Nghệ sĩ thế giới

Dali: “quái vật” có tên là… Dali 17. 02. 17 - 7:02 am

Anh Nguyễn

 

.

 Dali là hoạ sĩ Siêu thực, cha đẻ của những hình ảnh đẹp đẽ ở giữa ranh giới hiện thực và ác mộng.

Le Sommeil (Giấc ngủ,) 1937

Dai là kẻ đa tài, thích nhúng tay vào cả điêu khắc, phim ảnh, kiến trúc, thời trang, lẫn văn chương. Người ta dễ tưởng Dali có khả năng vô hạn.

In thạch bản trang phục cho vở kịch Tristan Fou (chàng Tristan điên) do Dali thiết kế năm 1970. Ông hợp tác với Elsa Schiaparelli – đối thủ của Coco Chanel

Dali là người giỏi quảng cáo, đánh bóng bản thân, biết cách trình diễn và mê hoặc đám đông. Chỉ có Dali mới có thể nói thật như đùa mà đùa cũng như thật: “Mỗi sáng ngủ dậy tôi cảm thấy một niềm vui sướng tột đỉnh – niềm vui vì được làm Salvador Dali.”

Dali khi vẽ bức “The temptations of Saint Anthony” (Ma quỷ cám dỗ thánh Anthony,) 1946

Cuộc đời và tác phẩm của Dali có sự kỳ dị và “làm quá” nhưng thực sự nhất quán. Chúng ta mê tranh Dali đã đành, nhưng có lẽ còn mê con người Dali hơn thế. Tất cả chỉ là diễn chăng? Ai biết. Điều cốt yếu là chúng ta muốn ông cứ mãi nhập vai Dali lập dị như vậy. Chẳng thế mà Dali đã nói “Tôi không xài ma túy. Tôi chính là ma túy.”

Có lẽ bây giờ và mãi mãi chỉ có một người như Dali!

Thế nhưng…

Dali lại không phải là Dali đầu tiên.

Tranh biếm hoạ Dali

Tuổi thơ của Dali lạ lùng đúng như chúng ta trông đợi. Trước khi có Dali hoạ sĩ, cha mẹ Dali đã hạ sinh một bé trai khác, cũng đặt tên là Salvador Dali. Trong tiếng Tây Ban Nha, el salvador có nghĩa là “người cứu chuộc.” Chính vì cái tên này mà Dali tuyên bố “Tôi chính là người cứu rỗi hội hoạ khỏi sự đe doạ của trường phái Trừu tượng, Siêu thực hàn lâm, Dadaism nói chung, và tất cả các thể loại ‘ism’ cũ mèm khác.”

Gia đình Dali (cậu bé ngồi thứ ba từ bên trái qua.) Trong bức ảnh này có người dì của Dali. Sau khi mẹ Dali chết, bà trở thành mẹ kế của cậu.

Chín tháng trước khi Dali thứ hai ra đời, Dali thứ nhất mất vì viêm dạ dày ruột. Kể từ đó, cha mẹ đặt tên Dali theo ông anh đã chết, thậm chí còn cho cậu bé ăn mặc giống hệt người quá cố và bắt chơi đồ chơi cũ của anh! Lúc Dali được năm tuổi, cha mẹ dẫn Dali nhỏ đến thăm mộ của anh trai và nói rằng “Con chính là anh Salvador đầu thai thành.” Và dường như Dali đã tin, hoặc làm ra vẻ tin vào điều đó. Về sau ông tuyên bố, theo cách hoa mỹ siêu thực rất Dali: “Tôi và anh Salvador giống nhau như hai giọt nước, nhưng chúng tôi có những sự phản chiếu khác nhau. Có lẽ anh ấy là phiên bản đầu tiên của tôi, nhưng được thụ thai trong sự nguyên chất hoàn toàn.”

Dali hồi nhỏ, mặc thứ gì giống váy ren chăng? Điều này thực ra không lạ lắm. Bé trai ở châu Âu từ thế kỉ 19 đến tận hết Thế Chiến thứ nhất thường ăn mặc giống con gái, đến khi đi học mới mặc quần dài – đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ thiếu nhi phi giới tính.

Chẳng rõ theo chuyên gia tâm lý học trẻ em thì việc làm của hai cụ nhà Dali có được coi là… phản giáo dục không, nhưng tác động đến Dali có vẻ không được tích cực cho lắm. Dali từ nhỏ đã kỳ quặc, ít bạn, và luôn làm cha mẹ lẫn thầy cô phải nhức đầu. Chúng ta ai chẳng muốn được là một, là riêng, là duy nhất. Cha mẹ càng gò Dali vào hình ảnh ông anh trai ngoan ngoãn thì cậu bé lại càng muốn bứt phá ra, bao gồm những hành động như cố tình tè bậy ra giường, giả vờ co giật, gào thét, giả câm điếc, hứng lên lại nện cho em gái một trận. Dali đã thuật lại trạng thái nổi loạn đó như sau:

“Mỗi ngày tôi đều tìm các cách mới để gây cho cha tôi những cơn bộc phát tức giận, sợ hãi, hoặc tủi nhục. Tôi ép cha phải nhìn nhận lại tôi như một đối tượng khiến ông ta chán ghét và xấu hổ. Tôi khiến cha bất ngờ, tôi khiêu khích cha, thách thức cha.”

Chân dung cha tôi, 1926

Vốn hay tự biên tự diễn về cuộc đời của mình, Dali còn kể thêm trong cuốn tự truyện The Secret Life of Salvador Dali:

– Lúc 5 tuổi, Dali gặp một con dơi chết dính đầy kiến. Danh hoạ tương lai bèn đưa xác dơi vào mồm cắn rồi xé làm đôi.

– Lúc 6 tuổi, Dali muốn lớn lên làm nữ đầu bếp (tại sao lại là nữ? Vì trong nhà ông các đầu bếp toàn là nữ!)

– Lúc 9 tuổi, Dali muốn làm Napoleon, và “tham vọng của tôi từ đó tăng tiến đều đều.”

– Dali là trai tân cho đến 25 tuổi, từng có khuynh hướng ái tử thi (đã được chữa khỏi,) thích chơi trò giả gái, và đã từng tấn công người tàn tật khi đi bộ dọc đại lộ Edgar-Quinet ở Paris.

Không có đối thủ về độ quái: hình lấy tự cuốn sách dạy … nấu ăn mới được xuất bản lại của Dali. Hình từ đây

Nhà văn George Orwell từng phát cáu lên vì những câu chuyện phi lý của Dali, gọi chúng là “những sự bịa đặt trắng trợn,” ca thán rằng “Dali là một hoạ sĩ giỏi, nhưng là một con người đáng ghê tởm.” Nếu George Orwell coi cuốn sách trên không phải tiểu sử Dali mà đơn giản chỉ là một tác phẩm nghệ thuật (bằng chữ) thì có lẽ nhà văn đỡ mắc bực mình, tổn thọ. Sự thực có lẽ không màu sắc như Dali tự tô vẽ ra. Theo em gái Dali kể lại trong cuốn sách Salvador Dali, seen through the eyes of his sister (Salvador Dali trong mắt em gái) thì cậu bé Dali được mẹ rất mực cưng chiều, phần vì sợ con yểu mệnh như anh cả, còn cha thì nghiêm khắc hơn. Dali ở nhà như một ông hoàng con, thích bày trò tinh quái trêu chọc cha mẹ, nhưng cũng nhạy cảm và thích khám phá. Tình hình đó thực ra cũng không có gì lạ lùng cho lắm. Gia đình Dali thường đi nghỉ mát ở Es Sortell, đó cũng là dịp để cậu bé Dali thả sức vẽ vời.

“Người đứng bên cửa sổ”, 1925. Người mẫu chính là Anna Maria, em gái của Dali

Bất chấp giữa hai cha con có những sự khác biệt nào đó, thì cha Dali cũng là một người đàn ông có học và mang tư tưởng tiến bộ. Ông là một công chứng viên kiêm luật sư được trọng vọng (cả vùng chỉ có năm người như vậy.) Ông Dali cha thích âm nhạc, văn chương, có một thư viện kha khá (mà cậu bé Dali đã ngốn hết khi chưa đến tuổi dậy thì). Ông còn mua cho con trai những chuyên khảo mỹ thuật, và cho cậu đi học vẽ. Điều chúng ta biết chắc chắn là từ năm 10 tuổi, Dali đã bắt đầu tập vẽ và được đào tạo khá bài bản. Năm cậu bé Dali 13 tuổi, người cha đích thân tổ chức một buổi triển lãm tại gia những bức vẽ than chì của con trai. Năm 14 tuổi, Dali đã có tác phẩm được trưng bày công khai và được nhận những lời khen hào phóng của một nhà phê bình nghệ thuật địa phương: “Chúng tôi không có quyền nói về Dali như một cậu bé, vì Dali là một người lớn trưởng thành. Chúng tôi không có quyền nói Dali đầy hứa hẹn, vì Dali đã có thành quả rồi. Chúng tôi chào mừng Dali và tin rằng về sau, những lời chúng tôi nói bây giờ sẽ có giá trị tiên tri: Dali sẽ trở thành một danh hoạ vĩ đại.”

Chân dung Lucia, 1918. Đây chính là người vú nuôi của Dali. Bức hoạ được hoàn thành khi Dali mới 14 tuổi, có ảnh hưởng của trường phái Ấn Tượng.

Khi Dali 16 tuổi, mẹ ông mất vì bệnh ung thư vú. Đây là một cú sốc lớn trong đời Dali. Mặc dù lúc đầu cha ông còn ngần ngừ không muốn cho con theo đuổi con đường hội hoạ chuyên nghiệp, nhưng có lẽ để an ủi con, Dali cha gật đầu đồng ý. Ở tuổi 17, Dali cắp cặp tới Viện Mỹ thuật Madrid học hành. Những tác phẩm thời kỳ đầu của Dali rất chỉn chu và… hàn lâm. Ta chỉ thấy chút dấu hiệu của Dali sau này qua những mảng màu và cách ông mô tả hình khối.

Giỏ bánh mì, 1926. Dali vẽ năm ông 22 tuổi. Về sau ông còn vẽ bánh mì rất nhiều lần với các thông điệp chính trị và triết học khác nhau.

Khoảng giai đoạn này, Dali bị đuổi khỏi trường (vì tham gia bạo động), trải nghiệm tý chút cảm giác ngồi tù, bắt đầu nuôi bộ ria mép đặc trưng, và giao du với nhóm Siêu Thực. Tất cả những điều này đều khiến cha Dali không vừa lòng, nhưng ông cáu nhất vì mối quan hệ của Dali với Gala – người phụ nữ Nga đã có chồng và hơn Dali 10 tuổi. Mâu thuẫn giữa hai cha con lên đến đỉnh điểm khi Dali cha đọc nhật báo Barcelona và thấy một bức tranh Dali con vẽ chúa Jesus với câu viết “Thỉnh thoảng tôi nhổ lên chân dung mẹ cho vui.”

Không chịu rút lại “sự phỉ báng” đó, Dali bị cha ruột tống cổ khỏi nhà, tước quyền thừa kế, và cấm quay trở lại Cadaques. Đuổi đi thì thôi, Dali cùng Gala chuyển đến một làng chài trên báo đảo Cap de Creus, dần dần biến đó thành mái ấm của họ. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, dần dần cụ Dali già cũng phải chấp nhận sự có mặt của Gala trong cuộc đời con trai mình. Gala và Dali có mối quan hệ khá… lạ lùng. Dali cho phép, thậm chí khuyến khích vợ cặp bồ. Những năm cuối đời, Gala sống trong một lâu đài được Dali mua tặng, trong khi ông hứa sẽ không đến thăm nếu không được bà cho phép.

Dali và Gala

 

Gala với hai miếng thịt cừu trên vai, 1933

Cảm hứng nghệ thuật của Dali đến từ nhiều chỗ, nhiều nguồn. Có lúc ông say mê toán học và những phát kiến mới về DNA, có lúc lại hóa thành con chiên Công Giáo ngoan đạo, lúc khác lại dùng hội hoạ để truyền tải những thông điệp chính trị. Đúng với tinh thần Dali, ông thường kết hợp nhiều yếu tố trong những bức tranh siêu thực có một không hai của mình.

Corpus Hypercubos, 1954

Thế nhưng ẩn ức về anh trai vẫn lẩn quất trong tiềm thức của ông. Dali đã từng viết: “Tất cả những trò lập dị mà tôi làm, chẳng qua chỉ để chứng tỏ với bản thân mình rằng tôi không phải người anh đã chết, mà là một người sống!” Ông không ngừng chiêm nghiệm về tuổi tác, cái chết, và sự hữu hạn của đời người.

“Ba độ tuổi”, 1940. Quay lưng lại người xem là chú bé Dali, nhưng vì không rõ mặt nên ta chẳng biết đó là anh, là em, hay kết hợp của cả hai. Hình bóng tuổi thơ được lồng trong gương mặt tuổi trưởng thành – anh trai Dali luôn ở trong hoạ sĩ và là một phần của hoạ sĩ.

Dali thường xuyên nói rằng anh trai và ông là hiện thân của Castor và Pollux trong thần thoại Hy Lạp. Bị Zeus dụ dỗ hú hí dưới lốt con thiên nga, nàng Leda sinh ra cặp anh em sinh đôi Castor và Pollux, một là con của thần, một là con của người. Hai anh em luôn gắn bó với nhau kể cả khi sống lẫn khi chết. Trong tiếng Latin, họ chính là Gemini (Song tử.) Dali cho rằng anh trai là một nguồn lực vô hình nhưng hiện hữu trong cuộc đời ông. Ông cũng vẽ một bức tranh về Leda, lấy chính Gala làm người mẫu.

Leda Atomica“, 1949. Người mẫu là Gala.

Những cảm xúc chất chứa của Dali cuối cùng cũng được phần nào giải toả khi ông vẽ bức chân dung anh trai, dựa theo một tấm ảnh lấy từ báo cũ, chắc là phần tin buồn:

“Chân dung người anh đã mất của tôi”, 1963

Nếu nhìn kỹ có thể thấy gương mặt người anh trai được kết thành từ vô số những trái anh đào, lấy cảm hứng từ Pop art của Roy Lichtenstein. Dali giải thích: “… những quả anh đào chính là biểu tượng cho phân tử, quả nào tối là anh tôi, quả nào sáng là tôi. Đó là sự lặp lại truyền thuyết vĩ đại của Castor và Pollux.”

Con chim kền kền đen, theo Dali, chính là… mẹ ông.

Xin được chốt lại bằng phát ngôn của Dali về việc vẽ anh trai mình:

“Khi sinh ra, tôi nối dài cuộc sống của người anh. Cha mẹ tiếp tục yêu thương anh, thông qua tôi […] Mỗi ngày, tôi giết chết hình ảnh anh trai trong tôi, để đạt đến sự bất tử vĩnh hằng (giống như Castor và Pollux.) Tôi ám sát anh thường xuyên, bởi Dali thần thánh này không thể có điểm gì chung với sinh vật đã qua đời dưới trần gian.”

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả