Từ ngày 31. 7 đến 05. 9. 2010, Viện Hàn lâm Nghệ thuật (Akademie der Künste) tại Berlin có cuộc trưng bày quan trọng về những tác phẩm tuyển chọn của nghệ sĩ Mona Hatoum tại khu triển lãm Pariser Platz.
Triển lãm này bao gồm những tác phẩm tiêu biểu như Deep Throat / Họng sâu (1996), một chiếc bàn ăn chỉ dành cho một người với một chiếc đĩa đựng thức ăn trống không, và thay vào đó, mặt đĩa chính là màn hình chiếu một đoạn video quay về “con đường hầm” dẫn sâu vào “vực thẳm” – một cú nội soi vào trong cổ họng.
Ngoài ra, triển lãm còn có những tác phẩm xuất sắc mới đây của bà như Undercurrent (red) / Ngầm (màu đỏ) (2008), Electrified III / Tích điện III (2010) và Paravent / Màn (2008).
Trong hoạt động truyền thống có tên là “Long Night of Museums” (tạm dịch: “Đêm dài của các bảo tàng” – một hoạt động đồng loạt diễn ra trong một đêm của nhiều bảo tàng, nhà hát, gallery và kéo dài tới 2 giờ sáng, tạo điều kiện cho du khách được tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật với chỉ duy nhất một vé – ND) vào ngày 28/8/2010, tác phẩm video có tiêu đề Measures of Distance / Các giới hạn khoảng cách (1988) của bà cũng sẽ được trình chiếu. Đồng thời, sẽ có một buổi thuyết trình về các tác phẩm của Mona Hatoum do Ursula Panhans-Bühler và Friedrich Meschede chủ trì.
Hot spot - thép không rỉ và đèn neon
Mới đây, Viện Hàn lâm Nghệ thuật, Berlin, đã trao giải thưởng Käthe Kollwitz (trị giá 12,000 Euro) cho Mona Hatoum. Với quyết định trao giải thưởng này cho bà, Học viện Nghệ thuật muốn vinh danh người nghệ sĩ đã có những tác phẩm đa chiều, mô tả con người thường xuyên bị kẹt giữa bạo lực, cường quyền và dễ bị tổn thương. Giải thưởng Käthe Kollwitz hàng năm được Viện Hàn lâm Nghệ thuật trao cho một cá nhân có những cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực mỹ thuật. Giải thưởng được đồng tài trợ bởi Kreissparkasse Köln và Quỹ tài trợ nghệ thuật của Bảo tàng Käthe Kollwitz, Cologne. Trong số những nghệ sĩ đã từng nhận giải thưởng này trước đây có cả Ulrike Grossarth (2009), Hédé Buhl (2007), Lutz Dammbeck (2005) và Peter Weibel (2004).. Ban giám khảo của giải gồm các thành viên của Viện Hàn lâm Mỹ thuật – Lothar Böhme, Dieter Goltzsche và Robert Kudielka. Nhân dịp này, một cuốn catalogue của bà cũng sẽ được xuất bản cùng với một triển lãm cá nhân của nghệ sĩ.
Undercurrent (red), 2008, sắp đặt (chi tiết)
Sinh ra tại Lebanon trong một gia đình Palestine vào năm 1952, Mona Hatoum đã trải qua những năm tháng sinh sống ở London kể từ năm 1975 và sau đó, tại Berlin, kể từ khi bà nhận học bổng DAAD của Đức vào năm 2003. Ngay từ những năm 1980 các tác phẩm của bà đã được trưng bày trong nhiều viện bảo tàng có uy tín trên thế giới và có mặt trong nhiều triển lãm quốc tế, bao gồm cả Venice Biennale và Documenta ở Kassel. Tháng Năm 2010, Mona Hatoum đã được chính thức được bầu chọn làm thành viên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật, Đức (Akademie der Künste).
Trong những tác phẩm trình diễn đầu tiên của bà (ví dụ Roadworks, 1985) Mona Hatoum đã khớp nối một loạt thực hành nghệ thuật giàu tính triết lý mà cho đến nay bà vẫn kiên trì theo đuổi – một thứ ngôn ngữ nghệ thuật được chính thức sinh ra bởi phong trào Minimalism và nghệ thuật khái niệm.
Lớn lên tại Beirut, nghệ sĩ thường xuyên quan tâm tới các hoạt động chính trị và thể hiện trong tác phẩm của mình những trải nghiệm cá nhân tại Trung Đông cũng như kinh nghiệm sống hơn 35 năm ở Tây Âu. Kể từ những năm 1990, bà ngày càng chuyển hướng sang xu hướng sắp đặt, nhằm khám phá và giải thích những bối cảnh không gian trong sự tương tác với nghệ thuật điêu khắc, khuyến khích sự tham gia tích cực của người xem. Tương tác là một khía cạnh quan trọng trong hoạt động thực hành nghệ thuật của bà, nhằm khảo sát các vỉa tầng khác nhau của kinh nghiệm thẩm mỹ.
Về mặt hình thức và chất liệu, các tác phẩm trình diễn của Hatoum không chỉ bao gồm những bức ảnh chụp và các đoạn băng video, mà bà đưa vào cả những đồ nội thất, các vật dụng hàng ngày, dụng cụ nhà bếp và các vật liệu đa dạng khác như tóc người, vải vóc, sắt thép, ấn phẩm, bóng đèn và thậm chí cả cây cỏ. Nghệ thuật sử dụng đồ vật hàng ngày của bà thật hấp dẫn và gần gũi đối với người xem, đồng thời, các đối tượng trưng bày đó lại gây nên tình trạng xáo động khi chúng được chuyển thể thành những tác phẩm điêu khắc đầy xa lạ và đe dọa ngầm.
"Deep Throat”, 1996, sắp đặt, màn hình video nằm tại vị trí lòng đĩa.
Trong suốt nửa đầu thập kỷ 1980, Hatoum đã thực hiện một loạt các cuộc trình diễn gây tranh cãi bởi những nội dung đẫm màu sắc chính trị. Cũng trong dòng sáng tác này, tác phẩm Roadworks đã ra đời vào năm 1985. Bà thực hiện tác phẩm trình diễn này [quay thành phim video, có thể tham khảo tại địa chỉ đường link: http://catalogue.nimk.nl/site/art_play.php?id=8990] trên một con phố tại Brixton, một khu phố nghèo nằm ở ngoại ô London.
Hatoum đã tiến hành hai buổi biểu diễn, do nghệ sĩ Stefan Szczelkun giúp đỡ công tác tổ chức, có tên gọi chung là “Roadworks” (tạm dịch: “sản phẩm đường phố”). Tác phẩm trình diễn này cố ý tạo nên mối liên hệ giữa một nhóm nghệ sĩ cụ thể “can thiệp” vào đời sống hàng ngày của một cộng đồng lao động nghèo khó. Bằng cách này, các nghệ sĩ đã xây dựng nên một tác phẩm “tại hiện trường” và nhằm tới một đối tượng [khán giả] rất khác biệt: những người lao động nghèo không có thói quen tới thăm các viện bảo tàng và phòng trưng bày.
Trong tác phẩm trình diễn này (xem băng video), Hatoum lê đôi chân trần dọc theo con đường nằm trên khu phố ở Brixton với một đôi giày da nặng nề nhãn hiệu Doc Marten buộc giây vào cổ chân nghệ sĩ. Đôi chân trần trụi của bà xuất hiện với vẻ rất dễ bị tổn thương so với những bước đi chắc nịch của cảnh sát hoặc của những thanh niên đầu trọc lướt ngang. Nghệ sĩ đã tự “trình bày” mình như là một người nghèo – những người luôn dằn vặt với những vấn đề về hệ thống [xã hội] , cố gắng thể hiện một cách hiển nhiên cái cơ chế cấu trúc của nó thông qua một hành động mô tả một hành động: đi bộ – một cử động cơ bản của con người – đã trở nên khó khăn xiết bao.
Ảnh chụp một cảnh trong tác phẩm video art “Roadworks”, 6'45'', 1985
Vườn treo
Light Sentene
(Nguồn: Art Daily và Netherlands Media Art Institute)
*
Bài liên quan:
– Nghệ thuật khái niệm của Mona Hatoum
– Tin-ảnh: Đếm cừu tại Times Square, và…