Đi & Ở

Đi LX xem WC (bài 14): “Nhà quê” đi chuyến tàu Nga 31. 08. 20 - 3:21 pm

Đặng Thái

(Tiếp theo bài trước)

Trong chuyến đi này mình đã sử dụng hầu hết các phương tiện đi lại ở Nga: máy bay, tàu hỏa, tàu điện ngầm, ôtô, xe điện, tàu cao tốc, tàu thủy, có lẽ chỉ còn xe ngựa troika và tàu phá băng nguyên tử nửa là đủ bộ. Qua đó có thể thấy đường sắt vẫn là phương pháp di chuyển cốt yếu và phổ biến nhất ở Nga ngày nay. Mạng lưới đường sắt luôn được coi là thành tựu phát triển quan trọng nhất của nước Nga suốt từ thế kỷ 19 đến hiện tại. Thực ra về chiều dài thì thua xa nước Mỹ rất nhiều, về năng lực vận tải cũng không bằng Trung Quốc ngày nay, nhưng về vai trò với nền kinh tế và đời sống Nga thì mồ hôi nước mắt của biết bao thế hệ Pavel Korchagin đã làm nên một kì quan, kết nối cả đất nước rộng lớn như một hệ mạch máu khổng lồ. Bài này chúng ta sẽ cùng đi một chuyến tàu hỏa thông thường, về tàu cao tốc sẽ để dành riêng một bài sau.

Đi Kazan thì rõ ràng là phải đón tàu ở ga Kazansky rồi. Ga Kazansky nằm trên Quảng trường Komsomolskaya rất rộng, còn gọi là Quảng trường ba nhà ga, vì nó có thêm hai ga đường sắt nữa là Leningradsky và Yaroslavsky. Thời Liên Xô có chuyện cười là bọn lừa đảo chở khách đi tham quan ở Mát cứ lái xe vòng quanh 3 nhà ga này là ra một tour thành phố. Từ sân bay đến ga tàu, mình lại vớ được một anh lái xe chắc mới vào nghề vì chưa thạo việc đi vào trong phố. Đường đi khá ngoắt ngoéo, anh này đã lạc một phát trên đường vành đai rồi, đến gần quảng trường lại lạc tiếp, cứ thấy đi vào toàn ngõ ngách cả tiếng đồng hồ. Tiền thì họ không thu thêm nữa vì app đã cố định rồi nhưng mà tốn thời gian. Đến lúc xuống xe, thay vì bực thì mình cũng thương nên không lấy tiền trả lại, người Nga rất thật thà, mình cứ nghĩ thường họ sẽ làm tròn như nhiều nước khác, nhưng tiền trả lại luôn đúng từng xu, dù ở Úc thì đấy là chuyện đương nhiên. Anh lái xe còn ngơ ngác mãi mới hiểu là tiền boa, lúc này mới vui vẻ lắm, vẫy tay chào mãi.

Vào ga thì qua cửa an ninh, vẫn phương pháp như mọi chỗ, hành lý cho qua máy quét còn túi xách và những gì trong túi quần túi áo thì lại đặt lên cái bàn, không quét! Đi tàu ở Nga mới thấy cái tiện của hệ thống đường sắt rộng khắp, hành lý kiểm tra đơn giản và luôn đi từ trung tâm thành phố này đến ngay trung tâm thành phố khác.

Chuyến tàu có giường nằm này được nước chủ nhà FIFA World Cup 2018 mời khách xem bóng đá đi miễn phí. Tàu hai tầng, mới và cực kỳ sạch sẽ, là loại tàu xịn nhất trên tuyến này. Đây cũng là một cách khéo léo giới thiệu ngành đường sắt – niềm tự hào của nước Nga, một phần đặc trưng của văn hóa Nga.

Vòm mái ga Kazansky. Nhà ga đường sắt mà có cả tranh tường và các chùm đèn khá đẹp. Ảnh: Đặng Thái

Đến được ga Kazansky thì đã 4 giờ chiều. Mình muốn gửi hai cái va-li để rảnh tay tranh thủ đi chơi thêm, vì 11h tàu mới chạy. Kiến trúc ở Nga lại một lần nữa thể hiện sự bất tiện tuyệt đối khi mà mình phải vật vã, đúng nghĩa đen để đem được hai cái va-li xuống tầng hầm gửi đồ. Khu gửi đồ đặt ở tầng hầm đã vô lý, lại mãi cuối nhà ga, không hề có thang máy, ngoài một cái cầu thang bộ dốc thẳng đứng với một đường trượt trơn nhẵn ở giữa. Phòng gửi hành lý có mỗi một lỗ hình vuông để nhân viên thò đầu ra nói với khách, mình nói: “Tôi chỉ gửi hành lý mấy tiếng thôi”, họ bảo vẫn tính tiền cả ngày. Mình nói ok, thế theo bảng giá thì 250 rúp, tôi có hai cái thì 500. Tay già hơn trong hai tay (tầm 30 tuổi) thò đầu ra bảo: va-li của mày loại to nên không tính giá thế được, phải thu 1000 rúp/cái, hai cái là 2000. Mình ớ cả người ra, bảo ở đâu có cái quy định ấy, nó bảo va-li của mày to, nhét không vừa cái lỗ này. Mình lộn cả tiết, lại hì hục đẩy va-li lên tầng chứ không dại cúng cho chúng nó gần 50 đô. Mình quyết định ngồi ở ga mà nghỉ cho khỏe, đi đâu cho mệt xác.

Thấy hơi đoi đói mới mò vào khu ăn uống ở ngay chỗ cửa vào. Có khá nhiều quầy bán đồ ăn, cũng đông khách, nhưng cuối cùng mất cảnh giác với thể loại cơm hàng cháo chợ bến tàu bến xe, nên ăn vừa không ra gì vừa đắt, món gì người ta cũng quay lò vi sóng. Có mỗi món bánh được rán nóng, nhưng khốn nỗi cái nhân trứng cá hồi muối rẻ tiền tanh và mặn kinh khủng, mình vốn rất dễ ăn mà cũng phải cố mãi. Vẫn đói, lại đi mò mẫm một lúc thì phát hiện có cả một khu đồ ăn Nga, Uzbek thịt nướng các kiểu trên tầng. Mình đi một lượt để xem mà tất cả các bà bán hàng ở các hàng stolovaya vắng tanh, ế khách, vẫy lấy vẫy để: “Vào đây ăn em ơi, nhà chị cơm ngon mà rẻ này” (đoán là họ nói thế). Mình chọn một nhà có chị bán hàng tươi nhất, nhiệt tình nhất, đi qua 3 lần vẫn vẫy. Một suất ăn có 150 rúp các bác ạ. Tổ sư bọn gửi hành lý, thu người ta một cái túi xách cũng 250!

Khách đi tàu chỉ tuyền là người xem bóng đá. Đợt này ngành đường sắt Nga cung cấp số tàu kỷ lục là 45 con tàu, chạy tổng cộng 734 chuyến, chuyên chở 400,000 khách FIFA miễn phí. 46% khách đi tàu là người nước ngoài, số lượng đông nhất theo quốc tịch lần lượt là Argentina, Colombia, Mexico, Mỹ và Trung Quốc. 11h đêm mà sân ga vẫn tấp nập đông vui.

Sân ga rộn ràng với đủ sắc màu và ngôn ngữ. Ảnh: Đặng Thái

Trước khi lên tàu thấy có chỗ người ta xếp hàng rồng rắn cũng mò vào xem thì hóa ra là KFC. Đúng là:

Anh đi anh nhớ quê em
Nhớ gà KF, nhớ kem một đồng

Còn 15 phút nữa tàu chạy, thôi thì cũng vào làm một hộp gà phòng thân vì sáng mai gần 11 giờ trưa tàu mới đến, mà trên tàu thì có Phật Chúa thánh thần mới biết là bán những của nợ gì. Đi nhiều mới biết một điều rằng gà KFC không hề giống nhau ở các nước khác nhau. Thứ nhất là phụ thuộc vào gà, thứ hai là còn phụ thuộc vào nguyên liệu pha bột chiên. Gà KFC ở Nga khá ngon (do gà Nga ngon hay là do đói thì ăn gì cũng thấy ngon). Thấy có ông anh (người Việt) bảo gà KFC ở Ấn Độ mới là ngon nhất, do ông này không ăn được cà ri, sống sót nhờ KFC nên mới thấy ngon. Nhưng ông ấy ăn KFC 10 ngày liền thì chắc gà ở đấy cũng phải ăn được. Bê được hộp gà ra thì còn 5 phút tàu chạy. Vẫn còn đủng đỉnh đi lại vì thấy tàu ở ngay trước mặt rồi, ai ngờ mình ở toa số 9, mỗi toa dài ơi là dài, chạy xịt cả… khói. Khổ, nhà quê có đi tàu bao giờ đâu mà biết nó dài thế, đây mới là lần thứ hai trong đời đi tàu đường dài, lần đầu là Bắc Kinh-Thượng Hải. Lúc mua vé người ta dặn đi dặn lại là phải mang vé tàu, FAN ID và hộ chiếu thì mới được lên nhưng khi kiểm tra thì họ chỉ xem mỗi hộ chiếu có trùng tên trong danh sách in sẵn không là được.

Toa-lét sạch bóng. Mình đi đâu cũng phải “check-in” cái nhà xí trước. Toa-lét sạch thì nhà hàng mới ngon cơm được! Ảnh: Đặng Thái

Mỗi buồng trên tàu có hai giường tầng, có cửa đóng kín, chung phòng với một đôi người Nga. Đôi này trẻ, không nói năng gì. Hoàn toàn khác với bố mình cũng đi tuyến này, chung phòng với một gia đình người Nga, nói chuyện thâu đêm suốt sáng bằng tiếng Nga giả cầy và tiếng Anh giả cầy. Mình thấy họ làm thế nào thì mình cũng làm theo, gối phải tự lồng vỏ, ga tự ghép. Sau này xem Youtube mới biết là khi đi tàu Nga, đến nơi còn phải tự tháo ga gối ra mang đến cuối tàu nữa. Nhưng lần mình đi thì không thấy cặp Nga kia làm vậy nên cũng để nguyên ga gối đó, cứ nghĩ rằng đó là dịch vụ của nhà tàu.

Trên tường có khá nhiều tay vịn bằng inox để leo trèo. Dù giường này khá thấp mình cũng nằm dưới cho chắc, chân cẳng loằng ngoằng nhỡ lộn cổ, vả lại ban đêm tối mò, nằm dưới còn tiện đốt đèn đi đãi đỗ đen.

Quang cảnh buồng tàu. Ảnh: Đặng Thái.

Tàu Nga vẫn chạy đầu máy dầu, khác với Trung Quốc nơi các tuyến đã gần như chạy hoàn toàn bằng điện, tàu chạy xình xịch khá êm, chai nước trên bàn không hề đổ. Nhiều phòng khác thấy lục đục xếp hàng mua trà Nga chỗ phòng nhân viên ở đầu toa, đựng trong cái cốc podstakannik có in biểu tượng của RZD (Đường sắt Nga). Văn hóa nhiều nước vẫn là uống trà trước khi đi ngủ. Tàu chủ yếu là người Đức nhưng họ hát đồng thanh rất nhỏ tiếng, đi nhẹ nói khẽ, chứ phải một tàu toàn dân Việt Nam đi cổ vũ bóng đá chắc có khi cháy tàu vì pháo sáng. Ban đêm các buồng đều khá trật tự, không thấy ai xoay trần đánh bài ăn tiền.

Ban đêm chỉ có một số lúc tàu ngược chiều đi qua thì thấy hơi động và mấy ông người Đức phòng bên hát khe khẽ làm mình hơi tỉnh. Ảnh: Đặng Thái

Tàu tuy đã đầy khách từ Mát (trên vé ghi là chạy thẳng) nhưng ban đêm vẫn có dừng ở vài ga trên đường, khi tàu dừng rồi bắt đầu chạy chỉ có tiếng lịch kịch rất nhẹ, mọi người vẫn say ngủ, thở đều đều. Có lẽ là tranh thủ vận chuyển tí hàng chăng? Bình mình ló rạng là mình không ngủ được nữa. Cặp người Nga vẫn say sưa đến tận khi sáng hẳn. Chồng (nằm giường) trên vợ (nằm giường) dưới. Lần đầu tiên mình qua đêm trong cùng phòng với một người con gái nằm đối diện mà trời sáng rồi vẫn chả có chuyện gì.

Nàng ngủ dậy là vội cầm điện thoại, có lẽ nàng muốn tránh phải nhìn vào đôi mắt quyến rũ của tôi chăng? Ảnh: Đặng Thái

Tàu đi qua một cây cầu đường sắt khá dài. Ảnh: Đặng Thái

Và thế là mình đã được thấy người lái đò… à nhầm lái tàu trên sông Volga vĩ đại. Ảnh: Đặng Thái

Đây Volga, đây Dương Tử, đây Sông Lô! Mình bất giác quay lại hỏi nàng xem có đúng là sông Volga không, nàng chỉ khẽ nhắm đôi mắt xanh trong như nước sông Vôn và gật đầu, do nàng e thẹn hay do nàng chả nói được tiếng Anh.

Những cánh đồng mênh mông bát ngát cò bay gãy cánh hiện ra với màu xanh mịn màng của mùa hạ. Ông nội trước khi đi thoát ly có dăm sào ruộng mà nhìn thấy thế này chắc choáng lắm, nhưng mình ở bên Úc là nước to gần bằng nửa nước Nga nên cũng thấy bình thường. Ảnh: Đặng Thái

Các làng mạc nhỏ hai bên đường tàu nghèo xơ xác, tiêu điều, cỏ mọc um tùm vì vắng bóng thanh niên. Người nông dân Nga còn nghèo lắm, dĩ nhiên là thấy hạ tầng điện nước khá đầy đủ. Ảnh: Đặng Thái

Trên màn hình điện thoại hiện lên thông báo chuyển vùng nên cước điện thoại tính khác. Tư duy quản lý kiểu hộ khẩu ở Nga vẫn rất nặng nề. Ảnh: Đặng Thái

Tàu chầm chậm tiến vào ga Kazan. Ảnh: Đặng Thái

Nhà ga Kazan cổ khá đẹp. Ảnh: A.Savin

Kazan lúc ấy đang 30 độ, nắng chói chang. Càng vào sâu trong lục địa thì mùa hè càng nóng mà mùa đông càng lạnh.

(Còn tiếp)

*

ĐI LX xem WC:

- Đi LX xem WC (bài 1): Tiếng Tác đánh tiếng tộ

- Đi LX xem WC (bài 2): Đêm trắng, xem Pushkin và nghe Tchaikovsky

- Đi LX xem WC (bài 3): Viếng lăng Lê Tiên Hoàng

- Đi LX xem WC (bài 4): Cuộc săn tìm lật đật Nevalyashka

- Đi LX xem WC (bài 5): Xem trứng Sa hoàng, vàng son lộng lẫy

- Đi LX xem WC (bài 6): Bữa sáng mang tâm hồn ăn uống Nga

- Đi LX xem WC (bài 7): Cơm hàng cháo chợ vẫn tâm hồn Nga

- Đi LX xem WC (bài 8): Nhớ mùa hè Kazan

- Đi LX xem WC (bài 9): Cung điện của nhân dân dưới lòng đất

- Đi LX xem WC (bài 10): Đến Tretyakov gặp nhiều cao thủ

- Đi LX xem WC (bài 11): Một ngày không thể “đen” hơn

- Đi LX xem WC (bài 12): Ở nơi hòm thư cũng có máy sưởi

- Đi LX xem WC (bài 13): Chưa thỉnh được kinh, đã chia hành lý

- Đi LX xem WC (bài 14): “Nhà quê” đi chuyến tàu Nga

- Đi LX xem WC (bài 15): Tôi đã lao động bất hợp pháp ở Kazan như thế nào?

- Đi LX xem WC (bài 16): Tiến về Cung điện Mùa đông

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

LẦN HỒI: Phương tiện hay đam mê của người trẻ?

An Bàng thực hiện (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

THẾ HỆ MỚI của Anh Tuấn

Thông tin từ triển lãm

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả