Văn & Chữ

Đọc Kim Dung (bài 5): ba thử thách đắng và một cái kết ngọt cho Dương Quá 21. 04. 17 - 6:41 pm

Anh Nguyễn

(Tiếp theo kỳ trước)

Thử thách đầu tiên của Dương Quá sau khi bái Tiểu Long Nữ làm sư phụ là nằm ngủ trên chiếc giường hàn ngọc. Chiếc giường này có lai lịch rất lớn: đích thân Vương Trùng Dương đã đi tìm loại ngọc quý ở vùng cực Bắc giá lạnh để tặng cho Lâm Triều Anh. Trong văn học, chiếc giường vốn đã là biểu tượng của hôn nhân và gắn bó, ở đây lại nhuốm màu tư tình nam nữ nên ý nghĩa càng đậm. Thế nhưng chiếc giường này lại chứa đựng nhiều mâu thuẫn: nó lạnh chứ không ấm, nó là dụng cụ luyện công chứ không phải nơi kề vai ấp má, và chỉ những người đàn bà cô đơn gối chiếc sử dụng nó chứ không hề có hơi ấm đàn ông. Mục đích sử dụng của chiếc gường đã hoàn toàn bị đảo lộn, nó trở thành nhân chứng cho trái tim lạnh lẽo của các ngọc nữ phái Cổ Mộ và sự trái khoáy của việc “tuyệt tình.”

Dương Quá qua hình dung của Hoàng Hiểu Thanh

Phải đến khi Dương Quá nằm lên nó thì ý nghĩa của chiếc giường mới hoàn toàn thay đổi. Đặt trong bối cảnh văn học, việc Tiểu Long Nữ cho phép Dương Quá cùng chia sẻ chiếc giường với nàng là có ẩn ý tình dục không thể bàn cãi. Nếu chiếc giường hàn ngọc là biểu tượng cho sự trinh nguyên của Tiểu Long Nữ thì sự có mặt của Dương Quá đã làm tan đi lớp bảo vệ đầu tiên và mở đường cho những rung động sau này. Bầu máu nóng của chàng trai trẻ mau chóng làm ấm lên chiếc giường và cả trái tim người thiếu nữ. Từ đó chiếc giường hàn ngọc thành nơi giao hoà của hai giới, có thể nói là đã chứng giám cho mối tình thâm của hai vị tiền bối Vương Trùng Dương-Lâm Triều Anh. Thế nhưng chiếc giường cũng khiến Dương Quá “toàn thân run bần bật, hai hàm răng gõ vào nhau cầm cập. Nằm một lát nữa, khí lạnh thấu xương, thật không tài nào chịu nổi.” Sự tổn thương thân thể này phản chiếu việc Dương Quá bị mất cánh tay, Tiểu Long Nữ bị cưỡng hiếp và trọng thương – cái giá đầu tiên của mối tình ngang tái.

Tiểu Long Nữ trong hình dung của Hoàng Hiểu Thanh

Thử thách thứ hai của Dương Quá sau khi nhập môn phái Cổ Mộ là chộp bắt những con chim sẻ do Tiểu Long Nữ thả ra. Số lượng chim sẻ tăng từ 3 đến 81 con, phạm vi luyện tập của chàng cũng nới rộng từ gian thạch thất nhỏ ra khoảng không ngoài trời.

Hai người đi ra ngoài nhà mồ, lúc này đang là tháng Ba mùa xuân, cây lá xanh non. Dương Quá hít sâu mấy hơi, cảm thấy hương hoa thơm mát tràn vào lồng ngực, dễ chịu vô cùng. Tiểu Long Nữ mở nghiêng miệng cái túi vải, chim sẻ từ trong túi lũ lượt bay ra; lúc này hai bàn tay với mười ngón búp măng của nàng dang rộng, tay vẫy, tay phẩy, buộc những con chim sẻ đang giương cánh bay đi phải quay trở lại. Bầy chim được sổ lồng, lẽ nào không bay đi tứ phía? Nhưng lạ thay, song chưởng của Tiểu Long Nữ chỉ làm như thế, mà toàn bộ tám mươi mốt con chim sẻ đều quần tụ ở trước mặt nàng trong phạm vi ba thước.
[…]
Cứ thế luyện tập không mệt mỏi, hết xuân qua hạ, ngày càng tiến bộ. Dương Quá thông minh dĩnh ngộ, cần mẫn dụng công, số chim sẻ chặn giữ được ngày càng tăng, đến sau Trung thu, nó đã luyện xong bộ chưởng pháp “Thiên la địa võng thế”, khi thi triển, nó có thể ngăn giữ được tám mươi mốt con chim sẻ. Nếu có con nào bay thoát, thì chỉ là vì công lực của nó chưa thuần mà thôi.

Thử thách thứ hai này, tuy không đau đớn về thể xác nhưng lại yêu cầu sự kiên trì và bền bỉ cực độ. Nó tương ứng với giai đoạn thứ hai trong chuyện tình của Dương Quá: khi chàng đi khắp thiên hạ tìm bóng người yêu. Vì hiểu lầm nhau, vì lễ giáo cản ngại, vì dòng đời xô đẩy, tổng cộng Tiểu Long Nữ đã ba lần ly khai Dương Quá, theo Trương Hải Hồng nhận xét là có tác dụng “muốn bắt vờ thả.” Thế nhưng anh chàng Dương Quá cũng không phải dạng vừa. “Thông minh đĩnh ngộ,” “cần mẫn dụng công” là tố chất khiến Dương Quá luyện tập thành tài, nhưng cũng là điều kiện cần để chàng theo đuổi tình yêu sau này. Học võ ở đây chỉ là phụ, là tiền đề cho chàng rèn luyện bản lĩnh đi tìm người trong mộng. Thế nên dù cánh chim sẻ Tiểu Long Nữ có bay cùng trời cuối đất thì môn công phu “Thiên la địa võng thế” của Dương Quá cũng bắt nàng trở về bên chàng.

Minh họa của Hoàng Hiểu Thanh

Thử thách cuối cùng chính là luyện Ngọc Nữ Tâm Kinh. Theo truyện mô tả, khi luyện tới đây thì hai người đã trưởng thành: “Tiểu Long Nữ càng lớn càng mỹ lệ tuyệt luân. Năm nay Dương Quá đã mười sáu tuổi, thân hình cao lớn dần, giọng nói hơi ồm ồm, đã thành một trang thiếu niên tuấn tú, chứ không còn là một đứa bé như lúc tới nhà mồ.” Oái oăm thay cách luyện môn này là cả hai người đều phải … cởi hết quần áo. Ý đồ dẫn dắt câu chuyện của Kim Dung không nói thì cũng đã rõ rành rành. Cảnh thầy trò cùng luyện công bởi vậy cũng lãng mạn như cõi bồng lai:

Bụi hồng này dài tới vài trượng, tầng tầng lớp lớp hương thơm ngan ngát. … như có một tấm bình phong, hoa đỏ cành lá xanh, trông rất đẹp mắt, bốn phía có bóng cây bao phủ, tựa hồ một tòa phòng ốc bằng hoa lá cành do thiên nhiên kết thành.

Nàng nhảy lên cây, nhìn tứ phía, thấy đông nam tây bắc đều một màu xanh cây lá tĩnh mịch, văng vẳng tiếng suối rì rào, tiếng chim líu lo, không một dấu chân người, quả là một nơi luyện công cực tốt, bèn nói:

– Ngươi chọn được chỗ tốt, tối nay ta ra đây luyện công.

Canh hai tối hôm ấy, hai người ra chỗ bụi hoa hồng. Ban đêm, mùi hoa càng đậm đà. Tiểu Long Nữ đem pháp môn khẩu quyết tu tập “Ngọc nữ tâm kinh” nói ra một hồi, Dương Quá hỏi những chỗ chưa rõ, rồi hai người sang hai bên bụi hoa hồng, cởi hết quần áo, bắt đầu luyện tập. Dương Quá chìa tay trái qua bụi hoa, chạm vào bàn tay phải của Tiểu Long Nữ, hễ trong lúc luyện tập ai gặp chỗ khó, thì người kia nhận cảm ứng sẽ lập tức vận công trợ giúp.

Hai người từ đó lấy đêm làm ngày. Buổi tối họ luyện công, ban ngày nghỉ ngơi trong cổ mộ. Hồi này đang là mùa hạ nóng bức, ban đêm dụng công càng mát mẻ; cứ thế hơn hai tháng bình an vô sự.

Hai người ở hai bên bụi hoa hồng tự luyện tập, toàn thân hơi nóng bốc lên ngùn ngụt, hòa với mùi hoa thêm nồng.


Ngọc Nữ Tâm Kinh là tâm pháp do Lâm Triều Anh tạo ra để đối địch với Vương Trùng Dương, nhưng tương tự như Ngọc Nữ Kiếm Pháp, nó chứa đựng nhiều tình hơn là hận. Trong toàn bộ Thần Điêu Hiệp Lữ, đây là giây phút gần gũi về thể xác nhất của Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Thế nhưng bài học của cây Tình Hoa đã được lặp lại: luyến ái sâu đậm nhất luôn đi kèm với trừng phạt ác nghiệt nhất. Đây có thể ví như giây phút cuối cùng trước khi đôi Adam-Eve bị đuổi khỏi Địa đàng, bởi liền sau bức tranh tiên cảnh này là đau đớn và chia lìa: Tiểu Long Nữ bị Doãn Chí Bình cưỡng hiếp, hai người bọn họ phải rời khỏi toà Cổ Mộ và lạc mất nhau, bị sỉ nhục và hành hạ. Lần thứ hai khi hai người cùng trở lại tòa Cổ Mộ thì quá nhiều mất mát đã xảy ra: thân thể hai người không còn toàn vẹn mà danh dự cũng không, đại đa số võ lâm đều coi khinh họ vì cả gan làm chuyện “suy đồi.” Tiếp nối là 16 năm xa lìa nhau cho tới khi họ sánh vai nhau trở về Hoạt Tử Nhân Mộ vĩnh viễn.

Không chỉ có vậy, Dương Quá vẫn phải theo khuôn phép “đại hiệp cao cả nhất là vì nước vì dân” mà Quách Tĩnh đã sớm thiết lập. Quá trình lập công chuộc tội của Dương Quá trước hết là hành hiệp trượng nghĩa, sau là ba đại công với Tương Dương, cuối cùng là ném đá chết đại hãn Mông Kha dưới thành. Kim Dung muốn viết một câu chuyện về “hiệp lữ,” nhưng vẫn không thể không có yếu tố “anh hùng.” Nếu không có giai đoạn “cải tạo lao động” dài đằng đẵng này, trong mắt võ lâm (và cả người đọc,) Dương Quá sẽ mãi mãi là kẻ vì nữ nhi mà quên đi khí khái anh hùng. Để được đường hoàng danh chính ngôn thuận kết đôi cùng Tiểu Long Nữ, Dương Quá đã phải trải qua từng đấy gian truân, thậm chí đánh đổi cả sinh mệnh.

Kết

Truyện Kim Dung dù tình tiết biến ảo khôn lường nhưng cấu trúc cơ bản tương đối đồng nhất. Những nhân vật nam chính của Kim Dung đa số đều trải qua ba giai đoạn tuổi trẻ nông nổi, tung hoành giang hồ, và lui về ở ẩn. Có điều để xứng đáng được “về hưu,” những vị anh hùng này đều phải hoàn thành một (hoặc nhiều) công lao nào đó, thường là đem lại hoà bình cho giang hồ (Lệnh Hồ Xung), báo đền nợ nước (Quách Tĩnh), hoặc kết hợp cả hai (Trương Vô Kỵ). So với những vị anh hùng này, sự thoái ẩn của Dương Quá có điểm giống và cũng có điểm khác. Chàng không ra hải ngoại trốn tránh sự đời như Viên Thừa Chí, cũng không tìm một chốn Đào nguyên lánh mình như Quách Tĩnh, Lệnh Hồ Xung. Sau 16 năm lăn lộn giang hồ, Dương Quá lại trở về toà mật thất lạnh lẽo dưới chân núi Chung Nam. Thế nhưng có lẽ Dương Quá lại là người có kết cục đáng hài lòng nhất.

Đa phần truyện Kim Dung đều khép lại với những cái kết có hậu nhưng vương chút xót xa. Những vị anh hùng kia dù đã có tất cả oai danh, mỹ nhân, của cải, thẳm sâu trong lòng họ vẫn có điều tiếc nuối. Quách Tĩnh về đảo Đào hoa nhưng lòng vẫn canh cánh nợ nước, Trương Vô Kỵ ngày ngày vẽ mày cho người ngọc nhưng chưa thể quên sự phản bội của Chu Nguyên Chương, Lệnh Hồ Xung cùng Doanh Doanh vui khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ nhưng vết đau vì bị “tiểu sư muội” phụ bạc vẫn còn đó. Ngay cả Vi Tiểu Bảo sau khi dắt 7 phu nhân của y chạy biến vẫn không khỏi lưu luyến Khang Hy và các huynh đệ Thiên Đệ Hội.

Thế nhưng 16 năm lưu lạc đã cho Dương Quá nếm trải đau khổ tột độ lẫn vinh quang tột cùng, đủ để không còn gì hối hận trên đời. Dương Quá dứt áo ra đi mà lòng không còn gì vấn vương, bởi với chàng, được tái hợp Tiểu Long Nữ chính là cái đích cuối cùng và duy nhất. Toà Hoạt Tử Nhân Mộ lạnh lẽo kia với hai người Dương-Long chính là địa đàng thật sự dưới trần thế. Quá trình yêu đương khổ nạn của Dương Quá, như vậy, có thể coi là có hậu hay không?

*

Về chưởng Kim Dung:

- Truyện Kim Dung (phần 1): phàm đại hiệp đều phải mồ côi cha

- Truyện Kim Dung (phần 2): bildungsroman muốn li kỳ thì phải thiếu nơi nương tựa

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 1): từ màu đỏ của mặt trời 8, 9 giờ sáng

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 2): cũng thanh trừng, cũng sùng bái cá nhân

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 3): ba lý do của một người khôn ngoan

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 1):
ai là Thiên, ai là Long?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 2):
ai là Dạ Xoa, ai là Atula?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 3):
còn ai là Garuda và ai là Khẩn Na La?

- Đọc Kim Dung (bài 1): Quách Tĩnh – Bảy lần leo núi để thành núi

- Đọc Kim Dung (bài 2): Dương Quá – chọn vực sâu để tìm tri kỷ

- Đọc Kim Dung (bài 4): “tình thánh” Dương Quá và hình tượng máu

- Đọc Kim Dung (bài 5): ba thử thách đắng và một cái kết ngọt cho Dương Quá

- Vi Tiểu Bảo (bài 1): “thằng vô lại nhỏ” được Kim Dung gửi gắm toàn biểu tượng

- Vi Tiểu Bảo (bài 2): phản anh hùng đạt được mọi thứ mà anh hùng khó có

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 1):
Ai đẹp nhất? Ai nghề nghiệp ổn nhất?

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 2):
Tính ai hay nhất? Nhà ai thích nhất?

Ý kiến - Thảo luận

14:06 Wednesday,4.12.2019 Đăng bởi:  Sota
nhưng Quách Tĩnh cùng Hoàng Dung về sống ở thành Tương Dương và chết ở thành Tương Dương, chứ có lui về Đào Hoa đảo ở ẩn đâu ạ?
...xem tiếp
14:06 Wednesday,4.12.2019 Đăng bởi:  Sota
nhưng Quách Tĩnh cùng Hoàng Dung về sống ở thành Tương Dương và chết ở thành Tương Dương, chứ có lui về Đào Hoa đảo ở ẩn đâu ạ? 
14:52 Saturday,22.4.2017 Đăng bởi:  Candid
Hoàng Sam nữ tử
Chung Nam Sơn hậu
Hoạt tử nhân mộ
Thần điêu hiệp lữ
Tuyệt tích giang hồ
...xem tiếp
14:52 Saturday,22.4.2017 Đăng bởi:  Candid
Hoàng Sam nữ tử
Chung Nam Sơn hậu
Hoạt tử nhân mộ
Thần điêu hiệp lữ
Tuyệt tích giang hồ 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Gia Phả: Sự hòa thuận phô diễn

Mai Chi (từ Hanoi Grapevine) - Ảnh: Larissa Gehrke

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả