Đi & Ở

Đi LX xem WC (bài 13): Chưa thỉnh được kinh, đã chia hành lý 25. 08. 20 - 11:39 am

Đặng Thái

(Tiếp theo bài trước)

Hôm đó đã là ngày lên đường đi Kazan, 11h đêm tàu mới khởi hành. Kazan mới thực sự là điểm đến chính trong hành trình này, nơi có gia đình cô chú. Bố mình từ Việt Nam sang trước một tuần nên đã lượn vòng hết cả Xanh lẫn Mát, giờ đang nhấp nhổm ở Kazan chờ mình xuống cứu viện. Bố bị các chú ở đấy quây ác quá, vodka ngày ba bữa, bố khấp khởi hi vọng là có thằng cháu ở Tây sang thì các chú chuyển hướng sang ma mới để xử lý.

Thế nhưng một vấn đề to chình ình vẫn chưa giải quyết được: hai cái va-li thất lạc vẫn bặt vô âm tín. Khi ở sân bay, người ta đưa cho cái mã tra cứu hành lý thất lạc, dùng mã ấy đăng nhập vào trang theo dõi hành lý quốc tế thì nó hiện lên đầy đủ thông tin của mình và hành lý. Trang này chỉ dành riêng cho những hãng to, có máu mặt, như kiểu British Airways, Air France…, mấy hãng như Vịt Ngan Airlines không có cửa, nên cũng thấy yên tâm. Sau một ngày thì trạng thái hành lý chuyển thành: “Đã tìm thấy hành lý”, một ngày sau lại chuyển thành “Đang vận chuyển”, sau thì thành “Đã đến sân bay”.

Khi chuyển chỗ ở mình đã cập nhật địa chỉ trên trang web, thấy sau đó thông tin địa chỉ mới được update nhanh chóng lại càng thêm phần tin tưởng. Thế rồi mấy ngày vẫn chưa thấy gì; đứng hiên ngang giữa Quảng trường Đỏ, mình gọi cho quầy hành lý thất lạc. Gọi theo số họ cho, gọi theo số tìm trên mạng, gọi năm lần bảy lượt đều không ai bắt máy. Cái quầy hành lý thất lạc ở sân bay là chỗ không bao giờ gọi điện có ai bắt máy cả, nước nào cũng thế. Nghĩ bụng bảo hệ thống họ hiện đại thế, khi nào hành lý bắt đầu chuyển tận nhà chắc họ sẽ gọi hoặc cập nhật lên hệ thống. Cuối cùng sau cả tuần, đến khi đi Kazan rồi vẫn chưa thấy hành lý đâu.

Sáng sớm hôm đó gọi lần nữa thì có người bắt máy ngay, thế quái nào họ đem hành lý gửi đến địa chỉ cũ, là cái nhà nghỉ khỉ gió (ở bài trước)! Hóa ra các đàn anh Nga này cũng giống Việt Nam ta, những cái online chỉ để cho vui thôi chứ cái *** gì cũng phải trực tiếp làm hết.

Giao diện của cái trang web mà mình trót đặt lòng tin. Ảnh chụp màn hình: Đặng Thái

Bà nghe máy nói tiếng Anh rất tốt, nói là sáng nay nhà nghỉ họ nói mày không ở đấy nữa nên người ta đang trên đường mang lại hành lý về sân bay rồi. Mình hỏi là có cách nào thả hành lý xuống địa chỉ mới của tôi không, tôi cập nhật địa chỉ rồi mà. À, à, ờ, ờ bên vận chuyển hành lý là bộ phận khác, họ không biết có địa chỉ mới, để tao chuyển máy sang bộ phận đấy. Chưa kịp nói gì thì tít..tít..tít.. một bà nhấc máy, nói tiếng Nga liên tục, khi hỏi câu tủ thần thánh Bы понимаете по английский? (Vưi pa-nhi-mai-i-ti pa Ăng-lít-sờ-ki?) thì bác này phấn khởi nói Niết… niết… niết đến bốn năm lần. Đành Xin-bà-tí-bơ rồi cúp máy. Gọi ngay cứu viện ở Kazan, may có một bạn người Việt sinh ra ở Nga, là người chuyên gọi điện cho Aeroflot về hành lý thất lạc cho cộng đồng người Việt nên có số riêng gì đấy gọi phát được ngay (thế mới biết hành lý thất lạc của hãng này là chuyện thường ngày ở huyện nên mọi người cứ bảo yên tâm, kiểu gì cũng gửi về nhà. Năm sau chị họ mình đi Pháp, transit ở Moskva cũng mất hai kiện hành lý, hơn tuần sau nó mới gửi về nhà ở Hà Nội, vậy nên transit ở Nga với Trung Quốc, phần vui thì ít mà phần đau thương thì nhiều, bảo sao người ta vẫn thích transit Trung Đông hoặc Singapore vì họ chuyên nghiệp).

Quay lại với người bạn mình, bạn ấy nói có hai phương án:

– Một là tối nay cứ đi Kazan, họ sẽ gửi hành lý đến nhà ở Kazan, hai ngày nữa đến nơi

– Hai là lên thẳng sân bay mà lấy

Mình chốt luôn phương án hai không chần chừ, họ lại gửi đi Siberia thì có mà ở truồng đến tận lúc về, quan trọng hơn là quà cho mọi người trong va-li và đồ nghề cổ vũ đội Úc. Con đường ra sân bay lại tắc, mà lúc ấy là gần 11h trưa. Lượng xe khổng lồ, lượng người khổng lồ hay thế nào đó mà đường lúc nào cũng tắc. Mình lẩm bẩm bảo có cái sân bay mà lúc *** nào cũng tắc thì còn làm ăn cái gì. Mãi đến hôm về mới biết một bí mật khủng khiếp. Hôm ấy, có một chú người quen chở mình ra sân bay, mình đề xuất là nên đi sớm 4 tiếng là ít vì đường tắc lắm, thà ngồi chờ còn hơn bị lỡ máy bay, chú cười khẩy, bảo không phải lo, đến khi đi vù vù một lúc là tới, đường vắng tanh, hóa ra là chú đi đường có thu phí. Đường to mà thoáng, phí tầm 100 nghìn tiền ta, vậy mới biết là dân Nga tiết kiệm vô cùng, mà tiết kiệm dốt, xăng với thời gian lại chẳng đắt hơn mấy đồng thu phí!

Terminal D uốn éo khá hoành tráng. Mỗi tội “Bề ngoài hiện đại tiện nghi, bên trong nội thất không ra cái gì”. Ảnh: Đặng Thái

Vật vờ hơn một tiếng thì cũng đến Terminal D của sân bay Sheremetyevo. Tên sân bay đã dài, đọc méo cả mỏ, mà đến năm 2019, sân bay lại đổi tên thành Sân bay quốc tế Sheremetyevo Alexander S. Pushkin. Các bác Nga dự định đổi tên hết một loạt sân bay thành tên các danh nhân Nga không biết để làm gì nữa. Mình dị ứng với tất cả các thể loại tên dài, từ phong trào đặt tên con bốn từ bây giờ cho đến The Union of Soviet Socialist Republics.

Biển chỉ đường chỗ đến “kho hành lý”. Mất công đi xuống “Tầng 0” xong lại phải quay lên “Tầng 1” vì dưới ấy là chỗ gửi hành lý, còn hành lý thất lạc chỗ khác. Ảnh: Đặng Thái

Cái kho hành lý ở cuối nhà ga. Dù thấy biển nhưng phải hỏi đường thêm mới thấy lối đi vào. Đường đi dài và hẹp, sâu hun hút và trắng toát, ngoằn ngoèo dài vô tận, không thể hiểu được việc làm những công trình to và rộng khủng khiếp ở Liên Xô và Nga nhằm mục đích gì khi nó không hề tiện lợi cho người sử dụng. Bạn đi mãi mới hết ga D thì có lối vào kho hành lý xong rồi cái hành lang củ chuối bên trong ấy nó lại dẫn bạn đi ngược lại đúng đoạn đường vừa đi thành một chữ U nằm ngang.

Và rồi phải đi qua 5 lần cửa như thế này mới đến được hậu cung. Ảnh: Đặng Thái

Vậy là cuối cùng cũng được thấy căn hầm bí mật này, là nơi hò hẹn của tất cả những người đen số mà vốn dĩ không ai muốn vào. Mặt ai trông cũng rầu rầu như mất sổ gạo và thở hổn hển vì đi bộ hết 20 phút để vào cái thâm cung này. Các phi tần chốn hậu cung thì làm việc cực kỳ đủng đỉnh, điện thoại kêu? Makeno! Bà cô cầm tờ giấy vào sờ lần mãi không thấy, mình đành vào hỗ trợ và lôi ngay được đống của nả ra.

Nhìn cái hầm này thì thấy bao nhiêu nỗi bất hạnh của nhân loại đều chất chứa trong đây và công việc ở đây cũng chẳng sung sướng gì! Ảnh: Đặng Thái

Bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết, thế mới biết mình nông dân vẫn thật thà, cười như Liên Xô được mùa, tài sản bị bọn quyền thế nó chiếm, đến lúc nó trả lại vẫn sướng như điên, cảm ơn rối rít. Lột xác với quần áo, giày thể thao, nhảy tưng tưng. Giờ thì kì nghỉ mới thực sự bắt đầu, tận hưởng mùa hè nước Nga!

Mình đăng thêm cái ảnh những hành lý đã sẵn sàng chờ xuất chuồng. Ta có thể thấy điểm chung của hầu hết những cái va-li dưới đây là tối màu, màu tím than, xám hoặc đen. Đây là một kinh nghiệm rất quan trọng: nên mua những va-li màu sáng và có những đặc điểm nhận diện đặc trưng. Va-li màu đen rất dễ bị cầm nhầm và khi ra băng chuyền hành lý thì rất khó tìm vì 90% va-li là màu đen.

Dãy hành lý chuẩn bị được giao đến tay những người tiêu dùng bất hạnh. Ảnh: Đặng Thái

Ngoài ra cần có một cái nhãn (mua hẳn loại xịn bằng da, bằng nhựa dày) ghi tên, địa chỉ, số điện thoại gắn vào tay cầm. Mình thì dùng băng dính dán luôn tờ giấy có đánh máy thông tin lên va-li. Khi bị mất hành lý, người ta sẽ hỏi chi tiết va-li trông ra làm sao, có những gì ở trong, có đặc điểm gì không v..v.. Va-li của mình màu đỏ tiết canh và màu xanh nõn chuối nên người ta tìm thấy rất nhanh. Một kinh nghiệm nữa là nên chụp ảnh lại va-li và chụp lại những gì xếp trong vali trước khi đóng nắp, bấm khóa. Biết có những gì trong va-li, ngoài việc giúp tìm kiếm hành lý còn đề phòng trường hợp mất hẳn thì có cái để mà lấy bảo hiểm và khai với hãng hàng không khi họ đền.

Phụ chú: Câu chuyện va-li trong chuyến đi này không chỉ dừng lại ở đây. Chiều về bay China Southern, trước khi lên máy bay đi Úc, mình cẩn thận tìm đến quầy trung tâm của China Southern ở sân bay transit để xác nhận xem hành lý đã lên máy bay chưa, nhấn mạnh rằng đã từng bị mất hành lý một lần, em nhân viên hí hoáy một lúc trên máy tính rồi nói chắc nịch: các đồng chí cứ yên tâm, hành lý đã lên máy bay chuẩn bị vượt biên đi Úc rồi ạ. Thế mà như đã nói ở bài lật đật: vẫn mất! Hai tháng sau mới đòi được tiền đền bù vali theo cân. Phấn son, váy vóc quy ra cân thịt lợn, xót xa vô cùng. Từ đấy trở đi cứ nghe có ai mất hành lý vì đi hai hãng này là vợ mình lại: “Ơ, Khánh Thi đi Nga lại mất hành lý anh này!”.

Chuyện lạ lùng nhất là một ngày đẹp trời đúng một năm sau ngày đi Nga về, mẹ mình điện ở Việt Nam sang: “Con ơi, có người ở Tân Sơn Nhất gọi mẹ lên lấy vali của chuyến bay từ Nga đi Quảng Châu”. Mình vừa buồn cười vừa bán tín bán nghi bởi hai lẽ:

– Mình bay từ Úc đi Nga, quá cảnh ở Trung Quốc, chẳng liên quan gì đến Việt Nam, thế sao cái vali lại lòi ra ở Việt Nam?

– Tại sao họ lại có số điện thoại của mẹ ở TPHCM để gọi?

Bố mình đi máy bay hơn 20 năm (nhưng) chưa bao giờ thất lạc hành lý nên kết luận: bọn này lừa đảo. Nhưng hóa ra va-li nó tìm về với chủ thật, do một lần về Việt Nam có tờ thông tin dán lên vali, xong bóc ra nhét vào ngăn ngoài cùng. Thế là họ dựa vào tờ giấy chứ họ cần quái gì mã sân bay với chả mã vạch hành lý. Cuối cùng thì mẹ cũng nhặt được con lật đật ra trong cái vali như một khu rừng thu nhỏ. Mốc trên yến mạch dài hàng gang tay, hai túi nho khô có nấm mọc thành bụi, son phấn mốc thành đủ bảy sắc cầu vồng, cả hệ sinh thái trong một phòng thí nghiệm kín một năm trời. Thật là một cái kết có hậu, cho đối tượng bị an ninh Trung Quốc nghi ngờ làm tình báo cho Nga (hoặc Úc)!

*

ĐI LX xem WC:

- Đi LX xem WC (bài 1): Tiếng Tác đánh tiếng tộ

- Đi LX xem WC (bài 2): Đêm trắng, xem Pushkin và nghe Tchaikovsky

- Đi LX xem WC (bài 3): Viếng lăng Lê Tiên Hoàng

- Đi LX xem WC (bài 4): Cuộc săn tìm lật đật Nevalyashka

- Đi LX xem WC (bài 5): Xem trứng Sa hoàng, vàng son lộng lẫy

- Đi LX xem WC (bài 6): Bữa sáng mang tâm hồn ăn uống Nga

- Đi LX xem WC (bài 7): Cơm hàng cháo chợ vẫn tâm hồn Nga

- Đi LX xem WC (bài 8): Nhớ mùa hè Kazan

- Đi LX xem WC (bài 9): Cung điện của nhân dân dưới lòng đất

- Đi LX xem WC (bài 10): Đến Tretyakov gặp nhiều cao thủ

- Đi LX xem WC (bài 11): Một ngày không thể “đen” hơn

- Đi LX xem WC (bài 12): Ở nơi hòm thư cũng có máy sưởi

- Đi LX xem WC (bài 13): Chưa thỉnh được kinh, đã chia hành lý

- Đi LX xem WC (bài 14): “Nhà quê” đi chuyến tàu Nga

- Đi LX xem WC (bài 15): Tôi đã lao động bất hợp pháp ở Kazan như thế nào?

- Đi LX xem WC (bài 16): Tiến về Cung điện Mùa đông

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả