Gẫm & Bình

‘Không gian bên trong’ (phần 2):
thế rốt cuộc là “khám” hay “phá” cái gì? 25. 08. 16 - 6:34 am

Vũ Lâm

(Tiếp theo phần 1)

Một tác phẩm trong triển lãm

3. Về triển lãm “Không gian bên trong”…

Tôi hay muốn tìm cách, nếu có thể, đến xem một phòng triển lãm một vài ngày trước lúc nó chuẩn bị diễn ra. Đó là lúc các nghệ sĩ nhà ta đang “lên mâm”, đang “mi”, đang “set up”, bày biện, cân nhắc chỗ đặt, để, treo, buộc… tác phẩm, bục bệ, mầu sắc, cho đến ánh sáng. Thú vị vì thấy cái cách một triển lãm ở ngưỡng cửa khai sinh sát nút giờ khắc nó chào đời với công chúng, đã đành; thấy được mỗi tác giả tính tình mỗi khác, lại còn việc bàn luận giữa các thân hữu đến giúp đỡ nhau cũng là những câu chuyện nghệ thuật vô cùng ý vị. Nhưng điều làm tôi luôn luôn kinh ngạc nhất, là xem cái phòng triển lãm từ khi nó còn là một căn phòng trống tới khi nó biến thành một câu chuyện khác. Lần nào tôi cũng xúc động như trẻ con vì được chứng kiến cái phòng triển lãm ấy, vốn chỉ là cái phòng chữ nhật có thế thôi, ai cũng biết, mà nó lại biến đổi được thành một không gian chứa đựng tinh thần khác lạ như thế. Mỗi nghệ sĩ và tác phẩm làm cho cái phòng ấy biến hóa một kiểu, như xoay ống kính vạn hoa. Cái cảm giác ấy trong tôi nó gần như một cảm giác kỳ quặc, là “không thể tin nổi vào mắt mình”. Nếu quay lại được tất cả quá trình đó, lần lượt từ người này sang người khác, thì sẽ ra sao nhỉ?

Lời tự bạch của Nguyễn Duy Mạnh tại triển lãm “Không gian bên trong”

Hai lần gần đây nhất, đến xem triển lãm từ khi đang bày biện, là xem triển lãm của Thái Nhật Minh (Chinh phu-phụ) và Không gian bên trong” của Nguyễn Duy Mạnh. Thái Nhật Minh thì như chúng ta đã biết, sắp đặt một không gian có câu chuyện. Còn Nguyễn Duy Mạnh, hướng tới một thứ gì khác trừu tượng hơn. Về triển lãm này, nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông nhận định rằng tác giả “muốn hình ảnh hóa sự biến dịch của một cấu trúc lớn bằng cái nhìn vừa phê phán, vừa bối rối… tham vọng khám phá ‘phía bên trong’ theo cả nghĩa sinh học về một thực thể, lẫn sự phức tạp đầy thách thức tạo hình của không gian vật lý”. Có lẽ, những phân tích và nhận định chặt chẽ, ngắn gọn về triển lãm này của Vũ Huy Thông là đã đủ, ở đây, tôi chỉ xin phép mô tả (một cách thô sơ, kể lể) thêm về triển lãm, và đưa ra một vài cảm nhận chủ quan để người đọc hình dung và nhìn nhận thêm về một triển lãm đáng lưu ý.

.

Trong triển lãm này, Nguyễn Duy Mạnh dùng chất liệu chính là sợi vải tổng hợp, đó là phế liệu của nghề dệt thảm chùi chân, bện cây lau nhà. Một nghề phụ mới của cái làng nơi anh ở. Để chuẩn bị cho triển lãm cá nhân đầu tiên này, Mạnh phải cóp nhặt và triển khai mất vài ba năm. Trong quá trình ấy, Mạnh làm những tác phẩm đơn lẻ, buộc những nông cụ, đồ vật cũ anh nhặt trong làng thành từng cục, treo lơ lửng trong một cấu trúc mạng – lưới như để biện giải sự thay đổi của đời sống làng quê từ kinh tế, xã hội, nghề nghiệp, y tế, lối sống, tai nạn, khổ đau và hạnh phúc… “có những thứ dần biến mất”. Những tác phẩm đơn lẻ này, Mạnh đem tham gia triển lãm với CLB họa sĩ trẻ, triển lãm 10 năm điêu khắc…

Đến triển lãm cá nhân lần này, Mạnh bày ra cái cấu trúc mạng-treo ấy như một tổng thể kín hai phòng Bảo tàng. Đó là các tấm lưới giăng mắc chằng chịt từ trên trần phòng, tấm nọ mắc lẫn vào tấm kia không dứt. Thi thoảng, từ trong đống lưới ấy trĩu xuống một đống lòng thòng, hoặc một cục nặng chịch, hao hao giống như tim gan, lòng mề, phèo phổi, nội tạng loằng ngoằng… của chúng ta (đã nói trước là tôi miêu tả thô sơ mà). Hầu hết là nặng trĩu xuống sát nền, có cái chạm hẳn xuống sàn nhà. Và tác giả tự bạch: “Sử dụng sợi dệt với phương thức tạo hình bằng hành động: cuốn, thắt, buộc, giăng… tôi dò tìm những cung bậc khác nhau trong nội tâm mình. Đây là hành động dùng lực để kìm giữ một lực đối nghịch, khi hình thể được tạo nên chứa đựng sức căng nội tại. Các hình thể mang âm hưởng của những bộ phận trong cơ thể… Tôi cố gắng biểu đạt một cách trực tiếp nhất tinh thần của cái bên trong mà tôi cảm nhận được…”

.

Tác giả chỉ nói đến vậy, nhưng tôi vẫn băn khoăn tự hỏi, cuối cùng thì cái đám bùng nhùng giăng mắc, giống như tim gan phèo phổi… bằng sợi vải và không biết cuốn cái gì bên trong kia, là để nói với chúng ta điều gì?

Đi vào không gian này, cảm nhận rõ nhất (chưa biết là về cái gì), nhưng rõ nhất là cái sự rối tung và trĩu nặng. Có lẽ đó chỉ là một trạng thái. Một trạng thái khi ta quan sát đời sống xung quanh với tất cả sự đau khổ vì yêu mến cũng như điên giận vì nó. Tác giả quan sát thấy điều gì thì không kể lại cho chúng ta được (nhưng mà anh đã thấy, thì tôi cũng thấy, cũng gặp hàng ngày đấy thôi, vì tôi và anh cùng sống, cùng va chạm trong cái bầu không khí này mà). Tác giả chỉ kể lại được cho chúng ta một trạng thái của tâm trạng, có thể tạm đọc bằng lời ra được là “rối bời, trĩu nặng tâm can, ghì sát đất”; hoặc như thơ Lê Đạt khái quát trong bài thơ “Cha tôi” : “Hai vai nhô lên/ Đầu lún xuống/ Như không mang nổi cuộc đời… Cuộc sống hàng ngày nhỏ nhen tàn bạo/ Rác rưởi gia đình miếng cơm manh áo/ Tàn phá con người…”. Có lẽ ngoài vấn đề cá nhân ra, thì còn có thể liên hệ tới “sự biến dịch của một cấu trúc lớn… bằng con mắt âu lo của một nhà giáo và một nghệ sĩ mẫn cảm”. Cái “cấu trúc lớn” mà anh Vũ Huy Thông đề cập trong tác phẩm của Mạnh ấy, phải chăng là một góc cắt của trạng thái của xã hội này, sờ đến đâu cũng rối tung và nghịch lý, phi lý, nhưng nó vẫn hiện hữu như một sự thật và chúng ta buộc phải hít thở chấp nhận (thế mới âu lo, thế mới cáu, thế mới rối bời tâm can)…

.

Nhà nghiên cứu và bình luận Thái Bá Vân từng nói: Bản chất của nghệ thuật là hình thức. Tôi cũng không rõ đó là phát hiện của ông hay ông dẫn lại sách vở kinh điển về nghệ thuật học. Nhưng nếu theo “định lý” này, thì sự tiến hóa hay thay đổi của nghệ thuật cũng chỉ là sự tiến hóa hoặc thay đổi của ngôn ngữ (hay hình thức), mà ở đây là ngôn ngữ tạo hình. Và xem triển lãm “Không gian bên trong” của Nguyễn Duy Mạnh, ta gặp một tấm lòng thành trong sự thay đổi ngôn ngữ làm ta xúc động. Mặc dù việc tìm chất liệu tạo hình từ những vật liệu bỏ đi, hoặc sắp đặt bằng cấu trúc mạng ra “một cái gì đó”, thì trong nghệ thuật thế giới, cũng tha hồ đầy rẫy người đã từng làm. Nhưng công việc tầm cứu này không phải của tôi, xin nhường cho những “sát thủ bàn phím”…

.

Điều tôi muốn nói cuối cùng là muốn quyến rũ, chinh phục, khám phá, thổ lộ, chuyển tải, bày tỏ,.. với ai đó, tất nhiên đầu tiên bao giờ cũng cần bắt đầu từ sự chân thành. Ví dụ như chinh phục hay quyến rũ một cô nương chẳng hạn, một chục anh với điều kiện như nhau là ai cũng có lòng chân thành, ai cũng muốn được “cô thương” cả. Tuy nhiên, cái chân thành nào để cô nương ấy bật khóc như một con điên, buồn rũ như một con rồ, cười khanh khách sằng sặc vui như trẻ thơ, xúc động đậy, run bần bật… để rồi cô ấy có thể bỏ cả cha mẹ để đi theo mình…, thì cái người thắng cuộc cuối cùng ấy, chắc cái độ “chân thành” ấy phải gấp mấy lần thằng khác, phải “khôn ngoan như rắn và ngây thơ như chim bồ câu” (mở ngoặc vui thêm một truyện tiếu lâm Việt cực ngắn: Ngô với Cải đánh nhau, đem ra kiện với lý trưởng. Ngô đút lót lý trưởng 5 đồng, Cải đút lót lý trưởng 10 đồng. Hôm xử kiện, lý trưởng xử Ngô thua. Ngô xòe bàn tay (5 ngón) ra nói: Nhưng tôi phải mà! Lý trưởng cũng xòe bàn tay (5 ngón) ra, ấp lên bàn tay Ngô, nói: Mày cũng phải, nhưng nó còn phải bằng hai mày…)

Mà nghệ thuật thì đâu có phải chỉ là một cô nương, đó là cô nương của mọi loại cô nương. Đó là Ong Chúa! Những người làm nghệ thuật chúng ta, còng lưng suốt cuộc đời ngắn ngủi này thì cũng chỉ để làm ra tí ti sữa ong chúa thôi! Nhưng Ong Chúa thì sống lâu hơn chúng ta rất nhiều… (Nói thêm, tôi, cũng như chắc là rất nhiều người khác, khi chưa tìm hiểu, thì mới đầu ai nghe cũng cứ tưởng “sữa ong chúa” là sữa của con ong chúa tiết ra, buồn cười chết!)

Ý kiến - Thảo luận

19:01 Sunday,4.9.2016 Đăng bởi:  Ngũ Cốc

"Trong những tổ Ong thiên nhiên hoặc những tổ Ong nuôi để lấy mật thì số lượng ổ Ong chúa có rất ít khoảng 5-10 cái mỗi năm. Và vì vậy số Sữa ong chúa lấy được từ những ổ Ong chúa này chỉ có khoảng 5-10 gram mỗi năm mà thôi. Trong khi đó những tổ ong nuôi để khai thác Sữa Ong chúa có thể sản xuất ra khoảng 2-3kg Sữa ong chúa mỗi năm. Bởi vì loài người đã
...xem tiếp

19:01 Sunday,4.9.2016 Đăng bởi:  Ngũ Cốc

"Trong những tổ Ong thiên nhiên hoặc những tổ Ong nuôi để lấy mật thì số lượng ổ Ong chúa có rất ít khoảng 5-10 cái mỗi năm. Và vì vậy số Sữa ong chúa lấy được từ những ổ Ong chúa này chỉ có khoảng 5-10 gram mỗi năm mà thôi. Trong khi đó những tổ ong nuôi để khai thác Sữa Ong chúa có thể sản xuất ra khoảng 2-3kg Sữa ong chúa mỗi năm. Bởi vì loài người đã kiếm được cách lừa gạt Ong thợ khiến cho chúng phải nhả đầy Sữa ong chúa vào các ổ Ong chúa giả suốt ngày này qua ngày kia."
Nghe cũng giống như chuyện các cơ sở buôn bán tranh pháo vắt các củ nghệ hơi có tài năng một tị để lấy tranh rửa mặt tiền phòng khách nhà giầu nhỉ. Tiếc là "sữa ong chúa" ít thôi, các nghệ sĩ được vắt sữa họng có khi cũng chả còn, lại ăn ô mai Tào Tháo mà nhả ra cái gì đó. Mạt cưa mướp đắng gặp nhau vui thật!!!

 
12:02 Friday,26.8.2016 Đăng bởi:  LC

Khi đã dẫn tên tác giả trùng với tên ca sỹ, thì nhà phê bình phải tìm hiểu tường tận xem các cụ có nghe nhạc Duy Mạnh từ hồi ấy... ấy... không chứ?
Rồi khi đã nhắc đến sữa ong Chúa, thì phải khuyến cáo thêm liều lượng cách dùng, mùa thu hoạch kèm địa chỉ nhà phân phối uy tín. Thế mới đi đến tận phía cuối con đường. Của sự Chân Thành...
Cá nh
...xem tiếp

12:02 Friday,26.8.2016 Đăng bởi:  LC

Khi đã dẫn tên tác giả trùng với tên ca sỹ, thì nhà phê bình phải tìm hiểu tường tận xem các cụ có nghe nhạc Duy Mạnh từ hồi ấy... ấy... không chứ?
Rồi khi đã nhắc đến sữa ong Chúa, thì phải khuyến cáo thêm liều lượng cách dùng, mùa thu hoạch kèm địa chỉ nhà phân phối uy tín. Thế mới đi đến tận phía cuối con đường. Của sự Chân Thành...
Cá nhân miềng, thì đọc xong thấy như... chưa đã và 10 phút sau thì giống như đã quên . Ảnh chụp nhạt nhòa đã góp thêm một phần cho hiệu quả này.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả