Thiết kế

“Giáo hoàng của thời trang nam”
(bài 1): rơi xuống địa ngục 14. 03. 17 - 9:19 am

Anh Nguyễn

Viết series này là cơ hội tốt để tôi tranh thủ đọc thêm vài cuốn sách hay ho, trong đó có My First Ladies của “Sa hoàng cắm hoa” Nancy Clarke, All the Presidents’ Pastries của thợ làm bánh siêu đằng Roland Mesnier, In the President’s Secret Service về cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ, và The Residence – một tác phẩm xoay quanh lịch sử Nhà Trắng.

Thế nhưng tác phẩm gây rung động lòng người nhất, theo tôi, chính là Measure of a Man của Martin Greenfield.

Ảnh từ trang này 

Martin Greenfield là người đảm nhiệm phần may mặc cho những nhân vật nổi tiếng và quyền lực nhất thế kỉ 20, trong đó có 5 vị Tổng thống. Ông được tôn vinh là thợ may vĩ đại nhất hiện giờ, là “Giáo hoàng của thời trang nam”.

Nhưng ở cái tuổi 15 vẫn còn ngây ngô, ông đã trải nghiệm tận cùng đau đớn ở trại tập trung của phát xít Đức. Trong một gia đình Do Thái gồm ông bà, cha mẹ, cùng ba người chị em, chỉ có mình ông thoát khỏi địa ngục ấy. Cuộc đời ông chứa đựng nhiều nỗi thăng trầm khó tin, xứng đáng để dựng thành một bộ phim nghệ thuật.

Cuốn Measure of a Man của Martin Greenfield

Martin Greenfield sinh năm 1928 ở ngôi làng nhỏ xinh đẹp Pavlovo, Tiệp Khắc, chỉ cách biên giới Hungary có vài dặm. Tên cúng cơm của ông là Maximilian Grunfeld – mãi về sau ông mới đổi sang tên Mỹ cho dễ bề kinh doanh. Gia đình ông rất hạnh phúc, êm ấm, có đồng ruộng, vườn cây, thậm chí cả người hầu kẻ hạ. Ông nội ông, Abraham, đã xây dựng lên giáo đường Do Thái duy nhất của làng và được cả cộng đồng kính trọng. Cha ông là một kỹ sư công nghiệp thường đi công tác xa nhà nhưng rất thương yêu con cái.

Là người nhìn xa trông rộng, cha ông sớm muốn đưa con đi xa để tránh ảnh hưởng của Đức Quốc xã. Khi Maximilian vừa hết tuổi thiếu nhi, ông đã được cha gửi nhờ nhà người bác họ ở Budapest để học môn cơ khí. Vốn tính tình bướng bỉnh, cậu bé Maximilian không chịu ăn nhờ ở đậu nên đã trốn đi sống tại một… nhà thổ trong khi học việc. Ông giấu nhẹm cho đến khi bị tai nạn nghề nghiệp – đó cũng là lúc cha ông phát hiện ra sự việc và đưa ông về nhà. Số phận thích trêu ngươi: đúng ngày hôm sau cả gia đình ông bị đưa vào trại tập trung.

 

Gia đình của cậu Maximilian Grunfeld. Ảnh từ trang này 

Dù ngót 70 năm đã trôi qua, Maximilian vẫn nhớ mồn một những cảnh tượng xảy ra ngày hôm đó. Lực lượng Gestapo quật ngã ông nội Abraham xuống đất và tàn nhẫn xén trụi bộ râu sau khi ép cụ chối bỏ đức tin – bất chấp lời van nài của gia đình. Quân Đức lệnh cho họ mang theo những thứ đồ quý báu nhất, rồi tống tất cả lên xe chở súc vật. Sau này Maximilian mới biết bộ máy bóc lột của Hitler đã làm việc hiệu quả thế nào: tất cả đồ trang sức của họ sẽ mau chóng bị lấy đi, những chiếc răng bọc vàng sẽ bị nhổ không thương tiếc, thậm chí râu tóc tù binh cũng được cắt đi để chế tạo bom nổ chậm. Địa điểm mà gia đình ông được đưa đến chính là Auschwitz – nơi gần 1 triệu người Do Thái đã bỏ mạng dưới bàn tay diệt chủng của Đức Quốc xã.

Giáo hoàng Francis đến thăm Auschwitz vào tháng Bảy năm 2016. Ảnh chụp ngài đứng ngay dưới cổng chào khét tiếng – nơi đã đón nhận ít nhất 1.1 triệu tù nhân

Trong những cơn ác mộng của Maximilian, quỷ dữ vẫn hiện ra dưới hình hài đỏm dáng, chỉn chu: bốt đánh bóng loáng, quần là phẳng phiu, mái tóc mượt mà. Quỷ dữ đó, không ai khác, chính là Josef Mengele. Y còn được biết với cái tên Todesengel, hay Angel of Death (Thiên sứ của Tử thần). Những thí nghiệm y học tàn bạo của Mengele đủ khiến bất kỳ ai cũng phải rùng mình ghê sợ.Ngày định mệnh đó, số phận của gia đình ông nằm hoàn toàn dưới bàn tay của Mengele. Mới đầu, y ra lệnh chia rẽ bà mẹ của Maximilian và cậu em 5 tuổi của ông. Trước sự phản đối quyết liệt của người mẹ không nỡ bỏ con, y lệnh cho mẹ, chị, em, ông bà của Maximilian cùng đi về phía bên trái.

Đó cũng là phía của phòng hơi ngạt.

Một thông cáo truy nã Josef Mengele sau Thế chiến thứ Hai. Y đã trốn chui trốn nhủi được những… 35 năm trước khi chết đuối ngoài biển. Ông trời quả thật đã quá nhẹ tay với kẻ sát nhân hàng loạt này.

Bên cạnh Maximilian chỉ còn lại cha và chị ruột của ông, Simcha. Chị ông, cô gái xinh đẹp với mái tóc vàng óng mượt, cũng nhanh chóng bị đưa tới một địa điểm khác. Đó là nơi những cô gái Do Thái có nhan sắc bị quân Đức hành hạ, cưỡng hiếp trước khi giết chết. Chỉ còn lại ông và cha. Trong cơn kinh hoàng, Maximilian ra sức bám chặt lấy cha mình.

Nhưng cha ông lại có ý nghĩ khác. Ông điềm tĩnh giải thích cho Maximilian rằng nếu quân SS biết họ là cha con thì cả hai không thể cùng sống sót, bởi hễ ai phạm lỗi là họ sẽ trừng phạt cả hai! Thân thể con người không thể chịu gấp đôi sự dày vò đó. Trong giây phút ngàn cân treo sợi tóc, bất chấp những giọt nước mắt hoảng sợ của con trai, cha ông vẫn bình tĩnh ép ông hứa: “Một thân một mình, con phải tồn tại. Con còn trẻ và mạnh mẽ, cha biết con sẽ ổn. Con sẽ vinh danh gia đình mình bằng cách sống sót, chứ không phải nhỏ nước mắt tiếc thương. Đó là điều con bắt buộc phải làm.”

Lúc đó, quân Đức cất tiếng hỏi trong số những tù binh Do Thái, ai có kỹ năng gì giơ tay, bất kể là bác sĩ, thợ mộc, hay thợ nề. Cha ông nhanh trí kéo tay ông giơ lên và hét to: “Thằng bé này là một thợ cơ khí lành nghề.” Bằng cách đó, cha ông đã trao cho ông một con đường sống. Phải biết rằng dù dã man đến mấy, Đức Quốc xã cũng không muốn bỏ phí lao động, dù mục đích của chúng vẫn là bóc lột cho đến chết. Nhờ kinh nghiệm sửa cơ khí và đôi bàn tay khéo léo, Maximilian đã cầm cự được cho đến ngày được quân đội Hoa Kỳ giải phóng. Nhưng vào thời điểm đó, trái tim ông tan vỡ vì phải xa gia đình. Đó là lần cuối cùng ông được nhìn thấy gương mặt thân thương của ông bà, cha mẹ, và các chị em.

Martin Greenfield bùi ngùi cầm bức ảnh chụp gia đình khi ông còn nhỏ

Trong trại tập trung, cậu bé Maximilian làm đủ thứ công việc: giặt giũ, trát vữa, đóng gạch,.. Lần đầu tiên trong đời cậu sờ đến cây kim sợi chỉ không phải ở khu may mặc danh tiếng Savile Row hay thành phố thời trang Milano, mà chính trong hầm tối của Auschwitz. Trong lúc ủi đồ, cậu lỡ tay làm bung cổ áo của một sĩ quân SS và bị y dùng ba-toong đánh một trận thừa sống thiếu chết. Một tù nhân Do Thái già đã dạy cho cậu những kĩ năng thêu thùa đầu tiên. Sau khi sửa chiếc áo, cậu đã đánh liều … mặc nó luôn dưới lớp áo tù sọc. Maximilian để ý thấy mình được các bạn tù và cả những sĩ quan SS đối xử tốt hơn mỗi khi mặc nó. Đó là lần đầu tiên Maximilian ý thức được tầm quan trọng của y phục. Khi lớn lên hiểu đời, Maximilian mới biết chiếc áo SS đó khiến mọi người tưởng cậu là “trai cưng” của một sĩ quan cao cấp nào đó, có lẽ nó cũng là lý do khiến cậu thoát chết. Sau này, khi trại tập trung của cậu được quân Mỹ giải phóng, cậu lại chứng kiến cảnh những sĩ quan SS điên cuồng bắn chết các tù nhân Do Thái để … cướp áo quần. Trong giây phút hoảng loạn, bè lũ thua cuộc hèn nhát bèn tìm cách trà trộn vào hàng ngũ chính những người đã bị chúng hành hạ. Theo mô tả của Maximilian, những tù nhân Do Thái đáng thương đó “chạm được vào tự do nhưng không thể nắm giữ nó.”

Cánh tay vẫn còn hình xăm mờ mờ A4406 – số hiệu của Maximilian tại trại tập trung. Chữ A là viết tắt của Auschwitz.

Trại tập trung Auschwitz thật xứng đáng với tên gọi “Nấm mồ lớn nhất nơi trần thế.” Ở đây, Maximilian đã nếm trải đủ thứ đòn độc của quân SS. Có lúc chúng bắt cậu và một tù nhân Do Thái trẻ tuổi khác thay phiên tra tấn lẫn nhau để moi thông tin về cha họ. Có lúc cậu đang mải trát vữa cùng một bạn tù khác, quay sang đã thấy bạn mình nằm trong vũng máu – quân SS thích dùng tù nhân Do Thái làm bia tập bắn. Maximilian cho rằng những cuộc giết chóc tưởng chừng ngẫu nhiên chính là một hình thức tâm lý chiến cực kì hiệu quả. “Nếu chúng vui, chúng giết bạn. Nếu chúng buồn, chúng cũng giết bạn. Không có một thứ logic nào trong hành động của chúng. Điều này làm kiệt quệ tinh thần của những tù nhân. Con người cần có một niềm tin rằng làm tốt sẽ được tưởng thưởng hoặc ít ra là không bị trừng phạt. Quân SS đã phá tan niềm hy vọng đấy, và khiến chúng tôi dần dần vô cảm.” Cậu trở nên quen với cái chết, với mùi xác bị đốt trong phòng hơi ngạt, với việc mang xác đồng bào đi chôn.

Maximilian, tuy thế, vẫn không đánh mất lòng thương người và tinh thần quả cảm cố hữu. Death March – Chuyến diễu hành chết chóc trong tuyết từ Buna đến Gleiwitz suýt giết chết cậu, nhưng nó chỉ khiến Maximilian mạnh mẽ hơn. Khi túc trực trong bệnh viện, cậu thường xuyên tìm cách lén chia thêm thức ăn cho những người kiệt sức – một tù nhân khác nói rằng nhờ suất súp đúp của cậu mà ông ta thoát khỏi cái chết. Cậu nhiều lần thế chỗ cho những kẻ yếu hơn khi SS điểm danh, và còn ăn cắp bánh mì từ túi áo quân SS để chia cho các bạn.

Tranh minh hoạ một Death March của Đức Quốc xã: tù binh nào đi chậm hoặc ngã quỵ là bị xử tử ngay tức khắc.

Vì quá đói, Maximilian thậm chí còn mò vào nhà thị trưởng thành phố Weimar để ăn cắp mấy củ cà rốt của… thỏ và bị bà vợ thị trưởng đánh gần tan xác. Sau khi Buchenwald được giải phóng, Maximilian đã cầm súng trở lại trả thù nhưng lại chùn tay khi thấy bà ta ẵm đứa con mới sinh. (Về sau, vợ chồng thị trưởng thành phố Weimar đều cắt cổ tay tự sát vì không thể đối mặt với bằng chứng về tội ác diệt chủng). Hậu quả của chế độ ăn uống thiếu thốn và những vất vả khi dậy thì là khiến thân hình của Maximilian mãi mãi thấp nhỏ. Cũng ở trong trại tập trung Buchenwald, Maximilian đã gặp nhà văn được giải Nobel Hòa Bình tương lai Elie Wiesel, khi đó cũng là một cậu bé tuổi thiếu niên. (Cả Maximilian và Elie Wiesel đều trải qua thời gian ở Auschwitz và Buchenwald).

Elie Wiesel ở Buchenwald – trong sách Maximilian mô tả ông là “chàng trai gầy guộc nhất tôi từng được biết”. Tờ Los Angeles Times thì gọi Elie Wiesel (trưởng thành) là “người Do Thái quyền lực nhất Hoa Kỳ”.

Ngày 11 tháng 4 năm 1945, đối với Maximilian, chính là ngày cậu được “tái sinh.” Sau nhiều ngày tranh đấu, Buchenwald thất thủ. Tướng Eisenhower, người được Maximilian thân mật gọi với cái tên Ike, chỉ huy quân đội Mỹ tiến vào trại tập trung. Trong số 2100 tù nhân còn sống ngày hôm đó, có 850 đứa trẻ, bao gồm từ em bé 3 tuổi đến những thiếu niên như Maximilian Grunfield và Elie Wiesel. Trong trí nhớ của ông, Eisenhower là một người khổng lồ, một chiến tướng vĩ đại, một thiên thần. Số phận tình cờ khiến ông hân hạnh được bắt tay Eisenhower ngày hôm đó. Ai có thể tiên đoán rằng mấy chục năm sau, Eisenhower sẽ trở thành Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ, còn Maximilian sẽ trở thành một thợ may thượng thặng, người tạo nên những bộ suit đẹp nhất cho Eisenhower.

(Bài tiếp theo: Từ chân chạy vặt thành ông chủ lớn)

Ý kiến - Thảo luận

16:26 Wednesday,3.1.2024 Đăng bởi:  lui
Trời ơi hay quá. Đề tài trại tập trung luôn cuốn hút mình dù đã xem bao nhiêu phim rồi nhưng đọc vẫn thấy rất khủng khiếp. Sẽ tìm hết các sách mà mọi người đã giới thiệu để đọc. Cảm ơn tác giả và các bạn.
...xem tiếp
16:26 Wednesday,3.1.2024 Đăng bởi:  lui
Trời ơi hay quá. Đề tài trại tập trung luôn cuốn hút mình dù đã xem bao nhiêu phim rồi nhưng đọc vẫn thấy rất khủng khiếp. Sẽ tìm hết các sách mà mọi người đã giới thiệu để đọc. Cảm ơn tác giả và các bạn. 
20:18 Tuesday,14.3.2017 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
Cảm ơn bạn My. Quyển Survival in Auschwitz của Primo Levi mình đã đọc rồi. Ông này còn có một quyển khác rất hay là Periodic Table, trong đấy mỗi nguyên tố lại có một câu truyện ngắn đi kèm. Bạn nào đam mê hoá học chắc là sẽ thích quyển này.
...xem tiếp
20:18 Tuesday,14.3.2017 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
Cảm ơn bạn My. Quyển Survival in Auschwitz của Primo Levi mình đã đọc rồi. Ông này còn có một quyển khác rất hay là Periodic Table, trong đấy mỗi nguyên tố lại có một câu truyện ngắn đi kèm. Bạn nào đam mê hoá học chắc là sẽ thích quyển này. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả