Nhiếp ảnh

Willy Ronis: chết rồi vẫn chưa yên 23. 04. 10 - 1:23 am

SOI

Nếu có câu hỏi ảnh của nhà nhiếp ảnh nào khiến bạn thấy cảm động và nhớ nhung quá khứ một cách sâu sắc, chắc hẳn trong số các câu trả lời khó có thể thiếu cái tên Willy Ronis, một cái tên không thể bỏ qua của thế kỷ XX vinh quang đối với nhiếp ảnh Pháp.

Willy Ronis

 Sinh tại Paris năm 1910 trong một gia đình Do Thái di cư, Ronis có một ông bố làm nghề thợ chụp ảnh, có hiệu chụp ảnh ở Montmartre; khi ông bố qua đời năm 1936, đột nhiên gánh nặng kinh tế đổ lên vai Ronis và ông đành bỏ con đường âm nhạc đầy say mê để đi chụp ảnh và nhanh chóng có ảnh được đăng trên tạp chí Regards.

 Những năm đầu sự nghiệp này, Ronis đã có quan hệ với các nhiếp ảnh gia lớn của thời ấy như Robert Capa và David Szymin; sau này thân cận với Cartier-Bresson, ngoài ra ông còn là đồng nghiệp của Doisneau và Braissaï tại hãng Rapho.

  Willy Ronis là nhiếp ảnh gia người Pháp đầu tiên làm cho Life Magazine, năm 1953 ông đã có triển lãm ảnh chung tại MoMA. Ngày nay, những bức ảnh kinh điển của ông như Les Amoureux de la Bastille hay Le Petit Parisien là một phần di sản văn hóa của nước Pháp.

Les Amoureux de la Bastille

 Qua đời cuối năm 2009, ngay lập tức tác phẩm của Willy Ronis được trưng bày tại Monnaie de Paris (Paris), nơi người ta ngoài việc xem lại nhiều tác phẩm nổi tiếng còn được biết nhiều hơn về con người tranh đấu cánh tả Willy Ronis, với nhiều bức ảnh chụp thế giới của người lao động, vinh danh những người công nhân anh hùng sau những cỗ máy.

 Năm 1967, Ronis cũng sang Cộng hòa Dân chủ Đức và thực hiện một phóng sự ảnh gồm rất nhiều bức ảnh về một cõi “không tưởng” như các thư viện đầy ắp, sinh viên thì chăm chỉ và trẻ con thì sung sướng.

Le Petit Parisien

 Khi còn sống, Willy Ronis từng mơ tổ chức một triển lãm lớn tại Paris vào năm 2010 để mừng sinh nhật 100 tuổi của ông. Triển lãm mang tên “Willy Ronis, une poétique de l’engagement” (Willy Ronis, một thi học về dấn thân) như vậy là vẫn được tổ chức, nhưng thiếu đúng nhân vật chính. Điều này làm mọi chuyện phức tạp lên rất nhiều, đặc biệt là ở khâu “montage”. Căn nguyên của vấn đề nằm ở vấn đề quyền sở hữu: Ronis đã hai lần tặng tác phẩm của mình cho Nhà nước, vào năm 1983 và 1989. Để đổi lại, Nhà nước đồng ý trả tiền thuê căn hộ tại Paris của ông cho tới cuối đời. Ông cũng di chúc để lại toàn bộ các tác phẩm khác cho Nhà nước, thành thử trước khi tổ chức triển lãm, người ta phải dọn dẹp căn hộ, chuyển mọi thứ tới Thư viện Kiến trúc và Di sản, nơi đặt kho ảnh của Nhà nước.

Willy Ronis chụp ảnh người mẫu tại khách sạn Forum Arles

 Cuộc triển lãm càng rối như canh hẹ vì trong di chúc Ronis chỉ định tới bốn người thừa hành di chúc; để có thể sử dụng tác phẩm của ông (kể cả trưng bày lẫn in ấn) đều phải có được sự cho phép của những người thừa hành này. Các vị can thiệp sâu đến mức đòi sửa lời giới thiệu cho triển lãm, tất nhiên là vì mong muốn giữ hình ảnh tốt đẹp cho Willy Ronis. Rất may là cuối cùng thì mọi việc cũng được dàn xếp ổn thỏa, khiến người phụ trách cuộc triển lãm Marta Gili thở phào.

 Tuy nhiên, vấn đề thừa kế di sản của Willy Ronis vẫn còn rất rắc rối, vì ở lần hiến tặng cho Nhà nước năm 1983, người ta đã sơ xuất không làm kiểm kê chi tiết, thành ra năm 2004 Ronis vẫn còn đem bán đấu giá nhiều tác phẩm trên lý thuyết đã thuộc về Nhà nước, người trả tiền nhà cho ông. Ngoài ra, quyền thừa kế của Nhà nước còn vấp phải một đối thủ nữa, cháu trai của Ronis, tên là Stéphane Kovalsky.

 Kết quả là, nhà nghệ sĩ đã ra đi, cuộc triển lãm vẫn tốt đẹp, nhưng vẫn còn lại vô số vấn đề mà cái chết của Willy Ronis mới chỉ là sự khởi đầu.

                                                                                                                    (Theo Le Monde)

* SOI – Một số tác phẩm  nude nổi tiếng của Willy Ronis:

 

 

 

1981, Isabelle, New york

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nói lại với Mỹ Ngọc

Người xem Hà Nội

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả