Văn & Chữ

Dùng Kinh Dịch xem hai cặp tình nhân của Kim Dung 20. 04. 17 - 9:08 am

Phó Đức Tùng

Anh Nguyễn có phân tích đôi Quách Tĩnh-Hoàng Dung như là một đôi nho giáo mẫu mực, trong khi đôi Dương Quá-Tiểu Long Nữ là đôi đạo sỹ phá cách. Theo mình thì cả hai đôi này vẫn đều nằm trong chuẩn mực Nho Giáo, chỉ là những trạng thái khác nhau.

Ta biết Kinh Dịch là một trong Ngũ Kinh của Nho gia. Vậy hãy xem bát quái sẽ lý giải thế nào về hai cặp đôi này.

Quách Tĩnh, Hoàng Dung có thể nói là cặp đôi Cấn-Đoài

Cấn là núi, có hai hào âm ở dưới, một hào dương ở trên cùng. Vì thế trong mềm mà ngoài cứng, lại có đặc tính là tĩnh chỉ, vì thế gọi là Quách Tĩnh, và luôn có liên quan tới núi. Tuy là quẻ dương (vì quẻ có một hào dương sẽ là quẻ dương) nhưng âm tính trong quẻ này cao, vì thế Quách Tĩnh bên trong thì tình cảm mà thụ động, bên ngoài thì kiên định, vững chắc.

Quẻ Cấn

Ngược lại Hoàng Dung là quẻ Đoài, với hai hào dương ở dưới, một hào âm ở trên, giống như mặt nước đầm trên đỉnh núi. Bên ngoài thì dung hòa nhu thuận, nhưng bên trong rất gan góc, cứng rắn. Tuy là quẻ âm nhưng thực ra dương tính rất nhiều. Trong quan hệ giữa Hoàng Dung và Quách Tĩnh, Hoàng Dung thường chủ động và cứng rắn hơn Quách Tĩnh.

Quẻ Đoài

Dương Quá Tiểu long Nữ là cặp Chấn-Tốn

Dương Quá là quẻ Tốn, là gió, là thiếu âm, tức là một âm mới sinh ra ở dưới hai hào dương. Theo dịch lý, quá dương thì chuyển thành âm. Dương Quá là tình trạng quá nam tính nên từ sâu thẳm bắt đầu nảy sinh mầm âm, và cái mầm âm này lại làm chủ quẻ.

Quẻ Tốn

Quẻ Tốn là gió, vì thế Dương Quá có tính phiêu dật, linh hoạt. Đó cũng là tính Dương, thậm chí nhiều dương hơn là Quách Tĩnh (loại dương cứng nhắc của Quách Tĩnh là dương đã suy kiệt, sắp tiêu hết rồi, còn dương của Dương Quá như gió, mềm dẻo mà linh động). Nhưng vì sâu thẳm bên trong Dương Quá mầm âm khởi sinh, nên tại những chỗ vực sâu, hang tối, yếu tố âm nhu đó sẽ càng phát tác, nổi lên quyết định vận mạng.

Máu là biểu tượng của âm tính, vì thế lúc tối hậu thì Dương Quá cắt máu. Còn bình thường thì Dương Quá hoàn toàn không âm tính, thậm chí là quá dương cương.

Ngược lại Tiểu Long nữ là quẻ Chấn, nghĩa là sấm, là thiếu dương. Chấn là quẻ có hai hào âm ở trên, nhưng một hào dương mới khởi ở dưới. Nếu Dương Quá là quá dương mà khởi âm, thì Tiểu Long Nữ là quá âm nên xuất hiện dương. Tiểu Long Nữ ở trong cổ mộ, luyện Ngọc nữ tâm kinh, thành hoạt nhân, tức là chí âm chí nhu, nhưng chính vì thế từ sâu thẳm lại nảy sinh dương tính, và dương tính này quyết định bản chất sâu xa nhất.

Quẻ Chấn

Long là biểu tượng hào dương trong Kinh Dịch. Tiểu Long là con rồng nhỏ, chỉ vào hào dương mới sinh ra ở vị trí hào 1 trong quẻ Chấn. Rồng cũng là con làm mưa làm gió, nên quẻ Chấn là sấm có liên quan tới Tiểu Long Nữ. Tiểu Long Nữ bên ngoài chí âm chí nhu, nhưng trong lõi cực kỳ dương cương, quyết liệt, đã làm gì thì như sấm đánh ngang tai, xong việc rồi mới nghe thấy tiếng.

Máu là âm khí tinh chất, nên người Tuyệt Tình Cốc và cả Tiểu Long Nữ đều không cần máu, và không chịu được máu. Có nó vào thì chỉ làm tăng âm khí đã quá nhiều, khiến cho dương khí bị kìm nén càng bộc phát, nên có thể tẩu hỏa nhập ma, hoặc là tức khí phun ra máu.

*

Như vậy, cả hai đôi này đều là trong dương có âm, trong âm có dương. Có điều đôi Quách Tĩnh Hoàng Dung thì là Dương nam, âm nữ, nên về lý thì sẽ thuận hơn, và những lúc quyết định nhất thì cũng thuận hơn, nhưng trong các tình huống thông thường thì Quách Tĩnh nhiều âm tính hơn, Hoàng Dung nhiều nam tính hơn. Quách Tĩnh có một hào dương tại thượng làm chủ, nên thường có xu hướng leo lên đỉnh núi.

Dương Quá-Tiểu Long Nữ là âm nam-dương nữ nên tổng thể sẽ có cảm giác trái khoáy, những lúc mấu chốt thì Dương Quá cũng âm tính hơn Tiểu Long Nữ. Nhưng trong biểu hiện thường nhật thì Dương Quá có thể coi là đặc biệt nam tính, và Tiểu Long Nữ là điển hình nữ tính. Dương Quá có một hào âm ở dưới làm chủ quẻ, nên có xu hướng chui xuống chỗ thấp tối. Còn Tiểu long Nữ thì tuy có một dương ở dưới làm chủ, nhưng dương này như con rồng mới sinh còn nằm trong đất, nên cũng có thể bằng lòng nằm dưới cổ mộ lâu dài mà chưa có nhu cầu chui ra, vẫy vùng.

Do cặp Quách Tĩnh-Hoàng Dung là thái dương thái âm nên ngay từ đầu đã có biểu hiện như một đôi nam nữ chín muồi, trưởng thành, ngay từ lúc trẻ mới gặp nhau. Trong khi đó Dương Quá-Tiểu Long Nữ là thiếu dương thiếu âm nên luôn giữ ấn tượng một đôi thanh niên thiếu nữ, cho tới cả khi quy ẩn.

*

Đây là cmt cho bài “‘Tình thánh’ Dương Quá và hình tượng máu

Ý kiến - Thảo luận

11:14 Sunday,23.4.2017 Đăng bởi:  LC
Sáng kiến của anh Candid hay đấy !
em LC (15)
Hụ hụ, gờ rừuuuuuuu...
...xem tiếp
11:14 Sunday,23.4.2017 Đăng bởi:  LC
Sáng kiến của anh Candid hay đấy !
em LC (15)
Hụ hụ, gờ rừuuuuuuu... 
5:12 Sunday,23.4.2017 Đăng bởi:  Candid
Admin và các bác: em hay lượn lờ các diễn đàn mua bán rao vặt online thấy họ có cái rất hay là hay đề số tuổi bên cạnh ví dụ bán xe cũ liên hệ mr X (40 tuổi) số đt 099999999. Có khi để tránh khó xử ta nên áp dụng thêm số tuổi vào còm ở Soi.

Candid (18 tuổi)
...xem tiếp
5:12 Sunday,23.4.2017 Đăng bởi:  Candid
Admin và các bác: em hay lượn lờ các diễn đàn mua bán rao vặt online thấy họ có cái rất hay là hay đề số tuổi bên cạnh ví dụ bán xe cũ liên hệ mr X (40 tuổi) số đt 099999999. Có khi để tránh khó xử ta nên áp dụng thêm số tuổi vào còm ở Soi.

Candid (18 tuổi) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Dòng sông và đô thị

Phó Đức Tùng

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả