|
|
|
|||||||||||||
Ăn uốngWakako-zake (tập 4): Cũng may là nhím biển đắt 30. 07. 16 - 5:59 amPha Lê(Tiếp theo phần trước) Wakako-zake kiểu gì vẫn là series hoạt hình, dù nó ngắn và chủ yếu tập trung vào món ăn nhưng thi thoảng series có bỏ ra xíu thời gian thể hiện tâm lý nhân vật. Như đoạn mở đầu cho tập 4 này, người xem thấy nàng Wakako quả là một cô gái trẻ với lắm suy nghĩ dễ thương kiểu phụ nữ, hôm ấy cô đi dự tiệc nên “lỡ” ăn vận đẹp rồi, thành thử Wakako muốn vào quán chén thêm chút đỉnh gì đó trước khi về nhà để khỏi “phí” bộ đồ. Wakako cỏ vẻ không rành khu phố này (chắc khác với nơi cô chỉ tạt ngang sau mỗi lần tan sở) nên loay hoay một lúc do không biết quán nào ngon. Cuối cùng Wakako nương theo cách người Nhật nói riêng và cả thế giới nói chung thường làm khi chọn quán ở nơi lạ lẫm: thấy chỗ nào đông vui nhiều khách thì tấp vô. Mới ngồi xuống, chưa biết ăn gì nên Wakako gọi bia uống trước. Nhưng lúc thấy người ngồi cạnh mình xơi món nhím biển (uni) với xà-lách xoong, Wakako đâm khoái nên gọi thử. Theo lời kể của nàng thì nhím xào xà-lách xoong đang dần trở thành đặc sản mới của thành phố Hiroshima. Chẳng hiểu cái vụ nhím biển đang dần trở thành đặc sản của Hiroshima nhắc tới trong series có phản ánh thực tế hay không. Từ trước tới giờ, Hiroshima nổi tiếng là có món bánh xèo okonomiyaki đặc biệt ngon nhất Nhật Bản. Thậm chí vài người còn nói rằng bánh xèo okonomiyaki là á quân của những thứ nổi tiếng ở thành phố này, chỉ xếp sau quán quân là cái “quả bom” kia. Tuy nhiên, hải sản có vỏ như hàu, nhím biển, chem chép ở Hiroshima cũng xếp vào hàng ngon, nên chuyện món nhím biển – hay còn gọi là nhum – dần trở nên thịnh tại đây cũng dễ hiểu. Thôi đành tạm tin lời Wakako nói. Quan sát đầu bếp, Wakako thấy anh chàng xào xà-lách xoong với bơ, cuối cùng là bỏ nhum lên đảo cho hơi chín. Nhum thuộc loại xơi sống hoặc chỉ chín sơ sơ mới ngon, chứ nấu chín như kiểu nướng đến teo tóp sẽ chẳng ra thể thống gì. Xà-lách xoong không tốn nhiều thời gian, nhum đảo sơ cũng nhanh nên chẳng mấy chốc mà Wakako có ngay một đĩa xà-lách xoong xào nhum ngon lành, đến cô nàng cũng phải thốt lên “sao trông ngon thế”.
Vừa ăn Wakako vừa bình luận rằng nhờ xào sơ mà nhím biển bớt mùi tanh và cải xoong không còn vị hơi đắng nữa. Ai chưa từng ăn cải xoong sống sẽ thấy chi tiết này hơi lạ. Người Việt thường đem cải xoong đi nấu canh, nhúng lẩu, người Tàu còn bỏ nó vào thịt băm để gói bánh cảo, tức xơi chín nhiều. Nhật và Tây lại chuộng ăn xà-lách xoong sống. Người ăn chay cũng chuộng ăn sống để lấy thêm một số vitamin và dưỡng chất thường bay biến khi nấu chín. Dùng quen sẽ thấy cải xoong sống khá ngon và đặc biệt hợp để bóp gỏi bò, nhưng không quen sẽ thấy hơi khó ăn do món này lúc chưa nấu sẽ hơi cay the the như tiêu và thoảng chút vị đắng.
Wakako xơi cải xoong xào với nhím thấy thích một phần vì cải xoong chín ăn dễ chịu hơn. Tập này cô tránh bàn về đồ uống, bởi nói trắng ra có nhím biển trong bữa cơm là phải uống sake mới hợp. Tuy nhiên lúc mới vào quán, chưa biết sẽ dùng gì nên cô gọi bia mất tiêu, mà bia chẳng hợp với nhím biển lắm, thế nên cô đành không suy ngẫm về thức uống. Cũng may là Wakako bỏ qua sake, do bia rẻ hơn rượu nhiều. Lúc loay hoay ngó giá cô nhận ra rằng dĩa cải xoong xào nhum đó tới 1,300 Yen, tức đắt chứ chẳng đùa được, nên đành tự hứa rằng mình sẽ không thể gọi món này thường xuyên. Cũng phải do nhum đủ chuẩn của Nhật thường là nhum có bộ phận sinh sản to, và chúng luôn đắt vì khi ăn nhum ta thực sự chỉ xơi cái bộ phận sinh sản thôi.
Việt Nam tính ra nhum rẻ hơn bên Nhật, nhưng chất lượng tùy hứng, đa số gặp phải con nhỏ. Muốn có nhum to – hay nói đúng hơn là nhum có bộ phận sinh sản đủ ngon – thường phải ra đúng chỗ, mua đúng người, phải tự đi lựa, đi bắt, phải hên trúng mẻ ngon… chứ đi mua hay đi ăn suông mà ra được nhum ngon như trong Wakako sẽ hơi khó. Thế nên ở Nhật nhum còn đắt vì tốn phần trả công để bếp đi lựa ra con chất lượng. Mà thôi, ăn ít nhum cho lành. Trong bộ phận sinh sản của nhum có nhiều anandamide – một chất não tổng hợp để điều hành một số cảm xúc, trong đó có cảm giác vui vẻ. Chữ “ananda” trong tiếng Phạn cũng mang nghĩa “vui vẻ, hạnh phúc”. Anandamide còn có cơ chế gần giống với tetrahydrocannabinol (THC) tìm thấy trong… cần sa. Tất nhiên dù ăn lắm nhum thì anandamide trong đó không làm cho chúng ta nghiện được, nó chỉ tạo cảm giác ngon miệng và ai xơi được nhum sẽ thấy thật sung sướng khi ăn trúng một con rõ béo. Học tập Wakako, món vừa ngon vừa hơi đắt một chút như nhum nên là món lâu lâu hẵng thưởng thức. Ông bà ta có câu “thòm thèm mới ngon” mà, chứ đồ ngon bổ mà cứ thế tống vào người thì không chừng sẽ trở thành Đông cung thế tử trong phủ chúa Trịnh. * Xem tập này tại đây Ý kiến - Thảo luận
18:54
Saturday,29.6.2019
Đăng bởi:
MacMat
18:54
Saturday,29.6.2019
Đăng bởi:
MacMat
Xà lách xoong nhà mình ngoài nấu canh thì ăn sống cũng ngon lắm ạ. Trộn sơ với dầu giấm chanh đường, xong xào thịt bò hay heo với cà chua hành tây, rắc thêm hành ngò, tiếp chan lên rau, thích đậm đà thì làm thêm chén mắm ớt chua ngọt, rất đưa cơm. Chỉ 1 dĩa này với xoong canh thôi thì đủ món rồi, không cần phải 3-5 món xào, kho, chiên, nước vân vân và mây mây *^▁^* .
12:51
Saturday,6.8.2016
Đăng bởi:
Linh
Ơ mà sao em nhìn trong hình thấy cái cải xoong lại giống với arugula nhiều hơn là cải xoong mà nhà thường nấu ạ? :-?
...xem tiếp
12:51
Saturday,6.8.2016
Đăng bởi:
Linh
Ơ mà sao em nhìn trong hình thấy cái cải xoong lại giống với arugula nhiều hơn là cải xoong mà nhà thường nấu ạ? :-?
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp