Văn & Chữ

Đọc Kim Dung (bài 4): “tình thánh” Dương Quá và hình tượng máu 19. 04. 17 - 6:05 am

Anh Nguyễn

(Tiếp theo bài trước)

Biểu tượng của máu

Thứ gắn kết số phận Hoạt Tử Nhân Mộ và Tuyệt Tình Cốc là gì? Chính là chàng trai Dương Quá. Sự xuất hiện của chàng đã kích hoạt những cảm xúc bị ức chế, dồn nén của những con người “tuyệt tình”, “thiểu dục” kia, chẳng khác nào hòn sỏi rơi xuống mặt hồ phẳng lặng hay que diêm ném vào đống cỏ khô. Dương Quá dần len lỏi vào trái tim Tiểu Long Nữ, khiến nàng muốn nếm trải cuộc sống phù hoa, rồi lại vì kiếm tìm nàng mà tới Tuyệt Tình Cốc, khuấy động cảnh lặng lẽ nơi đây. Đúng như Trần Mặc đã nhận xét “…tính cách của Dương Quá giống như một chất lỏng nóng chảy, mẫn cảm, lưu động, có lúc sưởi ấm lòng người, làm tan băng giá, nhưng có lúc lại đốt cháy người khác, thậm chí dẫn đến hủy diệt họ.”

Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Minh họa từ internet

Trong Thần Điêu Hiệp Lữ, bên cạnh “tình thánh” Dương Quá còn có hình tượng máu là ẩn dụ cho tình cảm con người: sôi nổi ấm áp và luôn hiện hữu trong ta. Có ba dẫn chứng:

Thứ nhất, những cư dân trong Tuyệt Tình Cốc luôn ăn chay vì chỉ một giọt máu cũng đủ phế bỏ võ công của họ. Ở đây ta thấy lặp lại motif tự hạn chế mình. Chối bỏ tình hay tuyệt tình là một hành vi trái tự nhiên cũng như tránh né máu – một thứ vốn có sẵn trong cơ thể con người. Trần Mặc đã nhận xét: “Cái gọi là công phu bế huyệt, kỳ thực chỉ là công phu tự kìm nén điển hình. Để bảo đảm công phu ấy hữu hiệu lâu dài, Công Tôn Chỉ đành phải kiêng ăn uống chất tanh, tức là tự kìm nén mình. Đồng thời để duy trì tình trạng ấy, không cho chất tanh quyến rũ mình, Công Tôn Chỉ bắt tất cả mọi người ở Tuyệt Tình cốc đều phải ăn chay, tức là không chỉ kìm nén mình, mà còn kìm nén người khác. “

Thứ hai, khi Dương Quá và Tiểu Long Nữ bắt đầu yêu nhau, chàng đã cắt tay lấy máu cho nàng uống để phục hồi công lực. Quá trình truyền máu này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Một phần tình cảm nồng nàn của Dương Quá đã được chuyển sang Tiểu Long Nữ, nhờ đó nàng không còn là cô gái băng tuyết hay “hoạt tử nhân” nữa. Từ giây phút này, Tiểu Long Nữ có thể tái hoà nhập thế giới của con người biết yêu thương. Kim Dung đã lấy cảm hứng từ nghi thức kết nghĩa huynh đệ cổ điển “cắt máu ăn thề” và biến nó thành lời tuyên thệ tình yêu.

Hình ảnh Dương Quá và Tiểu Long Nữ trong phim dựa theo tác phẩm

Thứ ba, khi gặp lại Dương Quá ở Tuyệt Tình Cốc, nỗi bi ai đã khiến Tiểu Long Nữ thổ huyết. Một mặt có thể coi như đây là sự đền đáp cho lần “nợ máu” trước kia, mặt khác nó cũng khẳng định sức nặng tình cảm của Tiểu Long Nữ. Những người xung quanh khi chứng kiến đều hiểu “hai người tình thâm ái thiết, dĩ vãng từng có uyên nguyên cực sâu với nhau.” Thế nhưng họ không biết rằng công phu tu luyện của Tiểu Long Nữ cốt yếu không được nảy sinh tạp niệm, nàng càng tương ái Dương Quá thì nội công lại càng suy kiệt. Vậy mà vẫn bất chấp tất cả để mà … yêu thì quả là một sự dấn thân.

Đường yêu đương khổ nạn của “tình thánh” Dương Quá

Truyện Kim Dung không thiếu những chuyện tình bị ngăn cấm: có khi là do chính tà đối ngược (Trương Thuý Sơn – Hân Tố Tố,) có khi là bởi lợi ích quốc gia (Trương Vô Kỵ – Triệu Mẫn,) có lúc đơn giản do tư thù cá nhân (Đại Ỷ Ty – Hàn Thiên Diệp). Thế nhưng dù âm thầm trốn đi hay công khai nổi loạn thì những đôi uyên ương ấy cũng sớm được “liền cánh cùng bay.” Riêng với Dương Quá-Tiểu Long Nữ, mối tình của họ đã phạm phải điều đại kỵ quá lớn, đến nỗi phải mất 16 năm để được giang hồ công nhận. 16 năm ấy vừa là thử thách, vừa là một lời bảo chứng cho tình cảm đôi lứa.

Manga dựa theo Thần Điêu Hiệp Lữ

Các nhân vật nam chính trong Kim Dung đều có giai nhân bầu bạn khi hành tẩu giang hồ, nhưng Dương Quá là một trường hợp đặc biệt. Với Dương Quá, những bài học võ có gắn bó mật thiết với những “bài học yêu,” bởi Tiểu Long Nữ vừa là sư phụ lại vừa là tình nhân của chàng. Nàng tinh thông võ học hơn, nhưng trong tình cảm họ đều ngờ nghệch như nhau. Hai người bọn họ rốt cuộc chỉ có ba phần là tình thầy trò, còn lại bảy phần là luyến ái. Chính vì sự nhập nhằng này mà cả quan hệ sư đồ lẫn khát vọng yêu đương của Dương-Long đều bị giang hồ phủ nhận, dẫn đến vô vàn trở ngại. Có thể nói nửa sau Thần Điêu Hiệp Lữ là sự trả giá của Dương Quá cho mối tình “danh bất chính ngôn bất thuận” này.

.

Cuộc chạy trốn khỏi phái Toàn Chân của Dương Quá là sự phản kháng lại nền ý thức hệ mà Quách Tĩnh hết lòng tuân thủ. Từ đó Dương Quá bỏ lại những quy củ Nho gia để dấn thân vào thế giới của nữ tính thâm sâu bí mật. Thế nhưng trong tình huống này Dương Quá không phải tội đồ duy nhất. Giây phút Tiểu Long Nữ chấp nhận kết nạp Dương Quá vào phái Cổ Mộ, cả hai người bọn họ đã phạm phải một tội nặng bậc nhất trong võ lâm: không tuân lời sư tổ. Hành động này đã để lại hậu hoạ khôn lường. Hạt mầm của sự nổi loạn lại được gieo rắc ở mảnh đất của tình ái, tất phải nảy ra loài cây khổ đau. Nếu chiếu theo văn học phương Tây thì họ chính là star-crossed lovers, đôi tình nhân sinh ra dưới một ngôi sao xấu. Câu chuyện tình của Dương-Long trong toà Hoạt Tử Nhân Mộ có phảng phất hương vị của cổ tích, ngụ ngôn với nhiều ẩn dụ về bất hạnh, chia lìa, và trừng phạt, mà tiêu biểu nhất là ba thử thách mà ta sẽ điểm qua ở bài cuối cùng.

(Bài cuối: Ba thử thách đắng và một cái kết ngọt cho Dương Quá)

*

Về chưởng Kim Dung:

- Truyện Kim Dung (phần 1): phàm đại hiệp đều phải mồ côi cha

- Truyện Kim Dung (phần 2): bildungsroman muốn li kỳ thì phải thiếu nơi nương tựa

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 1): từ màu đỏ của mặt trời 8, 9 giờ sáng

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 2): cũng thanh trừng, cũng sùng bái cá nhân

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 3): ba lý do của một người khôn ngoan

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 1):
ai là Thiên, ai là Long?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 2):
ai là Dạ Xoa, ai là Atula?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 3):
còn ai là Garuda và ai là Khẩn Na La?

- Đọc Kim Dung (bài 1): Quách Tĩnh – Bảy lần leo núi để thành núi

- Đọc Kim Dung (bài 2): Dương Quá – chọn vực sâu để tìm tri kỷ

- Đọc Kim Dung (bài 4): “tình thánh” Dương Quá và hình tượng máu

- Đọc Kim Dung (bài 5): ba thử thách đắng và một cái kết ngọt cho Dương Quá

- Vi Tiểu Bảo (bài 1): “thằng vô lại nhỏ” được Kim Dung gửi gắm toàn biểu tượng

- Vi Tiểu Bảo (bài 2): phản anh hùng đạt được mọi thứ mà anh hùng khó có

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 1):
Ai đẹp nhất? Ai nghề nghiệp ổn nhất?

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 2):
Tính ai hay nhất? Nhà ai thích nhất?

Ý kiến - Thảo luận

6:49 Thursday,20.4.2017 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
Anh Tùng viết hay tuyệt vời :) em không hiểu gì Kinh Dịch nhưng đọc vẫn thấy hay ạ.
...xem tiếp
6:49 Thursday,20.4.2017 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
Anh Tùng viết hay tuyệt vời :) em không hiểu gì Kinh Dịch nhưng đọc vẫn thấy hay ạ. 
0:15 Thursday,20.4.2017 Đăng bởi:  phó đức tùng
Anh Nguyễn có phân tích đôi Quách tĩnh Hoàng Dung như là một đôi nho giáo mẫu mực, trong khi đôi Dương Quá Tiểu Long Nữ là đôi đạo sỹ phá cách. Theo mình thì cả hai đôi này vẫn đều nằm trong chuẩn mực Nho Giáo, chỉ là những trạng thái khác nhau.
Ta biết Kinh Dịch là một trong Ngũ Kinh của Nho gia. Vậy hãy xem bát quái sẽ lý giải thế nào về hai cặp đôi này.

Quách T
...xem tiếp
0:15 Thursday,20.4.2017 Đăng bởi:  phó đức tùng
Anh Nguyễn có phân tích đôi Quách tĩnh Hoàng Dung như là một đôi nho giáo mẫu mực, trong khi đôi Dương Quá Tiểu Long Nữ là đôi đạo sỹ phá cách. Theo mình thì cả hai đôi này vẫn đều nằm trong chuẩn mực Nho Giáo, chỉ là những trạng thái khác nhau.
Ta biết Kinh Dịch là một trong Ngũ Kinh của Nho gia. Vậy hãy xem bát quái sẽ lý giải thế nào về hai cặp đôi này.

Quách Tĩnh, Hoàng Dung có thể nói là cặp đôi Cấn Đoài.
Cấn là núi, có hai hào âm ở dưới, một hào dương ở trên cùng. Vì thế trong mềm mà ngoài cứng, lại có đặc tính là tĩnh chỉ, vì thế gọi là Quách Tĩnh, và luôn có liên quan tới núi. Tuy là quẻ dương (vì quẻ có một hào dương sẽ là quẻ dương) nhưng âm tính trong quẻ này cao, vì thế Quách Tĩnh bên trong thì tình cảm mà thụ động, bên ngoài thì kiên định, vững chắc.
Ngược lại Hoàng Dung là quẻ Đoài, với hai hào dương ở dưới, một hào âm ở trên, giống như mặt nước đầm trên đỉnh núi. Bên ngoài thì dung hoà nhu thuận, nhưng bên trong rất gan góc, cứng rắn. Tuy là quẻ âm nhưng thực ra dương tính rất nhiều. Trong quan hệ giữa Hoàng Dung và Quách Tĩnh, Hoàng Dung thường chủ động và cứng rắn hơn Quách Tĩnh.

Dương Quá Tiểu long Nữ là cặp Chấn Tốn
Dương Quá là quẻ Tốn, là gió, là thiếu âm, tức là một âm mới sinh ra ở dưới hai hào dương. Theo dịch lý, quá dương thì chuyển thành âm. Dương Quá là tình trạng quá nam tính nên từ sâu thẳm bắt đầu nảy sinh mầm âm, và cái mầm âm này lại làm chủ quẻ. Quẻ Tốn là gió, vì thế Dương Quá có tính phiêu dật, linh hoạt. Đó cũng là tính Dương, thậm chí nhiều dương hơn là Quách tĩnh (loại dương cứng nhắc của Quách Tĩnh là dương đã suy kiệt, sắp tiêu hết rồi, còn dương của Dương Quá như gió, mềm dẻo mà linh động). Nhưng vì sâu thẳm bên trong Dương Quá mầm âm khởi sinh, nên tại những chỗ vực sâu, hang tối, yếu tố âm nhu đó sẽ càng phát tác, nổi lên quyết định vận mạng. Máu là biểu tượng của âm tính, vì thế lúc tối hậu thì Dương Quá cắt máu. Còn bình thường thì Dương Quá hoàn toàn không âm tính, thậm chí là quá dương cương.
Ngược lại Tiểu Long nữ là quẻ Chấn, nghĩa là sấm, là thiếu dương. Chấn là quẻ có hai hào dương ở trên, nhưng một hào âm mới khởi ở dưới. Nếu dương quá là quá dương mà khởi âm, thì Tiểu Long Nữ là quá âm nên xuất hiện dương. Tiểu Long Nữ ở trong cổ mộ, luyện ngọc nữ tâm kinh, thành hoạt nhân, tức là chí âm chí nhu, nhưng chính vì thế từ sâu thẳm lại nảy sinh dương tính, và dương tính này quyết định bản chất sâu xa nhất. Long là biểu tượng hào dương trong kinh dịch. Tiểu Long là con rồng nhỏ, chỉ vào hào dương mới sinh ra ở vị trí hào 1 trong quẻ Chấn. Rồng cũng là con làm mưa làm gió, nên quẻ Chấn là sấm có liên quan tới Tiểu Long Nữ. Tiểu Long Nữ bên ngoài chí âm chí nhu, nhưng trong lõi cực kỳ dương cương, quyết liệt, đã làm gì thì như sấm đánh ngang tai, xong việc rồi mới nghe thấy tiếng. Máu là âm khí tinh chất, nên người Tuyệt Tình Cốc và cả Tiểu Long Nữ đều không cần máu, và không chịu được máu. Có nó vào thì chỉ làm tăng âm khí đã quá nhiều, khiến cho dương khí bị kìm nén càng bộc phát, nên có thể tẩu hoả nhập ma, hoặc là tức khí phun ra máu.

Như vậy, cả hai đôi này đều là trong dương có âm, trong âm có dương. Có điều đôi Quách Tĩnh Hoàng Dung thì là Dương nam, âm nữ, nên về lý thì sẽ thuận hơn, và những lúc quyết định nhất thì cũng thuận hơn, nhưng trong các tình huống thông thường thì Quách Tĩnh nhiều âm tính hơn, Hoàng Dung nhiều nam tính hơn. Quách Tĩnh có một hào dương tại thượng làm chủ, nên thường có xu hướng leo lên đỉnh núi.
Dương Quá Tiểu Long Nữ là âm nam dương nữ nên tổng thể sẽ có cảm giác trái khoáy, những lúc mấu chốt thì Dương Quá cũng âm tính hơn Tiểu Long Nữ. Nhưng trong biểu hiện thường nhật thì Dương Quá có thể coi là đặc biệt nam tính, và Tiểu Long Nữ là điển hình nữ tính. Dương Quá có một hào âm ở dưới làm chủ quẻ, nên có xu hướng chui xuống chỗ thấp tối. Còn Tiểu long Nữ thì tuy có một dương ở dưới làm chủ, nhưng dương này như con rồng mới sinh còn nằm trong đất, nên cũng có thể bằng lòng nằm dưới cổ mộ lâu dài mà chưa có nhu cầu chui ra, vẫy vùng.

Do cặp Quách Tĩnh, Hoàng Dung là thái dương thái âm nên ngay từ đầu đã có biểu hiện như một đôi nam nữ chín muồi, trưởng thành, ngay từ lúc trẻ mới gặp nhau. Trong khi đó Dương Quá, Tiểu Long Nữ là thiếu dương thiếu âm nên luôn giữ ấn tượng một đôi thanh niên thiếu nữ, cho tới cả khi quy ẩn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nếu... thì tư cách gì để bình phẩm?

Ngô Lực - Thành viên KCBT

Hãy bớt trách móc

Họa sĩ VI KIẾN THÀNH

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả