|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ Việt Nam3D TRẮNG: một cá nhân đã mỏi mệt? 18. 06. 11 - 12:49 pmCao Tốc Xa
TRẮNG BA CHIỀU – 3D WHITE Khai mạc: 18h, chủ nhật 5. 6. 2011 * Sinh năm 1948, với 40 mươi năm hoạt động và tìm được danh tiếng trong lĩnh vực Mỹ thuật, họa sỹ Nguyễn Quân vừa cho ra mắt một cuộc triển lãm cá nhân với hơn 26 bức tranh sơn dầu và ba bức tượng đá tại Mai gallery (Art Talk Café), 12 Quán sứ. Tên của triển lãm: 3D Trắng( 3D White). Cho tới tận hôm nay, sau 40 mươi năm kể khi ông bước chân vào lãnh vực này, trong rất nhiều bài báo nói về những hoạt động của ông, người ta vẫn thường nhắc lại việc khởi đầu của ông không phải là học vẽ – ông là một họa sỹ tự học. Đối với những người viết, hình như nhắc lại điều này là để nhấn mạnh hơn sự hoạt động sôi nổi của ông trong lĩnh vực mỹ thuật. Quả thực sự đóng góp của Nguyễn Quân cho nền mỹ thuật, nhất là ngành phê bình mỹ thuật, là to lớn. Học về toán điều khiển học tại Đông Đức, nhưng Nguyễn Quân có một khả năng tuyệt vời về ngôn ngữ. Những cuốn sách của Đông Đức viết về những đề tài khô cứng của thời XHCN dưới ngôn ngữ dịch thuật của ông đã trở nên thú vị và dễ đọc. Thế nhưng, việc từ bỏ một vị trí ổn định là một chuyên gia dịch thuật của Phủ thủ tướng, bước chân vào lĩnh vực nghệ thuật chính là một lựa chọn phù hợp với niềm yêu thích của ông từ trước. Nguyễn Quân mau chóng được giới mỹ thuật chào đón: với những hiểu biết, kiến thức cùng với vốn ngoại ngữ mà ông đã mang về từ Đông Đức – một đất nước được cho là cởi mở hơn cả trong khối xã hội chủ nghĩa. Nhất là thời điểm khi ông trở về, chiến tranh đã kết thúc, và nhu cầu của giới họa sỹ là vô cùng, vì không thể chịu đựng sự đóng cửa lâu hơn nữa, đặc biệt là với lớp người trẻ. Khi ấy, “ Đổi mới”, “mở cửa” đang manh nha, và Nguyễn Quân đã nhập cuộc một cách hoàn hảo và có ích trên cương vị một nhà phê bình mỹ thuật rồi sau là một họa sỹ. Ông mang về và truyền bá nhiều kiến thức, thông tin mới về lí luận mỹ thuật. Cũng chính thống như nhiều người lúc ấy, ông vẽ và tham gia vào các hoạt động mỹ thuật với những cuộc triển lãm của nhà nước, ông vẽ những đề tài “ phải đạo” nhưng bằng một bút pháp vừa được một số đồng nghiệp châm chước “vì không được đào tạo chính thống”, vừa khiến nhiều đồng nghiệp và người xem khác nể phục và xem như một phong cách – một phong cách “ khác”. Trong thời điểm đó, cái “ khác” (của bất kỳ ai) mà được số đông chấp nhận một cách vui vẻ quả thật là rất quan trọng. Chưa nói đến việc những hoạt động của sôi nổi và “khác” của Nguyễn Quân ngày ấy là một trong những tác nhân thúc đẩy, cổ vũ cho một bộ phận họa sỹ trẻ đang tìm kiếm con đường thoát khỏi sự giáo điều trong nghệ thuật. Và cái “khác” này là một cách nói khác của cái “cá nhân” mà có lúc nào đó người ta phải nói tránh đi để né sự lên án, sự cố tình hiểu nhầm sang “chủ nghĩa cá nhân” của những kẻ hay chụp mũ – có lẽ cũng nhờ điều đó mà về sau này, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đã ca ngợi Nguyễn Quân như một người biết nêu cao cái “cá nhân” của người sáng tạo trong lời khai mạc triển lãm 3D Trắng vừa rồi. Định hình cách vẽ, định hình cả đề tài, những tác phẩm của ông được sáng tác đều đặn cùng với việc liên tục ra những cuốn sách và những bài phê bình, lịch sử Mỹ thuật. Người ta biết đến tranh Nguyễn Quân nhiều hơn vì những bài phê bình, những cuốn sách về mỹ thuật mà ông cho ra đời. Và người ta lắng nghe ông hơn vì ông không chỉ có nói mà ông còn vẽ, và ông có thể tự cảm nhận được sâu sắc tâm lý của người sáng tạo. Và đến triển lãm 3D Trắng lần này, có lẽ lí trí mách bảo cho ông rằng ông cần thay đổi. Với tất cả những bài học mà tiền nhân để lại, có lẽ ông cũng hiểu rằng: thật vất vả để xây dựng một “cá nhân”. Thế nhưng rồi chính một ngày đẹp trời nào đó, chính cái “cá nhân” đã xây dựng được, đã được vinh danh như một chủ thể sáng tạo kia sẽ quay trở lại kìm hãm sáng tạo. Cá nhân ấy càng vững chãi, sự kìm hãm càng lớn. Nhắc lại lời trích Osho của Phan Cẩm Thượng về triển lãm này: “Khi làm việc gì đó quá nhiều thì ta đang phá hủy nó”, với 3D Trắng lần này, Nguyễn Quân, bằng sự thông minh vốn có, và bằng cả sự dũng cảm, ông đã muốn thay đổi. Thế nhưng, cái trớ trêu ở đây lại là chính cái vô thường, cái khó nắm bắt của nghệ thuật. Anh có thể biết đấy, anh có thể muốn đấy, nhưng cái tác phẩm khi nó ra đời nhiều khi chính anh cũng chả nắm bắt được… Nó bỗng bất kham, nó vùng vẫy, nó độc lập với anh, nó không còn là anh nữa, đôi khi nó nói nhiều hơn cái anh muốn, và đôi lúc nó nói sai bét điều anh muốn, hoặc tệ hơn, nó chẳng nói được điều gì. Anh càng cố gắng thì anh càng “phá hủy” nó. Với 3D Trắng, đối diện thực sự với những bức tranh, tạm quên đó là Nguyễn Quân (một tác giả thực sự đáng kính), tôi đọc thấy những ý định, những mong mỏi của sự “khác”, nhưng lại thiếu hẳn sự bất ngờ của ước vọng thay đổi đó. Cái “khác” trong tranh lần này hình như chưa phải là khác trong nội tại, vẫn chỉ là đang nỗ lực tìm kiếm ở bên ngoài. So với những bức phụ nữ quen thuộc trong tranh của Nguyễn Quân suốt một giai đoạn dài, những bức phụ nữ trắng của ông lần này có vẻ kiệm màu hơn. Có lẽ ông muốn tinh lọc và tối thiểu chúng đi, và làm cho chúng mạnh hơn bằng thủ pháp lập thể. So với sự ngẫu hứng và có vẻ hồn nhiên ở những bức tranh trong giai đoạn trước thì đây là một sự thay đổi; mặc dù vẫn là những bức khỏa thân của phụ nữ không đầu, nhưng đã được chau chuốt hơn, lại có vẻ thích nhấn nhá, phô diễn hơn ở những “điểm” được cho là gợi cảm ở thân thể người phụ nữ. Nhưng mặc cho tất cả những điều ấy, tôi không thấy cảm hứng của ông trước cái đẹp từ thân thể phụ nữ. Cái đẹp ở đây, (xin mở ngoặc, không phải là cái đẹp “hoa hậu”) có một biên độ thật rộng của cảm giác, từ sùng bái, thuần kiết cho đến nhục dục, thậm chí ghê tởm – đều không thấy trong những bức tranh của ông. Bức Quốc hoa 2 có lẽ là một sự hài lòng của Nguyễn Quân, như đứa con đầu lòng được bố mẹ dồn hết sức vào, chau chuốt và thể hiện mọi ước mơ thay đổi. Còn lại các bức khác, cụ thể như Quốc hoa 1, tôi có cảm giác thân thể người phụ nữ như được nặn vội vàng bằng bột mì và đang có xu thế nhũn ra và chảy xệ. Phụ nữ trong tranh với tư thế gượng gạo của những “mẫu” đứng ngồi cho sinh viên tập vẽ. Xem qua xem lại, ngạc nhiên quá, lòng thắc mắc, hay là ông muốn giễu nhại điều gì? Hình như cũng không được thế. Đây chỉ đơn giản là một sự khô khan và yếu về hình họa, cho dù ông đã muốn hình hài người phụ nữ phải được ôm ấp và trân trọng bằng cách cho nở ra từ một đóa hoa. Hay như bức Khỏa thân 1 với cảm giác buồn tẻ và khô cứng từ màu sắc đến cả hình hài người phụ nữ. Nó khô cứng đến độ có cảm giác nhân vật nữ trong tranh đó là lưỡng tính… Bức Khỏa thân 7 có vẻ cũng chịu chung số phận như vậy. Đến bức Khỏa thân 5 thì quả thật khiến tôi ngạc nhiên: một sự gán ghép và chống chế đến vội vàng. Một tấm lưng trần được gán vội lên trên một bề mặt được vạch ngang vạch dọc với vài ba miếng màu vuông, tam giác. Với cái nền đó, hình như tác giả chỉ định chứng minh rằng đó là tranh với đầy đủ dìu dặt, bố cục, mở và đóng… và đặt lên trên cái nền ấy là cái “đẹp”. Một cái “đẹp” rất dễ nhận thấy và quen thuộc. Một cái đẹp sẽ rất dễ vẽ ra nếu một ai đó muốn diễn tả một người đẹp với tấm lưng ong mềm mại, một cái mông rộng và tròn trịa. Nhưng vậy mà ở bức tranh này, có mông đó, lưng đó, mà những đường viền quanh người phụ nữ sao mà dễ dãi, sao mà cứng, trông như những bức vẽ bọn trai làng vẫn dùng than bếp vạch lên tường gạch nhà một thiếu phụ lẳng lơ trong vùng, kèm theo dòng chữ “Y – anh yêu em!”, nhưng lại không “vui” bằng. Quả thực, trên thế giới, có không ít những họa sỹ, và kể cả các họa sỹ rất tài ba mà cả đời chỉ vẽ đi vẽ lại một hai đề tài. Thậm chí có người cả đời chỉ vẽ bằng một màu đen, và họ vẫn vẽ mà không hề chán. Chính bởi vì, đối với họ, đề tài không quan trọng nếu như nó đủ để tải sự khám phá, tình yêu cũng như cảm hứng của họ đối với chính đề tài ấy. Họ cả đời chỉ vẽ màu đen, nhưng màu đen ấy, theo năm tháng, cũng đã khác. Khác trong tâm trí họ, trong nhận thức của họ đối với cái màu ấy. Đề tài cũng như đời sống vậy, ta sống mỗi ngày, gần như là lặp lại, vậy mà vẫn luôn luôn mới, vẫn có thể truyền cảm hứng đó tới ta, tới người xem. Vì ta đã mới, và nó cũng mới theo. So với những bức tranh trong giai đoạn trước có màu sắc và bố cục lẫn nhịp điệu phần nào bay bổng của loại thủ pháp mà có người nào đó đã cho rằng gần với “siêu thực”, thì trong những bức tranh lần này, khi Nguyễn Quân chọn một thủ pháp đơn giản hóa về màu sắc, sự khó khăn đã xuất hiện. Xem tranh ông, tôi nhận thấy sự mệt mỏi (của tác giả) hiện ra trên mặt sơn khi phải đối diện với những khó khăn đến từ sự không-có-gì-mới-về-quan-niệm. Tôi cảm giác ông vẫn vẽ hoa, vẽ phụ nữ, nhưng quan niệm của ông về hai đối tượng đó không có gì đổi khác, thậm chí nhàm chán đi, mòn mỏi, thành vô cảm. Không thấy tình yêu, thù ghét, hay cảm giác gì khác. Làm sao ta có thể “khác” khi lòng ta thực sự không có gì “khác”? Thực sự là khó khăn đấy. Phải chăng, chính vì vấp phải những khó khăn và để tránh né sự rất dễ trở nên đơn điệu của những bức Khỏa thân kia, Nguyễn Quân đã cho chúng ta đổi mắt bằng những bức trừu tượng sơn dầu kết hợp với mực tầu vẽ trên giấy gió, hoặc tranh in làng Sình (một loại tranh hàng mã dùng để đốt cho người âm). Sự cân đối, sự uyển chuyển, với một chút phóng khoáng của nhát bút mực nho loang trên giấy dó, chút màu sắc tươi rói trên tranh in làng Sình được điểm xuyết trên những mảng màu trắng, ghi, đen; vài nhát tút của chất sơn được đắp dày nhằm tạo sự thay đổi và phong phú của chất liệu. Tất cả những cái đó khá dễ xem và dễ vừa mắt. Thế nhưng tất cả cái đó có gì mới không? Không mới. Tất cả các thủ pháp thị giác đó đã được khá nhiều các họa sỹ nhà ta khi thực hành theo phong cách trừu tượng đã bấu víu vào để tạo một dấu ấn Phương Đông cho một trào lưu Phương Tây. Khác chăng là thay vì dùng tiền vàng mã, tranh Đông Hồ, tranh Tố nữ hay tiền chinh cũ dán lên, thì ở đây, Nguyễn Quân lần đầu tiên dùng tranh làng Sình. Nhưng điều đó cũng không thay đổi được gì nhiều. Cũng không thể nói rằng vì tranh làng Sình thì khác và mới hơn tranh Đông Hồ hay Tố Nữ. Cái sự mới và khác không nằm ở chỗ đó. Trong lời đáp từ tại buổi khai mạc triển lãm 3D Trắng sau lời khai mạc của họa sĩ Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Quân có nói: “Nghệ thuật đối với tôi bây giờ giống như bố mẹ, vợ con, cháu và bạn bè…” Những điều ông nói có lẽ là mong muốn của ông với nghệ thuật. Ai mà chẳng muốn nghệ thuật đến với mình tự nhiên như nước uống và hơi thở. Thế nhưng, với những bức tranh trong triển lãm này, tôi đã nhìn thấy quá nhiều nỗ lực.
Bài liên quan: – Khai mạc TRẮNG 3D: đông ơi là đông! Ý kiến - Thảo luận
11:46
Friday,24.6.2011
Đăng bởi:
VNLEAK
11:46
Friday,24.6.2011
Đăng bởi:
VNLEAK
Bạn Bùi quang Thắng ơi. Sao lại coi Soi là không/ phi chính thống thế. Tôi nghĩ là tất cả những gì xuất hiện đàng hoàng, công khai, lộ sáng mọi người đều đọc đều xem và đều cùng có thể có ý kiến trao đổi thì đều đã là những phát ngôn và hành động chính thống của tác giả còm hoặc của Soi rồi đấy ạ. Thời buổi này mà cứ chia chính thông hay phi/ không chính thống thì mệt quá. Và mọi người sẽ luôn nghĩ là những gì không chính thống thì sẽ không có tư cách đàng hoàng tồn tại . Sao lại thế ạ.
16:55
Thursday,23.6.2011
Đăng bởi:
Bùi Quang Thắng
Bài viết quá tinh tế và những người còm cũng quá hay. Chỉ tiếc là những ý kiến này chưa đến được với đại đa số công chúng ở VN nhanh và rộng rãi bằng những ý kiến của các nhà nghiên cứu/phê bình nghệ thuật chính thống thôi.
Nhìn những cố gắng của các nghệ sỹ cũng như các nhà lý luận chính thống, tôi thấy hình ảnh mấy con gà chọi cứ nhảy lung tung trong ...xem tiếp
16:55
Thursday,23.6.2011
Đăng bởi:
Bùi Quang Thắng
Bài viết quá tinh tế và những người còm cũng quá hay. Chỉ tiếc là những ý kiến này chưa đến được với đại đa số công chúng ở VN nhanh và rộng rãi bằng những ý kiến của các nhà nghiên cứu/phê bình nghệ thuật chính thống thôi.
Nhìn những cố gắng của các nghệ sỹ cũng như các nhà lý luận chính thống, tôi thấy hình ảnh mấy con gà chọi cứ nhảy lung tung trong khi bị giam cầm bởi các cái bu gà. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp