Văn & Chữ

Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 8):
Thư-Kỳ lạc truyện 29. 01. 17 - 7:29 am

Nguyên tác: Rào Luống Cần. Biên dịch: Linh Sơn cao hổ cốt chân nhân

(Tiếp theo hồi 7: Sau cơn mưa trời lại sáng)

Hồi 8
Những là gia giáo hão huyền
Khiến đôi én phải theo thuyền tìm xuân

Tranh dân gian Đông Hồ

Giờ mới kể về vườn Hoàng Trưng, lúc này mọi người đang mừng như sống lại, vì mấy nhà hảo tâm đã chuộc được toàn bộ giấy tờ đất đai, lại hứa vẫn cho Huệ Thư quản lý, nhưng dưới sự lãnh đạo của Bạch Nhạn. Ai nấy như thay da đổi thịt, vừa thoát ách keo kiệt nghiệt ngã của một mụ chủ gớm ghê, vừa được một ông chủ văn minh phóng khoảng nhìn xa trông rộng. Nhà Nguyên Ly và Hàng Anh vui vẻ ở lại trong vườn, lều nào quán nấy sửa sang đẹp đẽ, sáng sáng mua báo cho khách xem, chiều chiều bật tivi nghe dự báo thời tiết, treo rất nhiều tranh và bày tượng nơi nơi.

Bạch Nhạn lại rủ thêm được mợ Hạnh Măng Gồ về mở tiệm cô đầu, tối tối ca nương đàn kép dập dìu, tiếng trống phách toanh toách hòa tiếng hát nghẹn ngào hào sảng, Hoàng trưng trở thành trung tâm văn nghệ lúc nào không hay.

Bên Luloa thì tuần nào cũng họp hành duyệt dự án, chú trọng mấy project mỹ thuật cộng đồng. Thế là các cháu sinh viên tình nguyện sẽ đi gom rác rồi đem về đắp thành một cái cổng khải hoàn môn, thế là các cụ dưỡng sinh ăn chay sẽ làm bánh Hầm Bổ Gô khổng lồ bằng ba tạ bỏng ngô, ngay trong quán. Thế là các họa sĩ sẽ nhảy và các bác sĩ sẽ đánh trống phụ họa cho một màn trình diễn thư pháp chào Xuân…. Thôi cũng còn may, toàn là cây nhà lá vườn, tự biên tự diễn tự sản tự tiêu rồi tự dọn. Chứ để Hảo Ngọc bỏ tiền ra làm như mấy kỳ cống xề thì chẳng mấy mà sạt nghiệp! Chàng đã chớm bỏ dần những từ như “xịn”, “sang”, “đẳng”…mà học nói thứ ngôn ngữ thị dân chân chất, thôi dùng thơ mà nói thẳng vào vấn đề, không lề mề ê a như giảng kinh nữa.

“Thất đồng”, tranh dân gian Việt Nam

Đó chỉ là vẻ bề ngoài, thực ra Hảo Ngọc tối ngày chỉ lo viết thư tình hộ cho Kỳ Danh. Như đã nói, Kỳ Danh ở đối diện ngõ nhà Hảo Ngọc, sau khi bôn ba du học Mỹ về thì hành nghề cho thuê xe Limousine. Hảo Ngọc viết thư hộ mà viết cả thơ, cả văn xuôi lẫn văn vần, cầu kỳ thảm thiết, da diết mê tơi, những mong giúp Kỳ Danh cưa được đinh lim sến táu Linh Thư. Romeo thì dốt lại sỹ, ngây dại vì tình và bẽ bàng xấu hổ do hôm nọ đến chơi, bị ông phán Huynh bố nàng bóc mẽ; cụ đã cười nhạt thủng thẳng bảo: “Kỳ Danh ạ, bố cậu ngày bé học dốt nhất lớp, đánh lộn giật bài rồi trèo me trèo sấu, lớn lên phật phờ, may mà không thành thằng du côn. Mẹ cậu lại cho vay nặng lãi, đẻ mỗi thằng chim bé sài đẹn là cậu, du học về không bằng không việc, nuôi sao nổi con gái tớ mà mơ ? “. Romeo sợ quá, lắp bắp dạ vâng đánh bài chuồn.

Khổ nỗi Thư lại đã chớm già, băm mốt cái xuân xanh kia rất mong lấy chồng để được sớm tối cưng nựng. Có bao nhiêu tuyệt kỹ khéo léo của một vị nữ quan, giờ muốn triển khai trong hình hài một nàng vợ trẻ. Dăm vương tôn công tử láng cháng bồ bịch hồi ấy, giờ phần đông đã yên bề lập đến phòng nhì rồi. Cũng tại Linh Thư say nghề, riêng có thêu một tấm xiêm y phải học 3 năm, may một cái quần phụng trào đã trôi 8 tháng, cứ thế đeo đuổi miệt mài. Nguyên Ly thương chị, xăng xái mấy lần làm mụ mối, thì khổ nỗi bọn sưu tập tranh rất sợ gái già, chúng đã trưng đồ cổ kín buồng rồi…

Cho nên đôi Thư – Kỳ tình trong như đã mà mặt ngoài phải im. Cho nên Hảo Ngọc phải viết hộ tâm tình còn Ly và Hàng Anh thì làm bồ câu, nhí nhảnh nửa đêm cũng đến, thậm thụt thầm thì đưa thư…

Rồi bố nàng Juliet cũng phát giác. Ngài cấm cửa thằng kia, khóa con gái trong nhà. Ngài thân chinh vào cung xin nghỉ báo ốm hộ cho Linh Thư, giam nàng trong phòng quyết chia loan rẽ thúy.

“Rồng rắn lên mây”, tranh dân gian Việt Nam

Kỳ Danh đau đớn câm lặng kiểu quân tử nơi chưởng bộ, thửa một cây mộc nhân, ra sức tập luyện. Thân hình lẻo khẻo bỗng nổi cơ bắp như con kiến càng, mặt mũi lầm lì gân gã, đánh nhau mấy trận với… cái bóng của chính mình, ngay bức tường đối diện nhà nàng. Còn Thư chẳng thấy buồn bã gì, thích chí ăn ngủ béo phây trong buồng, tối nào cũng mặc váy xếch xi ra cửa sổ đứng trêu ngươi, chờ xem Kỳ Danh có lái xe qua phố không.

Rồi tờ mờ một sớm chớm đầu đông, quãng đầu giờ Dần tức 4 giờ sáng, Ly đang say ngủ, thì nghe ngoài cửa sổ có lào thào tiếng ai gọi mình. Ra mở thì lom khom từ ban công có hai bóng đen trèo vào nhà, chính là đôi Kỳ -Thư kia, chúng ướt đầm sương đêm, quần áo rách buơm, rõ ràng đã trèo trốn chạy khỏi phố Huế rồi cạy cổng vườn Hoàng Trưng mà lẻn vào tim nhà Nguyên Ly. Học theo tiểu thuyết diễm tình, chúng quỳ xuống làm bẩn cả tấm thảm, lảm nhảm xin mượn căn phòng để tâm sự đêm nay… Ly đành rón rén xuống bếp, ngồi canh rồi ngủ thiếp đi…

“Lưỡng nghi sinh tứ tượng”, tranh Hàng Trông

Tia nắng rọi vào má kéo Nguyên Ly dậy, nàng vội trèo lên xem, thì thấy giường đệm trống không, cửa số mở toang, rèm cửa rách toạc lòng thòng xuống tận sân, đôi điệp viên tình ái đã tấu thoát từ lúc nào. Ly bèn tức tốc chạy đến nhà Linh Thư, mong làm nguôi ngoai ông phán, giờ này có lẽ đã phát giác chuyện kia và đang rất tức giận. Nào ngờ vẫn thấy bố Thư ung ung pha trà uống. Hơi ngạc nhiên trước vẻ cuống cuồng của Ly, ngài bảo:

– Chị Thư sáng nay ngủ muộn, bác vừa đem cho cái bánh giò, đang ăn trên gác.

Ly lí nhí nói vài câu cho phải phép, lên…

Trên giường, Thư ngồi ăn bánh ngon lành, cười toe với Ly:

– Em ngủ say thế? Chuồn rồi, mai lại thế nhé?

Ly nổi khùng lên:

– Chị điên à, chồng em rất nghiêm, không được đâu!

Thư ngồi thừ ra nghĩ ngợi, nói rất khẽ khàng:

– Thôi đành vậy, có cách này…

Cách gì thì cũng nằm trong ba mươi sáu chước, và chước chuồn là dễ nhất. Romeo và Juliet của chúng ta ngay đêm ấy đã dắt nhau ra bến Nứa, lên thuyền đi mãi, nhịn đói gặm mì khô đôi ba ngày lênh đênh trên bể, thì dạt vào một hòn đảo nhỏ mạn Đông Triều huyện Quảng Ninh tỉnh, cách đảo Rệu ba quăng và xa đảo Khỉ tám quãng, trên đó có một làng chài. Dân chài nấu cháo cá cho đôi trai gái tẩm bổ, họ tin rằng không phải tiên rớt thì cũng là công chúa trôi hoàng tử dạt, cung phụng nuôi nấng, dựng cho ngôi nhà. Kỳ Danh và Linh Thư thế là lưu vong ở lại đây, vui vẻ sống đời thổ phỉ, xa rời hội chợ phù hoa và những lễ nghi trói buộc.

Chuyện về bọn này thôi từ từ cho da chúng dần rám đen như đít nhọ nồi, rồi mới có tình tiết mới….

*

(Còn tiếp)

*

Cùng một người viết:

- Vẫn mấy khuôn mặt cũ mèm nổi tiếng ấy…

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu
Kỳ 1: Lính mới

- Việc ấy không cần nhiều tiền,
chỉ cần nhiều công tâm và khát vọng

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu
Kỳ 2: Rơi vào tay hai nhà phê bình

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yếu Kiêu
Kỳ 3: Chìm, nổi, và lại chìm

- Thư gửi họa sỹ trẻ

- Về bác Phạm Lực – ôn cố mong tân

- Luận về ăn uống khi ốm, về khát vọng sống và chất nghệ qua ăn

- Hãy mua ngay khi cơ hội đến

- Người tháp tùng (phần 1)

- Người tháp tùng (phần 2)

- Bùi Thế Phương – Câu chuyện kể bằng thơ tự kỷ

- Một số ảnh Linh Cao chụp trước khi treo tranh

- Trường ca gia cầm

- Đã xem họa sỹ uống trà…

- Ăn chay nằm mộng lưng trời…

- Một bữa tiệc tối đáng nhớ, cần được viết ra…

- Từ một nhành thyme…

- Tiếng vọng từ thiên nhiên: các bạn trẻ nóng vội quá…

- Xem “Nhập nhằng”: làm sao đi bền một con đường độc đáo?

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 1): Tại Lu Loa Cống Xề

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 2):
Về Huệ Thư

- Xem gốm Bảo Toàn: Đập vỡ cây đàn

- Chuyện cô bán tranh: Nhớ thiên đàng nem chua

- Ba lý do khiến trò lười không muốn mở mang

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 3):
Ân oán Hàng Anh với Đirađivô

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 4):
Hoa Ỷ dỗi, Huệ Thư hồi chơi xấu

- Nhân thông tin một nhóm đại gia Việt vừa mua gần 50 bức tranh…

- Tết Art: sự trỗi dậy của cái mầm

- Nhận xét riêng về Tết Art: vẫn chưa thực sự hội chợ

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 5):
Quý vật tìm quý nhân

- Chợ hoa Hàng Lược – cái lúm đồng tiền duyên của phố cổ

- Món chè gấc số đỏ

- Về món mơ ngâm

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 6):
Kinh thành bỗng chốc thất thanh

- 5 đặc điểm để món ăn Việt đi mãi với người Việt

- Bún chả (bài 2): tuyệt phẩm nhà nghèo

- Mì vằn thắn: cảm thức biển trong một bát chứa chan

- “Măng mai măng nứa, cơm lam trà gừng…”

- Cốc chè của mùa hè

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 7):
Sau cơn mưa trời lại sáng

- Bàn tán về tranh nuy

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 8):
Thư-Kỳ lạc truyện

- Bé bỏng nghèo nàn trong lòng phố cổ

Ý kiến - Thảo luận

23:02 Sunday,29.1.2017 Đăng bởi:  Chang Chang
Đảo Rều chứ không phải đảo Rệu, Linh Sơn chân nhân ơi. Trên đấy có cái lều vịt của Vịn Vương to lắm. Chơi không với ăn hải sản đều đều thế thì chỉ có béo trắng ra chứ đợi đến bao giờ mới rám đen cho được!
...xem tiếp
23:02 Sunday,29.1.2017 Đăng bởi:  Chang Chang
Đảo Rều chứ không phải đảo Rệu, Linh Sơn chân nhân ơi. Trên đấy có cái lều vịt của Vịn Vương to lắm. Chơi không với ăn hải sản đều đều thế thì chỉ có béo trắng ra chứ đợi đến bao giờ mới rám đen cho được! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ăn kem – xem show

Mr Thứ Hai – Chu Minh Vũ | Việt Nam Ngày Mới

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả