Trường phái

Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần 23. 11. 16 - 6:08 am

Đặng Thái

(Tiếp theo bài trước)

Mặc dù các họa sĩ Hà Lan ngày ấy không chính thức công nhận hệ thống phân cấp trong hội họa, nhưng rõ ràng luật bất thành văn về đẳng cấp của các đề tài vẫn được ngầm chấp nhận:

– Danh giá nhất vẫn là tranh có đề tài lịch sử (bao gồm tôn giáo, truyền thuyết và văn học cổ). Thể loại này giờ đã không còn được ưa chuộng, ít người mua, nhưng kích thước lớn và đòi hỏi kỹ thuật cao vẫn khiến nó được ngồi chiếu trên trong bảng xếp hạng (tương tự như nhạc cổ điển nước mình bây giờ). Các họa sĩ chịu ảnh hưởng mạnh từ phong cách Ý (và sang cả Ý du học), đồng thời thể hiện những hình ảnh rực rỡ về khoảnh khắc dâng trào nhất trong một điển tích do ảnh hưởng của phong trào Baroque.

Các mục đồng đến thăm Chúa hài nhi (Adoration of the shepherds), Gerard van Honthorst, 1622, sơn dầu trên vải.

– Tiếp đến là tranh chân dung. Người ta thuê vẽ tranh chân dung nhiều nhất là khi làm đám cưới và vẽ cả gia đình (y hệt như nghề ảnh bây giờ vậy). Mặc dù kiếm được tiền nhưng các nghệ sĩ vẫn kêu than là chán ngán thể loại này vì công việc cứ lặp đi lặp lại và ít sáng tạo, nhất là vẽ những gia đình ở tỉnh lẻ. Những người này có nhiều tiền (do làm trang trại) nhưng sùng đạo và gu thẩm mỹ hạn chế nên chỉ thích vẽ quần áo tối màu, bối cảnh phía sau đơn giản, trong nhà, không giống như giới quý tộc và quân đội, thích quần áo sáng màu và khung cảnh khoáng đạt phía sau. Quần áo trong tranh rất quan trọng, các họa sĩ hơn nhau ở chỗ diễn tả các nếp gấp và chất liệu có giống thật hay không, có biết thêm vào các chi tiết thời trang hay không.

Gerard Terborch (1617-1681) “Margaretha van Haexbergen, vợ của Jan van Duren”

Có nhiều chi tiết về thực tế khi vẽ thể loại chân dung này rất thú vị vì nó là tranh phục vụ thương mại. Ví dụ như vẽ tranh hai vợ chồng mới cưới thì họa sĩ sẽ để trống ra một khoảng bên cạnh, lúc đầu thì cứ vẽ bàn ghế, về sau khi có con thì sẽ vẽ đè em bé lên chỗ đó. Các nhân vật trong gia đình thường vẽ ngồi cùng một cao độ để sau này có thêm người thì chỉ việc vẽ ngồi cùng hàng. Các học giả cũng thường thuê vẽ chân dung, ông nào nghiên cứu ngành nào thì sẽ có bộ đồ nghề tương ứng trong tranh: quả địa cầu, kính thiên văn, bản đồ, sách vở, đầu lâu hoặc là xác chết đang mổ. Người Hà Lan cũng phát minh ra thể loại chân dung một nhóm người, thường là một hội nghề nghiệp, quỹ từ thiện hoặc đoàn binh lính. Tiền vẽ tranh là do cả nhóm góp lại, ông nào chọn được vẽ ngồi giữa thì phải trả nhiều tiền hơn, ông nào ít tiền thì vẽ sẽ sát về khung tranh hoặc bị đứng khuất, chỉ có bán thân nhô lên thôi.

“Nghệ sĩ vĩ cầm”, Gerrit Dou, 1665, sơn dầu trên ván gỗ, 39.8 × 29 cm.

Thời kì này có một loại chân dung Hà Lan đặc biệt gọi là tronie, tức là chỉ vẽ mỗi phần đầu và vai của nhân vật đang biểu lộ một cảm xúc gì đó trên khuôn mặt, nhiều khi đặt nhân vật ở trong một ô cửa sổ. Tronie thường do họa sĩ hứng lên là vẽ, rất phóng túng, không phải vì tiền, ví dụ như hầu hết tronie của Rembrandt là tự họa. Cũng có những tronie nổi tiếng như Cô gái đeo hoa tai ngọc trai của Vermeer.

Một tronie của Cornelis Cornelisz. van Haarlem, vẽ năm 1596

– Kế đến là tranh vẽ cuộc sống thường nhật (genre painting): Đây là thể loại tranh thú vị nhất của hội họa Hà Lan vì nó mô tả đa chiều cuộc sống của người dân. Giống như những tranh Bắc Âu thời kì trước, nhiều đồ vật và con vật trong tranh đều mang một ý nghĩa biểu tượng. Mặc dù rất nhiều bức tranh nhằm ngụ ý hoặc ẩn dụ cho một câu tục ngữ hay truyện ngụ ngôn nào đó, nhưng những thiết kế đồ vật và hình ảnh trong tranh rõ ràng là lấy từ cuộc sống thật. Đó là nguồn tư liệu lịch sử vô giá, cho ta cái nhìn toàn diện và tỉ mỉ từ cung vua phủ chúa cho đến góc bếp của chị nông dân. Không chỉ dừng lại ở giá trị tư liệu mà những bức tranh này cực kỳ giàu cảm xúc, những nhân vật trong tranh dù chỉ đang làm những việc đơn giản mà cực kỳ sống động và có hồn. Lối vẽ này đã mở ra một mục đích mới của hội họa, không chỉ dừng lại ở mô tả thần thánh hay một vài nhân vật bằng chân dung, nó ảnh hưởng đến các họa sĩ hiện đại hàng trăm năm sau, cũng vẽ những sinh hoạt giản dị mà đầy tính nhân văn, đầy chất thơ trong đó.

Bức thư tình, Johannes Vermeer, khoảng 1669, sơn dầu trên vải, 44 cm × 38.5 cm. Bức tranh trao trên tường phía sau có hai hình ảnh ẩn dụ: con thuyền là người tình và đại dương là tình yêu.

Có một điều lạ là đàn ông rất ít xuất hiện trong những tranh này, và mặc dù là một cường quốc về hàng hải nhưng tranh vẽ thủy thủ hay công nhân làm việc ở cảng lại rất ít. Chủ yếu tranh mô tả phụ nữ là các bà nội trợ, chị hầu gái, vú em, cô giúp việc, gái điếm, tiểu thư, bà chủ đang sinh hoạt bên trong một căn phòng, có lẽ là tại định kiến khi đó: đàn bà thì phải ở trong nhà chăng?

– Thứ tư là tranh phong cảnh (bao gồm thiên nhiên và đô thị) là một đề tài lớn giai đoạn này. Ngoài các tranh vẽ núi rừng thì rõ ràng đề tài thuyền và biển phổ biến vô cùng. Một đất nước đã tiến ra biển lớn và giàu có nhờ biển thì các tranh vẽ tàu thuyền trên biển đương nhiên là rất nhiều. Tàu chiến, tàu buôn, thuyền chài, xuồng gỗ la liệt trên các bến cảng. Sóng biển được nhiều họa sĩ vẽ đi vẽ lại đến mức nhuần nhuyễn bậc thầy. Sóng cuồn cuộn cùng giông tố, các cảnh hải chiến cho thấy một thời đỉnh cao của Hải quân Hà Lan với lá cờ ba màu (da cam, trắng, xanh) tung bay trong gió (*). Các thành phố được quy hoạch khoa học với rất nhiều công trình xây dựng tốn kém cũng trở thành đề tài phổ biến cho các nghệ sĩ.

Chợ lớn ở Haarlem với Nhà thờ nhìn từ hướng Tây, Gerrit Berkheyde, 1696, sơn dầu trên vải, 69,5 x 90,5 cm. Bên tay phải là Nhà thờ lớn Grote Kerk của thành phố Haarlem (vẫn tồn tại tới nay) xuất hiện trong rất nhiều bức tranh đương thời.

– Xếp cuối bảng là tranh tĩnh vật. Tĩnh vật giai đoạn này nổi tiếng nhất với đề tài bàn tiệc hoặc các bữa ăn nhẹ với đủ kiểu thức ăn bày la liệt trên mặt bàn cùng các đồ gia dụng đắt tiền như thủy tinh hoặc bạc. Các bức tranh tĩnh vật mô tả ánh sáng trên đồ vật cực kỳ sống động và chân thực, tuy nhiên mỗi hình ảnh trong tranh đều mang một ý nghĩa tượng trưng về đạo đức chứ không đơn thuần là những đồ vật vô tri vô giác.

Các thể loại càng bị coi là “đẳng cấp thấp” thì càng phổ biến và có số lượng lớn. Tuy nhiên vẫn có nhiều họa sĩ nổi tiếng chỉ với một thể loại dù là tĩnh vật hay phong cảnh. Phần lớn các họa sĩ vẽ tranh lịch sử đều kiêm thêm vẽ chân dung và nhiều người thành danh nhờ vẽ chân dung là chính như Rembrandt chẳng hạn.

Tĩnh vật với pho mát, a-ti-sô và sơ-ri, Clara Peeters, 1625, sơn dầu trên ván gỗ, 46.67 × 33.34 cm.

(Còn tiếp)

(*): Lá cờ này chính là nguồn gốc của cờ Nam Phi cũ và cờ của Thành phố New York bây giờ. Từ năm 1630, Hà Lan sử dụng màu đỏ thay cho màu da cam ở vạch trên cùng, người ta biết được điều này cũng là nhờ các bức tranh đương thời thể hiện, vì tàu đi biển thì màu cam hay bị phai, phẩm nhuộm màu vàng bay đi mất chỉ còn lại màu đỏ, mà màu đỏ lại nổi bật, dễ nhận biết hơn màu cam nên được chọn để dùng. Lá cờ này là lá cờ tam tài lâu đời nhất còn được sử dụng đến ngày nay, và mặc dù người Indonesia không thừa nhận, thì sự thực vẫn rành rành: lá cờ của họ là do xé mất phần xanh trong cờ Hà Lan mà ra (trong những năm đấu tranh chống Hà Lan, dân Indo đã làm vậy).

*
Bài đã đăng trên Nhân dân hàng tháng 

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

20:25 Wednesday,23.11.2016 Đăng bởi:  Frederic Cacao
Loạt bài hay quá, mình vẫn luôn hâm mộ đất nước/hội họa Hà Lan và tò mò không hiểu tại sao một đất nước nhỏ bé như vậy lại có thể dẫn đầu về nhiều mặt đến thế (đã lên internet tìm đọc nhưng không có bài nào đầy đủ như bài này của anh Đặng Thái).
...xem tiếp
20:25 Wednesday,23.11.2016 Đăng bởi:  Frederic Cacao
Loạt bài hay quá, mình vẫn luôn hâm mộ đất nước/hội họa Hà Lan và tò mò không hiểu tại sao một đất nước nhỏ bé như vậy lại có thể dẫn đầu về nhiều mặt đến thế (đã lên internet tìm đọc nhưng không có bài nào đầy đủ như bài này của anh Đặng Thái). 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Về một cách nhìn nghệ thuật!

Một thành viên của Khoan Cắt Bê Tông

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp