Bàn luận

Tượng Khổng Tử ở Thiên An Môn: lại một chiến lược mới? 09. 02. 11 - 10:41 am

Lê Quảng Hàm lược dịch

Tượng Khổng Tử cao 9,5 mét nằm ở rìa phía đông quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. AFP

Tháng 1 năm 2011, tại Bắc Kinh, sự xuất hiện pho tượng Khổng Tử khổng lồ trên quảng trường Thiên An Môn – thánh địa của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã gây nên một cơn chấn động cực mạnh trong đời sống văn hóa và xã hội Trung Hoa đương đại.

Các nghệ sĩ đừng vui mừng thái quá nếu tự huyễn hoặc mình rằng sự kiện này chứng tỏ rằng chính quyền Trung Quốc đang đề cao các điêu khắc gia và nghệ thuật điêu khắc đương đại (Thực sự thì chính quyền cũng không hề coi nhẹ ảnh hưởng của nghệ thuật, và vì thế, rõ ràng giờ đây họ muốn sử dụng tài năng của các điêu khắc gia trong ván bài của mình một cách công khai, hoành tráng và cũng không kém phần mai mỉa). Cũng còn quá sớm để nói rằng việc đặt tượng Khổng Tử tại Thiên An Môn, trái tim chính trị của đất nước Trung Hoa, chính là sự xác nhận rõ ràng nhất của chính phủ Trung Quốc chuyên chế đối với nhà hiền triết và cũng là sự công nhận (có chọn lọc?) những triết thuyết của ông.

Chính quyền dường như đã tìm thấy một linh vật chính thức cho chiến dịch sử dụng quyền lực mềm của văn hóa nghệ thuật, nhằm để thế giới thấy một khuôn mặt Trung Hoa mới thú vị hơn. Linh vật ấy là Khổng Tử. Nhà tư tưởng Trung Hoa sống cách đây hơn 2.500 năm, một người từng rao giảng lòng sùng kính đối với truyền thống, đã trở thành nhân vật không-cách mạng (non-revolutionary) đầu tiên được vinh danh ở Thiên An Môn với một pho tượng hoành tráng mới – một hành động mang tính biểu tượng mới nhất, khai thác tính hấp dẫn phổ quát của thứ triết học mang tên Khổng Tử, gắn liền với chuỗi các viện ngôn ngữ Trung Hoa do chính phủ Trung Quốc tài trợ đã và đang được mở khắp nơi trên thế giới (bao giờ sẽ có ở Việt Nam?), mà chỉ riêng tại Hoa Kỳ đã có tới gần 70 cơ sở.

.

Pho tượng đồng của nhà tư tưởng choàng áo thụng cao 9,5 mét vừa mới khai trương trong tháng 1/2011 là tác phẩm của điêu khắc gia Wu Weishan, người từng dựng hơn 200 pho tượng khác nhau của Khổng Tử. Nói với phóng viên AP, ông cho biết: “Sự nổi lên của một nước lớn đòi hỏi một nền tảng văn hóa, mà văn hóa Trung Quốc luôn cần phải duy trì một tinh thần hòa hợp.” Trước đây, nhân dịp kỷ niệm lần thứ bảy mươi cuộc thảm sát Nam Kinh do phát xít Nhật gây ra trong cuộc chiến Trung – Nhật, Weishan đã được nhà nước đặt hàng thực hiện tác phẩm điêu khắc sắp đặt với 21 nhân vật thể hiện những nạn nhân của vụ thảm sát mà đến nay vẫn còn gây rối cho quan hệ Nhật – Trung. Thật tình cờ, hai chữ “hài hòa,” cũng là tiếng lóng để chỉ sự kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc đối với nghệ sĩ và các blogger bất đồng chính kiến – một khía cạnh rõ ràng rất thiếu thân thiện của nền văn hóa Trung Quốc đương đại. Vì thế, cùng với nhiều “sáng kiến” khác của chính quyền Trung Hoa, pho tượng Khổng Phu Tử mới dựng tại Thiên An Môn có thể được xem như một hành động “đánh bóng hình ảnh”.

Cùng với lăng mộ Mao Trạch Đông và bức ảnh khổng lồ của Mao chủ tịch trên cổng Tử Cấm Thành, pho tượng Khổng Từ cũng chiếm một vị trí cực kỳ có ý nghĩa trên quảng trường Thiên An Môn. Về phần Mao, chính ông đã quyết định thực hiện cuộc cách mạng văn hóa để xóa bỏ Nho giáo. Trong thời kỳ cách mạng văn hóa kéo dài tới 10 năm trường (1966 -1976), Khổng Tử đã bị tuyên cáo là một “xác ướp phong kiến”. (Theo blog China Musings, việc dựng tượng Khổng Tử tại quảng trường Thiên An Môn giống như một câu chuyện biếm nhạo, bởi với sự kiện này, Khổng Tử lại được “tái cơ cấu vào một thứ hạng cao quý” đến nực cười.)

.

Trong khi đó, tờ Economist mô tả pho tượng của điêu khắc gia Wu Weishan như một phần của nỗ lực “tái dán mác toàn cầu” do chính phủ Trung Quốc tiến hành, cũng là một hoạt động chính thức có liên quan tới việc mở cửa 320 Khổng Tử Viện trên khắp thế giới (một dạng tổ chức phổ biến ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa theo kiểu Viện Goethe của Đức) và hơn 200 Khóa học về Khổng giáo ở Mỹ. Các cơ sở này, trên thực tế, rao giảng rất ít triết lý Khổng giáo, mà chủ yếu chỉ sử dụng hình ảnh và tiếng tăm của nhà triết học như “một biểu tượng người cha tinh thần của người Trung Hoa”, đúng như phát biểu của chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong lần tới thăm một viện Khổng Tử ở Chicago nhân chuyến công cán Hoa Kỳ mới đây.

Nhiều nhà quan sát chỉ ra rằng triết lý truyền thống của Nho giáo có thể đóng vai trò trấn an trong thời kỳ biến động đến chóng mặt hiện nay. Daniel A. Bell, giáo sư triết học tại Đại học Thanh Hoa, nói với AP rằng mặt trái của sự phát triển kinh tế là “gia tăng chủ nghĩa cá nhân, gia tăng sự cạnh tranh và cảm giác lo lắng.” Những tư tưởng về đạo đức của Khổng Tử nhấn mạnh tới sự quan tâm và tôn trọng người khác cũng như trách nhiệm của mỗi người đối với gia đình và đất nước. Vì không có văn bản chính thức nào được cho là do chính Khổng Tử trước tác, triết lý của ông đã được người đời diễn giải theo rất nhiều cách; và thông điệp [của Khổng giáo] về sự tôn kính đối với nhà cầm quyền, duy trì sự hài hòa xã hội rõ ràng phù hợp với chế độ Trung Quốc hiện hành.

“Các nhà lãnh đạo đảng giờ đây đã làm sống lại hình tượng Khổng Tử, và trong thực tế đã đặt ngài ngang hàng với Mao. Trong mộ mình [ở quảng trường Thiên An Môn], hẳn Mao cũng đang rất sốc”, ông Minxin Pei, một chuyên gia về Trung Quốc ở Viện Claremont McKenna College phát biểu.

Mao đã chết hơn 35 năm rồi. Những người thừa kế chính trị của ông đã bác bỏ chính sách cấp tiến của Mao, chấp nhận chủ nghĩa tư bản và “diễn giải” ông như một nhân vật sáng lập (cha đẻ) – lãnh tụ của cuộc cách mạng mà cuối cùng đã dẫn đến sự phát triển của đất nước Trung Quốc ngày nay.

Khi sinh viên biểu tình dựng lên một pho tượng “Nữ thần Dân chủ” (kiểu Nữ thần Tự do) trên quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, xe tăng đã húc nhào nó trong cuộc trấn áp đầy bạo lực đàn áp phong trào dân chủ.

Sau đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói chung đã rẽ ngoặt sang với chủ nghĩa dân tộc nhằm lấp đầy khoảng trống sau sự sụp đổ của khối cộng sản ở châu Âu. Trong thập kỷ qua, các bậc phụ huynh học sinh, các nhà giáo dục, các quan chức chính phủ và giới trí thức ngày càng quan tâm tới Khổng Tử.

.

Vào thời điểm hiện nay, chính phủ Trung Quốc có một đòi hỏi khẩn thiết về một triết lý cho phép thuyết giảng về sự hòa hợp, khi xã hội ngày càng có sự phân biệt giàu nghèo và sự nổi giận [của quần chúng] đối với tệ nạn tham nhũng ngày càng “đổ thêm dầu vào lửa”, làm gia tăng tình trạng bất ổn; và một khi chủ nghĩa dân tộc dâng cao khó lòng kiểm soát, đã xuất hiện hàng loạt các cuộc biểu tình trong những năm gần đây.

Các nhà lãnh đạo cao cấp nhất “chắc chắn nhận ra sự thiếu vắng của một hệ thống giá trị”, ông Cheng Li, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Viện Brookings giải thích,  “rõ ràng họ đang tìm kiếm trong liều lĩnh (và tuyệt vọng?) một hệ tư tưởng, một hệ thống giá trị mới.”

Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa có bất kỳ tuyên bố công bố công khai nào “nâng đỡ” Nho giáo, mặc dù một trong những khẩu hiệu yêu thích gần đây của họ là “xã hội hài hòa.” Cùng với việc thúc đẩy thành lập hàng trăm Viện Khổng Tử để truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc ở nước ngoài, cũng đã có những đề xuất sửa đổi pháp luật nhằm bảo vệ quyền của người cao tuổi, xác định rõ hơn rằng những người trẻ tuổi phải có bổn phận thăm nom và chăm sóc cho những bậc thân sinh già lão của mình.

Song tiếp theo sẽ là gì? “Bạn sẽ thấy có một số lãnh đạo cao cấp tuyên bố rõ ràng hơn về việc củng cố, thúc đẩy … giá trị Nho giáo,” ông Cheng Li nói thêm, “Họ muốn trưng ra ‘một giỏ lớn’, và bạn có thể chọn lựa bất cứ điều gì bạn thích. Họ sẽ yêu cầu người dân nên hành xử một cách thích hợp, đừng quá hung hăng, đừng sử dụng bạo lực và không nên theo đuổi một cuộc cách mạng [mới].”

.

Ý kiến - Thảo luận

17:38 Friday,24.6.2011 Đăng bởi:  s.lon
Hay... rất chuẩn trong film Kundu có 1 cảnh ông đalai lạt ma cũng ra đi từ chính chỗ này đấy. Mọi người chẹck qua film đó đi nhé.
...xem tiếp
17:38 Friday,24.6.2011 Đăng bởi:  s.lon
Hay... rất chuẩn trong film Kundu có 1 cảnh ông đalai lạt ma cũng ra đi từ chính chỗ này đấy. Mọi người chẹck qua film đó đi nhé. 
20:11 Sunday,13.2.2011 Đăng bởi:  admin
Quoc Duong ơi, câu hỏi của bạn hồi trước cũng nhiều người hỏi và Soi đã trả lời một lần. Bạn vào đường link sau: http://soi.com.vn/?p=8874, có bài đấy đấy (bài "Xin lỗi, Soi không phải con Sen"), cũng lâu rồi... Cảm ơn Quoc Duong. Nếu có thắc mắc gì thêm về Soi thì bạn vào mục Sự kiện nhé, ở phần đầu có mục "Quan điểm của Soi" với các bài tương tự.
Thân mến,
...xem tiếp
20:11 Sunday,13.2.2011 Đăng bởi:  admin
Quoc Duong ơi, câu hỏi của bạn hồi trước cũng nhiều người hỏi và Soi đã trả lời một lần. Bạn vào đường link sau: http://soi.com.vn/?p=8874, có bài đấy đấy (bài "Xin lỗi, Soi không phải con Sen"), cũng lâu rồi... Cảm ơn Quoc Duong. Nếu có thắc mắc gì thêm về Soi thì bạn vào mục Sự kiện nhé, ở phần đầu có mục "Quan điểm của Soi" với các bài tương tự.
Thân mến, 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả