Tin tức

Tin-ảnh: Đếm cừu tại Times Square, và… 13. 03. 11 - 8:15 am

T.N tổng hợp

NEW YORK – Sắp đặt “Đếm Cừu” của nghệ sĩ Kyu Seok Oh tại Times Square (Quảng trường Thời đại) ở New York, vào ngày 2. 3. 2011. Những con cừu được làm thủ công bằng giấy bồi là một phần của cuộc trình diễn nghệ thuật sắp đặt điêu khắc nhỏ, diễn ra ngắn hạn ở Times Square cho đến hết ngày 7. 3. 2011 vừa qua. Ảnh: J. Lane

 

Đúng như đã cam kết sẽ mang những tác phẩm nghệ thuật đương đại hay nhất tới Quảng trường Thời đại, New York, tổ chức Times Square Alliance phối hợp với Armory Show đã giới thiệu với công chúng một triển lãm đương đại tại đây năm tác phẩm điêu khắc được cho là có đẳng cấp thế giới về độ kỳ dị và khơi gợi suy tưởng. Các tác giả tham gia gồm Tom Otterness, Niki de Saint Phalle, Grimanesa Amorós, David Kennedy Cutler – và một màn nghệ thuật sắp đặt được đặt ở một vị trí riêng biệt của Kyu Seok Oh.

 

Trong tác phẩm “Đếm Cừu”, Kyu Seok Oh đã tự tay làm 24 con cừu giấy bằng khung gỗ và giấy bồi, là những vật liệu truyền thống. “Tôi tin rằng dùng những vật liệu này, bầy cừu sẽ sống động, tự nhiên, như một phần của thiên nhiên vậy,” nghệ sĩ nói. Còn vì sao lại là bầy cừu giữa Quảng trường sôi động nhất thế giới này à? Vì nghệ sĩ tin rằng, giữa những ngôi nhà cao tầng, xe cộ, cửa tiệm, những đám đông, bỗng một đám cừu trắng tinh tươm hiền lành hiện ra, tương phản, sẽ khiến cho mọi người có được một chút thư giãn, nhẹ mắt, đặc biệt nếu chịu khó đếm cho hết 24 con cừu.

 

Tim Tompkins, chủ tịch của Times Square Alliance nói, “Chúng tôi rất vui được trình bày cuộc triển lãm nghệ thuật công chúng đầu tiên tuyệt vời này. Hằng ngày có hàng trăm ngàn du khách đến Times Square, và chúng tôi không thể nghĩ ra một sân khấu nào hoàn hảo hơn đây để trình bày tài năng vượt trội cũng như óc sáng tạo của những nghệ sĩ hàng đầu. Sáng kiến kết hợp này từ nay sẽ cho phép các gallery tham gia cùng chúng tôi một cơ hội để khám phá những không gian công cộng của New York, giúp các nghệ sĩ của họ vươn được tới lớp khán giả đông đảo hơn (là chỉ trong không gian các gallery).

 

LONDON.- White Cube Mason’s Yard đang trưng bày một cuộc triển lãm tác phẩm mới của Mona Hatoum có tên là ‘Bunker’ (‘Boong-ke’). Với ba tác phẩm, Hatoum đã biến không gian gallery thành những khu vực mô phỏng những vùng địa lý đầy căng thẳng, đào sâu vào tính chuyển động, sự sở hữu và di dời (ôi, trừu tượng!). Triển lãm sẽ kết thúc vào 2. 4. 2011. Ảnh: Ben Westoby.

 

Tác phẩm “Treo lơ lửng’ của Mona Hatoum tại triển lãm mới Bunker là một căn phòng dày đặc những chiếc xích đu bằng gỗ đỏ và đen, trông như những hòn đảo trôi nổi bị xích vào trần nhà. Nhìn kỹ, mỗi cái xích đu đều có bản đồ đường phố của một thủ đô nào đó khắc trên ghế ngồi, chọn bất kỳ từ các lục địa. Mỗi xích đu lại được treo một góc nghiêng với những cái bên cạnh, tạo nên cảm giác xô lệch về mặt địa lý hơn là cảm giác kết nối địa lý, ám chỉ những làn sóng của các cộng đồng di cư xuyên trái đất đã hình thành nên trải nghiệm đô thị đương đại. Khi khách tham quan đi qua đi lại, những chiếc xích đu cũng lắc lư theo, khiến cả không gian phòng triển lãm chao đảo ngay cả khi khách đã ra rồi, cho ta một cảm giác lạ lùng và bứt rứt.

 

NEW ORLEANS – Ba chuyên gia nghệ thuật nổi danh, Toby Devan Lewis, William Morrow và Susan Taylor được đề cử làm giám khảo cho cuộc thi “No Dead Artists” (Không Có Những Họa sĩ Chết) năm nay, dành riêng cho Nghệ thuật Đương đại Mỹ. Cả ba người đều có bề dày kinh nghiệm về giám tuyển và chơi thân với các bảo tàng Mỹ. Triển lãm “No Dead Artists” năm nay sẽ diễn ra từ ngày 1 – 24. 9. 2011 gallery Jonathan Ferrara, bang New Orleans. Họa sĩ khắp năm mươi tiểu bang trên toàn nước Mỹ, đang làm việc với phương tiện nghệ thuật gì cũng được, đều có thể nộp đơn. Cuộc thi này cũng là một lối thoát cho các nghệ sĩ mới lên, khi các gallery do áp lực chi phí và thị trường trở nên rất dè dặt với họ. Chính cuộc thi đã giúp các nghệ sĩ trẻ đến với công chúng rộng hơn, làm họ tự tin hơn, không phải vì những lời từ chối của các tổ chức truyền thống mà để thui chột những sáng tạo và thử nghiệm.

 

Được Jonathan Ferrara, một nhà buôn tranh kiêm “cựu” đầu tư tài chính, thành lập năm 1995, “No Dead Artists” là một lời đáp cho câu ngạn ngữ xưa, rằng các họa sĩ phải đợi chết đi rồi mới thành đạt. Dự thi “No Dead Artists” là những người chưa thành danh, sau bao năm, từ một cuộc thi nho nhỏ, nay đã thành cấp quốc gia và uy tín cao, người nào về nhất cuộc thi cũng tự động thành “sao”, không đợi đến lúc chết.

*

Bài liên quan:

– Tin-ảnh: Đếm cừu tại Times Square, và…
– Nghệ thuật khái niệm của Mona Hatoum

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả