|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhĐi xem “Today” lại nghĩ về “Mở cửa” 03. 10. 16 - 7:49 amCandidNhân ngày Chủ nhật đã hẹn đưa trẻ con đi chơi, tôi tranh thủ kết hợp đi xem triển lãm Today; cũng vì triển lãm diễn ra ở Hanoi Creative City nên mới kết hợp được 2 trong 1. Lần này là lần thứ ba tôi đến nơi gọi là điểm hội tụ cho giới trẻ ở Hà Nội này. So với hai lần trước, trung tâm trông càng ngày càng có vẻ hoang vắng, mặc dù cuối tuần nhưng không thấy nhiều thanh niên tụ tập. Khu trượt ván ở trước cửa lác đác một, hai thanh niên, các cửa hàng trong trung tâm có vẻ đang đóng cửa sửa chữa hay sao mà thưa thớt. Thực ra tôi cũng không bất ngờ lắm vì ngay từ đầu tôi đã thấy nhược điểm của nơi này so với Zone 9, khoảng không xung quanh quá hẹp để tổ chức các sự kiện, giữa các tầng không có khoảng không liên thông với nhau, cảm giác giống như một trung tâm thương mại hơn là chỗ vui chơi cho giới trẻ. Thêm nữa chắc việc mở ra không gian đi bộ quanh Hồ Gươm có lẽ cũng hút bớt mất thanh niên cuối tuần. Lần thứ ba đến đây nhưng là lần đầu tiên tôi mới bước vào không gian triển lãm của tổ hợp. Từ dưới nhà đã thấy băng rôn của triển lãm nên không sợ đi nhầm tầng (hệ thống chỉ dẫn ở đây thiết kế khá khiêm tốn, lần trước tôi đã đi nhầm toàn vào tầng bỏ không). Triển lãm ở tầng 5 của tòa nhà, vốn được thiết kế để làm tòa nhà văn phòng nên nhược điểm là trần thấp so với triển lãm chính thống, nhưng tôi thấy khu vực triển lãm được thiết kế rất khéo và khá ấn tượng, có mảng tường kính cùng chiếc cầu thang thoát hiểm bằng sắt màu đỏ bên ngoài cũng bắt mắt. Ban đầu tôi đã không chú ý lắm đến cuộc triển lãm này vì cũng không thấy có gì đặc biệt, chỉ khi trên Soi có nổ ra cuộc thảo luận về việc ai nhái ai giữa triển lãm Mở cửa và Today thì tôi mới quan tâm. Thực ra tôi thấy ý tưởng để cuộc triển lãm Today gần trùng khít thời gian với triển lãm Mở cửa và số lượng hoạ sĩ hai bên tương đương nhau khá là thú vị. Trên thế giới, bên cạnh các sự kiện chính thức nổi tiếng như giải Oscar, giải Nobel luôn có các sự kiện ăn theo. Ví dụ như giải Mâm xôi vàng nhái nhưng lại được tổ chức trước giải Oscar, giải Ig Nobel nhại nhưng cũng được tổ chức trước giải Nobel…T uy rằng mang tiếng là trò đùa nhưng tôi thấy nhiều người rất coi trọng việc được trao các giải này. Thậm chí có người như Halle Berry sau khi được trao giải Oscar, nhận được một giải Mâm xôi nhưng cô đã đến tận nơi nhận và phát biểu. Còn giải Ig Nobel nhiều công trình làm người ta phải bật cười về ý tưởng nhưng sau đấy lại có ý nghĩa thực tế, ví dụ như định luật Murphy nổi tiếng. Ngoài ra trong marketing, có một thuật ngữ marketing du kích nói về việc này. Không hiểu do có phải tôi đến sớm, hay triển lãm đã đi được một thời gian, mà phòng triển lãm cũng giống như mọi cuộc triển lãm khác, nghĩa là rất vắng người xem. Ngoài tôi ra có độ chục bạn thanh niên, nam nữ đang tò mò ngắm tranh hoặc selfie. Do đã được xem qua bài và ảnh giới thiệu của Tịch Ru nên tôi cũng đã nắm được sơ bộ các tác phẩm và không cần thiết phái xem nhanh một vòng mà cứ từ từ ngắm. Hôm trước khi xem triển lãm Mở Cửa, tôi nghĩ rằng nếu một người khách du lịch, hoặc một người xem ngoại đạo như tôi vì cái tên Mở cửa 30 năm mà đến hẳn sẽ có tí thất vọng vì người ta sẽ nghĩ rằng, chẳng nhẽ sau ba mưoi năm mở cửa mạnh mẽ mà đời sống văn hóa nghệ thuật lại buồn tẻ thế ư? Đến với triển lãm Today, dù không biết và hiểu gì về tranh pháo, ít ra người mù tịt như tôi cũng cảm thấy được là ồ, hoá ra các nghệ sĩ Việt Nam cũng đang tích cực hoạt động, đời sống nghệ thuật không đến nỗi im lặng như mặt hồ. Tôi lòng vòng đi xem tranh, ưu tiên xem tranh của những hoạ sĩ mà tôi thích hoặc có biết tí chút trước như tranh của Phạm Huy Thông, Mai Duy Minh, Vũ Bạch Liên, Lê Thúy… rồi xem tranh của các hoạ sĩ khác sau. Tôi không phải là nhà phê bình nên cũng không dám nhận xét nhiều, chỉ thấy hôm nay trong phòng triển lãm nảy ra lơ lửng rất nhiều câu hỏi, những câu hỏi về thời cuộc, về môi trường, về nghệ thuật, về tiền bạc, về giá trị con người… Những câu hỏi níu chân tôi khiến phải xem lâu hơn một chút. So với Mở cửa, tôi thấy triển lãm Today phong phú hơn về loại hình. Triển lãm Mở cửa không có tẹo nào video art hay performance hay gì gì đấy. Chả nhẽ trong 30 năm không có nghệ sĩ nào thử nghiệm những loại hình đấy hay sao? Trong lúc xem tranh, tôi thấy mấy bạn trẻ chỉ trỏ tranh hỏi nhau về một vài bức tranh, có vẻ như họ không như tôi cố tình đến triển lãm mà chỉ tình cờ đi chơi ở đây và ghé vào thăm, nên có vẻ hoàn toàn không hiểu gì về các bức tranh. Tiếc là tôi cũng chả biết gì hơn họ để chỉ bảo. Xem xong tôi dẫn trẻ con xuống tầng dưới để uống nước. Ngồi một lát mới nhớ ra lúc nãy quên mua ấn phẩm của triển lãm, thấy giá đề có 100k, mà lại in tranh của toàn bộ các hoạ sĩ tham gia nên bèn quay lại để mua. Lúc quay lại tôi ngạc nhiên vì tưởng đi nhầm phòng. Trái với sự vắng lặng lúc nãy, phòng triển lãm khá đông các bạn trẻ, không hiểu họ đến lúc nào. Tôi thấy các bạn trẻ đang đứng thành từng nhóm trước các bức tranh và lắng nghe một người đàn ông áo xanh giới thiệu về tranh về hoạ sĩ. Tôi không rõ đây có phải là sự kiện của triển lãm hay là nhóm tự phát nhưng thấy các bạn trẻ nghe rất chăm chú. Đứng quan sát, tôi nảy sinh ra một ý nghĩ, giá như có thể gộp cả hai cuộc triển lãm Mở cửa và Today thì tốt biết mấy. Để có một cuộc triển lãm như Today thì đó là kết quả của những lớp hoạ sĩ đi trước khai phá. Nếu coi Today như tán lá của cái cây nghệ thuật Việt Nam thì Mở cửa là gốc rễ, tại sao lại cứ phải bàn luận về tính chính danh hay ý tưởng của ai. Những người ngoại đạo như tôi, hay lớp trẻ như con tôi như các bạn trẻ kia đều có nhu cầu tìm hiểu về nghệ thuật, về lịch sử nghệ thuật của nước nhà nhưng có quá ít cơ hội và thông tin. Ngay lúc này, tại bảo tàng lịch sử có một cuộc triển lãm về các hiện vật thời bao cấp, tôi thấy có rất nhiều bạn trẻ đến xem. Họ tò mò muốn biết về một quá khứ cực khổ, về thời một cái xe đạp, một cái đài cũng là tài sản đáng giá – thời mà thực phẩm phải mua bằng tem phiếu. Lớp trẻ bình thường vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra ngồi những quán cafe như Cộng để mua ít trải nghiệm về quá khứ như chuyện cổ tích. Tại sao không làm một cuộc triển lãm, trong đấy có những đoạn video, những clip giới thiệu về các cuộc triển lãm, các tác phẩm, các bài báo viết về nghệ thuật trong 30 năm mở cửa. Hay tổ chức những hội thảo bên cạnh triển lãm để cho chính những nghệ sĩ kể cho lớp trẻ thấy rằng đã có thời, nghệ sĩ đã phải vất vả tìm cách xé rào thế nào để cất lên tiếng nói của nghệ thuật. Tôi có đọc thấy có ý kiến rằng, người ta cũng rất muốn tổ chức giới thiệu nhiều ở Mở Cửa nhưng không có kinh phí, tranh đã bán ở nước ngoài, trong tay nhà sưu tập nên không thể. Tôi thì nghĩ rằng, trong quá khứ bị trói buộc vì kiểm duyệt, hạn chế về kinh tế mà còn không làm khó nổi những nghệ sĩ của chúng ta thì tại sao bây giờ lại không thể làm được? Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|