Gẫm & Bình

Em lượn một vòng, rồi lại một vòng, không thấy có gì gắn với Mở Cửa 23. 09. 16 - 2:35 pm

Candid

 Hôm nay em ghé thăm triển lãm (Mở cửa-Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986 – 2016). Như thường lệ, không phải ngày khai mạc nên triểm lãm khá vắng vẻ, tha hồ ngắm tranh mà không lo huých phải ai. Lác đác có vài người xem cùng hai, ba nhân viên bảo tàng ngồi ngáp. Tranh pháo em không biết gì nên cũng không dám nhận xét, có vài bức em thích, vài bức em không. Các họa sĩ thì em cũng không biết nhưng thấy tên đều rất quen trên báo chí…

Chỉ có điều em thấy chủ đề của triển lãm chưa được rõ, không hiểu đây là một buổi triển lãm để đánh giá tổng kết hoạt động mỹ thuật 30 năm từ lúc kinh tế Việt Nam mở cửa, hay là buổi triển lãm hoạt động thường niên của hội viên? Em lượn một vòng, rồi lại một vòng, không cảm thấy có gì khác với các cuộc triển lãm khác. Không hiểu triển lãm này gắn với cái tên Mở cửa và 30 năm như thế nào?

“ Vào thời điểm đó, 1992 không ai ở ngoài Việt Nam biết về nghệ thuật VIệt Nam cả…” (Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nora Taylor). Ảnh chụp nhóm Gang of Five hồi những năm 1990s. Các bạn xem thêm bài này 

Tính từ năm 1986 đến nay là 30 năm, quãng thời gian bằng 1/3 đời người, trong suốt thời gian ấy có bao nhiêu chuyện đã xảy ra với đất nước, thí dụ như nền kinh tế Việt Nam thay đổi, từ kinh tế tập trung bao cấp, sang kinh tế thị trường mở cửa dần dần. Từ lúc buôn bán thì bị coi thường, bị xử tù hay nhẹ nhàng thì gọi là phe phẩy đến lúc có cả ngày Doanh nhân để tôn vinh ai làm ăn giỏi. Rồi các cơn sốt đất, sốt cổ phiếu, sốt vàng, chà đi xát lại nền kinh tế quặt quẹo lẩy bẩy như Cao Biền dậy non.

Nhân vật của thời Đổi Mới: ông Nguyễn Văn Mười Hai, lãnh đạo của Nhà máy nước hoa Thanh Hương cùng các nhân viên hào hứng khoe thành quả của mình. Sản phẩm bán chạy nhất của họ là một loại nước hoa có tên Charlie. Ảnh của Philip Jones Griffiths. Nguồn từ trang này

Kinh tế được mở, văn hóa cũng đươc mở theo. Từ lúc các thứ như truyện chưởng, nhạc vàng, nhạc rock… đều bị đánh giá là hủ bại cho đến lúc trăm hoa đua nở. Internet phát triển ở Việt Nam cũng ngót nghét 20 năm, thời gian đầu bị kiểm duyệt gắt gao đến giờ cũng phải nói là khá mở cửa, nhất là so với anh bạn láng giềng to đầu bên cạnh thì phải nói là một trời một vực…Với internet mở đủ thứ trào lưu ào vào theo, từ mốt chụp ảnh bay, dội xô đá, tự sướng… thế giới có gì là Việt Nam có nấy.

Trong 30 năm ấy, theo em nghĩ, họa sĩ cũng là con người, cũng bị tác động và phản ánh bởi sự thay đổi về kinh tế, văn hóa… nên tác phẩm cũng phản phản ánh được những trào lưu văn hóa, kinh tế mở cửa.

Cảng Sài Gòn lúc bình minh. Các hoạt động tại cảng đã tấp nập hơn rất nhiều sau khi nền kinh tế Việt Nam được mở cửa. Ảnh của Philip Jones Griffiths.Nguồn từ trang này 

Kinh tế Việt Nam được hoạch định theo từng thời kỳ 5 năm một lần. Theo em nếu tổng kết thì Ban tổ chức cũng nên hoạch định theo thời gian 5 năm như thế. Ví dụ từ 86-90 thì những nghệ sĩ nào là tiêu biểu nhất, những tác phẩm nào tiêu biểu nhất đại diện cho các nghệ sĩ đó, đại diện cho đời sống văn hoá thời kỳ đấy. Rồi năm 91-96 là những hoạ sĩ nào…

Nếu mà như vậy thì người thường như em xem sẽ cảm thấy thích thú hơn nhiều. Đằng này…

*

Đây là cmt cho bài “Khai mạc Mở Cửa…“. Soi xin đưa lên thành bài cho các bạn dễ thảo luận.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

LẦN HỒI: Phương tiện hay đam mê của người trẻ?

An Bàng thực hiện (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả