuộc, vừa vô cùng kì dị này sẽ tự nó đưa ra một định nghĩa về đương đại đặt trên minh triết của trạng thái lưỡng lự giữa điều gì đó vừa xa lạ, vừa quen thuộc, vừa đen tối, vừa thi vị, vừa khiêu khích, vừa đầy ắp nỗi niềm. Giám tuyển Như Huy nhận xét: “… theo tôi, mối quan tâm của Phan Quang đến các chủ đề lịch sử phức tạp và mở rộng hơn. “Không giống với thế hệ nghệ sĩ trước anh, với Phan Quang, lịch sử không chỉ là đối tượng tạo chế mang tính ý thức hệ để nghệ sĩ tìm cách giải hoá bằng các phản cứ liệu, bằng suy tư cá nhân đậm chất phê phán hay bằng cái nhìn hài giễu (như trong trường hợp của Ngô Đình Trúc hay Bùi Hữu Phước). Lịch sử, với nghệ sĩ, chính là câu chuyện của những con người nhỏ bé, vật thể nhỏ bé, vô danh dường như bị lãng quên trong mọi câu chuyện chính thống – dù ở phe ta hay phe địch. Nói cách khác, với Phan Quang, lịch sử là các stories (her/his) hiện hữu khắp nơi, tức những gì mà nỗ lưc tồn tại cao nhất chỉ là sống sót chứ không phải trở nên các biến cố anh hùng. Chính tại đây, mối quan tâm về lịch sử của Phan Quang, theo tôi đã trùng hợp với một quan niệm/thực hành về lịch sử kiểu mới, đó là quan niệm/thực hành tạm dịch là vi lịch sử (microhistory)”. Triển lãm kèm theo một catalogue tiếng Anh bao gồm các tác phẩm, bài viết của giám tuyển, nghệ sĩ, và một bài viết đặc biệt của tiến sĩ Mỹ học và Nhật Bản học, Chủ nhiệm câu lạc bộ Tinh hoa Nhật Bản, Nguyễn Lương Hải Khôi. Bài viết có đoạn: “Trong bức tranh lịch sử lớn, con người được định hình bởi các đường biên giới ấy trong tâm trí. Mỗi họ được “thời đại” mặc định cho một bản sắc. Với bản sắc ấy, anh lính Nhật có thể giết người Pháp và người Việt để xây dựng “đại Đông Á”, anh lính Pháp có thể giết người Nhật và người Việt để “khai hóa”, anh lính Việt Nam có thể giết người Nhật và người Pháp để giành lại “độc lập” và xây dựng “chủ nghĩa xã hội”. Tất cả đều hành động với ý thức rất cao về đạo đức trong đường biên giới tâm trí của mình. Phan Quang đem đến cho chúng ta một đường biên giới khác. Anh nhìn lịch sử không thông qua những bức tranh lớn, của những nhân vật lớn, với những khái niệm lớn.Anh nhìn lịch sử ở những con người nhỏ bé.Những con người ấy không ăn khớp với những đường biên giới khái niệm của lịch sử lớn. Lịch sử lớn loại trừ họ”.
Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|